CPI tháng 9 “hạ nhiệt” nhưng tiềm ẩn “cú sốc” mới
CPI tháng 9 tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,28 đến 8,62%; trong đó dấu hiệu đáng mừng nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới CPI đã rơi “không phanh” từ mức 1,35% (tháng 8) xuống còn 0,28% do có sự quay đầu giảm giá đột ngột của nhóm thực phẩm. Rổ hàng hóa chung đã có sự cải thiện rõ rệt khi chỉ còn 2 nhóm hàng hóa có mức tăng trên 1% là nhóm giáo dục, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác; 7 nhóm tăng dưới 1% và 2 nhóm giảm là bưu chính viễn thông (giảm 0,07%) và giao thông (giảm 0,24%) do có sự giảm giá bán lẻ xăng dầu. Cùng đó, với việc giảm tốc đột ngột của CPI trong tháng 9 (chỉ tăng 0,2%), đầu tàu kinh tế Hà Nội đã góp phần quan trọng kéo CPI cả nước tiếp tục hạ nhiệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui này, tháng 9 cũng là tháng ghi nhận sự lặp lại cú sốc tăng giá của nhóm giáo dục năm 2010 khi nhóm này đã đột ngột tăng từ mức 1,13% tháng 8 lên mức 8,62% tháng 9. So sánh với mức tăng 12,02% của tháng 9-2010, mức tăng của nhóm giáo dục tháng 9-2011 tuy không cao bằng nhưng mức độ ảnh hưởng của nó lên CPI chung cũng rất lớn. Lý giải về mức tăng gây sốc này, Vụ trưởng Vụ Giá thuộc Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết: cùng với nhu cầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập tăng cao, cả nước đã có 24 tỉnh, thành đồng loạt tăng học phí ở tất cả các cấp; trong đó mức tăng cao nhất là ở cấp giáo dục phổ thông với mức tăng gấp 4-5 lần so với mức học phí cũ. Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước đã tăng học phí ở cả cấp mẫu giáo, dạy nghề, cao đẳng, đại học với mức tăng 4,54%; Yên Bái tăng 62,53%, Đồng Nai tăng 61,02%; Quảng Trị tăng 36,52%. Với mức tăng kỷ lục này, nhóm giáo dục đã đóng góp 0,5% vào mức tăng chung 0,82% của CPI cả nước. Đây là điều đáng lưu ý bởi lạm phát 3 tháng cuối năm 2010 được ghi nhận là có sự đóng góp khá lớn của nhóm này, cả về đóng góp thực tế và cả đóng góp lạm phát tâm lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 10 sẽ biến động khó lường bởi vẫn còn một số tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tăng học phí theo lộ trình; trong đó đáng chú ý là cả thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn chưa tăng học phí ở cấp giáo dục phổ thông. Vì vậy, kịch bản hiệu ứng “ngày khai trường” rất dễ lặp lại trong năm 2011. Bên cạnh yếu tố này, việc tăng lương cơ bản kể từ tháng 10 tới đây cũng như việc “rập rình” tăng giá vé máy bay, vé phương tiện vận tải công cộng, điện, phân bón trong các tháng cuối năm cũng sẽ tạo nên các hiệu ứng bất lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2011. Đặc biệt, hiện giá lương thực tại các tỉnh thành phía Nam đã bắt đầu tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ các hợp đồng xuất khẩu.
Theo dõi dãy số liệu từ năm 2000 lại đây (loại trừ năm bất thường 2008), mức độ tăng bình quân của CPI trong 3 tháng cuối năm dao động từ mức thấp nhất là 0,8% (năm 2004) đến mức cao nhất 4,94% (năm 2010). Vì vậy, ngay cả với giả thuyết CPI tăng ở mức thấp nhất là 0,8% trong ba tháng cuối năm thì CPI cả năm 2011 cũng sẽ vượt chỉ tiêu đã được điều chỉnh. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, CPI cả năm 2011 sẽ tăng khoảng 18% so với tháng 12/2010. Còn ADB lại dự báo: CPI cả năm 2011 sẽ đứng ở mức 18,7% chủ yếu do giá lương thực tăng cao.
Tháng 9, giá vàng trên thị trường tự do tiếp tục biến động khó lường theo nhịp biến động mạnh của giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng tháng 9 đã tăng 13,14% so với tháng 8, đưa giá vàng 9 tháng qua tăng kỷ lục 30,48% so với tháng 12-2010 và tăng 41,09% so với bình quân 9 tháng năm 2010.
Cùng nhịp với vàng, do nhu cầu cao của nhiều doanh nghiệp về USD để trả nợ và thanh toán các hợp đồng cuối năm trong khi nguồn ngoại tệ mua từ các ngân hàng thương mại bị hạn chế, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục đà tăng 0,8% so với tháng 8, khiến giá USD tự do 9 tháng qua tăng 1,12% so với tháng 12-2010 và tăng 9,67% so với bình quân 9 tháng năm 2010.
Theo các chuyên gia kinh tế, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cần kiên định triển khai gói giải pháp theo Nghị quyết 11 song song với quyết tâm cải cách cơ cấu, giảm dần những “nút thắt cổ chai” trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công, áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước./.
WB và IMF tìm giải pháp cho những thách thức kinh tế toàn cầu  (24/09/2011)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 827 (9 - 2011)  (23/09/2011)
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc tại I-ta-li-a  (23/09/2011)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên