Thực hiện Chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tiếp xúc cử tri.

Từ ngày 12 đến ngày 20-8-2011, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã có 7 cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Tại các điểm tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội đã thông báo với cử tri kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Đây là kỳ họp quan trọng, quyết định nhân sự của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính và kiềm chế tai nạn giao thông...

Cử tri Tuyên Quang bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng trước thành công của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề như: cần nâng mức hỗ trợ và mức cho vay đối với các hộ nghèo làm nhà ở theo quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vì hiện nay giá nguyên vật liệu và nhân công lao động rất cao. Đầu tư nâng cấp tuyến đường quốc lộ 2 (đoạn từ thành phố Tuyên Quang đến huyện Hàm Yên hiện nay đã bị xuống cấp). Các cử tri cũng đề nghị Chính phủ xét, đưa huyện Lâm Bình vào diện huyện có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Có cơ chế, chính sách riêng theo đặc thù của huyện mới thành lập để sớm ổn định nơi làm việc, ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô còn một số vấn đề bất cập, cụ thể là những địa phương kinh tế chậm phát triển, những đơn vị hành chính mới được thành lập còn rất nhiều khó khăn, do vậy các cử tri cũng đề nghị Chính phủ có những chính sách ưu tiên phù hợp vì có nhiều dự án thực sự thiết thực đối với các huyện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa cần được đầu tư xây dựng. Một vấn đề nữa được các cử tri kiến nghị là mong các cấp chính quyền sớm phê duyệt Dự án di dân tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang giai đoạn 2, nhằm ổn định đời sống các hộ dân tái định cư đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu và có chính sách giao rừng đặc dụng cho các hộ dân quản lý và bảo vệ vì hiện nay, rừng đặc dụng giao cho ngành kiểm lâm quản lý, lực lượng mỏng, một kiểm lâm viên phải quản lý hơn 20 ha rừng, vì vậy việc quản lý rừng gặp rất nhiều khó khăn…

Từ ngày 11 đến ngày 20-8-2011, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã chia thành nhiều tổ tiến hành tiếp xúc cử tri trong tỉnh. Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, đông đảo cử tri các dân tộc trong tỉnh bày tỏ vui mừng về kết quả của kỳ họp, đồng thời cũng thẳng thắn kiến nghị với đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc của địa phương để các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết. Nhiều cử tri đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới; cần bố trí nguồn vốn hợp lý để cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản; đưa nhanh một số chính sách đến với nông dân như bảo hiểm nông nghiệp, nguồn vốn ưu đãi cho nông dân vay đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp...; cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình dự án giao thông trọng điểm như Đại lộ Nam Sông Mã, Quốc lộ 47, Ngã Ba Voi đi Sầm Sơn... Bên cạnh đó, nhiều cử tri phản ánh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đông đảo nhân dân, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt các giải pháp về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời Nhà nước cũng cần quan tâm và có những biện pháp mạnh trong việc cải thiện, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa...

Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, làm rõ thêm một số kiến nghị, phản ánh của cử tri, đồng thời tổng hợp những kiến nghị của cử tri gửi đến các cấp có thẩm quyền ở địa phương, đề nghị các địa phương quan tâm xem xét, giải quyết. Những kiến nghị của cử tri cũng được các đại biểu ghi nhận để phản ánh tới Quốc hội trong kỳ họp tới./.