Chiều 11-11, tham dự Diễn đàn mục tiêu Thiên niên kỷ tổ chức tại Quốc hội Hàn Quốc nhằm trao đổi việc thực hiện MDG, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Xơ-un, Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong thời gian tới, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) cần tiếp tục cung cấp nguồn lực cho việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG).

Tham gia Diễn đàn có Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng thống Nam Phi và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cùng hơn 100 nghị sỹ Hàn Quốc, đại diện các tổ chức phát triển và tổ chức phi chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận, trao đổi về phương cách giải quyết các vấn đề phát triển, thực hiện MDG, là trung tâm điều phối hoạt động hợp tác quốc tế, là nguồn tri thức, kinh nghiệm quý báu để các nước tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách phát triển của mình.

Việc thực hiện MDG đã giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói, tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác và huy động nguồn lực quốc tế lớn.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện MDG không đồng đều giữa các nước, nhiều nước có thể không đạt được các MDG đúng thời hạn vào năm 2015, những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ, khủng hoảng năng lượng, lương thực và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Diễn đàn Mục tiêu Thiên niên kỷ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam đã hoàn thành và vượt nhiều mục tiêu MDG và có thể đạt được các mục tiêu còn lại vào năm 2015. Những thành quả đó có được là nhờ MDG đã được lồng ghép vào các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển ở các cấp; đồng thời còn được thực hiện thông qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia với sự tham gia và tập trung nguồn lực của cả xã hội.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong thực hiện MDG, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong thời gian tới, Liên hợp quốc cùng các nước cần tập trung thực hiện những thỏa thuận đạt được tại hội nghị cấp cao vừa qua, trong đó các nền kinh tế hàng đầu trong G-20 cần tiếp tục nỗ lực tối đa nhằm duy trì môi trường kinh tế ổn định, xây dựng cơ chế ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng, tạo điều kiện thương mại thuận lợi cho các nước đang phát triển, và tiếp tục quan tâm, cung cấp nguồn lực cho việc thực hiện MDG.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa của việc Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức lần đầu tiên tại một nước châu Á - Hàn Quốc, cũng là nước đầu tiên chuyển từ nước nhận viện trợ thành một nước cung cấp viện trợ cho phát triển, đồng thời kêu gọi G-20 tiếp tục hỗ trợ các vấn đề phát triển ở các nước đang phát triển nhằm đạt được MDG vào năm 2015.

Các đại biểu cũng hoan nghênh việc đưa các vấn đề phát triển vào chương trình nghị sự của hội nghị lần này, thể hiện quyết tâm chính trị hiện thực hóa các cam kết của G-20, bày tỏ mong muốn các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các giới tiếp tục ủng hộ, tham gia đóng góp hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện MDG./.

Trước phiên họp toàn thể thứ nhất của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra sáng 12-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long và Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pit-xu-văn.

Đây là cuộc gặp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam để chia sẻ thông tin và thống nhất quan điểm giữa Việt Nam, Xin-ga-po và Ban Thư ký ASEAN về chủ trương tham gia, phối hợp sáng kiến của ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và G-20.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam đã phối hợp với các nước ASEAN xây dựng Tài liệu Quan điểm chung của ASEAN về các nội dung của Hội nghị thượng đỉnh G-20 Xơ-un; một số đề xuất, sáng kiến của Việt Nam sẽ đưa ra tại các phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G-20, trong đó có việc đề nghị các nước G-20 thể chế hóa việc mời Chủ tịch ASEAN tham dự các Hội nghị cấp cao G-20, những khuyến nghị của ASEAN liên quan đến kinh tế toàn cầu, thương mại thế giới, cải cách các thể chế tài chính quốc tế, các vấn đề phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh chương trình nghị sự của G-20 cần chú trọng quan tâm hỗ trợ không chỉ các nước kém phát triển và thu nhập thấp mà cả nước đang phát triển, trong đó có các nước thành viên ASEAN, nhằm tránh nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” hoặc trở lại nhóm nước thu nhập thấp do những biến động của môi trường kinh tế khu vực và thế giới.

Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long và Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pit-xu-văn hoan nghênh và ủng hộ các sáng kiến và đề xuất của Việt Nam, đánh giá Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực tại diễn đàn quốc tế quan trọng này.

Sáng cùng ngày, phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã khai mạc tại Xơ-un, với trọng tâm thảo luận các vấn đề về mất cân bằng thương mại và chính sách tiền tệ./.