Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác tổ chức và cán bộ
TCCS - Giám sát công tác tổ chức, cán bộ là một hoạt động rất quan trọng, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực thực hiện, nhằm góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện và nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động quan trọng này, để xứng đáng với vị trí, vai trò trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Nội dung giám sát công tác tổ chức, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, liên quan đến công tác cán bộ; trong đó, có nhiều văn bản giao cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát công tác cán bộ. Điểm đáng chú ý là trong các văn bản này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xác định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác tổ chức cán bộ.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được Đảng tin tưởng giao phó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Ban Thường trực) đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ban hành Chương trình phối hợp số 30/CTPH-MTTW-TCTV, ngày 30-10-2018, “Về phối hợp giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII”.
Chương trình phối hợp đã xác định rõ những vấn đề mà MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung giám sát, như giám sát việc triển khai, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; giám sát việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; giám sát việc triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; việc thực hiện công khai, minh bạch các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; giám sát, xác minh, kiến nghị xử lý kịp thời thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng đối với các nội dung liên quan đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để việc giám sát được thực hiện thống nhất trong hệ thống mặt trận, Ban Thường trực đã ban hành Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT, ngày 22-9-2020, về “Hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ”, trong đó tập trung vào giám sát ba nội dung chủ yếu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ; trong đó, đặt trọng tâm vào việc giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ. Giám sát việc công khai và thực hiện quy trình các khâu trong quản lý cán bộ, như tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ. Giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự lãnh đạo của từng cấp theo quy định; việc cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ chủ động lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp với từng thời điểm cụ thể; thường xuyên, đột xuất, định kỳ tổng hợp, phản ánh ý kiến của nhân dân, người uy tín tiêu biểu về công tác cán bộ đến cấp ủy, chính quyền, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp (người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền).
Thứ hai, giám sát việc thực hiện các quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền theo Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị. Theo đó, Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT đã nêu rõ phương hướng để Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện quy định nói trên. Hoạt động chủ yếu là, lắng nghe ý kiến nhân dân; phản ánh, cung cấp thông tin với cấp ủy, chính quyền những trường hợp cán bộ thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, không trung thực; có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm nguyên tắc, quy định trong công tác cán bộ; có các biểu hiện tiêu cực, hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
Thứ ba, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện góp ý, giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ. Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT tập trung vào giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư(1) và các quy định có liên quan đến việc thực hiện góp ý, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tại địa phương.
Những kết quả nổi bật và một số hạn chế khi thực hiện giám sát công tác tổ chức, cán bộ trong thời gian qua
Ngay sau khi Chương trình phối hợp số 30/CTPH-MTTW-TCTV, ngày 30-10-2018 được ký kết, Ban Thường trực đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, giám sát đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.
Năm 2019, Ban Thường trực đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai và thực hiện giám sát tại một số địa phương, như thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hà Giang... Qua giám sát, Ban Thường trực đã có những kiến nghị cụ thể tới các cơ quan hữu quan về những nội dung liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ phát sinh trong thực tế.
Đến năm 2021, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn được thực hiện đồng bộ tới tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở báo cáo việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ của các tỉnh ủy, thành ủy và báo cáo của ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam của 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả giám sát đối với cấp ủy cấp huyện, cấp xã, có thể thấy công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, về giám sát việc triển khai, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ: Nhìn chung, cấp ủy các cấp đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác cán bộ để lãnh đạo, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc tại địa phương, cơ sở. Tính riêng trong năm 2020, cấp ủy các cấp đã ban hành 6.250 văn bản nhằm chỉ đạo, phối hợp thực hiện các quy định liên quan đến công tác cán bộ, đảng viên. Hệ thống văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, đồng bộ; có những cách làm mới, phù hợp thực tiễn gắn với quy trình cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cùng với việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, các địa phương đã xây dựng đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đối với việc triển khai các quy định của Trung ương về cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ có liên quan đến vai trò của MTTQ Việt Nam, cấp ủy các cấp cũng đã ban hành các chỉ thị, quy định và kế hoạch hằng năm để chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời(2).
Thứ hai, qua giám sát việc thực hiện các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cho thấy, việc tuyển dụng cơ bản đúng quy trình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010; các nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ... Việc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức, viên chức thông qua hình thức thi tuyển và xét tuyển, cơ bản đúng tiêu chuẩn, quy trình. Việc xét tuyển viên chức được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy trình, tiêu chuẩn, có sự quan tâm đến các đối tượng ưu tiên, như gia đình chính sách, hộ nghèo, cán bộ nữ, cán bộ trẻ có thành tích học tập xuất sắc...; tuyển dụng theo đúng vị trí việc làm và phù hợp với bằng cấp chuyên môn được đào tạo cũng như yêu cầu công tác, hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trẻ, ngày càng có trình độ, năng lực, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới. Một số địa phương căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để xem xét, tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Việc ký hợp đồng lao động cũng cơ bản bảo đảm đúng chỉ tiêu, trình độ, phù hợp với nhiệm vụ. Trong quá trình tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động không phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dự tuyển. Tuy nhiên, trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên một số địa phương không thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ, công chức.
Thứ ba, về giám sát quy định về bổ nhiệm cán bộ: Kết quả giám sát năm 2020 cho thấy, các cơ quan cấp tỉnh bổ nhiệm các chức danh quản lý cho 4.581 người, trong đó bổ nhiệm là 3.086 người, bổ nhiệm lại là 1.495 người. Các cơ quan cấp huyện thực hiện bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức danh quản lý là 13.381 người. Các cơ quan cấp xã bổ nhiệm 6.797 người. Công tác bổ nhiệm cán bộ của các địa phương cơ bản được thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ, thận trọng, hạn chế tối đa tình trạng chạy chức, chạy quyền, tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Quy trình bổ nhiệm cán bộ được áp dụng theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; đội ngũ cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điều quan trọng là, các quy trình bảo đảm yêu cầu phân cấp, phân quyền, được thực hiện nghiêm túc, rà soát kỹ từng trường hợp.
Trong quá trình giám sát, khi phát hiện những vấn đề thiếu sót, chưa rõ, bộ phận chuyên môn của cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp đã kịp thời trao đổi với cấp ủy, chính quyền một số địa phương để nắm bắt thêm thông tin(3), đề nghị giải trình từng trường hợp và rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Đối với trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp kịp thời ban hành công văn đề nghị cấp ủy địa phương rà soát để xử lý theo đúng quy định(4).
Thứ tư, về chuyển đổi vị trí công tác: Kết quả giám sát cho thấy, cấp tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.942 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức. Cấp huyện chuyển đổi 3.362/3.956 trường hợp trong diện chuyển đổi vị trí công tác (đạt 84,9%), còn 594 trường hợp chưa chuyển đổi (chiếm 15,1%).
Nhìn chung, công tác chuyển đổi vị trí việc làm được cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, bảo đảm đúng theo quy trình, thủ tục, góp phần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng. Mặt tích cực của chuyển đổi vị trí việc làm là giúp nhiều công chức, viên chức có điều kiện rèn luyện bản lĩnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, khả năng thích nghi, nắm bắt địa bàn, đối tượng quản lý; từ đó, tham mưu các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bảo đảm hiệu quả tốt. Nhiều công chức bày tỏ sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, phục tùng tuyệt đối sự phân công của tổ chức. Việc chuyển đổi vị trí việc làm góp phần hạn chế tình trạng khép kín, cục bộ, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Thứ năm, kết quả giám sát về kê khai và công khai tài sản đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp cho thấy, qua thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trong năm 2020, ở cấp tỉnh, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu là 447.910 người, trong đó số người đã kê khai tài sản lần đầu là 447.579 người (đạt 99,9%). Ở cấp huyện, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu là 182.795 người, số người đã kê khai tài sản lần đầu là 181.478 người (đạt 99,3%).
Việc thực hiện công khai bản kê khai tài sản bằng hình thức niêm yết tại nơi làm việc của cán bộ hoặc công khai bản kê khai tại cuộc họp được tiến hành theo đúng quy định. Hồ sơ lưu trữ được thiết lập theo quy định; danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, các bản kê khai tài sản của người kê khai được lập đầy đủ; việc giao nhận bản kê khai được thực hiện nghiêm túc; biên bản niêm yết bản kê khai tài sản, thu nhập của từng cơ quan, đơn vị được thực hiện chặt chẽ. Kết quả triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Thứ sáu, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, một trong những tiêu chuẩn luôn được nhấn mạnh và thảo luận, xem xét kỹ lưỡng là: Người ứng cử phải gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các vi phạm pháp luật. Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuân thủ triệt để. Tổ chức Mặt trận đã lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần, số lượng, không đưa vào danh sách những ứng cử viên có dấu hiệu tham nhũng, không trung thực trong kê khai tài sản hoặc vi phạm pháp luật về bầu cử. Đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sau khi MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú mà có số phiếu tín nhiệm thấp thì đều không được các cấp hiệp thương của tổ chức mặt trận đưa vào danh sách hiệp thương chính thức (loại khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND)(5). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện nghiêm nhiệm vụ giám sát bầu cử, góp phần bảo đảm các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng để giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước.
Thứ bảy, việc giám sát công tác tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hằng năm, đại diện Ban Thường trực là thành viên Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều thực hiện việc đánh giá, thẩm định, cho ý kiến đối với các hồ sơ của người được đề nghị bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao(6); là thành viên Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên cao cấp, trung cấp và sơ cấp, thực hiện việc cho ý kiến vào danh sách đề nghị thi tuyển kiểm sát viên và danh sách đề nghị được bổ nhiệm kiểm sát viên các cấp theo quy định.
Sự tham gia của MTTQ Việt Nam trong công tác tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên đã góp phần giúp cho các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước bổ nhiệm được đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu, chất lượng đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp trong giai đoạn mới(7).
Hoạt động giám sát công tác tổ chức, cán bộ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian qua, nhất là từ khi có Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị, đã thu được những kết quả có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Điều này góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam. Các hoạt động giám sát công tác tổ chức, cán bộ được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm theo dõi và đồng tình ủng hộ, các cơ quan thông tin đại chúng cũng hưởng ứng và tích cực tuyên truyền cho các hoạt động này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ, Ban Thường trực nhận thấy vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy và tổ chức đảng về công tác giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ có mặt chưa đầy đủ. Sau giám sát, xử lý vi phạm ở một số nơi còn thiếu kiểm tra việc khắc phục, sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên. Tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh, thiếu bản lĩnh khi thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác tổ chức, cán bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của hoạt động giám sát.
Vai trò chủ động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác tổ chức, cán bộ có nơi còn hạn chế hoặc khi có dư luận thì mới tiến hành giám sát; hoạt động giám sát thiếu tính thường xuyên.
Khi tiến hành quy trình giám sát liên quan đến công tác cán bộ còn nhiều lúng túng, khó khăn nhất định. Hạn chế này mang nhiều yếu tố chủ quan; bởi lẽ yêu cầu đặt ra đối với cán bộ làm công tác giám sát là phải nắm chắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, trong khi hầu hết cán bộ làm công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lại chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, chủ yếu mới chỉ được tập huấn ngắn hạn do MTTQ Việt Nam triển khai trong hệ thống.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát công tác cán bộ còn chưa nhịp nhàng; việc xác định nội dung, phương pháp, hình thức giám sát còn nhiều lúng túng; chất lượng giám sát có lúc chưa cao; việc giải quyết kiến nghị của một số ngành, chính quyền địa phương còn chậm.
Giải pháp phát huy vai trò giám sát công tác tổ chức, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy để phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, MTTQ Việt Nam sớm hoàn thiện Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới. Đây là văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường hoạt động giám sát nói chung và giám sát công tác tổ chức, cán bộ nói riêng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực sự hiệu quả.
Thứ hai, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng, quy định của Nhà nước để từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới. Giám sát công tác tổ chức, cán bộ là việc khó; vì vậy, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải quy định toàn diện, đầy đủ, cụ thể và rõ ràng các vấn đề liên quan. Yêu cầu này tạo cơ sở pháp lý không chỉ cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, nhất là những đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện nghiêm.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện giám sát công tác tổ chức, cán bộ. Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tăng cường kết hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với hoạt động thanh tra của các cơ quan nhà nước, hoạt động kiểm tra của Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp... Như vậy, sẽ góp phần làm cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam ngày càng hiệu quả, huy động được các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia, sẽ tạo sức mạnh trong giám sát.
Thứ tư, việc giám sát công tác tổ chức, cán bộ và giám sát đối với cán bộ, đảng viên phải được thực hiện thường xuyên; cần sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai các hoạt động giám sát công tác tổ chức cán bộ trong thời gian qua để lựa chọn những nội dung giám sát sao cho sát - đúng, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tế của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ năm, để thực hiện tốt việc giám sát công tác cán bộ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần thu hút và sử dụng được những người thực sự có đức, có tài, có bản lĩnh, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hoạt động giám sát. Tăng cường các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo mặt trận các cấp, có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức để thực hiện giám sát. Tập hợp, phát huy tối đa tiềm năng to lớn của các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các hội đồng tư vấn để họ cùng tham gia các hoạt động giám sát, giúp nâng cao chất lượng giám sát nói chung và giám sát công tác tổ chức cán bộ nói riêng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với các địa phương, cần quan tâm đẩy mạnh công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp, cách làm hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở cần được trang bị tốt kiến thức về chính sách, pháp luật để thực hiện giám sát có hiệu quả./.
-----------------
(1) Như: Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị) và Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị); giám sát việc thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; giám sát việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
(2) Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”.
(3) Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Kạn bổ sung thông tin về bằng cấp chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, danh sách tuyển dụng công chức, danh sách bổ nhiệm...
(4) Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành văn bản số 3237/MTTW-BTT, đề nghị báo cáo về thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ, đề nghị Tỉnh ủy Lào Cai báo cáo cụ thể về thực hiện quy trình, điều kiện bổ nhiệm cán bộ đối với đồng chí Đàm Quang Vinh và kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin Báo Lao động nêu. Ngày 7-12-2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận được Báo cáo số 195-BC/TU, ngày 2-12-2021, của Tỉnh ủy Lào Cai, “Về việc thực hiện quy trình, điều kiện bổ nhiệm đồng chí Đàm Quang Vinh giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai và xác minh thông tin”, đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đàm Quang Vinh; ngày 25-11-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 4135/QĐ-UBND, kỷ luật công chức với hình thức buộc thôi việc đối với đồng chí Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.
(5) Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, so với danh sách trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, qua các lần hiệp thương, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã loại khỏi danh sách hiệp thương chính thức 150 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 63.607 ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân các cấp do đã phát hiện vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống và không được cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm (Báo cáo số 259/BC-MTTW, ngày 8-7-2016, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng kết công tác Mặt trận tham gia bầu cử).
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành lập 9 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, trong đó, tổ chức kiểm tra, giám sát trực tiếp tại 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh đã chủ trì tổ chức 480 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, phối hợp, tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát 845 đoàn; ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã chủ trì tổ chức 2.764 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, phối hợp, tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát 4.269 đoàn; ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã chủ trì tổ chức 18.490 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, phối hợp, tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát 23.696 đoàn công tác bầu cử.
(6) Năm 2020, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là thành viên Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã cho ý kiến về 8 hồ sơ bổ nhiệm kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; cho ý kiến đối với 1.561 hồ sơ dự thi kiểm sát viên, viện kiểm sát nhân dân các cấp.
(7) Năm 2020, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia đã phối hợp cho ý kiến đối với 729 hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân các cấp.
Đề án phân loại “ong”  (14/07/2022)
Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài  (30/06/2022)
Cán bộ “nước chấm”  (24/06/2022)
Cái “tôi” nặng thì cái “tội” lớn?!  (10/05/2022)
“Hoa hồng to”, “hoa hồng nhỏ”  (16/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển