TCCSĐT - Ngày 30-11 tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức Họp báo kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam và phát động Tháng Hành động quốc gia về dân số năm 2011.

50 năm qua là cả quá trình phấn đấu gian khổ và bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ một nước có mức sinh rất cao, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,4 con vào năm 1960 đến năm 2010 đã giảm xuống chỉ còn 2 con (đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế); từ một nước có tỷ lệ gia tăng dân số là 3,5% năm 1960 đến năm 2010 đã giảm xuống chỉ còn 1,05%; từ một đội ngũ ít ỏi những người làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó chỉ có một số tuyên truyền viên, cộng tác viên tự nguyện thì nay chúng ta đã có một đội ngũ chuyên môn hùng hậu và một đội quân tình nguyền hàng chục vạn người hoạt động theo một chiến lược thống nhất.

50 năm qua, chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt những thành tựu nổi bật:

Một là, khống chế được tốc độ gia tăng dân số: xuất phát điểm của nước ta có mức sinh rất cao (6,4 con vào năm 1960), nhưng do làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong 50 năm qua, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn 2 con vào năm 2010 (trong khi trên toàn thế giới chỉ giảm được từ 5 xuống 2,5 con).

Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình hằng năm giảm từ 3,6% giai đoạn 1960 -1970 xuống còn 1,7% giai đoạn 1989 - 1999 và 1,2% giai đoạn 1999 - 2009, đây là mức giảm sinh lớn nhất và tỉ lệ gia tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Lần đầu tiên trong suốt nhiều thập kỷ qua, số người tăng thêm mỗi năm ở dưới mức 1 triệu người, trong khi số phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ giai đoạn này tăng hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt mức 105 triệu người vào năm 2010. Như vậy, do làm tốt công tác dân số, gia đình và trẻ em mà 20 năm qua, Việt Nam đã “tránh sinh” được 18 triệu người, điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người nói riêng.

Hai là, cơ cấu dân số theo tuổi có sự thay đổi theo hướng tích cực: Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% vào năm 1999 xống còn 24,5% vào năm 2009. Ngược lại, tỷ trọng dân số nhóm tuổi 15-64 (là nhóm chủ lực của lực lượng lao động) tăng từ 61,1% lên 69,1% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 5,8% lên 6,4%. Đây là thời kỳ dân số nước ta có ưu thế về lực lượng lao động, được gọi là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Ba là, tuổi thọ trung bình được nâng cao. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng đáng kể 50 năm qua, tăng được 33 tuổi (từ 40 tuổi vào năm 1960 lên 73 tuổi vào năm 2010), trong khi tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới chỉ tăng được 21 tuổi (từ 48 lên 69 tuổi).

Bốn là, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Trong 20 năm qua, từ các nguồn ngân sách Việt Nam đã đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ 8.400 tỉ đồng và Việt Nam đã “tránh sinh” được 18 triệu người, điều này cho thấy việc đầu tư cho chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình đã mang lại hiệu quả và tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo kinh nghiệm quốc tế của UNFPA, nếu chi 1 USD cho dân số - kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho các dịch vụ xã hội. Các khoản tiết kiệm này sẽ tiếp tục gia tăng nếu đầu tư nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực.

Năm là, góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người. Trong 20 năm qua, GDP của Việt Nam tăng liên tục với tốc độ bình quân năm là 7,5% giai đoạn 1991-2000 và 7,2% giai đoạn 2001-2010. Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước đã gấp 4,12 lần so với năm 1990 và quy mô dân số tăng 1,32 lần, nên GDP bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 3,13 lần so với năm 1990. Như vậy, kết quả Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình trong 20 năm qua đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng 2% mỗi năm. Qua đó, có thể thấy rõ được hiệu quả cao của việc đầu tư cho chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáu là, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ. Nâng cao sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em; góp phần tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; góp phần giảm tình trạng đói nghèo.

Chính sách dân số của nước ta đã và đang được điều chỉnh dần theo hướng bao quát toàn diện hơn các vấn đề dân số, chú trọng nâng cao chất lượng dân số nhằm thực hiện thành công mục tiêu bảo đảm sự hài hòa giữa ổn định dân số và phát triển bền vững đất nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trong thời gian tới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đặt mục tiêu: chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý để quy mô dân số sớm ổn định trong khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thích ứng với sự chuyển đổi nhân khẩu học; điều hòa quan hệ giữa phát triển dân số với phân bổ dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Ngày nay, đất nước đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, càng đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng cao về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần, đây cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với chương trình dân số hiện nay.

Với kinh nghiệm phong phú và những bài học quý giá của 50 năm qua, chương trình dân số cần vươn lên những tầm cao mới, mà nhiệm vụ quan trong nhất là bảo đảm duy trì ổn định được mức sinh thay thế và thực hiện thắng lợi tinh thần Nghị quyết số 47-NQ/TW để có một quy mô dân số phù hợp, trong đó từng người dân mạnh khỏe, phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.