Sức khỏe và các yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe
09:44, ngày 09-11-2018
TCCSĐT - Sức khỏe là yếu tố quan trọng đối với sự sống, vì thế không có gì ngạc nhiên khi hầu hết mọi xã hội trên thế giới đều nêu định nghĩa về sức khỏe dưới nhiều góc độ khác nhau.
Sức khỏe và vai trò của Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe người dân
Trên cơ sở kế thừa những giá trị của học thuyết Đácyun về nguồn gốc loài người, chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định con người là một thực thể sinh học xã hội, là sản phẩm của sự tiến hóa lâu dài từ giới tự nhiên và giới sinh vật, chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên và xã hội cùng các quy luật biến đổi của chúng.
Trên cơ sở kế thừa những giá trị của học thuyết Đácyun về nguồn gốc loài người, chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định con người là một thực thể sinh học xã hội, là sản phẩm của sự tiến hóa lâu dài từ giới tự nhiên và giới sinh vật, chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên và xã hội cùng các quy luật biến đổi của chúng.
|
Ảnh minh họa |
Trong lịch sử có nhiều quan niệm về sức khỏe, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở khái niệm của WHO: “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật” được khẳng định tại Điểm 1, Bản Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978 gồm: (1) Sức khỏe thể chất được thể hiện một cách tổng quát, đó là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất; (2) Sức khỏe tinh thần là sự thỏa mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần; (3) Sức khỏe xã hội - sự hòa nhập của cá nhân với cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe được xem như là một quyền cơ bản của con người trong thế giới hiện đại, vì vậy, được hưởng các dịch vụ y tế là quyền của mỗi người dân. Việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cung cấp cho nhân dân những dịch vụ y tế thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Sức khỏe là tài sản quý giá của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Vì thế, chi phí cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng không phải là khoản chi tiêu công cộng có tính chất phúc lợi, cứu trợ, giúp đỡ mà là đầu tư cho phát triển xã hội bởi các lý do: Thứ nhất, người dân có sức khỏe là yếu tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao sức khỏe cộng đồng sẽ giảm chi phí vì bệnh tật; Thứ hai, đầu tư cho y tế, cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng là biện pháp tích cực để xóa đói, giảm nghèo… Hơn nữa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế bao gồm hàng hóa công cộng đặc trưng như: phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát các bệnh lây nhiễm; sức khỏe bà mẹ trẻ em; sức khỏe nghề nghiệp… cần được nhà nước cung cấp miễn phí cho mọi thành viên trong xã hội.
Ngoài ra có thể thấy, tính chất đặc thù của chăm sóc sức khỏe, của y tế khác với các loại hàng hóa, dịch vụ thông thường, không chỉ nhắm đến một vài nhóm tiêu dùng mà là toàn bộ xã hội: chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng… nên chỉ có nhà nước mới có thể huy động được nguồn lực của toàn xã hội và tạo điều kiện cho mọi đối tượng đều có cơ hội tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ đặc biệt về chính sách và vật chất từ Nhà nước cũng như các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp…
Sức khỏe là quyền lợi cơ bản nhất của con người và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 46/NĐ/TW ngày 23-02-2005 của Bộ Chính trị khẳng định: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội góp phần bảo đảm nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe phải được coi là đầu tư cho phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ”. Vì vậy, việc nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe là quan trọng và cần thiết, đó là căn cứ lý luận để chúng ta có những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao sức khỏe cá nhân và cộng đồng, bảo đảm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe
Sức khỏe chịu tác động tổng hợp của các yếu tố thiên nhiên (vật lý, hóa học…), sinh học và kinh tế, xã hội… Sự thay đổi của môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường xã hội, gây ra những tác hại xấu lên tâm lý, tình cảm của con người và là nguyên nhân gây ra những bệnh lý. Đó là những yếu tố được coi có tính quyết định đến sức khỏe con người.
Các yếu tố về di truyền: Các yếu tố sinh học quyết định cấu trúc cơ thể và các hoạt động chức năng của cơ thể. Gần đây, khoa học đã chứng minh khi có sự biến đổi bất thường trong cấu trúc của những đoạn gen nào đó có thể gây ra những bệnh tật tương ứng. Hiện nay, y học đã có thể sử dụng bản đồ gen làm công cụ chẩn đoán một số bệnh như: thiếu máu do hồng cầu hình liềm, bệnh xơ nang tụy, bệnh đái tháo đường (đây là những bệnh có thể gây hậu quả xấu cho thế hệ sau)… Phần lớn các yếu tố gen thường không thể thay đổi được và đến nay, y học mới chỉ có thể can thiệp được ở mức hạn chế.
Ảnh minh họa |
Yếu tố môi trường: Là những yếu tố bên ngoài cơ thể, mà con người khó kiểm soát hay thậm chí không kiểm soát được. Yếu tố môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định tình trạng sức khỏe của bất cứ một cộng đồng nào. Thuật ngữ môi trường ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: môi trường xã hội, tổ chức xã hội, các nguồn lực… Môi trường tự nhiên như: nhiệt độ, ánh sáng, không khí, đất nước, thiên tai, thảm họa. Môi trường sống, làm việc: tình trạng khó khăn về nhà ở, nơi làm việc, trong gia đình và cộng đồng dễ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đường sá xuống cấp; lụt lội, bão, động đất, các thiên tai khác có thể gây tử vong hoặc thương tích cho nhiều người. Một môi trường tự nhiên trong lành chắc chắn sẽ tốt cho sức khoẻ hơn một môi trường ô nhiễm bụi bặm. Môi trường xã hội trong đó những con người có các thói quen tốt, vui vẻ hòa nhã, chất lượng sống tốt chắc chắn cũng sẽ tác động tích cực đến sức khoẻ của từng cá nhân trong cộng đồng.
Yếu tố xã hội: Là tất cả các yếu tố và hoàn cảnh không thuận lợi cho con người sinh sống và làm việc, như: chiến tranh, sự bất ổn về kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh sống ô nhiễm, khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, quá nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc, thực phẩm chứa nhiều chất độc hại, dinh dưỡng không đúng cách, kỳ thị chủng tộc, giới tính, vị trí xã hội, quan hệ xã hội, công ăn việc làm, mức thu nhập, mức sống, kinh tế chậm phát triển… Những yếu tố này, một số cá nhân con người hoặc một vài ngành không giải quyết hết được mà đây phải là công việc của tất cả các ngành, của cả cộng đồng, quốc gia.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe: Hệ thống chăm sóc sức khỏe có ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái sức khỏe của người dân. Chất lượng điều trị và chăm sóc như thế nào, tình trạng thuốc men có đầy đủ hay không; khả năng tiếp cận với các dịch vụ của người dân (chi phí, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, thời gian chờ đợi…); thái độ của cán bộ y tế đối với người bệnh; trình độ chuyên môn của cán bộ y tế có đáp ứng được yêu cầu không; tính chất của hệ thống chăm sóc sức khỏe (chăm sóc sức khỏe đặc biệt chuyên sâu, y tế nhà nước hay y tế tư nhân). Tình trạng sức khỏe cá nhân và cộng đồng tốt hay xấu phụ thuộc nhiều bởi tình trạng xấu hay tốt của những yếu tố trên thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Yếu tố hành vi và lối sống của con người: Hành vi sức khỏe là hành vi của cá nhân, gia đình, cộng đồng tạo ra các yếu tố tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến sức khỏe của chính họ, có thể có lợi hoặc có hại cho sức khỏe. Hành vi của con người có liên quan đến việc tạo ra, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, hoặc liên quan đến một vấn đề sức khỏe nhất định, như: hành vi tập thể dục, hành vi về dinh dưỡng, về vệ sinh môi trường… Hành vi sức khỏe cá nhân là trọng tâm của quá trình giáo dục và nghiên cứu sức khỏe. Hành vi và lối sống không lành mạnh được xem là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, tử vong và các vấn đề sức khỏe khác…
Dinh dưỡng hợp lý, an toàn, lành mạnh sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt, tăng sức đề kháng chống lại nguy cơ bệnh tật. Thói quen sinh hoạt điều độ, vận động phù hợp cũng sẽ giúp cơ thể khoẻ khoắn hơn. Ngược lại, việc ăn uống vô độ, thiếu khoa học, ít vận động, lạm dụng các chất có hại như rượu bia, thuốc lá sẽ làm cho cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, suy yếu và dễ mắc các bệnh tật nguy hiểm. Hiện nay có rất nhiều bệnh được xác định có nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống và lối sống như béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…/.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 29-10 đến ngày 04-11-2018)  (08/11/2018)
Thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và vốn ODA  (08/11/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK Group  (08/11/2018)
Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các dự án BOT  (08/11/2018)
Tiếp nối và phát triển quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba  (08/11/2018)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV  (08/11/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm