Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26 đến ngày 1-11)
1- Tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII
Trong tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ sáu (từ ngày 26 đến ngày 30-10-2009), Quốc hội đã dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về các báo cáo quan trọng của Chính phủ: Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với đánh giá của Chính phủ trong hai báo cáo này và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Chính phủ trong việc đẩy mạnh lĩnh vực an sinh xã hội; xóa đói giảm nghèo; kích cầu đầu tư; và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Thời gian còn lại của tuần, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của các dự thảo luật: Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật Khám chữa bệnh; và dự án Luật sửa đổi, sung một số điều của Luật Giáo dục. Các đại biểu Quốc hội cũng đã Thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính
Chiều 26-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại địa chỉ http://csdl.thutuchanhchinh.vn/. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bấm nút chính thức đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính lên mạng internet. Đây là lần đầu tiên sau 64 năm kể từ khi giành độc lập, Chính phủ Việt Nam tập hợp, xây dựngbộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại bốn cấp chính quyền. Sự kiện công bố Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính lên mạng internet toàn cầu đánh dấu mốc son trong lịch sử nền hành chính nước ta. Từ nay, người dân chỉ với 1 máy tính được nối mạng internet là có thể sử dụng chungCơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với trên 5.700 thủ tục hành chính, 9.000 văn bảnpháp quyvà 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công bố công khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên mạng internet là một thành quả lớn, đánh dấu bước trưởng thành của nền hành chính nước nhà. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai đề án 30 trên phạm vi rộng, thực sự tạo bước đột phá trong công cuộc cải cách hành chính; biểu dương các bộ, ngành, địa phương về những kết quả đạt được trong giai đoạn thống kê thủ tục hành chính.
3- FDI 10 tháng đạt gần 19 tỉ USD
Tuần qua, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 thángnăm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 18,926 tỉ USD, bằng 27,1% so với cùng kỳ 2008. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định: Tuy đầu tư nước ngoài chỉ bằng 21,7 % so với cùng kỳ 2008 nhưng 14,05 tỉ USD đăng ký mới cũng là con số khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay; nhiều khả năng vốn FDI thu hút mới trong năm 2009 sẽ vượt trên 20 tỉ USD và tiếp tục tăng lên vào các năm sau. Với lượng vốn đăng ký mới vừa được cấp trong 10 tháng qua, tổng vốn FDI tính từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài đến nay đã đạt hơn 174,7 tỉ USD, với 10.805 dự án đang còn hiệu lực.
4. Hội nghị quốc tế: “Nhận thức Quyền về sức khỏe và phát triển cho mọi người tại Việt Nam”
Tham dự Hội nghị có hơn 200 chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, phát triển và quyền con người, đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức trên thế giới (trong đó có 60 đại biểu Việt Nam). Trong 4 ngày diễn ra Hội nghị (từ ngày 26 đến ngày 29-10), các đại biểu đã tham dự 4 phiên thảo luận toàn thể và nhiều phiên thảo luận chuyên đề xoay quanh 4 chủ đề chính của Hội nghị: “HIV/AIDS và những nguy cơ khác đối với sức khỏe cộng đồng”; “Sức khỏe bà mẹ và trẻ em”; “Biến đổi khí hậu”; và “Toàn cầu hóa về kinh tế”. Các đại biểu đã bàn thảo và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trao đổi nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực nhằm khuyền khích nghiên cứu về mối quan hệ giữa y tế, phát triển và quyền con người, tập trung vào phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.
5- Phản ứng của Việt Nam trước việc cảnh sát thành phố San Jose (Mỹ) sử dụng bạo lực khi bắt giữ sinh viên người Việt Nam
Ngày 27-10-2009, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin trên báo chí cho biết một số cảnh sát thành phố San Jose (Mỹ) đã sử dụng bạo lực khi bắt giữ sinh viên người Việt là Hồ Phương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: Dư luận Việt Nam rất bất bình khi biết thông tin về sự việc này. Hành động sử dụng bạo lực và lạm dụng quyền lực của cảnh sát thành phố San Jose là không thể chấp nhận được và cần phải bị xử lý nghiêm.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco xác minh vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ lãnh sự cần thiết cho công dân Hồ Phương.
6. Trợ giúp 98 tỉ đồng và 3.500 tấn gạo khắc phục hậu quả bão lũ
Tại Quyết định số 1734/QÐ-TTg, ngày 29-10-2009, Thủ tướng Chính phủ trích 98 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và xuất cấp không thu tiền 3.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương và bổ sung vào ngân sách của Bộ Quốc phòng để khắc phục hậu quả bão lũ. Cụ thể, hỗ trợ cho bảy tỉnh: Thanh Hóa 10 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo; Nghệ An 10 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo; Hà Tĩnh 10 tỉ đồng; Phú Yên 5 tỉ đồng; Gia Lai 20 tỉ đồng; Ðác Nông 10 tỉ đồng; Ðác Lắc 20 tỉ đồng và 500 tấn gạo. Số tiền và gạo này thực hiện việc cứu đói cho dân, hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng cấp bách như: trường học, trạm y tế, các công trình giao thông, thủy lợi. Thủ tướng cũng chỉ đạo bổ sung ngân sách năm 2009 của Bộ Quốc phòng 13 tỉ đồng, bù đắp chi phí đã ứng để tham gia phục vụ cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão, lũ.
7. Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Quân tình nguyện Việt - Lào
Sáng 30-10, tại Hà Nội, diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp đỡ nước bạn Lào. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến dự. Về phía Lào có ông Xaman Vinhaket, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận, văn hoá Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ: Sự kiện ngày 30-10-1949, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức lực lượng chuyên trách có hệ thống của bộ đội tình nguyện Việt Nam hoạt động theo cơ chế quân tình nguyện, chuyên gia quân sự giúp cách mạng Lào là một chủ trương và quyết định chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống, tri ân, tưởng nhớ sự đóng góp to lớn của quân và dân hai nước nói chung, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống kẻ thù chung. Thay mặt Đảng và Nhà nước Lào, ông Xaman Vinhaket ôn lại truyền thống gắn bó, keo sơn “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Việt Nam để xây dựng các “nhân tố có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng Lào”.
8. Khai mạc Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ (AIG 3)
Lễ khai mạc AIG 3 đã được tổ chức long trọng vào tối 30-10 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham gia của các đoàn thể thao đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến dự và chính thức tuyên bố khai mạc AIG 3. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Hoàng thân Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah, Chủ tịch Hội đồng Ô-lim-pích châu Á, nhấn mạnh: "Tôi rất vinh dự và tự hào được chào đón các vận động viên ưu tú nhất của châu lục tham dự Ðại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 tại Thủ đô Hà Nội xinh đẹp. Sau việc đăng cai thành công Ðại hội Thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 22 năm 2003, Ðại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng thể hiện khả năng và trình độ của Việt Nam có thể đăng cai thành công các đại hội khác".
Với 505 vận động viên, huấn luyện viên tham dự 20/21 môn thể thao của Đại hội, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 18 đến 20 Huy chương Vàng và phấn đấu để vào top 8 trong bảng tổng xếp hạng. AIG 3 diễn ra trong thời gian 10 ngày, với các môn thi đấu được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh.
9. Khởi động dự án tăng cường phòng, chống tham nhũng
Dự án “Tăng cường năng lực của Thanh tra Chính phủ và Chính phủ Việt Nam trong công tác theo dõi, báo cáo về tham nhũng và chống tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc” với kinh phí hơn 1 triệu euro đã được ký kết vào ngày 31-10 giữa Thanh tra Chính phủ, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Cơ quan Phòng, chống Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc và Uỷ ban châu Âu. Dự án được bắt đầu triển khai vào tháng 11-2009 và dự kiến kéo dài trong 4 năm (từ nay đến năm 2012).
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Setsuko Yamazaki cho biết, dự án này tập trung vào ba mục tiêu chính: “Thứ nhất, tăng cường năng lực quốc gia cho phù hợp với các chuẩn mực và quy tắc quốc tế được quy định trong Công ước. Thứ hai, xây dựng năng lực thể chế để theo dõi và đánh giá về thực trạng tham nhũng và phòng, chống tham nhũng. Cuối cùng là hỗ trợ cho việc xây dựng mối quan hệ đối tác và khuyến khích công chúng tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng”. Việc ký kết dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là sau sự kiện Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng tháng 6-2009.
10. Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương
Ngày 1-11-1949, cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại của Đảng được thành lập với tên gọi là Phòng Lào - Miên Trung ương, tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, tổ chức vào sáng 1-11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác đối ngoại trong thời gian tới vẫn là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu một số trọng tâm công tác mà Ban Đối ngoại Trung ương cần tập trung thực hiện để hoàn thành công tác được giao. Trong đó, chú ý không ngừng nâng cao chất lượng công tác tổng kết, nghiên cứu, đánh giá sát đúng tình hình, dự báo kịp thời về xu hướng phát triển của tình hình thế giới, khu vực, tình hình các đảng chính trị để kịp thời có những tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta trong từng giai đoạn, với từng đối tác, đối tượng cụ thể, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề đột xuất xảy ra; nâng cao chất lượng công tác tham mưu; chỉ đạo và hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các ban của Trung ương, bộ, ngành, các cơ quan và tổ chức khác./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến ngày 25-10)
Thông cáo số 10 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (02/11/2009)
Nguy cơ thiếu hụt lương thực và giá cả tăng ở các nước phát triển  (02/11/2009)
Lễ đón chính thức Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II thăm Việt Nam  (02/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam