Thành công, hợp tác và đồng lòng

Mỹ Lan tổng hợp
16:16, ngày 07-09-2011

TCCSĐT - Sau 2 ngày làm việc (ngày 5 và 6-9-2011), Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết (NAM) tại Bê-ô-grát (Beograd) ở Xéc-bi-a (Serbia) đã kết thúc. Hơn 100 đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên, quan sát viên, các tổ chức quốc tế và các đối tác của Phong trào Không liên kết đã cùng nhìn lại nửa thế kỷ hình thành và phát triển, thảo luận và đề xuất về hướng điều chỉnh cần thiết để Phong trào phát huy vai trò trong một bối cảnh thế giới mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ngoại trưởng Ai Cập, đương kim Chủ tịch NAM, ông Mô-ha-mét Ca-men Am-rơ (Mohamed Kamel Amr) điểm lại chặng đường 50 năm phát triển NAM, từ 25 nước ban đầu, hiện lên tới 120 nước thành viên, đồng thời khẳng định NAM đã giúp người dân nhiều nước đang phát triển đạt được những khát vọng của mình. Ngoại trưởng Mô-ha-mét Ca-men Am-rơ nêu rõ, bất chấp sự sụp đổ của hai cực, NAM vẫn lớn mạnh và phát triển không ngừng. Từ mục tiêu giúp đỡ các dân tộc giành độc lập, NAM giờ đây đã tham gia giải quyết cả những vấn đề lớn liên quan đến chính trị, kinh tế và xã hội quy mô toàn cầu, thể hiện sức mạnh và sự phát triển của mình. Trong bối cảnh mới, NAM cần phải tăng cường năng lực hoạt động và phát triển đúng hướng. Ông Mô-ha-mét Ca-men Am-rơ cũng bày tỏ sự biết ơn đối với các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên đã sáng lập Phong trào Không liên kết.

Tổng thống Xéc-bi-a Bô-rít Ta-đích (Boris Tadic) đã tuyên bố, sự có mặt của hơn 100 đoàn đại biểu tại Hội nghị lần này cho thấy, NAM vẫn tiếp tục thể hiện ý chí và mong muốn của các nước đang phát triển nhằm thực hiện các nguyên tắc chủ chốt được thông qua cách đây 50 năm là đoàn kết và phấn đấu cho hòa bình, ổn định, độc lập dân tộc và phát triển. Ông khẳng định Cộng hòa Xéc-bi-a vinh dự và tự hào được tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập NAM tại địa điểm lịch sử đã chứng kiến Hội nghị cấp cao lần đầu tiên vào năm 1961. Đồng thời, Xéc-bi-a sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các quốc gia trung thành với các mục tiêu trên.

Sau khi nghe Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ, ông Ca-xưm Giô-mát-Tô-cai-ép (Kassym- Jomart Tokayev) đọc thư của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon), trong đó đánh giá cao hoạt động của NAM trong 50 năm qua, Liên hợp quốc bày tỏ mong muốn được chứng kiến những thành công mới của NAM trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh, chủ trương phối hợp với NAM để ngăn chặn xung đột, giải quyết mọi cuộc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các đại biểu đã phát biểu, nêu lên những thách thức đang đặt ra trước Phong trào và nhấn mạnh NAM cần duy trì đoàn kết và phối hợp hành động trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc độc lập dân tộc, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình để cùng tồn tại và phát triển. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, NAM cần thay đổi để đáp ứng tình hình mới, trước hết nhằm đối phó với những thách thức như tình trạng đói nghèo, bất ổn xã hội, xung đột sắc tộc - tôn giáo, áp lực từ bên ngoài và các vấn đề khác; góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước thành viên và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột; tăng cường tính năng động và vai trò của NAM trên trường quốc tế, trước hết trong việc phối hợp hành động về chính trị và kinh tế tại các diễn đàn đa phương.

Trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý tưởng về hướng điều chỉnh hoạt động trong thời gian tới cho Phong trào Không liên kết đã được các đại biểu nêu ra. Trên hết là phát huy vai trò của NAM trong giải quyết những xung đột, căng thẳng, khủng hoảng xảy ra trên thế giới, đa phương hóa các thể chế tài chính toàn cầu; thúc đẩy quan hệ nội khối, kể cả hợp tác kinh tế, để tăng cường sức mạnh cho NAM. Đại diện nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã có phát biểu đánh giá cao những thành tựu của Phong trào Không liên kết trong 50 năm qua và bày tỏ tin tưởng rằng, NAM sẽ thích nghi tốt và phát huy vai trò mạnh mẽ hơn trong một thế giới đã có nhiều biến chuyển.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 50 năm thành lập NAM, các đại biểu đã cùng nhau xem lại một đoạn phim tài liệu về Hội nghị đầu tiên thành lập NAM tháng 9-1961. Những hình ảnh lịch sử đã làm sống lại thời khắc trọng đại khi các quốc gia độc lập non trẻ châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh cùng chung nguyện vọng muốn có hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đồng thời đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đã bắt tay nhau thành lập Phong trào Không liên kết. Các đại biểu cũng đến thăm Trung tâm tưởng niệm cố Tổng thống Nam Tư Ti-tô, người đã có sáng kiến và đề xuất đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tiên Phong trào Không liên kết tại Bê-ô-grát cách đây 50 năm.

Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, Quốc Vụ khanh phụ trách công tác đối ngoại của chính phủ Ấn Độ Pờ-ri-nét Cau (Preneet Kaur) đánh giá: “Thật là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng ta tập hợp để kỷ niệm thời điểm lịch sử, khi các vị lãnh tụ vĩ đại đã sáng lập ra một Phong trào đi đầu trong việc bảo vệ độc lập, hòa bình và an ninh cho các quốc gia đang phát triển và cho toàn thế giới. Thật là có ý nghĩa khi 50 năm sau, chúng ta cùng tụ họp ở chính địa điểm lịch sử này và cùng thúc đẩy nguyện vọng của các nước thành công hơn trong tương lai”.

Chủ tịch đương nhiệm ở cấp Bộ trưởng của Phong trào, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Mô-ha-mét Ca-men Am-rơ khẳng định, mặc dù có sự đa dạng về ý thức hệ, chính trị, kinh tế và văn hóa giữa các nước thành viên, Phong trào Không liên kết đã vượt qua nhiều thử thách, luôn giữ vững những nguyên tắc và mục tiêu đặt ra từ khi bắt đầu hình thành và đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Xéc-bi-a Vúc Giê-rê-mích (Vuk Zeremik) thì dẫn lời nhà ngoại giao kỳ cựu Cô-ca Pô-po-vích (Koca Popovic) khẳng định: “Dù các nước lớn vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định trong các vấn đề của nhân loại, trong đó có vấn đề gìn giữ hòa bình, song chúng ta tin tưởng rằng sự tham gia của các quốc gia nhỏ, ít quyền lực hơn dựa trên nền tảng tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, sẽ là điều kiện cần thiết để nền hòa bình đó công bằng và bền vững, nơi mỗi quốc gia đều bảo toàn được an ninh và chân giá trị của mình”.  

Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Ăng-gô-la và Bộ trưởng Ngoại giao Tuy-ni-di để tập trung bàn về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ NAM, cũng như về quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm./.