Châu Âu tìm cách hoãn vô thời hạn cuộc bỏ phiếu công nhận Nhà nước Pa-le-xtin độc lập
Theo kịch bản được các nhà ngoại giao châu Âu vận động trong nhiều tuần qua, quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đề nghị của Tổng thống Pa-le-xtin sẽ bị hoãn vô thời hạn để Mỹ có thời gian tìm cách khởi động lại cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Pa-le-xtin và I-xra-en, đồng thời chính quyền Pa-le-xtin tiếp tục nhận 600 triệu USD viện trợ hàng năm của Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế khác. Đây được coi là giải pháp giữ thể diện giúp Mỹ không phải sử dụng quyền phủ quyết mà Mỹ rất muốn tránh đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới A-rập.
Các nguồn tin ngoại giao tại Liên hợp quốc cho biết, phía Pa-le-xtin có vẻ đang cân nhắc những ý kiến đề xuất của các bên nhằm giảm bớt căng thẳng xung quanh yêu cầu công nhận Nhà nước Pa-le-xtin. Nhiều nguồn tin dẫn lời bà Ha-nan A-sơ-ra-uy (Hanan Ashrawi), nghị sĩ quốc hội Pa-le-xtin và là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) cho biết, Tổng thống Ma-mút Áp-bát đã ủng hộ kịch bản giữ thể diện của châu Âu nhằm làm dịu bầu không khí căng thẳng ở Liên hợp quốc, song Pa-le-xtin cũng cảnh báo, nếu kế hoạch trì hoãn nhằm phá hoại vị thế quốc tế đang gia tăng của Pa-le-xtin, chính quyền Pa-le-xtin sẽ hành động thông qua Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Pa-le-xtin tin rằng, tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc có thể nhận được 140 phiếu ủng hộ trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong khi ở Hội đồng Bảo an, nước này có thể chỉ dành được 9 phiếu ủng hộ và có nguy cơ bị Mỹ phủ quyết.
Giữa lúc đang diễn ra một cuộc đối đầu ngoại giao liên quan đến nỗ lực của Pa-le-xtin để được Liên hợp quốc công nhận thành viên chính thức, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) ngày 21-9-2011 đã đề nghị Liên hợp quốc trao cho Pa-le-xtin quy chế nhà nước quan sát viên tại tổ chức quốc tế này, nâng cấp từ quy chế thực thể quan sát viên hiện nay, và vạch ra một lộ trình hòa bình cho các cuộc thương lượng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin trong vòng một năm.
Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di cảnh báo rằng, một lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an đối với nỗ lực của Pa-le-xtin được công nhận là một nhà nước độc lập có nguy cơ gây ra vòng xoáy bạo lực mới ở Trung Đông. Ông Ni-cô-la Xác-cô-di tuyên bố, sau quá nhiều thất bại, tiến trình hòa bình Pa-le-xtin - I-xra-en sẽ không thể thành công nếu bỏ qua châu Âu.
Khi được hỏi về đề xuất của Pháp, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã từ chối bình luận về kế hoạch này. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã lảng tránh trả lời các câu hỏi của báo giới trước khi bắt đầu hội đàm với người đồng nhiệm Ni-cô-la Xác-cô-di bên lề Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Trong diễn văn tại Đại Hội đồng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cảnh báo, không có "đường tắt" để chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua và mang lại hòa bình lâu dài. Bất chấp việc một số quốc gia như Bra-xin, Li-băng và Nam Phi - tất cả đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an - đang tăng cường vận động ủng hộ Pa-le-xtin tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khẳng định, chỉ có thương lượng trực tiếp mới có thể dẫn đến một hiệp ước hòa bình với I-xra-en.
Trước đó cùng ngày, bên lề khóa họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Niu Yoóc (New York), Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã tiếp Tổng thống Ma-mút Áp-bát. Cuộc gặp diễn ra trong 7 giờ, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ gặp Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu). Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã nói với Tổng thống Ma-mút Áp-bát rằng, nỗ lực của Pa-le-xtin tại Liên hợp quốc sẽ không giúp nước này trở thành một Nhà nước độc lập và nếu cần, Mỹ sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an công nhận Pa-le-xtin là thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên hợp quốc Mác-tin Ni-xơ-kai (Martin Nesirky) cho biết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã hối thúc Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ny-a-hu hành động có trách nhiệm, kiềm chế và sáng suốt liên quan đến nỗ lực của Pa-le-xtin trở thành quốc gia thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trước đó, I-xra-en đã kịch liệt phản đối chiến dịch vận động của Pa-le-xtin và dọa sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa ngoại giao./.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhân quyền  (23/09/2011)
Tấm lòng của bạn bè quốc tế đã sưởi ấm hàng triệu trái tim Việt Nam  (23/09/2011)
Tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn FDI  (23/09/2011)
Pa-le-xtin và khát vọng độc lập  (22/09/2011)
Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”  (22/09/2011)
10 năm Cuộc vận động Vì người nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh  (22/09/2011)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên