Bất chấp khủng hoảng, ngân sách dành cho chiến tranh của Mỹ năm 2010 vẫn tăng
TCCSĐT - Sau một tháng "sốt ruột" chờ đợi, ngày 28-10-2009, Lầu Năm Góc đã nhận được tin Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vừa đặt bút ký vào Đạo luật về ngân sách dành cho các nhu cầu quân sự của Mỹ trong năm tài chính 2010. Đạo luật này sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10-2010.
Đạo luật này chỉ xác định những nội dung chi phí cơ bản, theo đó, trong số 680 tỉ USD mà ngân sách dành cho Lầu Năm Góc, có 130 tỉ USD dùng để chi cho các chiến dịch quân sự ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Còn khoản ngân sách dành cho các chương trình chế tạo vũ khí cụ thể và các hướng phát triển quân đội Mỹ sẽ được đệ trình trong một dự luật riêng và phải được sự nhất trí của cả hai viện của Quốc hội. Có thể thấy, cũng như mọi năm, quá trình thông qua ngân sách dành cho các nhu cầu quân sự của Mỹ bao giờ cũng diễn ra trong sự "cọ xát" nảy lửa của cả hai viện Quốc hội Mỹ.
Ban đầu, Lầu Năm Góc được giao nhiệm vụ xác định nhu cầu chi tiêu cho các mục đích quân sự trong năm 2010, trong đó dự kiến cắt giảm ngân sách dành cho một số chương trình chế tạo vũ khí mới, thậm chí là từ bỏ một số chương trình tỏ ra không có triển vọng. Theo nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết, trong tình hình chính trị - quân sự trên thế giới hiện nay, kẻ thù của nước Mỹ không chỉ là quân đội chính quy của các nước thù địch, các "nguy cơ truyền thống", mà còn là các tổ chức khủng bố, các loại hình tổ chức lực lượng bán vũ trang và du kích, được gọi là các nguy cơ "phi truyền thống". Để đối phó với các "nguy cơ phi truyền thống" ấy, Mỹ không cần phải phung phí tiền của vào việc chế tạo những hệ thống vũ khí lớn siêu hiện đại.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Rô-bớt Ghết, nước Mỹ cần phải từ bỏ các chương trình chế tạo các hệ thống vũ khí nào vừa quá tốn kém, vừa chưa chứng minh được ưu lợi của mình khi đưa vào trang bị, song vẫn phải tập trung nghiên cứu phát triển ý tưởng mới về các hệ thống vũ khí sẽ được dùng trong các cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong thế kỷ XXI.
Lấy thí dụ từ kết quả thẩm định của Ủy ban Giám sát của Quốc hội về chương trình mang tên "Các hệ thống vũ khí cho chiến tranh tương lai", ông Rô-bớt Ghết chỉ ra rằng, nếu theo chương trình này, nước Mỹ sẽ chế tạo nhiều loại vũ khí công nghệ cao đắt tiền tới mức được ví là "những quả đạn vàng", trong khi chưa có đủ luận chứng có sức thuyết phục. Vậy mà trong ngân sách quân sự của những năm trước đây, Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi tới 159 tỉ USD để phát triển những loại vũ khí đó. Vì vậy, lần này trong ngân sách quân sự năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết đã đề nghị cắt giảm ngân sách dành cho một số dự án, thậm chí xóa sổ một số dự án chế tạo vũ khí siêu hiện đại, như ngừng chế tạo máy bay chiến đấu "tàng hình" thế hệ thứ 5 F-22 - một loại vũ khí đoạt "giải vô dịch" về chi phí, với giá thành lên tới 140 triệu USD cho một chiếc.
Các chương trình chế tạo vũ khí tiêu tiền tỉ USD này đã từng gây bức xúc không chỉ trong quân đội mà cả trong xã hội Mỹ trong những năm qua, nhưng ít ai dám động vào "chân lông" của tổ hợp công nghiệp quân sự, một tập đoàn công nghiệp - tài chính có ảnh hưởng rất lớn và đã từng được ví như một kiểu "tam giác sắt quyền lực" trong nền chính trị Mỹ, gồm Quốc hội, Lầu Năm Góc và các tập đoàn tài chính - công nghiệp. Một số quan chức trong "tam giác sắt quyền lực" đã thuyết phục được một số lớn nghị sĩ Mỹ rằng, nếu ngừng chế tạo máy bày F-22 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của Mỹ. Thế là, ngày 17-6-2009, trong cuộc họp thảo luận ngân sách quân sự năm 2010, Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ đã thông qua quyết định chi 369 tỉ USD để chế tạo thêm 12 chiếc F-22.
Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải "vào cuộc" và tuyên bố ông sẽ dùng quyền để phủ quyết bất kỳ một dự thảo ngân sách nào mà trong đó, có khoản chi ngân sách cho việc chế tạo thêm các máy bay F-22. Các cuộc "cọ xát" liên quan đến máy bay F-22 vẫn còn diễn ra giữa hai viện của Quốc hội Mỹ. Vì thế, khi dự luật này chuyển đến tay Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma thì đã muộn hơn 1 tháng. Trước khi đặt bút ký vào dự luật ngân sách quân sự năm 2010, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố: "Ngày hôm nay, chúng ta đặt dấu chấm hết cho các dự án vô nghĩa". Sau đó, ông B. Ô-ba-ma còn nói thêm rằng, cả ông và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết hiểu rằng, không thể chế tạo các hệ thống vũ khí cần thiết cho nước Mỹ trong thế kỷ XXI chừng nào chưa cải tổ một cách căn bản hệ thống quân sự hiện hành. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma còn cho biết, Ủy ban Thẩm định của Quốc hội đã phát hiện thấy, chi phí dành cho 96 dự án quân sự đã vượt quá mức thực tế tới 296 tỉ USD! Theo ông, khoản bội chi này bằng tổng số tiền lương và trợ cấp dành cho tất cả các quân nhân Mỹ trong cả một năm.
Như vậy, trong khi nước Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, thì ngân sách chiến tranh của Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tăng tới 30 tỉ USD so với ngân sách năm 2009 và lớn hơn tổng ngân sách quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới, ngoài Mỹ gộp lại. Điều này chứng tỏ, Mỹ vẫn chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự như một công cụ chính trị quan trọng nhất. Theo dự luật ngân sách quân sự năm 2010, Mỹ sẽ tăng quân số lên tới 1,425 triệu người, trong đó Lục quân tăng 30 nghìn người và Hải quân tăng 1,4 nghìn người. Để xây dựng lá chắn tên lửa, Mỹ sẽ chi 9,3 tỉ USD. Để huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của Áp-ga-ni-xtan, ngân sách quân sự năm 2010 của Mỹ dự chi 7,5 tỉ USD. Đó là chưa kể có một số khoản chi được đưa vào ngân sách quân sự do một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ đề xuất. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma hứa sẽ "sàng lọc" những "con sâu ngân sách" đó, nhưng xem ra ông vẫn chưa thể loại bỏ hết được./.
Nguy cơ thiếu hụt lương thực và giá cả tăng ở các nước phát triển  (02/11/2009)
Lễ đón chính thức Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II thăm Việt Nam  (02/11/2009)
Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính trong tình hình hiện nay  (02/11/2009)
Thế giới nói gì về việc ông B. Ô-ba-ma nhận giải thưởng Nô-ben Hòa bình  (02/11/2009)
Kỷ niệm 60 năm Ban Đối ngoại Trung ương  (02/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam