Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
TCCSĐT - Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người đã lên đường đi chiến đấu, nhiều người đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong cả nước luôn phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, coi đó là việc làm tri ân đối với những người và gia đình có công với cách mạng.
Thực hiện hiệu quả chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liết sĩ và người có công với cách mạng
Theo chính sách hiện hành, đối tượng người có công được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước bao gồm: người hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945 (lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa); Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; người giúp đỡ cách mạng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc đã được Nhà nước khen tặng huân chương, huy chương tổng kết thành tích kháng chiến.
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chính sách trợ cấp ưu đãi người có công luôn luôn được điều chỉnh, nhằm phấn đấu làm cho những người và gia đình có công với cách mạng “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”. Chính sách ưu đãi người có công từng bước được đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao mức sống các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước ta đã phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 49.718 bà mẹ trong cả nước. Khảo sát gần 5000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thấy, hầu hết các mẹ đều có cuộc sống vật chất đầy đủ, tinh thần vui vẻ, được chăm sóc y tế chu đáo. Ngoài trợ cấp của Nhà nước theo định suất hằng tháng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, doanh nghiệp hoặc cá nhân phụng dưỡng với sự yêu thương, kính trọng và biết ơn sâu sắc.
Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ cho gần 80 vạn trường hợp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ (bắt đầu từ năm 1994) đang có sự nỗ lực rất lớn. Chúng ta đã cất bốc được hơn 68.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 37.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong nước; hơn 18.500 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào; hơn 13.000 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Căm-pu-chia.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, cách đây 62 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là ngày “Thương binh liệt sĩ” để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại, tôn vinh và tỏ lòng biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc Việt Nam, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Từ đó, công tác người có công ngày càng phát triển một cách vững chắc, sâu rộng và đang được xã hội hóa cao. Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của toàn xã hội, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nước và đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Chính sách đối với người có công với cách mạng không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, một vấn đề xã hội vừa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt những văn bản pháp quy nhằm xử lý những vấn đề bất hợp lý về chính sách, chế độ và những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, bảo đảm sự công bằng trong chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Ngoài chính sách trợ cấp ưu đãi thường xuyên, Nhà nước còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng như: chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con người có công; chính sách chăm sóc sức khoẻ; chính sách ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống… Đến nay, cả nước đã có hơn 85% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú.
Điều đáng quan tâm là, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công hiện hành cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế và bất cập. Nguồn hỗ trợ huy động từ xã hội, cộng đồng là rất quan trọng và ngày càng tăng, nhưng không đủ hỗ trợ cho số lượng lớn người có công. Đặc biệt, ở các địa phương có đông đối tượng, bị thiệt hại nhiều trong chiến tranh, kinh tế chưa phát triển, các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cũ, sự giúp đỡ của cộng đồng mới chỉ có điều kiện chăm lo được một số đối tượng như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ cô đơn, thương bệnh binh nặng.
Mở rộng và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Đảng và Nhà nước ta chủ trương xã hội hoá công tác chăm sóc người có công, phát huy sức mạnh của thế “kiềng” ba chân: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên. Song, thực hiện các chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách nhà nước là rất quan trọng.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” do Đảng và Nhà nước ta phát động ngày càng nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn xã hội. Các phong trào tình nghĩa trong cả nước thời gian qua đạt hiệu quả thiết thực. Nhờ những giải pháp giúp đỡ sáng tạo như cho vay vốn ưu đãi, giúp giống cây trồng, vật nuôi và công lao động, hướng dẫn cách làm ăn, nhiều gia đình chính sách đã nỗ lực vượt qua đói nghèo. Đến nay, đã có 1.784.186 gia đình/1.963.593 gia đình chính sách đạt mức sống trung bình hoặc khá hơn so với đời sống ở khu dân cư. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% số gia đình chính sách có mức sống tốt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bến Tre, Bạc Liêu...
Trong những năm qua, được sự quan tâm hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Nhà tình nghĩa; Vườn cây tình nghĩa; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước, được tổng kết và nhân rộng điển hình từ khu dân cư đến xã, phường, nơi hội tụ sức mạnh to lớn của lòng dân, ý Đảng, và trở thành phong trào xây dựng xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2008 đến tháng 6-2009, các địa phương trong cả nước đã xây dựng mới gần 10 nghìn nhà tình nghĩa và sửa chữa gần 8000 nhà cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, với tổng trị giá khoảng 175 tỉ đồng; nâng tổng số nhà tình nghĩa trong cả nước lên hơn 310 nghìn nhà. Các tỉnh, thành phố xây mới, sửa chữa được nhiều nhà tình nghĩa thời gian qua là: Tuyên Quang xây mới 279 nhà, sửa chữa 147 nhà; Hải Phòng xây mới, sửa chữa 449; Quảng Ninh xây mới 209, sửa chữa 261; Hà Tĩnh xây mới 203, sữa chữa 268; Quảng Ngãi xây mới 409, sửa chữa 124; Đồng Nai xây mới 274; Long An xây mới 401; Vĩnh Long xây mới 503; Trà Vinh xây mới 1529...
Trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay, nhiều xã, phường trong cả nước đã tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở: 17.285 gia đình chính sách tại các địa phương (nhất là vùng nghèo, vùng hay bị thiên tai) phải sống trong những ngôi nhà dột nát, xuống cấp, trong đó nhiều nhất là Hà Nam: 3.465 gia đình; Hải Dương: 180 gia đình; Tuyên Quang: 391gia đình; Hà Tĩnh: 732 gia đình; Đắk Lắc: 144 gia đình; Bến Tre: 1.169 gia đình; Trà Vinh: 6.047gia đình...
Hiện nay, các địa phương đang tích cực sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn đóng góp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tập để trung sức làm nhà tình nghĩa trong năm 2010, thay thế các nhà dột nát, xuống cấp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công vẫn còn không ít vấn đề cần quan tâm giải quyết. Chẳng hạn, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở một số nơi chưa mạnh, đời sống của nhiều gia đình chính sách chưa ổn định vững chắc, vẫn còn nhiều hộ chưa vượt qua chuẩn nghèo.
Việc hỗ trợ các đối tượng chính sách tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi những thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các gia đình chính sách. Một số địa phương, cơ sở chưa có sự quan tâm đúng mức, thường xuyên đến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; một bộ phận người dân chưa có ý thức trách nhiệm trong việc giúp đỡ các gia đình chính sách.
Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Để công tác chăm sóc người có công cũng như phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đi vào chiều sâu, tạo sức vươn cho các gia đình chính sách trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nghĩa như: xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng nhà tình nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách thông qua việc xây dựng các chương trình phát triển kinh tế như việc làm, dạy nghề, giảm nghèo, ưu tiên hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất, đất đai, thuế..., tạo điều kiện để những đối tượng chính sách có thể tham gia vào những ngành nghề, công việc thu nhập gia đình, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống.
Ba là, chú trọng xây dựng các phường, xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Duy trì mục tiêu đạt tỷ lệ 97% xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả cao phong trào này; 98% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội. Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện mọi chính sách về lĩnh vực người có công.
Bốn là, phát huy thế “kiềng ba chân” giữa Nhà nước, cộng đồng và nỗ lực cá nhân trong công tác thương binh, liệt sĩ, nhằm mục tiêu cải thiện và nâng cao hơn nữa mức sống của người có công với cách mạng. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích cộng đồng xã hội mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; động viên gia đình và bản thân đối tượng chính sách nỗ lực vượt khó nhằm tự chăm lo và cải thiện cuộc sống của mình, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người và đóng góp cho xã hội.
Năm là, tăng cường quản lý nhà nước và tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước một cách hợp lý trong lĩnh vực người có công; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực công tác này; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công, và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Các cấp uỷ, chính quyền cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác chăm sóc người có công, khơi dậy truyền thống yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa./.
Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”  (27/07/2009)
Nét mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ  (26/07/2009)
100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh  (25/07/2009)
100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh  (25/07/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 72 (17-7-2009)  (25/07/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay