Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giảm tải nội dung dạy học trong năm học mới theo 5 tiêu chí
Để từng bước thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, năm học mới 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương giảm tải mạnh mẽ nội dung dạy học trong sách giáo khoa. Đó là nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về chủ trương mới này.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết xuất phát từ đâu Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định từ năm học này sẽ giảm tải mạnh mẽ nội dung dạy học ?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đây là một nhu cầu đòi hỏi từ thực tế, xuất phát từ đề xuất và góp ý của chính hàng trăm nghìn giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh, học sinh, các lực lượng xã hội,… về sự “quá tải” trong việc dạy và học ở cơ sở.
Thật ra việc rà soát, tinh giảm chương trình sách giáo khoa đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là từ sau những đợt đánh giá chương trình và sách giáo khoa năm 2005 và năm 2008, nhưng năm nay chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị và tập hợp ý kiến, trí tuệ, tâm huyết của toàn ngành nên có thể thực hiện giảm tải một cách mạnh mẽ và sâu sắc.
“Giảm tải” không có nghĩa là “cắt chương trình” một cách cơ học mà tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học, chỉ “cắt” những phần không hợp lý trên cơ sở vẫn bảo đảm giữ được mạch của Chương trình, tính lô-gíc của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn.
Đợt điều chỉnh nội dung dạy học này tương đối nhiều, trải khắp các chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng đều là những nội dung mang tính nhỏ lẻ.
PV: Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về những nội dung sẽ được giảm tải trong năm học mới này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính:
Thứ nhất là giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Chẳng hạn như: cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ,… hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ví dụ như cùng bài “Trạng thái của chất” đã có trong sách giáo khoa Hóa học lớp 8 lại có cả trong sách giáo khoa môn Vật Lý; hay bài “ Những nhu cầu của cây trồng” đã có ở sách giáo khoa Hóa học lớp 9 lại có cả ở môn Sinh học ở cấp trung học cơ sở;…
Nhóm kiến thức giảm tải thứ hai là những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dưng chương trình sách giáo khoa theo quan điểm đồng tâm. Ví dụ cùng là bài hàm số bậc nhất và bậc hai có trong Toán lớp 10 và cả trong Chương II, Đại số lớp 9.
Nội dung giảm tải thứ ba là những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ: ở cấp tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức; ở môn Địa lý lớp 6 bài 18 về thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí. Trong câu hỏi 2: tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa? Câu hỏi này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với học sinh lớp 6 và nội dung của bài không đủ kiến thức để trả lời.
Việc giảm tải cũng quan tâm đến các kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kỹ thuật trồng cây cảnh hay kỹ thuật thủy canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng.
Việc thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Điều này rõ nhất ở môn Mỹ thuật cấp trung học cơ sở. Ví dụ: Bài “Mỹ thuật thời Trần” của lớp 7 và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để giáo viên và học sinh thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.
PV: Thưa Thứ trưởng, việc giảm tải được tiến hành như thế nào, có phải cứ “cắt chương trình” là sẽ giảm tải được không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Để xây dựng một danh mục giảm tải như hiện nay, từ hằng năm nay, chúng tôi đã thành lập ở mỗi bộ môn một nhóm bao gồm: đại diện tác giả chương trình sách giáo khoa, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu giáo dục, đại diện giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các vùng miền. Các nhóm này sẽ tập hợp các kiến nghị về những nội dung cần giảm tải do giáo viên và các cơ sở giáo dục trong cả 63 tỉnh, thành phố gửi lên. Sau đó các tổ bộ môn lại cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, thảo luận nhằm đảm bảo cắt giảm mà vẫn giữ được yêu cầu tính thống nhất của chương trình sách giáo khoa.
Bộ tài liệu về các nội dung giảm tải được thiết kế dựa theo thứ tự các bài trong sách giáo khoa sẽ được gửi đến tất cả các cơ sở giáo dục trước ngày khai giảng năm học mới. Các giáo viên, tổ bộ môn, nhà trường sẽ căn cứ vào đó để dành thời gian có được do giảm tải cho việc giảng dạy các nội dung chính yếu, nhất là tập trung cho việc đổi mới phương pháp dạy học.
Chúng tôi hiểu rất rõ, sự quá tải lâu nay gây bức xúc nhiều trong ngành và toàn xã hội bởi rất nhiều nguyên nhân. Quá tải vì thời gian dạy học ít nhưng lượng kiến thức đòi hỏi phải trang bị cho các em lại nhiều. Chương trình sách giáo khoa chúng ta viết tương đương trình độ các nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng ở các nước đó, phần lớn học sinh được học 2 buổi/ngày, số học sinh/lớp ít, số giáo viên/học sinh thấp trong khi điều kiện kinh tế - xã hội nước ta mới chỉ đáp ứng một bộ phận không nhiều học sinh được học 2 buổi/ngày. Điều kiện trang thiết bị dạy học của chúng ta cũng chưa đầy đủ. Đội ngũ giáo viên tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn hạn chế nên việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hiệu quả cũng không thể ngày một ngày hai có kết quả ngay.
Những hạn chế nêu trên chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục khắc phục. Còn trong năm học này, giảm tải bằng điều chỉnh nội dung dạy học hợp lý là việc làm trong phạm vi khả năng và điều kiện thực tế của chúng tôi nên toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhằm mang lại niềm vui, sự hứng thú trong học tập cho học sinh.
PV: Ngành giáo dục đào tạo kỳ vọng việc giảm tải sẽ mang lại những tác động gì trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi tin rằng, việc giảm tải lần này sẽ mang lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được sự nhàm chán cho học sinh bởi thời gian học tập ít mà cứ phải học các kiến thức trùng lặp hay vì bài tập, yêu cầu quá cao nên nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm… Giảm tải cũng sẽ giúp các giáo viên và học sinh có thêm thời gian dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết hoặc cho việc rèn luyện kĩ năng sống...
Mục tiêu cuối cùng của chúng ta khi thực hiện giảm tải chính là để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhân đây tôi muốn nói thêm một chút về quan điểm thế nào là giáo dục có chất lượng? Lâu nay chúng ta vẫn đánh giá chất lượng giáo dục thông qua việc đánh giá các kiến thức văn hóa của học sinh? Vì thế mới nảy sinh xu hướng học nhồi nhét, quá đề cao thành tích trong các kỳ thi,… Chúng tôi cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục còn phải rất chú ý hơn nữa đến việc rèn luyện nhân cách cho học sinh: tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giáo dục để các em có sức khỏe tốt, có khả năng tự lập và phát hiện ra vấn đề, phát huy khả năng sáng tạo giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, có được hứng thú và phương pháp để tự học suốt đời…
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2011 dâng hương, ghi danh sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám  (21/08/2011)
Ngày 22-8-2011 sẽ khai mạc phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (21/08/2011)
Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin  (21/08/2011)
Các Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII tiếp xúc cử tri  (21/08/2011)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên