Bộ Y tế: Tăng đầu tư cho y tế cơ sở

Hồng Đạt
19:55, ngày 08-10-2018

TCCSĐT - Chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho người bệnh cũng như tránh quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Nghị quyết số 20/NQ-TW 2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã xác định y tế cơ sở là nền tảng và định hướng xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay cả nước có hơn 12 nghìn cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh BHYT trong đó có 2.169 cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật và 9.821 trạm y tế (chiếm 88% tổng số trạm y tế). Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được triển khai khá hiệu quả như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám, chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe... Số lượt người bệnh khám chữa bệnh BHYT tăng dần, từ 130 triệu lượt vào năm 2015 lên 147 triệu lượt vào năm 2016 và 150 triệu lượt vào năm 2017.

Nguyên nhân khiến người dân vẫn thờ ơ với y tế cơ sở


Bên cạnh những điểm sáng về y tế cơ sở, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hạn chế hiện nay là người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng còn chưa tốt, thiếu cán bộ y tế có trình độ cao. Bên cạnh đó là tình trạng trạm y tế thiếu trang, thiết bị y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, máy xét nghiệm thông thường… Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 76 dịch vụ kỹ thuật và 241 danh mục thuốc. Ðây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy rất nhiều trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này...

Mặt khác, chi trả BHYT cho người bệnh còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật ít… cho nên người bệnh rất hay vượt lên tuyến trên. Thống kê số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm 70% tổng số lượt khám, chữa bệnh BHYT, nhưng chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm khoảng 30% tổng số lượt khám chữa bệnh, nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí. Nhiều ý kiến cho rằng việc giao quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho trạm y tế tuyến xã hiện nay ở mức không quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú là quá thấp, không đủ để chi phí cho khám, chữa bệnh BHYT dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Ðáng chú ý, việc thực hiện thông tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng quy định này dẫn đến tình trạng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Năm 2014, số lượt khám bệnh tại trạm y tế xã chiếm 28,3% tổng số lượt khám bệnh BHYT thì từ năm 2015 (thực hiện thông tuyến), tỷ lệ này có xu hướng giảm còn 26%; năm 2016 còn 21,9% và 2017 còn 19,9%.

Tăng đầu tư cho tuyến y tế cơ sở

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, những năm qua định mức được phân bổ cho y tế tuyến xã về cơ bản mới đáp ứng các khoản chi cho con người (lương, phụ cấp, các khoản đóng góp) và chi hành chính như tiền điện, nước, công tác phí. Chưa có hoặc bố trí được rất ít kinh phí để cán bộ y tế dự phòng, trạm y tế đi kiểm tra, giám sát, thực hiện các hoạt động dự phòng; các hoạt động này chủ yếu sử dụng từ kinh phí chương trình mục tiêu y tế - dân số.

Phát triển y tế cơ sở được coi là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Y tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo để hướng tới bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ban đầu, điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật. Theo đó, toàn ngành thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ: triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã. Để đạt mục tiêu đó, công tác đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như có kinh phí cho cơ sở y tế hoạt động đóng vai trò quan trọng.

Theo Bộ Y tế, từ nay đến năm 2020, cơ cấu chi ngân sách nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ có những thay đổi quan trọng. Từ năm 2018 đến năm 2020, ngân sách chi cho y tế dự phòng chiếm 30%; ngân sách phân bổ cho các cơ sở khám, chữa bệnh phải giảm dần, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ; hỗ trợ cho một số cơ sở khám, chữa bệnh vùng miền núi, khó khăn, thu không đủ chi; chi cho các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa lao, phong, tâm thần; nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ để người cận nghèo, người có mức thu nhập trung bình tham gia BHYT; hỗ trợ quỹ khám, chữa bệnh người nghèo của địa phương. Từ ngày 01-01-2018, gói dịch vụ y tế cơ bản với nhiều dịch vụ y tế được mở rộng và thanh toán tại tuyến xã, phường sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, thuận lợi hơn và giảm tải hiệu quả cho bệnh viện tuyến trên.

Mặt khác, trạm y tế xã sẽ được nâng cao chất lượng thiết bị, nhân lực, có các thiết bị siêu âm tại trạm và phải thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm chuyển về tuyến huyện.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi sự nghiệp y tế phân bổ theo hướng: dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng để phân bổ, chi cho các hoạt động y tế dự phòng, y tế công cộng, truyền thông giáo dục sức khỏe giúp nâng cao sức khỏe người dân; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm; kiểm soát các yếu tố nguy cơ và tổ chức tầm soát, sàng lọc, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; chi phòng, chống bệnh dịch. Cần ưu tiên dành khoảng 30 đến 40% cho trạm y tế xã để chi lương, phụ cấp cho y tế xã, thôn, bản; giúp trạm y tế xã có nguồn thực hiện đầy đủ các hoạt động về chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông giáo dục sức khỏe, quản lý sức khỏe, theo dõi, quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, phấn đấu đến năm 2020, 90% số dân được quản lý, theo dõi sức khỏe./.