Thành công của chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân từ ngày 2 đến ngày 10-6 tới ba nước châu Âu gồm Cộng hoà Áo, Vương quốc Na Uy và Cộng hoà Hy Lạp, đã đưa quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia này lên một tầm cao mới.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Áo, Na Uy và Hy Lạp, kể từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này, cách đây hơn 30 năm. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Áo, Na Uy và Hy Lạp, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam và các nước này có thế mạnh.

Ngay từ trước khi Việt Nam và các quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao, đã có quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp. Châu Âu nói chung và Áo, Na Uy, Hy Lạp nói riêng, từng là nơi xuất phát nhiều phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam vẫn luôn nhớ và cảm kích, nhân dân Hy Lạp đã biểu tình phản đối không cho Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình tiến hành chiến tranh chống Việt Nam. Và khi chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt ở Việt Nam, Na Uy là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Những tình cảm tốt đẹp đó đã tạo nền tảng làm sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm ba nước châu Âu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh rất thuận lợi, khi Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, ổn định chính trị, xã hội được giữ vững, quan hệ đối ngoại với các nước được tăng cường, hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Áo, Na Uy và Hy Lạp cũng đang là những nước có nền kinh tế khá phá triển và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong các hoạt động của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế lớn khác trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo và nhân dân Áo, Na Uy, Hy Lạp đã đón tiếp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với những nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia và cả bằng những hành động mang đầy tính biểu tượng của mỗi nước. Tổng thống Áo Hen-xơ Phi-sơ (Heinz Fisher) và phu nhân đã tiếp riêng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và phu nhân tại phòng làm việc của Tổng thống. Tại Na Uy, Nhà vua Ha-ran-đơ V (Haran V), Hoàng hậu Xô-ni-a, Công chúa Ma-tha Lu-ít (Matha Luit), cùng hoàng tử kế vị Ha-côn Mác-nút (Haakon Magnus), chủ trì lễ đón chính thức và tổ chức Quốc yến rất long trọng chào mừng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Hy Lạp cũng đã chào đón Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bằng lễ diễu hành của đội kỵ binh rất trang trọng thắm đượm bản sắc của đất nước có nền văn hoá cổ rực rỡ - một nghi lễ chỉ dành cho những vị khách quí của Nhà nước.

Đặc biệt, trong các cuộc hội đàm và gặp gỡ, tiếp xúc, các nhà lãnh đạo cao nhất của ba nước châu Âu này đều dành những lời nói tốt đẹp, bày tỏ sự khâm phục những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Tổng thống Áo Hen-xơ Phi-sơ khẳng định, Áo tiếp tục ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Thủ tướng Na Uy Gien-xơ Xtôn-ten-béc (Jens Stoltenberg) cũng nhấn mạnh rằng, nuớc ông tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, thuỷ điện, thuỷ sản, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế. Nhân dịp này, Chính phủ Na Uy đã thông qua “Chiến lược Việt Nam” coi đó là cơ sở pháp lý quan trọng xác định các lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Tổng thống Hy Lạp Các-lốt Pa-pu-li-át (Karolos Papoulias) khẳng định đầy cảm xúc rằng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Hy Lạp và Việt Nam đã gắn bó hai nước. Đất nước và nhân dân Hy Lạp yêu mến Việt Nam, vì ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu quả cảm của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giữ nước và trong phát triển đất nước ngày nay. Trong thời gian tới, Hy Lạp sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, giáo dục, đào tạo, bảo tồn di tích lịch sử.

Ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo cao cấp Áo, Na Uy và Hy Lạp được thể hiện bằng những hành động rất cụ thể sinh động, trong đó, đáng chú ý là, ngay trong chuyến thăm này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Việt Nam và Áo đã ký các văn kiện hợp tác giữa hai chính phủ. Đó là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản; Hiệp định công nhận văn bằng đại học. Việt Nam và Na Uy cũng ký các Thoả thuận hỗ trợ dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước tại thành phố Điện Biên phủ, tỉnh Điện Biên; Hiệp định hỗ trợ dự án xây dựng hệ thống cấp nước tại thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu; Ý định thư về hỗ trợ tài chính xây dựng Toà nhà thân thiện môi trường của Liên hợp quốc tại Việt Nam; Thoả thuận nâng cao năng lực giảm thiểu thiên tai trợ giúp Đại học quốc gia Hà Nội; Thoả thuận nâng cấp năng lực nghiên cứu và giảng dạy trợ giúp Đại học Nha Trang. Với Việt Nam và Hy Lạp, hai bên cũng ký Hiệp định hợp tác văn hoá giữa hai nước.

Một điểm nhấn nữa trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo, Việt Nam - Na Uy, Việt Nam - Hy Lạp đã được tổ chức và thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà doanh nghiệp, đầu tư các nước này. Khi quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam với ba quốc gia này còn hạn chế so với tiềm năng của mỗi nước thì những diễn đàn kinh tế như vậy sẽ là chất xúc tác quan trọng, tạo đà cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Áo, Na Uy, Hy Lạp phát triển trong thời gian tới.

Với thời gian không nhiều, chỉ trong hơn một tuần, nhưng những kết quả đạt được qua chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới ba nước Áo, Na Uy và Hy Lạp là không nhỏ. Thành công của chuyến thăm không chỉ khẳng định đây là sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc phát triển của mỗi nước. Với chuyến thăm này, Áo, Na Uy và Hy Lạp sẽ có điều kiện thuận lợi triển khai chính sách đối ngoại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - nơi đang có những nền kinh tế phát triển năng động. Với Việt Nam, như Tổng thống Hy Lạp khẳng định, thành công của chuyến thăm sẽ là cánh cửa để Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu, khu vực Biển Đen, Trung Đông và các vùng phụ cận.

Với những ý nghĩa quan trọng đó, chúng ta vui mừng và phấn khởi trước thành công của chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Áo, Na Uy và Hy Lạp. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ là động lực quan trọng đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia châu Âu này lên một tầm cao mới, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước./.