TCCSĐT - Trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ nhấn chìm nhiều nền kinh tế châu Âu, một loạt nước thuộc Khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone) đã ra tuyên bố thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", thậm chí khắc khổ để thoát khỏi thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải sự phản ứng của đông đảo người dân.

Tại I-ta-li-a, ngày 6-9-2011, Tổng Liên đoàn Lao động I-ta-li-a (CGIL), tổ chức công đoàn lớn nhất nước này, đã tổ chức bãi công trên phạm vi toàn quốc, đồng thời kêu gọi người lao động xuống đường tuần hành nhằm phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ. Hơn 3 triệu giáo viên, học sinh, nhân viên y tế, ngân hàng và người lao động trong các khu vực dịch vụ công đã tham gia các cuộc bãi công, tuần hành trên khắp cả nước. Riêng tại thủ đô Rô-ma (Rome), CGIL ước lượng số người tham gia lên tới 50.000. Người biểu tình giương cao các biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu đòi thay đổi kế hoạch khắc khổ của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiến tạo việc làm.

Cuộc bãi công đã làm đình trệ giao thông tại các thành phố lớn ở I-ta-li-a. Nhiều trường học, bệnh viện và một số ngành dịch vụ công khác buộc phải đóng cửa. Hoạt động tại các sân bay ở Rô-ma và thành phố Mi-lan (Milan) cũng bị đình trệ, với 200 chuyến bay đi và đến bị hủy bỏ. Sau bãi công, khoảng 50% số tàu hỏa, chủ yếu là tàu địa phương, bị ngừng hoạt động. Các khu du lịch, viện bảo tàng và các phòng tranh cũng đóng cửa. Hiện Chính phủ I-ta-li-a đang tìm cách hối thúc Quốc hội phê chuẩn gói kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" tổng giá trị 45,5 tỉ ơ-rô, được Rô-ma thông qua cách đây hơn 2 tuần nhằm ổn định nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch này, Rô-ma sẽ tiến hành cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trong vòng 2 năm tới nhằm cân bằng thâm hụt ngân sách vào năm 2013, thay vì là năm 2014 như dự định trước đó.

Tuy nhiên, kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" trên đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe đối lập và các liên đoàn lao động, vì theo họ, kế hoạch này ảnh hưởng đến các đối tượng người nghèo, có thu nhập thấp cũng như những đối tượng đang được hưởng lương hưu, trợ cấp. Chính phủ I-ta-li-a đang tìm cách sửa đổi một số mục trong kế hoạch, như bãi bỏ đề xuất đánh thuế tài sản đối với những người có thu nhập cao, nhưng lại đưa thêm vào một biện pháp nhằm dễ dàng sa thải người lao động. Hồi tháng 5 vừa qua, CGIL cũng đã tổ chức bãi công trên phạm vi toàn quốc, kêu gọi người lao động xuống đường tuần hành phản đối các chính sách không được lòng dân và kêu gọi Chính phủ tìm cách đưa I-ta-li-a thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.

Tại Tây Ban Nha, cùng ngày, hàng nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình do Liên đoàn Lao động và Tổng Liên đoàn Công nhân nước này phát động nhằm phản đối kế hoạch của Chính phủ đưa mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước vào Hiến pháp. Người biểu tình tuần hành hòa bình tại trung tâm thủ đô Ma-đrít (Madrid), đòi Chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp nói trên. Các tổ chức công đoàn kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này trong thời gian diễn ra tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 20-11 tới.

Bất chấp sự phản đối của các tổ chức công đoàn, kế hoạch sửa đổi Hiến pháp đã được Hạ viện Tây Ban Nha thông qua một cách nhanh chóng nhờ sự ủng hộ của cả Đảng Xã hội cầm quyền lẫn Đảng Nhân dân đối lập. Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến bỏ phiếu thông qua văn bản này trong ngày 7-9. Từ hai tháng nay, những người tham gia biểu tình chia thành từng nhóm nhỏ, đi từ các thành phố Bác-xê-lô-na (Barcelona), Ma-la-ga (Malaga), Bin-bao (Bilbao), Ma-đrít (Madrid)... đến nhiều địa phương trong cả nước và tổ chức các cuộc biểu tình nhằm bày tỏ sự bất bình về những khó khăn kinh tế, xã hội, cũng như sự bất lực của giới lãnh đạo chính trị Tây Ban Nha. Các cuộc biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp đã lan rộng khắp cả nước. Làn sóng biểu tình lên đến đỉnh điểm khi hàng chục nghìn người đã tụ tập tại các quảng trường ở nhiều thành phố trên cả nước nhằm phản đối cắt giảm phúc lợi xã hội, nạn tham nhũng, và nạn thất nghiệp. Ở nước này tỉ lệ thất nghiệp đã gia tăng tới 21,3% (4,9 triệu người), mức cao nhất trong khu vực đồng ơ-rô. Kinh tế Tây Ban Nha đang lâm vào tình trạng trì trệ với mức tăng trưởng 0,3% trong quý I năm nay.

Tại Hy Lạp, hàng nghìn người dân tại thủ đô A-ten cũng đã xuống đường biểu tình, phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng mới của Chính phủ do Thủ tướng Gioóc-giơ Pa-pan-đrêu (George Papandreou) đứng đầu. Theo họ, các chính sách này quá khắc khổ và sẽ làm giảm mức sống của người dân thủ đô. Những người biểu tình đã tiến về trụ sở Quốc hội và quảng trường Xin-ta-gma ( Syntagma) ở trung tâm thủ đô, giương cao các biểu ngữ phản đối chính phủ và tỏ thái độ bất bình với những biện pháp siết chặt chi tiêu mà Chính phủ đưa ra để đáp ứng các điều kiện của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ tài chính. Đảng Cộng sản Hy Lạp cho rằng kế hoạch mà chính phủ của Thủ tướng G. Pa-pan-đrêu đưa ra đã không cân nhắc tới lợi ích của người dân lao động và sẽ đẩy nhiều người vào tình trạng đói nghèo cùng cực.

Trước đó, nhằm xoa dịu những bất bình của người dân trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng, Thủ tướng Hy Lạp G. Pa-pan-đrêu đã tiến hành những cải cách nội các, thay người đứng đầu một số bộ quan trọng như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Nổi bật nhất là sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Gioóc-giơ Pa-pa-côn-xtan-ti-nu (George Papanconstantinou), người được coi là tác giả của các chương trình "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân mà Hy Lạp phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái.

Hy Lạp đang đối mặt với "núi" nợ công đã lên tới 350 tỉ ơ-rô và đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nếu không được vay thêm tiền. Thực tế này buộc Thủ tướng G. Pa-pan-đrêu phải có những hành động thắt chặt chi tiêu quyết liệt đáp ứng yêu cầu mà IMF và EU đặt ra để nhận được gói cứu trợ thứ hai. Bên cạnh việc cải cách nội các, Chính phủ đã công bố một chương trình tiết kiệm chi tiêu mới trong 5 năm, chủ yếu tập trung vào các biện pháp tăng thuế, cắt giảm các khoản chi không cần thiết và tư nhân hóa tài sản nhà nước. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có tới 47,5% người dân Hy Lạp muốn Quốc hội bác bỏ kế hoạch khắc khổ này và tiến hành bầu cử sớm. Chỉ có 34,8% số người được hỏi đồng tình với kế hoạch tiết kiệm của Chính phủ để A-ten có thể nhận được gói cứu trợ thứ hai.

Tại Anh những tháng đầu năm 2011, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố của thủ đô Luân Đôn để tham gia một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ Anh. Hơn 100.000 người đã biểu tình phản đối kế hoạch khắc khổ của liên minh cầm quyền Đảng Bảo thủ - Dân chủ Tự do, theo đó cắt giảm 131 tỉ USD trong vòng 5 năm nhằm đối phó với mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục - vốn bị cho là do chính phủ tiền nhiệm để lại. Năm 2010, thâm hụt ngân sách công của Anh chiếm 78% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khoảng 4.500 cảnh sát được triển khai ở Luân Đôn để đề phòng bạo động. Số liệu thống kê của Chính phủ Anh cho thấy, nợ công của nước này trong tháng 2-2011 đã lên tới 11,8 tỉ bảng, cao gần gấp đôi so với dự báo của các nhà kinh tế là 6,9 tỉ bảng.

Năm ngoái hàng nghìn người biểu tình cũng đã tụ tập ở thủ đô Luân Đôn để phản đối các biện pháp khắc khổ mà Chính phủ Anh dự định công bố nhằm bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ. Khoảng 500 người biểu tình đã tụ tập gần toà nhà Quốc hội ở trung tâm Luân Đôn và khoảng 2.000 người khác tụ tập tại một trung tâm hội nghị, nơi các công đoàn tổ chức cuộc tranh luận về cắt giảm chi tiêu. Những người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ "không cắt giảm chi tiêu thêm nữa", một ngày trước khi chính phủ liên minh giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) công bố chi tiết kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Theo kế hoạch này, Chính phủ Anh muốn cắt giảm chi ngân sách khoảng 83 tỉ bảng (tương đương 130 tỉ USD hay 95 tỉ ơ-rô) vào năm 2014-2015, điều này có thể tác động lớn tới dịch vụ và phúc lợi xã hội của Chính phủ và có nguy cơ làm mất 1 triệu việc làm. Chính phủ cho biết, khoản thâm hụt ngân sách 154,7 tỉ bảng hiện nay của Anh là "kế thừa" của Chính phủ Công đảng trước đây, song phe đối lập và một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu có thể sẽ đẩy nước này trở lại tình trạng suy thoái...

Tại Bồ Đào Nha, hàng chục nghìn người thuộc nhiều nghiệp đoàn đã tổ chức cuộc tuần hành ở Li-xbon để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ Bồ Đào Nha. Với tỉ lệ thất nghiệp cao trong khu vực đồng ơ-rô - 11,2% - và gánh nặng nợ công lớn, Bồ Đào Nha hiện được coi là nước có nguy cơ kêu gọi gói trợ giúp tài chính từ bên ngoài như Hy Lạp và Ai-len trong năm 2010. Chính phủ Bồ Đào Nha đã triển khai các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh giá nhiên liệu và tỉ lệ lãi ngày càng tăng, gây ra các cuộc đình công và biểu tình. Giới phân tích quan ngại rằng các biện pháp hà khắc trên có thể phản tác dụng, cản trở sự hồi phục. Căng thẳng trên chính trường Bồ Đào Nha càng trở nên gay gắt sau khi ông Pê-đrô Pa-xốt (Pedro Passos), thủ lĩnh Đảng Dân Chủ đối lập chính, khẳng định sẽ không ủng hộ gói biện pháp cắt giảm chi tiêu bổ sung và điều chỉnh thuế mà Chính phủ công bố hôm 11-3-2011 nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách xuống 4,6% trong năm nay. Trong khi các đảng phái đối lập khác, thậm chí cả Tổng thống A-ni-ban Ca-va-cô Xin-va (Anibal Cavaco Silva) cũng than phiền không được tham vấn trước về kế hoạch này, Thủ tướng Giô-dê Xô-cra-tết (Jose Socrates) đã tuyên bố, "không cần Quốc hội thông qua gói biện pháp mới này.

Năm 2010, hàng loạt cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ của người lao động cũng đã diễn ra tại nhiều nước châu Âu, nhằm phản đối những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công. Tại Bỉ, cuộc biểu tình quy mô lớn nhất diễn ra ở thành phố Brúc-xen, nơi được xem là "thủ đô" châu Âu do Liên đoàn các nghiệp đoàn châu Âu (CSE) tổ chức, đã thu hút khoảng 100.000 người tuần hành qua hầu hết các khu phố chính ở Brúc-xen. Tiếp đến là, các cuộc biểu tình tại nhiều thủ đô trên khắp châu Âu như Vác-xa-va (Ba Lan), nhiều thành phố ở Tây Ban Nha, Ai-len, Hy Lạp, Hà Lan, I-ta-li-a, Xéc-bi-a... cũng đã được tổ chức để đáp lại lời kêu gọi của CES, khiến hoạt động giao thông công cộng bị đình trệ, nhiều chuyến bay bị hoãn… Hàng nghìn người tham gia biểu tình đã làm náo loạn đường phố với tiếng kèn, trống và khẩu hiệu “nói không với cắt giảm, nói có với sự phát triển”. Đại diện các tổ chức nghiệp đoàn đã yêu cầu bảo đảm việc làm và tăng mức lương tối thiểu, phản đối việc "đóng băng" lương ở khu vực công và phản đối việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) do chính phủ đệ trình trong dự án ngân sách 2011. Cuộc khủng hoảng kinh tế có tác động toàn cầu đã khiến 23 triệu người châu Âu bị mất việc làm./.