Vĩnh Phúc - Đồng bộ giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
TCCS - Cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua việc triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với khu vực này. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao, làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng… Giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và thiểu số và miền núi thuộc 5 huyện, thành phố gồm Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên và Phúc Yên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án; ban hành chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc trên tất cả các mặt như: Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Chỉ tính riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn và trung hạn cho 230 trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 159 trường hợp, với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; bố trí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bố trí 1,6 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số; bố trí 800 triệu đồng thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chương trình tại các địa phương… Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đến nay, nhiều chỉ tiêu của chương trình đạt và vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình, đề án, dự án được triển khai thực hiện lồng ghép giúp đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; 100% số địa phương có đường ô-tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới; 100% số thôn dân cư có nhà văn hóa; 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố, 100% số học sinh mẫu giáo 5 tuổi được đến trường.
Những năm gần đây, xã Yên Dương (huyện Tam Đảo) đã thực sự thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Điều dễ nhận thấy nhất khi đến Yên Dương là những ngôi nhà cao tầng, những con đường bê-tông kiên cố, những vườn cây xanh mướt, những trang trại trù phú… tạo nên diện mạo mới, ngày một khởi sắc. Theo UBND xã Yên Dương, hiện 100% số tuyến đường trục xã, cơ bản các tuyến trục thôn trên địa bàn xã đã được cứng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư, bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2023, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 54 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Đáng chú ý, Yên Dương được chọn là 1 trong 5 xã của huyện Tam Đảo thực hiện thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Đồng Pheo, nơi có 100% số đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Theo đó, các hạng mục kết cấu hạ tầng tiếp tục được nâng cấp,với điểm nhấn là khu thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chi bộ, giao lưu văn hóa, thể thao của người dân.
Năm 2024, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu mức thu nhập bình quân của người dân tăng trên 1,2 lần so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm dưới 1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%; trên 50% số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Để hoàn thành các mục tiêu để ra, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của chương trình theo ngành, lĩnh vực phụ trách trên cơ sở nắm bắt khó khăn, đề xuất của Ban Dân tộc tỉnh; tăng cường kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện chương trình, bảo đảm kịp thời, đúng quy định, thường xuyên đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình ở các cấp theo định kỳ hằng tháng. Đối với các huyện, thành phố có xã đặc thù thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chương trình trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được tỉnh phân bổ, đồng thời, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực từ địa phương bảo đảm phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nhằm tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương thực hiện các nội dung, dự án của chương trình để tăng tính chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình./.
Tuổi trẻ Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò xung kích tham gia chuyển đổi số gắn với các phong trào thi đua yêu nước  (06/09/2024)
Vĩnh Phúc - Hỗ trợ vốn tín dụng giúp doanh nghiệp phát triển  (05/09/2024)
Tỉnh Vĩnh Phúc: Thêm cơ hội mới từ dự án Phát triển năng lực địa phương  (05/09/2024)
Vĩnh Phúc không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Bác Hồ  (02/09/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay