TCCSĐT - Ngày 29-9-2011, Quốc hội Đức và E-xtô-ni-a đã phê chuẩn cam kết đóng góp tài chính của hai nước này vào Quỹ Cứu trợ chung của EU giúp các thành viên EU đối phó và khắc phục khủng hoảng nợ công. Sau sự phê chuẩn ở 2 nước này, 5 thành viên EU khác trong nhóm 17 thành viên EU sử dụng đồng tiền chung ơ-rô là Áo, Síp, Man-ta, Hà Lan và Xlô-va-ki-a sẽ có thời gian từ nay đến giữa tháng 10-2011 để hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thực hiện đúng như thỏa thuận và cam kết của tất cả 17 thành viên EU là nâng khối lượng vốn của Quỹ Cứu trợ từ mức độ hiện tại là 250 tỉ ơ-rô lên 440 tỉ ơ-rô.

Việc tăng cường khả năng tài chính cho Quỹ Cứu trợ EFSF (European Financial Stability Facility) là đối sách quan trọng nhất của Nhóm các thành viên EU sử dụng đồng tiền chung ơ-rô (còn được gọi là Nhóm ơ-rô) nhằm đối phó với khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên và phòng vệ cho chính đồng ơ-rô. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng nhằm giải cứu những thành viên đã lâm vào khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha cũng như những thành viên khác đang rơi vào tình thế tương tự trong tương lai. Để đi vào hoạt động, việc bảo lãnh cho phần vốn tăng thêm phải được phê chuẩn ở tất cả 17 thành viên của Nhóm. Mỗi thành viên có cách phê chuẩn khác nhau, có nơi thông qua quốc hội, có chỗ tiến hành trưng cầu dân ý và cũng có trường hợp chỉ cần quyết định của chính phủ. Nguồn vốn cho Quỹ chỉ là 440 tỉ ơ-rô, nhưng chính phủ của 17 thành viên trong nhóm phải bảo lãnh tổng cộng 780 tỉ ơ-rô. Trong đó, Chính phủ Đức bảo lãnh cho Quỹ 211 tỉ ơ-rô và E-xtô-ni-a bảo lãnh 1, 995 tỉ ơ-rô.

Việc tăng vốn cho Quỹ EFSF đã thể hiện quyết tâm đối phó khủng hoảng tài chính của chính phủ các nước thành viên của Nhóm ơ-rô, nhưng cũng cho thấy, họ không có sự lựa chọn nào khác vì khủng hoảng nợ công ở một nước thành viên đe dọa cả sự tồn vong của đồng ơ-rô. Và chỉ có ngăn ngừa được mối nguy hiểm đối với đồng ơ-rô thì mới có thể ngăn ngừa được sự lây lan của khủng hoảng sang những thành viên khác. Cũng chính vì thế mà việc phê chuẩn còn có tác động rất to lớn về chính trị nội bộ đối với chính phủ các nước thành viên.

Trong số 5 thành viên còn lại, việc phê chuẩn ở Xlô-va-ki-a khiến EU lo ngại hơn cả vì 1 trong 4 đảng của chính phủ liên hiệp từ trước tới nay vẫn bác bỏ kế hoạch tăng cường vốn cho Quỹ EFSF.

Ngoài số 440 tỉ ơ-rô do 17 thành viên nhóm ơ-rô đóng góp, Quỹ EFSF còn được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và EU đóng góp 310 tỉ ơ-rô để có được tổng số vốn là 750 tỉ ơ-rô. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đều cho rằng, dù có nâng lên như vậy  Quỹ EFSF cũng sẽ không đủ nếu sử dụng nguồn vốn này để giải cứu cả những thành viên khác nữa và mua lại trái phiếu nhà nước của các thành viên bị khủng hoảng./.