Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”
Dự Hội thảo có Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân; Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cùng hơn 350 đại biểu là thủ trưởng cơ quan Bộ Quốc phòng, các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, học viện, nhà trường trong quân đội; đại biểu các tỉnh, thành ven biển miền Trung...
Đặc biệt, Hội thảo còn có mặt các cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử, những thuyền trưởng, chính ủy, thủy thủ trên những con “tàu không số” anh hùng. Hội thảo là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đại tướng Lê Đức Anh, trong bức thư gửi đến Hội thảo đã nhấn mạnh: "Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến giao thông chiến lược quan trọng nối liền miền Bắc với tiền tuyến miền Nam…Tôi đã có hai lần được đi tàu không số, tôi đã chứng kiến tinh thần cách mạng kiên trung của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, họ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân mà phục vụ... Trong chiến tranh, biển đảo giữ vị trí quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, biển đảo là chủ quyền của dân tộc Việt Nam, cho nên việc bảo vệ, xây dựng, khai thác biển thuộc chủ quyền của ta hiện nay càng phải được coi trọng hơn bao giờ hết". Đại tướng cũng mong muốn Hội thảo sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Thành Cung khẳng định: việc quyết định mở tuyến vận tải chiến lược biển và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo đó trong điều kiện địch tổ chức ngăn chặn, phong tỏa gắt gao là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Trung tướng cũng khẳng định: cùng với thời gian, con đường huyền thoại - con đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích và tầm vóc, ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm quý báu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hơn 70 tham luận tham dự Hội thảo đã ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của con đường huyền thoại - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam.
Phó Đô đốc, TS Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định: mỗi khi nói đến những chiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, không thể không nhắc tới việc khai thông con đường vận tải quân sự chiến lược - "đường Hồ Chí Minh trên biển". Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; và thực sự đã trở thành một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách; ra đi là xác định cảm tử với con tàu và chuyến hàng. Từ năm 1961 đến năm 1975, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã phải đối mặt với hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, đưa hàng trăm ngàn tấn vũ khí kịp thời chi viện cho các hướng chiến trường. Những lúc bị địch bao vây bốn phía, cả con tàu là một khối đoàn kết, trong đó thuyền trưởng và chính trị viên tàu là trụ cột mẫu mực nhất. Khi thấy không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, để giữ bí mật cho tuyến đường, họ đã biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ lao vào tàu địch.
Đại tá Phùng Văn Chải, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Hải Phòng đã tự hào khi nhắc lại suốt 14 năm chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển, Hải Phòng là điểm xuất phát cơ bản của các con tàu không số với hai bến K15 Đồ Sơn và K20 Bích Động, huyện Thủy Nguyên. Đại tá cũng nhấn mạnh tình cảm, tinh thần của quân dân Hải Phòng đối với đồng bào miền Nam ruột thịt khi nhân dân thành phố ngày đêm ra sức phát triển kinh tế, kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, tập trung thực hiện nhiệm vụ chi viện miền Nam. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng không quản ngày đêm đã trực tiếp tham gia chuẩn bị bến bãi, nạo vét luồng, đóng mới và sửa chữa hàng trăm con tàu phục vụ việc đưa lực lượng và vũ khí vào Nam.
Đồng chí Khưu Ngọc Bảy, một trong những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia vào hoạt động của tuyến đường trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 đã điểm lại quá trình xây dựng, kết quả hoạt động và những bài học rút ra từ các cụm, bến thuộc Đoàn 962 và khẳng định: 13 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, các cụm, bến thuộc Đoàn 962 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ: tham gia mở đường, mở bến, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu bảo vệ bến bãi để tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc về vũ khí trang bị vào bảo đảm đưa ra chiến trường kịp thời phục vụ quân dân miền Nam đánh Mỹ. 1.400 tấn hàng, gần bằng ¼ số lượng hàng của các con tàu không số chuyển thành công vào các bến, bãi của Đoàn 962. Điều tâm đắc được nguyên Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 962 chia sẻ là: “không có gì vinh quang hơn, vẻ vang hơn được làm người lính của con đường huyền thoại và lòng ta sẽ thanh thản biết bao nhiêu khi nghĩ rằng, những huyền thoại đó đều mang dấu ấn của đồng đội và nhân dân”.
Cũng là một nhân chứng lịch sử, Đại tá Trần Phong, nguyên Quyền Đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân hồi tưởng lại thời kỳ Đoàn 125 có nhiệm vụ vận chuyển gián tiếp vào chiến trường và phục vụ chiến dịch. Ngày đó, có lúc số tàu huy động lên tới 95% tổng số, lượng tàu thường xuyên có mặt trên biển lên đến 30-40 tàu, đặc biệt chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, Đoàn đã huy động 100% số tàu đi vào Nam phuc vụ các chiến dịch.
Tại Hội thảo, các tham luận đã góp phần đúc kết 14 năm hoạt động của những đoàn tàu không số huyền thoại; khẳng định những đóng góp to lớn của đường Hồ Chí Minh trên biển, những chiến công xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, của lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh duyên hải trong việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; phân tích sâu hơn tầm nhìn chiến lược, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, cũng như tài thao lược trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân; tôn vinh và tri ân đối với những đóng góp và hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường Hồ Chí Minh trên biển; vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị và các mặt công tác khác bảo đảm cho sự thành công của con đường vận tải trên biển…
Hội thảo đã tập trung làm rõ:
- Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo độc đáo trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Đường Hồ Chí Minh trên biển - tuyến vận tải quân sự chiến lược hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Vận tải biển đã được đúc kết là: tuy có gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian: nếu vận chuyển đường bộ mất mấy tháng trời hàng mới tới nơi, thì vận chuyển đường bộ chỉ hơn một tuần, mà tỷ lệ tổn thất về hàng hóa chỉ 7% (93% hàng hóa đã tới đích). Chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng trên biển đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ: cứ 100 tấn vũ khí vận chuyển bằng đường biển chỉ cần 10-15 cán bộ, chiến sỹ, nếu vận tải bằng đường bộ thì cần đến một sư đoàn mang vác, nếu vận tải bằng cơ giới thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải biển.
- Đường Hồ Chí Minh trên biển - một chiến trường thử thách khắc nghiệt ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Những chiến sĩ không chỉ phải đối mặt với dông bão, với những đá ngầm, những cồn cát... mà còn phải đối phó với những âm mưu ngăn chặn, chống phá của kẻ thù. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, ra đi là cảm tử với con tàu và chuyến hàng.
- Đường Hồ Chí Minh trên biển - qua sự nhìn nhận và đánh giá của đối phương. Tập san Quốc phòng của quân đội Sài Gòn, số 18 năm 1968 viết: "Việt cộng chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín, không sao hiểu nổi". Đô đốc Hải quân quân đội Sài Gòn là Nguyễn Hữu Chí viết: "Đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển". Nhiều học giả trên thế giới, những tướng lĩnh nước ngoài có kinh nghiệm chuyên sâu về vận tải chiến lược trong chiến tranh và cả những khách thăm quan du lịch đến Việt Nam, khi tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển đều kinh ngạc và khâm phục về con đường và những người làm ra con đường đó.
- Đường Hồ Chí Minh trên biển - những bài học kinh nghiệm quý cho công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đó là: Thứ nhất, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, quân chủng; không ngừng củng cố và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng; chú trọng xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; tiến hành công tác chính trị tư tưởng thường xuyên; đề cao ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ bí mật của nhiệm vụ; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; củng cố và mở rộng quan hệ quốc tế. Thứ hai, nắm chắc tình hình địch để có ứng phó kịp thời. Thứ ba, nắm chắc khoa học - kỹ thuật, huy động sức mạnh tổng hợp trong nước, tranh thủ sự viện trợ quốc tế; phát huy sáng tạo, thiết kế các phương tiện phù hợp với đặc điểm chiến trường và yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Nhìn chung, các tham luận đã làm nổi bật vấn đề cốt lõi: chiến công của các lực lượng tham gia tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển - hiện thân của ý chí sáng tạo Việt Nam, một trong những nhân tố có tính chất quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Kết quả của Hội thảo là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng góp phần để lãnh đạo, chính quyền các cấp hoạch định đường lối chiến lược quốc phòng, an ninh; đường lối chiến lược biển đảo, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, tăng cường sức mạnh quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới; góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới./.
10 năm Cuộc vận động Vì người nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh  (22/09/2011)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - một sáng tạo chiến lược của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  (22/09/2011)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - một sáng tạo chiến lược của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  (22/09/2011)
Liên hợp quốc đánh giá cao thành công của Việt Nam trong thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ  (22/09/2011)
Thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Xri Lan-ca - Việt Nam  (22/09/2011)
Quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước  (22/09/2011)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên