1. Chuyến thăm “tái khởi động” quan hệ Anh - Nga

Từ ngày 1-11 đến ngày 2-11-2009, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Đa-vít Mi-li-ben (David Miliband) đã có chuyến thăm Nga chính thức. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh trong vòng 5 năm gần đây. Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng hai nước đã ký 3 tuyên bố chung về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình Áp-ga-ni-xtan và tiến trình hòa bình Trung đông. Sau các cuộc đàm phán với Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vít Mi-li-ben, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp cho biết, các cuộc đàm phán lần này là “tốt đẹp và có hiệu quả”, và sắp tới đây hai bên sẽ có các cuộc tiếp xúc chính trị để tạo điều kiện giải quyết các bất đồng còn tồn tại. Theo một số nhà phân tích, chuyến thăm này là cơ hội để Anh “sửa chữa” mối quan hệ với Nga.

2. Diễn đàn về tương lai của thế giới

Trong hai ngày 1-11 và ngày 2-11-2009, tại thành phố Ma-ra-kếch của Ma-rốc đã diễn ra Diễn đàn về tương lai của thế giới, do Ma-rốc và I-ta-li-a đồng tổ chức. Tham dự Diễn đàn có đại diện của 30 nước, nhiều tổ chức quốc tế; nhiều doanh nhân, chuyên gia và nhà khoa học. Tại Diễn đàn lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận. Tuy nhiên, những ai càng mong chờ bao nhiêu vào một sự “đổi mới” trong thái độ của Mỹ đối với tiến trình hoà bình Trung Đông thì càng cảm thấy thất vọng bấy nhiêu trước những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ khi đến thăm khu vực này. Bà Hi-la-ry khen ngợi lập trường của Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ny-a-hu về việc “ngừng” xây mới các khu định cư Do Thái là "chưa từng có tiền lệ"; trong khi đó, bác bỏ yêu cầu từ phía Pa-le-xtin coi việc I-xra-en ngừng xây dựng và mở rộng các khu định cư là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán. Thái độ thiên vị đối với I-xra-en của bà Hi-la-ry đã tự đặt mình vào thế “khó ăn khó nói” trước Ngoại trưởng các nước A-rập – khiến cho tiến trình hoà bình Trung Đông càng trở nên khó khăn, mịt mù hơn bao giờ hết.

3. ASEAN hành động vì trái đất

Trong hai ngày 2 và 3-11-2009, tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) đã diễn ra Hội nghị với chủ đề “ASEAN mát, sáng kiến thành phố xanh” để bàn về các biện pháp giải quyết tình trạng trái đất nóng lên. Đây là cuộc họp quan chức cao cấp trong lĩnh vực môi trường với sự tham gia của đại diện các thành phố lớn của 10 nước thành viên ASEAN, nhằm phát triển bền vững và tăng cường quan hệ giữa các thành phố lớn trong khối ASEAN. Thị trưởng Băng Cốc, ông Sụ-khum-phăn Bo-ri-phắt, cho biết, Hội nghị đã kết luận 5 điểm chính, gồm: Sử dụng năng lượng một cách hiệu quả; sử dụng năng lượng thay thế; giao thông; xử lý rác và nước thải; mở rộng khu vực xanh tại các thành phố. Nhân dịp này, 4 thành phố gồm Viêng Chăn của Lào, Ma-ni-la của Phi-líp-pin, Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a và Băng Cốc của Thái Lan đã họp bàn về hợp tác giữa các thành phố lớn trong việc thực hiện theo những điều đã thỏa thuận để phát triển thành phố bền vững và hấp dẫn, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do tình trạng trái đất nóng lên.

4. Thêm 5 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa

Ngày 6-11-2009, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã ra lệnh đóng cửa thêm 5 ngân hàng, nâng tổng số ngân hàng bị đóng cửa ở Mỹ từ đầu năm đến nay lên 120, cao nhất trong gần 20 năm qua. Năm ngân hàng vừa bị đóng cửa gồm Ngân hàng United Commercial tại thành phố San Phran-xít-cô thuộc bang Ca-li-pho-ni-a, với tài sản trị giá 11,2 tỉ USD và tiền gửi lên tới 7,5 tỉ USD; Ngân hàng United Security có trụ sở tại bang Gioóc-gi-a; Ngân hàng Home Federal Savings Bank có trụ sở tại bang Mi-chi-gân; Ngân hàng Prosperan có trụ sở tại bang Mi-ni-xâu-tơ; và Ngân hàng Gateway có trụ sở tại bang Mít-xu-ri. Bốn ngân hàng sau, mỗi ngân hàng có tài sản trị giá từ 28 đến 200 triệu USD và tiền gửi từ 28 triệu đến 176 triệu USD. Sự sụp đổ của các ngân hàng này đã làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ giảm hơn 1,5 tỉ USD. Theo giới phân tích, những rắc rối trong hệ thống ngân hàng Mỹ không những chưa chấm dứt mà còn nghiêm trọng hơn. Nhiều ngân hàng tuy chưa bị đóng cửa, nhưng tình hình hoạt động cũng không sáng sủa hơn. Việc các ngân hàng liên tiếp sụp đổ trong năm nay đã khiến Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ phải tiêu tốn 27 tỉ USD và dự kiến mất khoảng 100 tỉ USD vào năm 2013

5. Hơn 6.000 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên thế giới

Ngày 6-11-2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố số liệu thống kê cho biết, chỉ trong vòng một tuần, thế giới đã ghi nhận thêm 370 ca tử vong do nhiễm vi-rút cúm A/H1N1, nâng tổng số người chết do chủng vi-rút nguy hiểm này lên hơn 6.070 người, trong đó riêng các nước châu Mỹ chiếm 4.399 ca. Kể từ khi bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 4 vừa qua tại Mê-xi-cô, đến nay dịch cúm A/H1N1 đã có mặt tại 199 nước và vùng lãnh thổ. Theo WHO, đại dịch cúm A/H1N1 trên thế giới hiện nay đang lây lan mạnh và liên tục trong cộng đồng ở khu vực Bắc Mỹ, đồng thời mùa cúm Đông đến sớm khác thường ở châu Âu cũng như ở Trung và Tây Á. WHO cảnh báo những dấu hiệu dịch lây nhiễm nhanh và mạnh ở một số nước Đông và Bắc Âu như U-crai-na, Bê-la-rút. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1-11 tại trụ sở của WHO, người phát ngôn WHO, ông Grếc-gơ-ri Hác-lơ (Gregory Hartl), khẳng định, việc tiêm phòng là cần thiết, đặc biệt là đối với nhóm người có nguy cơ cao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi, người bệnh mãn tính.

6. Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản

Từ ngày 6 đến ngày 7-11, tại Tô-ky-ô (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa 5 nước tiểu vùng Mê Công và Nhật Bản. Thành quả lớn nhất thu được tại hội nghị lần này là lãnh đạo 5 nước Mê Công và Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố chung Tô-ky-ô. Tuyên bố chung nêu rõ, các bên nhất trí kế hoạch tổng thể trong vòng 10 năm tới sẽ triển khai sáng kiến Ha-tô-y-a-ma: xây dựng một khu vực Mê Công xanh chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Trong khối 5 quốc gia Mê Công, Nhật Bản đặc biệt chú trọng tới vai trò của Việt Nam trong sự nghiệp phát triển lưu vực Mê Công, khối ASEAN và cộng đồng Đông Á. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma được tiến hành chiều 7-11, sau phiên bế mạc Hội nghị, hai bên đã nhất trí mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện trên cơ sở xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược.

7. Nga kỷ niệm 92 năm Cách mạng Tháng Mười

Ngày 7-11-2009, khoảng 30.000 người gồm đại diện các tổ chức công đoàn, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ và đông đảo người dân thủ đô Mát-xcơ-va tổ chức diễu hành từ Quảng trường Pu-xkin trên phố Tver đến Quảng trường Nhà hát, tham gia mít tinh bên Tượng đài Các Mác để dự Lễ kỷ niệm 92 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Khoảng 4.000 thanh niên thuộc các tổ chức xã hội, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, học viên quân sự, thiếu sinh quân, học viên Trường Quân nhạc Mát-xcơ-va, các chiến sĩ Quân khu Mát-xcơ-va và đội kỵ binh của Trung đoàn Tổng thốngđã tham gia hoạt động này. Các chiến sĩ tham gia diễu hành mặc quân phục của thời Chiến tranh vệ quốc. Đỉnh điểm của cuộc diễu hành là màn trình diễn hoành tráng với sự tham gia của đội kỵ binh, khí tài quân sự, trong đó có cả những xe tăng T-34 đã từng tham gia diễu binh trên Quảng trường Đỏ năm 1941. Ở các thành phố lớn, nhỏ khác trên toàn Liên bang Nga cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày 7-11.

8. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G20

Trong hai ngày 7 và 8-11, tại thành phố Xanh An-đru của Xcốt-len, Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tiến hành Hội nghị bàn về chương trình nghị sự mới, nhằm giải quyết những vấn đề còn nổi cộm của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát từ Mỹ năm 2008. Ðây là hội nghị thứ ba của các bộ trưởng tài chính G20 trong năm 2009, nhằm thảo luận chính sách kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng và tổng kết một năm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời bàn việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao G20 Pít-xbớc tháng 9 vừa qua. Trước đó, ngày 6-11, trong bản báo cáo chuẩn bị cho cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính nhóm G20, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu không nên lặp lại những sai lầm trong cuộc đại khủng hoảng tài chính thế giới ở thập niên 30. Theo IMF, một trong những bài học rút ra từ kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng là việc rút bỏ quá sớm chính sách kích thích kinh tế có thể dẫn tới sự trả giá quá đắt, đặc biệt là nếu hệ thống tài chính vẫn trong tình trạng mong manh và dễ xảy ra các cú sốc lớn.

9. Người dân Nhật Bản phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ

Ngày 8-11-2009, khoảng 21.000 người dân ở tỉnh Ô-ki-na-oa (Nhật Bản) đã xuống đường biểu tình để phản đối việc tái bố trí căn cứ không quân Mỹ trên hòn đảo này. Cuộc biểu tình diễn ra chỉ 5 ngày trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (theo dự kiến là ngày 13-11). Theo thỏa thuận mà Mỹ và Nhật Bản ký năm 2006, căn cứ không quân Phu-ten-ma sẽ chuyển từ thị trấn Gi-nô-oan thuộc tỉnh Ô-ki-na-oa tới một khu vực thưa dân cư hơn ở Na-gô cũng thuộc tỉnh này vào năm 2014. Tham gia đoàn biểu tình có cả lãnh đạo những địa phương có quân đội Mỹ đóng quân cùng các nghị sĩ Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và các đối tác trong liên minh như Đảng Dân chủ Xã hội (SDP), Đảng Quốc dân mới (PNP). Sự việc này cho thấy, vấn đề hoạch định lại mối quan hệ đồng minh chiến lược, đặc biệt là về quân sự, giữa Nhật Bản và Mỹ đang gây nhiều bức xúc cho người dân Nhật Bản. Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản phải hủy bỏ chuyến thăm Mỹ, trong khi Mỹ vẫn đang cố gắng gây sức ép với Nhật Bản, mà điển hình là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết, trong chuyến thăm Nhật Bản tháng trước, từng tuyên bố có thể sẽ không rút 8 nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ đảo Ô-ki-na-oa tới đảo Gu-am như đã thoả thuận. Đảo O-ki-na-oa chỉ chiếm 0,6% tổng diện tích của Nhật Bản nhưng 75% diện tích của nó lại được dùng cho hoạt động quân sự của Mỹ./.