Về bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
TCCSĐT - Nhìn lại 82 mùa Xuân qua, thêm nhận thức về bản lĩnh chính trị của Đảng, nhận thức rõ những đòi hỏi thực tế hiện nay đối với Đảng là góp phần nâng cao bản lĩnh, nghị lực để Đảng thực hành có hiệu quả cao nhất trong thực tế công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khi nói về điều kiện tự thân để Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững vai trò đối với dân tộc, Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hơn 80 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình chính là bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho dân tộc; bằng sự hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết chặt chẽ, vững chắc, "trăm người tiến đánh chỉ như một người"; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ…”(1). Như vậy, vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng chỉ có thể được khẳng định đối với xã hội trước hết bằng năng lực và phẩm chất của Đảng. Trong những phẩm chất đó, bản lĩnh chính trị của Đảng có vị trí hàng đầu.
Bản lĩnh chính trị của Đảng chính là phẩm chất chính trị của Đảng phát triển đến trình độ cao, tự giác và sáng tạo, thể hiện rõ năng lực làm chủ về chính trị trong những nhiệm vụ đặc biệt, trước những thách thức gay gắt vào thời điểm bước ngoặt. Bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện ở tính kiên định về mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn; nhất quán nguyên tắc tổ chức và hoạt động; sự linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược; tính độc lập, tự quyết, sáng tạo trong các quyết sách; thái độ và cách xử lý các tình huống phức tạp, khó khăn trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách; sự nhạy cảm với cái mới và khả năng tự đổi mới; kiên quyết và sáng tạo trong đấu tranh chống lại sự tấn công của kẻ thù để bảo vệ mình; sự vững vàng, kiên định về lập trường chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là sự trung thành với học thuyết Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng và chế độ chính trị mà người đảng viên đã lựa chọn và phấn đấu bằng thái độ dứt khoát, sự tự chủ, độc lập, sáng tạo trong mọi hoạt động. Nói cụ thể hơn, bản lĩnh chính trị của Đảng ta là vừa kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vừa biết mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo ở từng chặng đường để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng giai đoạn lich sử cụ thể đã được hoạch định trong mục tiêu chiến lược của cách mạng; biết vận hành chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa một cách khoa học, phù hợp; xây dựng Đảng ngang tầm, có sức chiến đấu cao, không hoang mang, dao động trước khó khăn, không giấu giếm khuyết điểm, sai lầm mà dám thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm để tự sửa chữa, không ngừng đổi mới để phát triển. Tất nhiên, bản lĩnh chính trị chỉ có thể đưa đến thành công trên cơ sở trí tuệ của Đảng. Không có trí tuệ thì bản lĩnh chính trị trở nên liều lĩnh không có cơ sở cho thành công.
Nhân dịp 82 năm tuổi của Đảng, tác giả bài viết xin nhìn nhận bản lĩnh chính trị của Đảng ta trên nền tảng trí tuệ, khoa học ở hai vấn đề cơ bản sau:
Lựa chọn và kiên định mục tiêu
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy sự đúng đắn trên cơ sở khoa học biện chứng, tính khách quan theo quy luật phát triển của lịch sử, ý nghĩa to lớn, nhân văn cao cả của việc lựa chọn con đường cho cách mạng Việt Nam. Giữa lúc chủ nghĩa đế quốc thế giới như mây đen ngột ngạt bao phủ khắp hành tinh, bọn thực dân trong nước như lũ quỷ đói khát máu; trong khi nhân dân ta lầm than, nghèo đói, thất học, lực lượng cách mạng chưa được xây dựng, những bậc yêu nước tiền bối loay hoay chưa tìm được “lối ra”, cách mạng Việt Nam lang thang như con tầu chưa biết hướng đi giữa trùng khơi mịt mùng giông bão! Trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi ra đời đã thể hiện bản lĩnh chính trị đầy trí tuệ, đó là việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản để hướng dân tộc đi theo.
Từ “lời giải” sáng tạo đối với “bài toán” khó cách mạng mà Đảng đưa ra, nhân dân ta thấy “đáp số” đúng, giải quyết trúng những nhu cầu cả cấp thiết lẫn lâu dài đối với mỗi người và cả cộng đồng dân tộc trong xu thế của thời đại - thời đại do cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vạch ra, nên cả dân tộc đã tự nguyện, nhất tề đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng và ủy thác sự lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc. Ở thời điểm lịch sử đó, không phải đảng nào cũng có được bản lĩnh chính trị vững vàng để lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn, và càng không phải đảng nào cũng đủ bản lĩnh chính trị để sáng tạo đưa ra một đường lối đúng, phù hợp với hòan cảnh nước mình như Đảng Cộng sản Việt Nam để định hướng cho cuộc cách mạng của dân tộc mình. Đường lối chính trị đúng đắn và sáng tạo là cơ sở bảo đảm để cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới trong hơn 25 năm qua, vượt mọi khó khăn do bị bao vây cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đứng vững và tiếp tục đi lên trong cơn chấn động chính trị dữ dội trên thế giới (những năm 1989 - 1991), cơn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế ở khu vực (những năm 1997 - 1998) và trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tổ quốc ta, dân tộc ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay. Thực tế những thắng lợi to lớn đó của cách mạng được bắt nguồn trước hết từ bản lĩnh chính trị của Đảng trong việc lựa chọn và kiên định phương thức chính trị đúng đắn, hợp lòng dân, hợp xu thế phát triển thời đại của Đảng Cộng sản Việt Nam - Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Lựa chọn con đường cách mạng vô sản đã thể hiện bản lĩnh chính trị của những người cộng sản Việt Nam: tin vào sức mạnh của nhân dân một khi được tổ chức; tin vào chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thắng lợi cuối cùng của con đường cách mạng vô sản; tin vào khả năng lãnh đạo của chính mình để làm nên mọi thắng lợi của cách mạng… Và chính những niềm tin ấy đã góp phần làm nên bản lĩnh chính trị của Đảng ngay từ khi thành lập. Bác Hồ và Đảng ta lựa chọn mục tiêu xây dựng một xã hội của nhân dân, vì nhân dân và phải do nhân dân chính là gắn mục tiêu trước mắt với mục tiêu lâu dài, đích cuối cùng với mục tiêu của chặng đường thứ nhất. Giữa hai giai đoạn này không có bức tường ngăn cách, không có chế độ xã hội trung gian, chỉ có thời kỳ quá độ cần thiết làm tiền đề cho xã hội tương lai. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là gắn giành quyền làm chủ đất nước cho nhân dân, độc lập cho Tổ quốc với dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là đã nhận thức biện chứng tất yếu, là động lực to lớn để giải quyết mục tiêu trước mắt: độc lập dân tộc. Không có độc lập dân tộc sẽ không có bất kỳ một chế độ xã hội tốt đẹp nào của nhân dân có thể được xây dựng. Và nếu có độc lập mà dân không giàu, nước không mạnh, xã hội không dân chủ, công bằng, văn minh thì nền độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì, và đương nhiên nền độc lập dân tộc không được bảo đảm. Vì thế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội hòa quyện vào nhau, thống nhất biện chứng với nhau được Đảng ta xác định ngay từ lúc ra đời.
Sự lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng, và đến lượt nó đã trở thành nền tảng cho sự kiện định mục tiêu cao cả đó trong suốt tiến trình qua 82 năm cách mạng giải phóng dân tộc, đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế dưới ngọn cờ của Đảng. Đó là bản lĩnh chính trị để làm nên những huyền thoại, đưa Việt Nam vững bước hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và, trong công cuộc phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế hiện nay và mai sau, mục tiêu cao cả đó vẫn là phương châm chỉ đạo, định hướng dứt khoát.
Xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng là thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới tình trạng trên và cả những căn nguyên của việc suy thoái, tiêu cực trong Đảng chậm được khắc phục và kéo dài; đồng thời cũng xác định xây dựng Đảng là công tác vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác này trong thực tế, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây: Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong ba vấn đề đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Rõ ràng, tình trạng suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức của một bộ phận không nhỏ đảng viên của Đảng; sự suy giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, mong muốn Đảng xây dựng, chỉnh đốn để ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng đều đang là thực tế khẩn thiết như nhau. Tuy nhiên, trong suốt 82 năm hoạt động, công tác xây dựng Đảng được bản thân Đảng và các tầng lớp nhân dân đã luôn luôn tích cực tham gia, song càng gần đây tình trạng trên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có chiều hướng gia tăng. Hơn lúc nào hết, công tác xây dựng Đảng càng trở nên cấp bách, nhân dân và cả bản thân Đảng đòi hỏi phải tạo được sự chuyển biến tích cực thực tế trong Đảng.
Để tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực tế xây dựng Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI nêu rõ 4 nhóm giải pháp lớn: 1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; 2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; 3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; 4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong việc sửa mình để ngang tầm với yêu cầu sự nghiệp cách mạng hiện nay. Một lần nữa, bản lĩnh chính trị của Đảng được tòan dân ghi nhận. Vấn đề mong đợi vẫn là hành động quyết liệt, nghiêm túc, tạo được chuyển biến tích cực trong hành động thực tế của bản thân Đảng và mỗi đảng viên của Đảng. Đảng ta là “con nòi” của dân tộc, sinh ra trong lòng dân tộc, được nhân dân xây dựng, đùm bọc, chở che, tin tưởng ủy thác lãnh đạo; nhân dân tự hào về tài năng, sự hy sinh cao cả của Đảng và nhiều tấm gương đảng viên đã đóng góp, xả thân vì nền độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Nhân dân bao dung đối với những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong quá trình lãnh đạo, nhưng nhất thiết phải được thẳng thắn nhận thức, dũng cảm sửa chữa và có chuyển biến tích cực trong thực tế.
Khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương: “Cần nghiêm túc phân tích thật sâu sắc những nguyên nhân chủ quan, chỉ ra những căn bệnh gốc rễ, như: do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; việc tổ chức thực hiện nghị quyết không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Đặc biệt, có một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng?”(2).
Hơn lúc nào hết, một trong những vấn đề trước hết hiện nay là xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong thực tế. Vấn đề xác định đã đúng và trúng, quyết tâm chính trị cao đã được nêu rõ, mục tiêu, phương hướng chính xác đã được xác định, giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện rõ ràng cũng đã được vạch ra. Đảng và nhân dân lại tiếp tục tin tưởng, quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện một cách có tổ chức, dũng cảm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị để có biến chuyển tích cực trong thực tế. Điều đó quyết định đến vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.
Mùa xuân Nhâm Thìn, mừng Đảng thêm kinh nghiệm, thêm quyết tâm và thêm bản lĩnh chính trị./.
-------------------------------------
(1), (2) - Tạp chí Cộng sản Điện Tử, ngày 31-12-2011
Để Đảng giữ vững sứ mệnh lịch sử với sự phát triển của đất nước, dân tộc  (02/02/2012)
Dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Kim Liên  (02/02/2012)
Mãi mãi niềm tin theo Đảng  (02/02/2012)
Tạp chí Cộng sản điện tử: Mười năm phát hành - mười năm phát triển  (02/02/2012)
Lấy độc trị độc  (02/02/2012)
Thủ tướng đến thăm Trung đoàn 940  (01/02/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển