Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 2-1 đến ngày 8-1-2012)
TCCSĐT - Ngày 5-1-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, trong đó cam kết quân đội nước này sẽ duy trì "ưu thế vượt trội" và tăng cường sự hiện diện tại châu Á, bất chấp việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Tổng thống Barack Obama tuyên bố quân đội Mỹ sẽ trở nên tinh gọn hơn, nhưng nước Mỹ vẫn duy trì ưu thế vượt trội về quân sự, với một đội quân được trang bị hiện đại, có khả năng phản ứng nhanh, linh hoạt và sẵn sàng đương đầu với những đe dọa và tình huống bất ngờ.
1. Năm 2012 - châu Âu đối mặt với đầy khó khăn
Trong thông điệp đầu năm mới, các nhà lãnh đạo châu Âu đều cảnh báo năm 2012 sẽ là năm đầy khó khăn khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán khu vực này sẽ đi vào suy thoái trong 6 tháng đầu năm. Phát biểu trên truyền hình Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, mặc dù hoạt động kinh tế của Đức tương đối tốt, song năm 2012 chắc chắn sẽ là một năm khó khăn hơn so với năm 2011. Theo bà A.Merkel, châu Âu đang trải qua thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên và con đường phía trước còn rất nhiều chông gai, song cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là "cơ hội" để châu Âu phát triển gắn kết hơn và sẽ xuất hiện một châu Âu mạnh hơn so với thời kỳ trước khi bước vào khủng hoảng. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế là cần thiết để quay trở lại con đường tăng trưởng. Ông cho rằng, cuộc sống của người dân Pháp đã trải qua thử thách trong hai năm khó khăn, và năm 2012, người dân một lần nữa lại đứng trước thách thức mới khi tình hình kinh tế được dự báo vẫn tiếp tục ảm đạm. Tổng thống Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone, yêu cầu người dân chấp nhận hy sinh để ngăn chặn sự sụp đổ tài chính của nước này. Trong khi đó, người dân Italy đang thực sự lo ngại về triển vọng kinh tế của đất nước trong năm 2012. Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cũng cảnh báo một năm khó khăn phía trước đối với nước này. Phát biểu trên truyền hình, ông L.Papademos tuyên bố người dân Hy Lạp phải tiếp tục các nỗ lực với sự quyết tâm "để những hy sinh của cả nước không trở thành vô ích". Theo các nhà phân tích, trước bối cảnh tăng trưởng đình trệ, gần như cả châu Âu, trong đó bao gồm cả các nước trong và ngoài Eurozone, phải đối mặt với sức ép cắt giảm chi tiêu hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ. Do đó, đang có những quan ngại về khả năng thắt chặt tín dụng lần thứ hai do tình trạng các ngân hàng ở châu Âu lún sâu trong khoản nợ khổng lồ của Italy.
2. Thặng dư thương mại của Brazil đạt kỷ lục trong năm 2011
Ngày 2-1-2012, Bộ Thương mại Brazil công bố thặng dư thương mại của nước này năm 2011 đã tăng vọt lên gần 30 tỉ USD, tăng 47,8% so với năm 2010. Đây cũng là mức tăng kỷ lục kể từ năm 2007 tới nay. Theo ông Alessando Teixeira, một quan chức cấp cao của bộ trên, kim ngạch xuất khẩu năm ngoái của Brazil là 256 tỉ USD (tăng 26,8%) trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 25,7% lên 226 tỉ USD. Như vậy, cán cân thương mại của Brazil năm 2011 đạt 482,2 tỉ USD, tăng 25,7% so với năm trước đó và là mức cao nhất kể từ năm 2007. Brazil chủ yếu nhập các mặt hàng như nguyên liệu thô, nhiên liệu, hàng may mặc và đồ gia dụng. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nước này cũng tăng mạnh nhờ giá cả và nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như đậu nành và quặng sắt trên thị trường thế giới tăng cao. Mỹ, Trung Quốc và Argentina hiện là những đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến thặng dư thương mại của Brazil lập kỷ lục trong năm qua, đó là các chính sách ưu đãi xuất khẩu của chính quyền và sự tăng giá của đồng USD so với đồng nội tệ Real của Brazil. Trong năm 2012 này, Chính phủ Brazil đặt mục tiêu duy trì thặng dư thương mại và cán cân thương mại ở mức cao. Tuy nhiên, ông A.Teixeira cảnh báo về những yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại của Brazil như cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại Mỹ và Trung Quốc cũng như nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tiền tệ, ám chỉ một số nước phát triển có thể áp dụng các chính sách thao túng tiền tệ. Brazil hiện là một cường quốc nông nghiệp chuyên xuất khẩu đậu nành, thịt bò, cà phê, đường và các hàng hóa khác. Tháng trước, quốc gia Nam Mỹ này đã chiếm ngôi Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
3. Hai nhân tố chủ chốt thúc đẩy phát triển châu Phi
Ngày 3-1-2012, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra một nghiên cứu trong đó nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu và bất bình đẳng là 2 nhân tố chủ chốt thúc đẩy phát triển châu Phi. Nghiên cứu của UNDP cho hay những thách thức môi trường như ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí cùng với tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm các chỉ số phát triển nguồn nhân lực liên quan đến thu nhập, y tế và giáo dục của châu Phi tới 12 - 50% vào giữa thế kỷ 21, tùy theo mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Trưởng Ban quản lý UNDP, bà Helen Clark, cảnh báo những thành quả phát triển trong nhiều thập kỷ qua của châu lục Đen có thể bị đảo ngược nếu nguy cơ bất công xã hội ngày càng sâu sắc và châu lục này không giảm được các hiểm họa môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, hơn 90% người nghèo ở châu Phi chưa được tiếp cận nguồn nhiên liệu nấu ăn hiện đại, hơn 85% chưa được tiếp cận hoặc chỉ được tiếp cận rất hạn chế các điều kiện vệ sinh tiên tiến và hơn 60% chưa được sử dụng điện. Bà H.Clark kêu gọi các nước châu Phi thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp trao quyền và phản ánh các nhu cầu của những người bị tác động nặng nhất của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Sự tham gia rộng rãi hơn của họ, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên vào tiến trình hoạch định chính sách cấp địa phương và quốc gia sẽ góp phần quan trọng làm giảm bất công và các hiểm họa môi trường.
4. Đàm phán Israel và Palestine kết thúc mà không có đột phá nào
Ngày 3-1-2012, Đại sứ Israel Yitzhak Molcho và nhà thương thuyết Palestine Saeb Erekat đã nhóm họp cùng với Bộ tứ Trung Đông tại thủ đô Amman của Jordan nhằm thảo luận về khả năng nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine đã ngừng trệ hơn một năm nay. Tuy vậy, các quan chức của hai nước đều phủ nhận khả năng khôi phục lại đàm phán hòa bình và cho biết, cuộc hội đàm đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào. Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Nasser Judeh nhận định, cuộc hội đàm song phương lần này tuy không đạt được bước đột phát nhưng vẫn được xem là tín hiệu “tích cực” vì “điều quan trọng là cả hai bên đã gặp mặt trực tiếp”. Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Nasser Judeh còn cho hay các quan chức Isarel đã cam kết sẽ xem xét các tài liệu về biên giới và an ninh do phía Palestine cung cấp. Các quan chức hai nước Isarel và Palestine đã nhóm họp song phương cùng với Bộ tứ các nhà điều đình Trung Đông gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Liên hợp quốc. Theo các phương tiện truyền thông, cả Isarel và Palestine không nước nào muốn chịu trách nhiệm về thất bại của những cuộc đàm phán, nhưng trong thời điểm mà Trung Đông đang đầy rẫy bất ổn như hiện nay thì cũng không bên nào cho rằng nên tiến hành đàm phán nghiêm túc. Ngày 4-1-2011, người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abou Roudeina cho biết, đại diện của Palestine và Israel tiếp tục có các cuộc gặp mang tính thăm dò tại Jordan từ nay đến cuối tháng Giêng, sau khi các nhà đàm phán hai bên có cuộc gặp trực tiếp ngày 3-1 tại Amman.
5. Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran
Iran sẽ phải chuyển sang phát triển thị trường các nước châu Á nếu châu Âu cấm nhập khẩu dầu mỏ của nước này
|
6. Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới
Ngày 5-1-2012, Tổng thống Barack Obama đã công bố một chiến lược quốc phòng mới theo hướng nhỏ gọn hơn. Những điểm đáng chú ý của “chiến lược quốc phòng đã qua đánh giá lại” như sau: Thứ nhất, Mỹ sẽ thu hẹp quy mô các lực lượng mặt đất. Lục quân sẽ cắt giảm số lượng từ 565.000 lính chiến đấu thường trực xuống còn 520.000 sau năm 2014. Lính thủy đánh bộ, vốn đã tăng lên 202.000 quân, đã có kế hoạch giảm xuống 186.000 lính, nhưng có thể sẽ phải giảm hơn. Thứ hai, châu Á - Thái Bình Dương trở thành ưu tiên số một. Ngân sách quốc phòng sẽ tăng cường chảy vào máy bay không người lái, máy bay tàng hình trước rađa như loại chiến đấu cơ F-35 và các chương trình gây nghẽn điện tử, trong khi Mỹ tăng cường mối quan hệ qan ninh với các đồng minh chủ chốt như Indonesia. Thứ ba là giảm kho vũ khí hạt nhân. Lầu Năm Góc hiện chưa công bố bất kỳ chi tiết nào của việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, nhưng một số nhà lập pháp đã đề xuất việc giảm bớt số lượng 14 tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân hiện nay. Thứ tư là chấm dứt học thuyết hai chiến tranh. Chiến lược mới đã bỏ hẳn học thuyết gây nhiều tranh cãi về việc chuẩn bị chiến đấu hai cuộc chiến cùng một lúc. Thay vì thế, Mỹ có thể phát động một cuộc chiến quy mô lớn ở một khu vực, trong khi tiến hành một hành động kiềm chế ở một nơi khác. Thứ năm là Mỹ sẽ tăng chi tiêu cho quân sự bất chấp những cuộc bàn thảo liên quan tới việc cắt giảm chi tiêu và sức ép ngân sách.
7. Sáu vấn đề chi phối kinh tế châu Á trong năm 2012
Ngày 6-1-2012, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) đã đưa ra sáu vấn đề kinh tế và chính trị được cho là sẽ chi phối tình hình tại châu Á trong năm 2012. Thứ nhất là tác động của việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại: châu Á sẽ khó đạt được mức tăng trưởng dự báo 6,4% trong năm 2012 do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và tốc độ phục hồi chậm của nền kinh tế Mỹ. Thứ hai là chính sách kinh tế của Trung Quốc: triển vọng kinh tế của châu Á trong năm 2012 phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này nhiều khả năng sẽ thực hiện các biện pháp nhằm kích thích kinh tế và bù vào những tổn thất do xuất khẩu giảm, song không dám mạnh tay do lo ngại lạm phát và giá cả tăng cao. Hiện mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2012 là 8,2%. Thứ ba là việc chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ bắt đầu chuyển giao lãnh đạo cấp cao vào cuối năm 2012 và sự thay đổi lãnh đạo này sẽ tác động nhiều tới đời sống kinh tế thế giới. Thứ tư là tình hình chính trị tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau cái chết của Nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Thứ năm là những bất đồng về chủ quyền lãnh hải. Thứ sáu là các cuộc bầu cử tại châu Á trong năm 2012, như tổng tuyển cử ở Hàn Quốc, bầu cử Quốc hội Malaysia.
8. WB đã áp dụng công cụ tài chính mới
Ngày 6-1-2012, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố áp dụng công cụ tài chính mới để tăng hiệu quả các nguồn tài chính hỗ trợ phát triển tại các nước đang phát triển. Phó Chủ tịch WB Joachim von Amsberg nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua, WB đề xuất và áp dụng một công cụ tài chính mới nhằm tăng cường hiệu quả của các nguồn tài chính thông qua gắn trực tiếp nguồn tài chính hỗ trợ của WB với thành tựu và kết quả phát triển cụ thể. Công cụ tài chính mới này giúp các nước có cơ chế phối hợp tốt hơn với những hỗ trợ của các đối tác bên ngoài, kể cả thông qua các quỹ chung, nhưng cũng yêu cầu các nước thúc đẩy chính sách tín dụng thống nhất, tập trung cao nhất vào các biện pháp thực hiện hiệu quả để có được kết quả cụ thể. Để công cụ tài chính mới phát huy hiệu quả, WB sẽ tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực thể chế để xây dựng, quản lý hiệu quả các chương trình phát triển cũng như phối hợp với các đối tác khác. WB sẽ áp dụng công cụ tài chính mới này đối với cả hai hình thức hỗ trợ tài chính hiện hành, bao gồm các khoản tài chính cho vay, tài trợ không hoàn lại hoặc tín dụng hỗ trợ mục tiêu chính sách và các khoản tài chính cho vay để đầu tư vào các dự án phát triển đặc biệt về giáo dục, y tế, việc làm, cơ sở hạ tầng và xóa đói, giảm nghèo.
9. Campuchia kỷ niệm 33 năm ngày độc lập
Campuchia tổ chức lễ mít tinh và tuần hành trọng thể nhân kỷ niệm 33 năm ngày độc lập (7-1-1979 - 7-1-2012)
|
10. Nam Phi: Đảng cầm quyền ANC kỷ niệm 100 năm ngày thành lập
Ngày 8-1-2012, tại sân vận động thành phố Bloemfontein, Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Nam Phi, đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (8-1-1912 - 8-1-2012). Phát biểu tại lễ kỷ niệm trọng thể này, Tổng thống Nam Phi Duma đã điểm lại các giai đoạn lịch sử hào hùng, kiên cường và bất khuất, cũng như quá trình phát triển của Đảng ANC trong 100 năm qua, đặc biệt là thời kỳ Đảng ANC lãnh đạo nhân dân Nam Phi chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid mà đỉnh cao là năm 1994 khi chính quyền phân biệt chủng tộc sụp đổ và Đảng ANC nắm quyền lãnh đạo đất nước. Đây cũng là mốc son lịch sử kết thúc cuộc đấu tranh bền bỉ và anh hùng của các phong trào nhân dân chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tiền thân của phong trào lớn mạnh của các tầng lớp nhân dân da màu - Đảng Đại hội Dân tộc Phi sau này. Từ năm 1994, Cộng hòa Nam Phi ra đời mở ra một trang sử mới cho các dân tộc, bộ tộc Nam Phi, nhất là nhân dân người Phi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ANC, đời sống các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện đáng kể và khoảng cách giàu nghèo đã được thu hẹp, đặc biệt tất cả công dân quốc gia châu Phi này đều bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Đảng ANC, Nam Phi cũng có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực và vai trò, vị thế của Nam Phi trong cộng đồng quốc tế đã được nâng cao, nhất là Nam Phi trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu lục này và gia nhập Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và là thành viên chính thức của tổ chức các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS)./.
Pháp - Đức hội đàm đầu năm vì khủng hoảng Eurozone  (09/01/2012)
Hội thảo: “Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và Việt Nam”  (09/01/2012)
Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nhâm Thìn  (09/01/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên