Cách mạng Tháng Mười và những hoạt động khởi đầu của V.I.Lê-nin cho văn hóa, văn nghệ Xô-viết
Không phải lật đổ một chế độ người bóc lột người theo kiểu này để thay thế vào đó một chế độ người bóc lột người theo kiểu khác như hầu hết các cuộc cách mạng nổ ra trước đó, Cách mạng Tháng Mười lật đổ, tiêu diệt chế độ cũ, thủ tiêu phương thức sản xuất cũ và tiêu diệt luôn cả chế độ người bóc lột người. Đó là đặc điểm cơ bản của Cách mạng Tháng Mười mà Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam đã noi theo và nhiều trào lưu cách mạng thực sự tiến bộ, thực sự cách mạng của loài người đã và nhất định sẽ noi theo. Đặc điểm cơ bản nêu trên của Cách mạng Tháng Mười có ảnh hưởng quyết định đến sự ra đời và phát triển của nền văn hóa, văn nghệ Xô-viết; đóng vai trò quan trọng trong việc quy định tính chất và những nguyên tắc thẩm mỹ của nền văn hóa, văn nghệ ấy.
Giữa lúc bọn phản cách mạng trong nước và bọn xâm lược nước ngoài cấu kết với nhau, dồn sức tấn công vào nước Cộng hòa Xô-viết còn đang trứng nước; giữa lúc cuộc chiến đấu của Hồng quân chống bọn phản cách mạng và bọn can thiệp nước ngoài đang diễn ra ác liệt trong những điều kiện hết sức gay go, gian khổ, thì Nhà nước Xô-viết, Đảng Cộng sản và V.I.Lê-nin vẫn dành nhiều thì giờ để suy nghĩ, nghiên cứu, nhằm tìm ra những biện pháp thích hợp nhất để xây dựng cơ sở cho một nền văn hóa mới, phát triển một nền văn học, nghệ thuật mới. Chỉ mười lăm ngày sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I.Lê-nin đã ký một sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh về báo chí, trong đó nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của báo chí ở thời kỳ cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt đang diễn ra. Tiếp ngay đó, ngày 11 tháng 1 năm 1917, Nhà nước Xô-viết phê chuẩn sắc lệnh về Nhà xuất bản quốc gia. Ở đây Nhà nước Xô-viết xem việc giáo dục văn hóa cho quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong tình hình thiếu nghiêm trọng giấy, các phương tiện in ấn, Nhà nước Xô-viết vẫn cố sức khắc phục hàng loạt những khó khăn, in thật nhiều sách, báo bán với giá rất rẻ và nhiều lúc đã phát không cho nhân dân. Cũng trong sắc lệnh này, Nhà nước Xô-viết coi việc xuất bản hàng loạt tác phẩm trong di sản văn học Nga cũng như văn học thế giới là nhiệm vụ đặc biệt của cách mạng văn hóa. Sang năm 1918, Nhà nước Xô-viết ban hành tiếp một loạt các nghị định đặc biệt nhằm duyệt y danh sách hàng loạt nhà văn cổ điển Nga và các nước khác trên thế giới mà tác phẩm của họ được xem là thành tựu của nhân loại tiến bộ và sẽ được lần lượt xuất bản tại Liên Xô. Giữa năm 1918, bản nghị quyết của Hội đồng dân ủy về việc xây dựng được công bố trong toàn quốc những tượng đài kỷ niệm các danh nhân tiền bối. Trong số các danh nhân được nêu tên có Pu-skin, Đốt-xtôi-ép-xki, Li-ép Tôn-xtôi, Tréc-nư-sép-xki, Bi-ê-lin-xki, Nhe-cờ-rát-xốp, Sép-sen-cô, Gớt-tơ cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật khác…
Đi đôi với việc tạo ra những điều kiện về mặt tổ chức và pháp lý là việc giải quyết hàng loạt vấn đề lý luận làm cơ sở cho một nền văn hóa, văn nghệ mới: Phương pháp sáng tác tốt nhất của văn học Xô-viết là phương pháp gì? Phương pháp ấy phải dựa trên cơ sở lý luận triết học duy vật như thế nào? Vấn đề tính giai cấp, tính đảng của nền văn học ấy; vấn đề điển hình hóa và các phương thức thể hiện tính cách con người trong các sinh hoạt văn hóa, trong các tác phẩm văn nghệ ấy; phải làm thế nào để có được sự thống nhất giữa nội dung và hình thức? làm thế nào để bảo đảm được tính đa dạng về mặt phong cách; làm thế nào để bảo vệ được màu sắc dân tộc, v.v… Và, một trong số các vấn đề đặt ra cấp thiết nhất sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công là vấn đề xác định thái độ đối với những di sản văn hóa của nước Nga nói riêng và của thế giới nói chung. Nhiều cán bộ hoạt động trong các ngành văn học, nghệ thuật ở Nga lúc đó đã có quan niệm sai lệch nghiêm trọng về vấn đề này. Tất cả những quan điểm sai lệch đó đã được những người lãnh đạo Đảng Cộng sản, mà đứng đầu là V.I.Lê-nin, nhìn thấy và kịp thời uốn nắn. Nhận định rằng, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa không phải được xây dựng lên từ một nơi hoang trống mà phải nẩy sinh trên cơ sở tiếp thu có phê phán, có chọn lọc nền văn hóa ưu tú của quá khứ, V.I.Lê-nin đã nhiều lần bàn đến mối tương quan giữa văn hóa mới và văn hóa cũ. Trong diễn văn đọc vào ngày mồng 2 tháng 10 năm 1920 tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga, V.I.Lê-nin đã dành một phần quan trọng để phát biểu quan điểm của mình về thái độ của người cộng sản chân chính đối với di sản văn hóa thời trước. V.I.Lê-nin nói: “Chủ nghĩa Mác chỉ rõ là chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh như thế nào từ tổng số những kiến thức mà nhân loại đã thâu thái được”. V.I.Lê-nin cho rằng, sở dĩ học thuyết của Mác chiếm được hàng chục triệu trái tim của những người trong giai cấp cách mạng nhất chính là vì “Mác đã dựa vào cơ sở vững chắc của những kiến thức mà loài người đã thâu thái được dưới chủ nghĩa tư bản”. Trên cơ sở đó, V.Ilê-nin chỉ rõ: “Văn hóa vô sản không phải tự nhiên mà có; nó không phải do những người tự cho mình là nhà chuyên môn về văn hóa vô sản phát minh ra…” mà “văn hóa vô sản phải là sự phát triển lô-gích của tổng số những kiến thức mà loài người đã tạo ra dưới ách thống trị của xã hội tư bản, của xã hội bọn địa chủ, của xã hội quan liêu. Tất cả những con đường lớn và nhỏ đã và đang tiếp tục dẫn tới nền văn hóa vô sản, cũng hệt như khoa kinh tế, chính trị do Mác tạo ra, đã chỉ cho ta thấy xã hội loài người sẽ đi đến đâu, đã chỉ cho ta thấy con đường tiến lên đấu tranh giai cấp và mở đầu cuộc cách mạng vô sản”. Cũng trong bài diễn văn đó, V.I.Lê-nin khẳng định rằng: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi đã làm giàu trí tuệ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”.
Song song với việc khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục phát triển những truyền thống ưu tú trong văn hóa quá khứ, V.I.Lê-nin chỉ ra rằng: Trong khi nghiên cứu nền văn hóa cũ cần phải biết phê phán nó, phải biết lựa chọn trong đó để rút ra cho được những gì là tốt đẹp, có ích đối với việc xây dựng xã hội mới, con người mới, và gạt bỏ đi tất cả những gì là lạc hậu, là phản động.
Kế thừa một cách đúng đắn những di sản văn hóa, văn nghệ quá khứ là một vấn đề quan trọng, nhưng chưa phải là chủ yếu. Khâu chủ yếu là phải làm thế nào để phấn đấu, xây dựng được một nền văn hóa, văn nghệ mới. Ở đây, cần đặc biệt lưu ý rằng: nền văn hóa, văn nghệ mới này đang tiến những bước đầu tiên trong thực tế của một cuộc đấu tranh giai cấp hết sức gay go, quyết liệt. Thực tế đó diễn ra trên các chiến trường, diễn ra ở hậu phương và không thể không diễn ra trong mặt trận văn hóa, văn nghệ. Trước những biến đổi trời long, đất lở của cuộc cách mạng vô sản, nhiều nhà văn, nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật thuộc tầng lớp trí thức tư sản trước đây đã tỏ ra khiếp nhược và ngả theo phía bọn phản cách mạng. Đến lúc nội chiến kết thúc với sự toàn thắng của Hồng quân thì một số trong họ chạy trốn ra nước ngoài. Còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ khác, tuy ở bên phía chính quyền Xô-viết, nhưng chưa thể nhận thức được những nhiệm vụ và mục đích chân chính của cách mạng. Thêm vào đó cuộc sống vật chất khó khăn và thực trạng xã hội đang ngổn ngang trăm công nghìn việc chưa thể giải quyết ngay sau cách mạng và trong điều kiện nội chiến đang tiếp diễn, đã làm cho họ càng dao động, hoang mang. Từ đó, dẫn họ đến những ý nghĩ, những hành động chống đối cách mạng dưới nhiều hình thức mới.
Một trong những nhiệm vụ cấp thiết và gắn liền với công việc đối phó với bọn cầm bút phản cách mạng nói trên là phải xuất bản ngay các tuyển tập thơ, văn; ra ngay các tạp chí vô sản và tập hợp ngay các nhà văn vô sản lại thành một đội ngũ để nghiên cứu và truyền bá hàng loạt vấn đề đặt ra với nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Trong chủ trương chung đó, chỉ vài tháng sau Cách mạng Tháng Mười, nhóm “Văn hóa vô sản” ra đời. Tổ chức này bao gồm các nhà văn, nhà thơ xuất thân từ giai cấp công nhân, ước ao muốn xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ mới, một nền văn hóa, văn nghệ của giai cấp mình. Để thực hiện nguyện vọng đó, lẽ ra nhóm “Văn hóa vô sản” phải đứng vững trên lập trường văn hóa mác-xít, dựa trên cơ sở lý luận của mỹ học và triết học duy vật để nghiên cứu các vấn đề lý luận của nền nghệ thuật xã hội chủ nghĩa trong thực tế tình hình đất nước Nga lúc bấy giờ và từ những lý luận đó chuyển vào thực tiễn sáng tác để tạo ra những tác phẩm vừa thấm đượm những tư tưởng của cách mạng vô sản, vừa phản ánh sinh động hiện thực của thời đại bão táp cách mạng đang diễn ra… nhưng, thật đáng tiếc, nhóm “Văn hóa vô sản” đã không làm như vậy. Tự nhận mình là những người mác-xít, nhưng các nhà lý luận và các nhà lãnh đạo nhóm “Văn hóa vô sản” đã tầm thường hóa, dung tục hóa văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Không chỉ đi ngược lại những quan điểm của Mác - Ăng-ghen - Lê-nin trong vấn đề kế thừa có chọn lọc, có phê phán những di sản văn hóa như đã nói trên, họ còn chống lại những nguyên lý về phản ánh luận, về tính đảng trong văn học, nghệ thuật - những vấn đề mà trước đó nhiều năm V.I.Lê-nin đã nêu ra và xem như là cốt lõi của nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Sai lầm về lý luận, lệch lạc về quan điểm tất yếu sẽ dẫn đến những sai lầm, lệch lạc trong sáng tác.
Tháng 10 năm 1920, đại hội đại biểu của những người trong tổ chức “Văn hóa vô sản” toàn Nga họp. Nhân dịp này V.I.Lê-nin đã dự thảo ra bản đề cương “Về văn hóa vô sản”, trong đó khẳng định lại tính giai cấp trong văn nghệ, xác định rằng: Chỉ có quan điểm mác-xít mới là biểu hiện duy nhất đúng của những lợi ích, của thái độ và của nền văn hóa vô sản cách mạng; khẳng định lại nhiệm vụ của văn hóa vô sản là phải tiếp thu có phê phán, có chọn lọc những di sản của văn hóa quá khứ, phê phán những sai lệch của nhóm “Văn hóa vô sản”… Sau khi bản đề cương được đại hội thông qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) toàn Nga căn cứ vào đó viết bức thư Về tổ chức văn hóa vô sản. Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1920, báo Sự Thật công bố bức thư ấy. Bức thư có đoạn viết: “Núp dưới danh hiệu “Văn hóa vô sản”, các nhà lãnh đạo tổ chức này đã đem lại cho công nhân những quan điểm tư sản trong triết học, còn trong lĩnh vực nghệ thuật thì họ đã làm cho công nhân tiêm nhiễm những sở thích mù quáng, đồi trụy… Thực chất, rất xa lạ và thù địch với chủ nghĩa cộng sản, các nhà nghệ thuật tự nhận mình là người của giai cấp vô sản chân chính này đã ngăn trở công nhân… bước ra con đường rộng lớn của sự sáng tạo tự do và thật sự vô sản”. Bức thư cũng vạch rõ rằng: Những quan điểm mà các nhóm, các hội trí thức núp dưới danh nghĩa “văn hóa vô sản” để truyền bá lúc này chỉ là “những điều bịa đặt”, là “các hệ thống nửa tư sản” của họ.
Những bước đầu của văn hóa, văn nghệ Xô-viết là những bước đi đầy chông gai, hiểm trở. Nhưng, cũng chính từ trong cuộc đấu tranh quyết liệt với hàng loạt những quan điểm phản động, sai trái, lỗi thời; từ trong sự phê phán để loại trừ những sáng tác dung tục, bệnh hoạn - sản phẩm của sự yếu kém về tri thức và là tàn tích của xã hội cũ - mà văn hóa, văn nghệ Xô-viết được trưởng thành. Văn hóa, văn nghệ Xô-viết trong những năm sau đó tiếp tục bước những bước vững chắc hơn, với một đội ngũ hùng hậu hơn.
Cách mạng Tháng Mười diễn ra cách đây đã 90 năm. Văn hóa, văn nghệ Xô-viết nẩy mầm từ thuở ấy, chỉ trong mấy thập kỷ tiếp theo đã được viết bằng hơn bảy mươi thứ tiếng của các dân tộc trong Liên-xô và trở thành một cây đại thụ với muôn cành, triệu lá xanh tốt, xum xuê, tỏa bóng mát ra khắp thế giới. Trải qua muôn vàn bão bùng, sóng gió, những bài học kinh nghiệm mà nền văn hóa, văn nghệ ấy đã rút ra được trong những bước xây dựng ban đầu đến nay, rất nhiều điểm vẫn còn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng. Cách mạng Tháng Mười là một kiểu mẫu kinh điển của cách mạng vô sản. Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng bước đầu của nền văn hóa, văn nghệ Xô-viết chỉ là những thành tựu nhỏ của cả một tài sản khổng lồ, vô giá của thế giới văn hóa tiến bộ góp vào thành tựu to lớn của Cách mạng Tháng Mười. Và thành tựu to lớn nhất của Cách mạng Tháng Mười là chủ nghĩa xã hội với cả một hệ thống lý luận vĩ đại biện chứng và tinh vi của nó, trong đó có hệ thống lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn hóa, văn học, nghệ thuật. Hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội là tài sản không của riêng một nước nào mà là của chung toàn nhân loại. Trong quá trình áp dụng hệ thống lý luận ấy vào thực tiễn cách mạng thế giới đã có và có thể sẽ còn có những sai lầm, lệch lạc thậm chí lệch lạc rất lớn từ ngay nơi khai sinh ra nó. Nhưng, sau 90 năm, xét trên phạm vi toàn thế giới, xét trong tư duy chung của toàn nhân loại, nó - chủ nghĩa xã hội - con đẻ của Cách mạng Tháng Mười vẫn sống, vẫn phát triển rất thần kỳ, theo đúng phép biện chứng duy vật và theo trình độ nhận thức rất khoa học của lịch sử loài người. Điều này không chỉ hiện hình rõ nét ở định hướng xã hội chủ nghĩa khi sử dụng cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam; không chỉ hiện hình rõ nét ở sự kiên định phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc… mà còn hiện hình khá đậm nét và độc đáo ở nhiều nước, nhiều dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt là ở một loạt quốc gia Mỹ La-tinh.
Ngày hội truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc  (15/11/2007)
15 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc  (15/11/2007)
Đóng góp của Quốc hội Việt Nam vào sự phát triển AIPA  (15/11/2007)
Tổng thống U-ru-goay sắp thăm chính thức Việt Nam  (14/11/2007)
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh lên đường thăm chính thức Ðại Hàn Dân Quốc  (14/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên