TCCSĐT - Tại Hội nghị, các ý kiến đã tập trung phân tích và nêu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn, sức lan tỏa, hiệu quả thiết thực của Cuộc vận động ở các địa phương, đồng thời trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình thực hiện Cuộc vận động ở cơ sở.

Chiều 3-12, tại Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tổ chức Hội nghị giao ban về thực hiện Cuộc vận động tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc (gồm 17 tỉnh). Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, chủ trì Hội nghị giao ban. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các đại biểu là Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh và Trưởng, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy của 17 tỉnh trong khu vực...

Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao chủ đề của Cuộc vận động năm 2009 là “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đề ra. Các đại biểu cho rằng, Cuộc vận động đã được triển khai một cách bài bản, có kế hoạch ở trong Đảng và trong quần chúng nhân dân trên địa bàn 17 tỉnh của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, nhiều tỉnh đã gắn Cuộc vận động với những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo; cải cách hành chính; đánh giá, bố trí, luân chuyển cán bộ; phát huy nguồn lực ở địa phương, tạo ra động lực lớn trong phát triển.

Các đại biểu khẳng định, ở 17 tỉnh trong khu vực, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa của Cuộc vận động cũng như công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình “làm theo Bác” được thực hiện dưới nhiều hình thức và phương thức sáng tạo, hiệu quả. Phong trào “Làm theo Bác” đã có sức lan tỏa lớn - từ những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi trong khu vực như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, đến những nơi đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như vùng đồng bào người H’Mông, người Dao… ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu. Không chỉ cán bộ, đảng viên “làm theo Bác” mà Phong trào còn được đồng bào các dân tộc thiểu số hưởng ứng nhiệt tình. Ở các địa phương, người dân học tập và làm theo Bác qua những việc cụ thể, và từ những việc nhỏ như xây một thùng rác để làng xóm được sạch sẽ (Bắc Ninh); tiết kiệm một bóng đèn, một nắm gạo để giúp đồng bào khó khăn (Hòa Bình), đến những việc lớn hơn như tham gia giám sát, chấm điểm cán bộ (Vĩnh Phúc)…

Hội nghị nhấn mạnh, bài học lớn nhất và sâu sắc nhất trong chỉ đạo, thực hiện Cuộc vận động đã được nhiều địa phương rút ra là: Bám sát chủ đề của năm nhưng phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, đến từng việc, từng ban, ngành, đơn vị, cơ sở; trong tỉnh phải chọn điểm chỉ đạo, thực hiện; khi thực hiện “làm theo Bác” phải cụ thể hóa từng việc, chọn việc theo phương châm hiệu quả, thiết thực, không tham việc, việc không có hiệu quả không làm. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên (đảng viên đi trước, làng nước theo sau); đồng thời đánh giá đúng vai trò của quần chúng (quần chúng là cái gốc của cách mạng), đặc biệt là vai trò giám sát của quần chúng. Xây dựng, phát hiện, biểu dương những gương tốt từ quần chúng trong thực hiện Cuộc vận động, đó là cách làm tạo sức lan tỏa vô cùng lớn và tạo động lực, hiệu quả rõ rệt.

Bắc Ninh, Bắc Giang có phong trào mọi đảng viên, cán bộ (kể cả cán bộ chủ chốt) đều đăng ký làm theo Bác bằng những việc thật cụ thể và có cơ chế giám sát việc thực hiện những nội dung đã đăng ký, qua hình thức ghi nhật ký những việc đã làm, coi những nội dung này là những chuẩn mực để làm căn cứ đánh giá cán bộ. Yên Bái xây dựng Phong trào “Năm có, năm không” ở các huyện vùng cao và coi đó là động lực thực hiện Cuộc vận động ở vùng khó khăn. Điện Biên, Lai Châu luân chuyển nhiều cán bộ về các xã nghèo để “ba cùng với nhân dân”, gắn Cuộc vận động với công tác xóa đói giảm nghèo, củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền ở cơ sở, tái định cư và cơ cấu lại nền kinh tế… Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… có phong trào hướng về cơ sở, cán bộ, công chức chọn nhận việc khó…; công khai hóa nhiều công việc; ban hành quy chế đánh giá cán bộ, trong đó có việc tổ chức cho nhân dân trực tiếp đánh giá, xếp loại cán bộ.

Cùng với những ưu điểm nổi bật trên, Hội nghị còn nêu những khó khăn trong quá trình triển khai Cuộc vận động ở các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, và đề xuất thêm nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2010 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu cũng đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động có những định hướng riêng theo từng địa bàn cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; ban hành văn bản kịp thời, có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa trung ương với địa phương để việc triển khai Cuộc vận động không bị lúng túng; các bộ, ban, ngành cần có những hướng dẫn và nội dung cụ thể đối với ngành dọc ở cơ sở, vào cuộc và phối, kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả đã đạt được của 17 tỉnh khu vực trong thực hiện Cuộc vận động. Nhiều cấp ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở các địa phương đã có cách làm sáng tạo để Cuộc vận động đạt kết quả tốt, tạo ra sức lan tỏa ngày càng sâu rộng trong tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các tỉnh trong khu vực cần sơ kết thực hiện Cuộc vận động năm 2009 để sang năm 2010 đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu. Trong thời gian tới, cần lồng ghép nội dung Cuộc vận động với tuyên truyền về những ngày lễ lớn trong năm, đề cao việc giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động kỷ niệm, tránh phô trương, hình thức, triệt để thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ. Gắn việc thực hiện các yêu cầu, nội dung Cuộc vận động với xây dựng Ðảng và hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội./.