TCCSĐT - Ngày 17-12-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Buổi làm việc diễn ra khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-12-2011, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

 

  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các doanh nhân tiêu biểu


Dự buổi làm việc còn có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Tiến Lộc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và đại diện cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đồng chí Vũ Tiến Lộc đã báo cáo tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân của nước ta tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 2 triệu doanh nhân, với 600.000 doanh nghiệp, hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133.000 hợp tác xã và trang trại, đóng góp tới hơn 70% cho nguồn thu ngân sách của Nhà nước, giải quyết việc làm cho 7,4 triệu lao động.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, am hiểu pháp luật, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chưa cao, khi chúng ta còn thua kém khá xa với ngay các nước trong khu vực (năng suất lao động kém Thái Lan 30 lần, Nhật Bản 135 lần). Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước để trục lợi.    

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 09 ra đời đã phản ánh đúng những nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và yêu cầu của nền kinh tế, từ đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có một nghị quyết riêng của Đảng, xác định rõ vai trò, vị trí, định hướng phát triển cho mình, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Cả hệ thống chính trị có trách nhiệm với doanh nhân và doanh nhân phải có trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước và đời sống của người lao động, của đồng bào.  

Trong không khí cởi mở của buổi làm việc, một số đại diện cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã có những chia sẻ với Tổng Bí thư và lãnh đạo Chính phủ. Đội ngũ doanh nhân bày tỏ niềm vui mừng, tự hào khi Bộ Chính trị có riêng một nghị quyết về doanh nhân, mong muốn Nghị quyết trên nhanh chóng đi vào cuộc sống, như một kim chỉ nam hành động cho đội ngũ doanh nhân, đồng thời góp phần tháo gỡ những vướng mắc bộn bề hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn. Một số ý kiến của các doanh nhân đồng thuận rằng, Nghị quyết 09 nếu đi vào cuộc sống tốt, sẽ không chỉ là sự khích lệ, động viên tinh thần, mà còn có thể biến thành của cải vật chất vô cùng to lớn..

Chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ doanh nhân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, dù cơ chế, chính sách không có sự phân biệt, song trong triển khai thực hiện, có lúc, có nơi còn tư tưởng “ngại” doanh nghiệp tư nhân; thủ tục hành chính vẫn là rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp khi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam có gánh nặng về thủ tục hành chính ở tận vị trí 120/139 quốc gia; việc đào tạo bài bản doanh nhân chưa được chú trọng, thị trường nguồn nhân lực quản lý doanh nghiệp chưa có hoặc nếu có hình thành chưa rõ ràng... Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào cải cách, hoàn thiện ba mũi nhọn đột phá là hệ thống pháp luật, kết cấu hạ tầng và tài chính ngân hàng.

Khẳng định nhận thức và tư duy về đội ngũ doanh nhân của Đảng ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của nền sản xuất kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng căn dặn, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam cần phải phấn đấu đạt trình độ của doanh nhân thế giới, nhưng vẫn phải có bản sắc của riêng mình. Doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đóng góp sức lực vào phát triển kinh tế thị trường theo hướng văn minh, không chỉ vì lợi ích tối đa của cá nhân mình, mà còn vì tập thể, vì cộng đồng, làm giàu chính đáng, không chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, chụp giật, “đánh bóng mình” không thực chất... Doanh nhân phải nghĩ cho người lao động, chăm lo cho đời sống công nhân, có trách nhiệm xã hội, góp sức thực hiện phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo với động cơ lành mạnh, trong sáng. Đội ngũ doanh nhân là những người lính làm kinh tế hay mang tinh thần của người lính cụ Hồ để làm kinh tế, có bản lĩnh, quyết tâm, ý chí nhưng phải có kiến thức.

Đồng chí Tổng Bí thư tin tưởng, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển xứng tầm, thực sự là lực lượng nòng cốt quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trên con đường đó, Đảng, Chính phủ sẽ luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.