Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp
TCCS - Nước ta có diện tích canh tác lớn và lực lượng lao động nông nghiệp đông đảo nên nhu cầu về vốn và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao. Nông nghiệp nước ta đang trong tình trạng sản xuất nhỏ, lạc hậu, yếu kém nên rất cần thu hút vốn FDI vào hoạt động, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này có khả năng mở ra những hướng đi mới. Mặt khác, với xu thế phát triển hiện nay, nguồn FDI sẽ tạo điều kiện để xây dựng các trang trại quy mô lớn, tập trung, giảm dần tình trạng trồng trọt, chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, đồng thời mở đường tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
1 - Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp
Trên thực tế, nông nghiệp đang đứng ngoài trong cuộc chạy đua thu hút vốn FDI. Tính trung bình trong 10 năm qua, tỷ lệ vốn FDI vào nông nghiệp rất thấp, chỉ chiếm 5,4% trong tổng số vốn FDI. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm 2008 cả nước có 953 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn là 58,3 tỉ USD, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng có 512 dự án với tổng số vốn là 32,5 tỉ USD, chiếm 55,7%; khu vực dịch vụ có 400 dự án với tổng số vốn 25,5 tỉ USD, chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có 42 dự án với tổng số vốn 0,3 tỉ USD, chiếm 0,5%.
Phần lớn dự án FDI vào nông nghiệp tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như chưa thu hút được dự án nào. Khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, mỗi nơi chỉ thu hút được vài chục triệu USD. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn ở các tỉnh miền núi, miền Trung và Tây Nguyên.
Đầu tư FDI trong khu vực nông nghiệp cũng có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh. Có đến 53,7% tổng số vốn FDI được đưa vào ngành chế biến nông sản thực phẩm, 24,7% vốn vào chế biến lâm sản. Ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc thu được 12% và thấp nhất là ngành trồng trọt chỉ thu hút được 8,9% tổng số vốn. Trong trồng trọt, rất ít dự án triển khai vào việc phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, chế biến các loại rau quả xuất khẩu có kỹ thuật cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nông nghiệp nước ta mới thu hút được vốn FDI chủ yếu từ các nước châu á có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc và Trung Quốc. Dù đã có những chính sách ưu đãi đầu tư, ngành nông nghiệp nước ta vẫn chưa có khả năng thu hút đầu tư từ các nước có nền nông nghiệp mạnh như: Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và các nước châu Âu.
Điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam (IPSARD) cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có mức vốn thấp dưới 2 triệu USD. Không ít doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, thậm chí có doanh nghiệp có mức vốn dưới 500.000 USD như Công ty TNHH Shin Wall của Hàn Quốc đóng tại huyện Phúc Thọ (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), vốn đăng ký kinh doanh chỉ có 160.000 USD. Các doanh nghiệp đầu tư từ 5 triệu USD trở lên không nhiều, chỉ chiếm khoảng 18% tổng số doanh nghiệp. Một điểm đáng chú ý là, vốn thực tế hoạt động của các doanh nghiệp FDI còn rất thấp so với vốn đăng ký kinh doanh. Ông Lai Chang An - Giám đốc Công ty TNHH Trường Thái Việt Nam - Bảo Lâm (nhà đầu tư Đài Loan) cho biết: năm 2004, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với mức vốn là 1.000.000 USD, nhưng đến hết năm 2006 mới chỉ đầu tư được 570.000 USD. Ông Huang Cai Fang - Giám đốc công ty THHH Nông Súc Trực Điền (nhà đầu tư Hàn Quốc) cũng cho biết: công ty đăng ký kinh doanh từ năm 2000 với tổng số vốn là 8,08 tỉ đồng, năm 2002 doanh nghiệp của ông mới bắt đầu thực hiện đầu tư vốn và đến năm 2005 mới đầu tư được khoảng 6 tỉ đồng. Việc tổ chức triển khai dự án chậm do nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân chủ quan, cũng có những lý do khách quan như nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư thăm dò thị trường hoặc như lựa chọn công nghệ thích hợp vào Việt Nam.
Cũng theo thông tin của IPSARD, bên cạnh một số dự án FDI đầu tư thành công vẫn còn nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa hiệu quả, nhiều doanh nghiệp không đầu tư hết số vốn đăng ký, một số khác rút giấy phép kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả các hoạt động kém hiệu quả đó đã góp phần tạo ra dư luận không tốt về môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
2 - Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư FDI vào nông nghiệp còn thấp
Nguyên nhân khách quan:
- Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng yếu kém, nhất là đường sá giao thông kém thuận lợi khiến vùng sâu, vùng xa, miền núi khó thu hút được vốn FDI.
- Nguồn nhân lực tuy đông đảo, nhân công giá rẻ nhưng 90% số lao động chưa qua đào tạo, chưa quen kỷ luật lao động, trình độ dân trí thấp nên khó thích ứng với môi trường sản xuất hiện đại, khó tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật mới.
- Vốn FDI nhằm mục tiêu là thu lợi nhuận tối đa, nhưng đầu tư vào nông nghiệp khả năng sinh lời thấp, chi phí cao, lại thường gặp nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, khả năng trả nợ của khách hàng thấp. Do vậy, các nhà đầu tư thường không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.
- Các hộ nông dân Việt Nam với quy mô sản xuất manh mún, đầu tư phân tán, chạy theo nhu cầu thị trường khiến các doanh nghiệp chế biến nông sản FDI có thể luôn luôn ở vào thế bị động với nguồn nguyên liệu.
- Doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đã có nhiều cố gắng trong tổ chức hoạt động nhưng chưa đủ năng lực để chủ động kêu gọi đầu tư FDI theo ý đồ phát triển sản phẩm và thị trường của mình.
Nguyên nhân chủ quan:
- Chiến lược, định hướng quy hoạch FDI cho phát triển nông nghiệp và nông thôn chưa rõ ràng.
- Chưa có cơ chế lựa chọn, đề xuất các dự án FDI ưu tiên trong ngành, mong muốn của ngành chưa thành chính sách ưu đãi.
- Chưa có cơ quan theo dõi và hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI trong ngành.
- Các địa phương thu hút FDI chỉ chú trọng đến lĩnh vực đem lại nguồn thu ngân sách cao như công nghiệp và dịch vụ, thường bỏ qua lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp hiện nay rất thấp và thiếu sự ổn định. Các dự án FDI chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của các vùng, chưa có dự án đầu tư vào khoa học - công nghệ cao. Một số dự án trồng rừng nguyên liệu chế biến nông sản đạt hiệu quả thấp. Trong khi đó lại có khá nhiều dự án của các lĩnh vực khác tác động không nhỏ đến cảnh quan và môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính và đầu tư rất rườm rà, phức tạp, không thống nhất giữa các địa phương, chưa có cơ chế phối hợp giữa ngành và địa phương..., là những trở ngại rất lớn. Theo sự phản ánh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chịu nhiều phiền hà, sách nhiễu và mất rất nhiều thời gian mới giải quyết được. Chỉ riêng việc cấp đất đã có tới 15 - 20 thủ tục giấy phép con liên quan đến nhiều cơ quan và người dân. Nhiều doanh nghiệp đầu tư muốn có đất phải thương lượng với dân, trong khi các cơ quan quản lý có trách nhiệm lại thờ ơ, sợ chịu trách nhiệm nên đùn đẩy cho nhau, dẫn đến triển khai dự án bị kéo dài, chậm trễ. Cũng theo thông tin từ các nhà đầu tư, để có đất hoạt động, các doanh nghiệp phải mất thời gian từ 1 - 2 năm, thậm chí có doanh nghiệp phải mất 3 - 4 năm. Nhiều dự án thực hiện giải ngân vốn chậm cũng có nguyên nhân từ vấn đề này. Đơn cử trường hợp công ty TNHH TFB Việt Nam xin đăng ký kinh doanh sản xuất chè Ô Long ở Hà Giang, đã được cấp phép và đất sản xuất từ năm 2004, nhưng đến năm 2007 vẫn chưa được giao đất. Người dân không chịu giao đất cho công ty nên không giải phóng được mặt bằng, trong khi cơ quan chức năng cứ phó mặc cho công ty tự thương lượng giải quyết. Ông Phạm Minh Trí - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Cargill (Đồng Nai) cho biết: “Thủ tục đầu tư đã rất rườm rà, phức tạp, lại không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí có hồ sơ đã được duyệt ở tỉnh này, nhưng khi mang một bộ hồ sơ tương tự như vậy đến tỉnh khác lại không được duyệt, điều này đã làm chậm tiến độ đầu tư của doanh nghiệp”.
3 - Một số giải pháp nhằm thu hút vốn FDI vào khu vực nông nghiệp
Trước hết, cần có một chiến lược định hướng thu hút vốn FDI rõ ràng, cụ thể. Chiến lược này phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ nông nghiệp ở Việt Nam được xem là “mặt trận hàng đầu”, “phi nông bất ổn”. Sau đó, thực hiện tốt một số giải pháp như:
- Vừa từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vừa bảo đảm sự cân đối giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, cân đối giữa thành thị và nông thôn, cân bằng môi trường sinh thái, thu hẹp chênh lệch thu nhập giữa người dân thành thị với nông thôn, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Chiến lược phát triển nông nghiệp phải quy hoạch cụ thể các vùng chuyên canh vật nuôi, cây trồng, vừa bảo đảm phát huy được tính đặc thù, lợi thế của sản phẩm nông nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
- Chiến lược phát triển phải xác định được hướng các vùng, các sản phẩm cần ưu tiên sử dụng khoa học công nghệ mới, phương pháp mới; có chính sách ưu đãi cần thiết nhằm khuyến khích các nhà đầu tư.
Nông nghiệp vẫn phải được ưu tiên phát triển toàn diện, trong khi tỷ lệ phát triển bị thu hẹp dần trong nền kinh tế quốc dân. Phải có sự đổi mới tư duy trong chiến lược phát triển nông nghiệp, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới phương thức canh tác để tăng số lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, có như vậy mới bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ cho xuất khẩu.
- Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, hai nhược điểm lớn của nền kinh tế cần được nỗ lực giải quyết. Trong nông nghiệp, đặc biệt cần thiết phải tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, bằng nguồn vốn ngân sách, vốn viện trợ phát triển (ODA). Chú trọng đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều khả năng phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Về nhân lực, cần triển khai các dự án đào tạo nghề nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỷ luật lao động cho người dân. Lưu ý là, nếu trước đây chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới chỉ coi trọng tăng năng suất, sản lượng, thì nay phải bảo đảm có đủ 3 yêu cầu bắt buộc là: vệ sinh môi trường, an toàn sinh học, chất lượng hàng hóa cao nhằm khống chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh tuyệt đối, đáp ứng yêu cầu của WTO. Như thế, trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho lao động nông thôn phải quán xuyến toàn bộ từ khâu giống, thức ăn đến dịch bệnh, chăm sóc, nuôi trồng chứ không chỉ tập trung nhiều vào sản xuất. Có như vậy mới đủ khả năng chủ động cung ứng lao động, đồng thời kiểm soát được việc thực hiện hoạt động và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong các doanh nghiệp FDI.
- Cần có một hệ thống cơ chế, chính sách về khuyến khích, hỗ trợ FDI vào nông nghiệp, trong đó chú ý các chính sách về ưu đãi vốn, tín dụng, thuế, đất đai... ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới phù hợp, thỏa đáng, ngày một hoàn thiện. Đặc biệt, đối với những vùng khó khăn, những ngành nghề nông nghiệp cần ưu tiên nhưng kém hấp dẫn càng phải chú ý tính toán sao cho các nhà đầu tư thấy được lợi nhuận mong muốn và ổn định phát triển lâu dài.
- Cần có cơ chế phối hợp giữa ngành và địa phương, có một cơ quan chuyên trách theo dõi, giúp đỡ, giải quyết các vướng mắc trong việc xúc tiến và thực hiện các dự án FDI trong nông nghiệp.
- Nhanh chóng cải tiến thủ tục hành chính trong đầu tư FDI sao cho phù hợp với xu thế phát triển và điều kiện của doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, bảo đảm được sự thống nhất các thủ tục hành chính về cấp phép, thẩm định xúc tiến đầu tư giữa các địa phương, từng địa phương còn phải linh hoạt hơn trong việc thẩm định, kiểm tra, giám sát, xúc tiến việc đầu tư, tránh gây phiền hà, làm mất thời gian, tiền của và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng tới là, đến năm 2010, ngành nông nghiệp huy động được 1,5 tỉ USD vốn thực hiện FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng, với những biện pháp tích cực theo các hướng nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy việc thu hút FDI vào nông nghiệp, tiến hành có hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở nước ta./.
Kinh tế trang trại ở Đồng Nai - khởi sắc, nhưng chưa hết khó khăn  (02/08/2010)
Kinh tế trang trại ở Đồng Nai - khởi sắc, nhưng chưa hết khó khăn  (02/08/2010)
Quyết định số 108-QĐ/TW, ngày 21-11-2007 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tạp chí Cộng sản  (02/08/2010)
Gặp mặt điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc"  (02/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên