Mối quan hệ giữa mục đích và phương pháp thực hiện mục đích của cách mạng Việt Nam qua Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người, mục đích và phương pháp thực hiện mục đích có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự phù hợp giữa chúng là điều kiện bảo đảm cho thành công của hành động. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng mối quan hệ đó và điều này cũng được thể hiện rõ nét trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Mục đích và mối quan hệ với phương pháp trong việc thực hiện mục đích
Cơ sở khoa học của việc xác định mục đích
Trong tác phẩm Bút ký triết học, V.I. Lê-nin viết: “Sự không hoàn thành những mục đích (của hoạt động của con người) có nguyên nhân (Grund) là người ta coi thực tại là cái không tồn tại (nichtig), là người ta không thừa nhận tính hiện thực khách quan của nó (của thực tại)”(1). Như vậy, hành động của con người muốn đạt được kết quả như mong muốn thì việc xây dựng mục đích ban đầu không thể chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan, mà như V.I. Lê-nin đã chỉ ra, còn phải căn cứ vào thực tại khách quan. Nghĩa là, mục đích hoạt động của con người vừa phụ thuộc vào thế giới khách quan, vừa phụ thuộc vào nhận thức chủ quan, nhưng thế giới khách quan mới là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, mỗi cá nhân tiếp nhận thế giới khách quan một cách khác nhau thông qua lăng kính chủ quan của mình, dựa trên trình độ nhận thức, ý thức của từng người. Chính vì thế mới dẫn đến kết quả khác nhau trong nhận thức về thế giới khách quan.
Trong hoạt động thực tiễn nói chung, hoạt động cách mạng nói riêng, nếu chủ thể chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan, không nhận thức đúng các yếu tố và quy luật khách quan của lịch sử thì sẽ thất bại. Thất bại này của chủ thể hành động phản ánh sự không tôn trọng quy luật nói chung, mối quan hệ giữa mục đích và phương pháp nói riêng. Học thuyết phản ánh và sáng tạo của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã chỉ rõ, khi con người nhận thức đúng đắn quy luật khách quan, nắm được tác động và chiều hướng vận động của nó để vận dụng được vào hoạt động thực hiện mục đích của mình thì sẽ đạt được kết quả như mong muốn.
Thế giới khách quan luôn luôn vận động và phát triển ngày càng đa dạng, phức tạp, luôn xuất hiện nhiều yếu tố, xu hướng khác nhau. Nhận thức được thực trạng thế giới như vậy là vấn đề rất khó khăn; đồng thời, không thể chỉ dừng lại ở những hiện tượng bên ngoài theo nhu cầu và lợi ích trước mắt của chủ thể một cách phiến diện. Con người phải đứng trên quan điểm toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển; phải đi sâu vào bản chất, phát hiện ra những mâu thuẫn, những xung đột, những yếu tố ẩn náu sâu xa trong thế giới thì mới có thể nhận thức được quy luật khách quan, tạo cơ sở hình thành mục đích đúng đắn cho hoạt động thực tiễn của mình.
Những người xuất phát từ lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, chỉ nhìn nhận thế giới một cách phiến diện theo quan điểm thực dụng, sẽ không thể nhận thức được bản chất của thế giới, không thể nhận thức đúng đắn quy luật khách quan; do đó, không thể xác định được mục đích hoạt động thực tiễn một cách khoa học, dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng. Việc xác định được mục đích bảo đảm tính đúng đắn và khoa học đã khó, nhưng có thể hiện thực hóa mục đích ấy hay không còn khó khăn gấp bội, bởi nó còn phụ thuộc vào phương pháp và cách thức thực hiện mục đích của chủ thể trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử - cụ thể.
Mối quan hệ giữa mục đích và phương pháp thực hiện mục đích
Trong tác phẩm Bút ký triết học, V.I. Lê-nin đã chỉ ra rằng, nhận thức của con người đối với hiện thực là quá trình đi sâu (thâm nhập) vào khách thể; quá trình đó được thực hiện thông qua thực tiễn, thông qua hoạt động có mục đích của con người. Theo V.I. Lê-nin, quá trình đó như là sự quá độ “từ khái niệm chủ quan và từ mục đích chủ quan đến chân lý khách quan”(2).
Như vậy, quá trình chuyển từ mục đích thành hiện thực sinh động - hiện thực hóa mục đích - là quá trình phức tạp, vừa phụ thuộc vào phương pháp thực hiện mục đích, vừa phụ thuộc vào ý chí trong hành động của con người. Mục đích đúng nhưng phải có phương pháp thực hiện mục đích phù hợp thì mới mang lại kết quả. Việc xác định được mục đích đúng đã thể hiện năng lực của chủ thể và điều đó đã chứa đựng khả năng có được mục đích phù hợp với phương pháp và cách thức hành động. Tuy nhiên, để bảo đảm có được phương pháp đúng và phù hợp với mục đích, chủ thể hành động cần lưu ý đến các yếu tố cơ bản sau đây:
Trước hết, cần có thế giới quan khoa học. Đó là thế giới quan duy vật biện chứng, đòi hỏi xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan, tôn trọng quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử - xã hội; đồng thời, cần phê phán quan điểm, tư tưởng duy tâm, chủ quan, duy ý chí, phản khoa học. Tiếp đến, cần có phương pháp luận khoa học tương ứng, đó là phương pháp luận của phép biện chứng duy vật để nhìn nhận sự vật, hiện tượng luôn luôn trong sự liên hệ ràng buộc, thâm nhập vào nhau, tác động và chuyển hóa lẫn nhau, luôn luôn vận động và phát triển theo quy luật khách quan. Phép biện chứng duy vật đòi hỏi khi xem xét sự kiện lịch sử - xã hội phải đứng trên quan điểm toàn diện, lịch sử - cụ thể; biết phát hiện bản chất sâu xa của sự vật, hiện tượng, không nhầm lẫn giữa bản chất và hiện tượng, không mơ hồ trước những hiện tượng xuyên tạc bản chất. Cuối cùng, chủ thể còn cần có phương pháp tiếp cận và các phương pháp cụ thể thích hợp để tổ chức thực hiện mục đích đã đề ra. Đó là những cách thức, những bước đi và giải pháp cụ thể phù hợp, chính xác trong việc tổ chức thực hiện mục đích của chủ thể.
Một yếu tố không kém phần quan trọng trong quá trình thực hiện phương pháp khoa học là phải có nhân sinh quan khoa học, cách mạng. Mọi hoạt động có mục đích của con người đều là hoạt động có ý thức. Nhân sinh quan cách mạng tạo cơ sở nâng cao ý thức cách mạng, giữ vững ý chí và nghị lực trong thực hiện mục đích. Ý thức càng sâu sắc, ý chí, nghị lực càng cao, sẽ càng sáng tạo trong thực hiện mục đích; còn khi ý thức mờ nhạt, ý chí và nghị lực thấp kém, nặng về lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” thì không thể vận dụng được các phương pháp khoa học để thực hiện mục đích.
Như vậy, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng cùng với các phương pháp luận và phương pháp tiếp cận khoa học là những yếu tố cơ bản gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình biến mục đích thành hiện thực. Đó là một quá trình sáng tạo của con người, quá trình mà trong đó con người vừa là “đạo diễn”, vừa là “diễn viên” trong vở kịch lịch sử - xã hội của chính mình. Con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể sáng tạo lịch sử - xã hội
Nhìn lại mối quan hệ mục đích - phương pháp từ thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam
Tiếp thu đường lối cách mạng của V.I. Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga, kế thừa những tinh hoa của dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ bản chất của thời đại, quy luật phát triển khách quan của lịch sử - xã hội và đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3); “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(4). Quan điểm, tư tưởng chủ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam và có tác dụng tích cực, cổ vũ nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc mình.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 thành công là minh chứng hùng hồn của việc thực hiện tư tưởng thiên tài của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên thành công ở một nước thuộc địa và phụ thuộc, do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng chính là điển hình tiêu biểu của sự thống nhất giữa mục đích và phương pháp cách mạng. Để thực hiện một cuộc khởi nghĩa thành công theo mục đích đã được xác định, một loạt các phương pháp cách mạng đã được tiến hành, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị rộng khắp của toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, lật đổ chính quyền phong kiến, đế quốc, thực dân, thành lập chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 đã tạo cơ sở khoa học và chính trị cho sự tiếp tục vận dụng sáng tạo, thực hiện sự thống nhất giữa mục đích và phương pháp cách mạng, đưa cuộc trường kỳ kháng chiến tới thắng lợi, với đỉnh cao là thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Từ thời điểm đó, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với mục đích và phương pháp cách mạng mới, đó là tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương lớn để tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng có những giai đoạn nhỏ của cuộc cách mạng xuất hiện trục trặc, mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ giữa mục đích và phương pháp thực hiện mục đích, dẫn đến hạn chế kết quả của cách mạng, như việc tiến hành cải cách ruộng đất, quá trình cải tạo công - thương nghiệp tư bản tư doanh, việc duy trì nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp kéo dài, không phát huy được vai trò của lực lượng sản xuất, rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp phải vô vàn khó khăn. Trước tình hình thế giới có biến động và nhu cầu cấp bách của đời sống kinh tế - xã hội trong nước, Đảng ta đã nhận rõ sai lầm của mình, kiên quyết nhìn thẳng vào sự thật, đề ra đường lối đổi mới đất nước tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986). Điều này chứng minh chân lý mà V.I. Lê-nin đã từng nói: “Chỉ khi nào chúng ta không sợ thừa nhận những thất bại và những thiếu sót của mình, chỉ khi nào chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, dù là sự thật đáng buồn nhất đi nữa, - chỉ khi đó chúng ta mới học được cách chiến thắng”(5).
Đại hội VI của Đảng đã tự kiểm điểm nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, vạch ra những sai lầm trong nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, đề ra đường lối đổi mới có ý nghĩa chiến lược, tạo nên bước ngoặt lịch sử to lớn của đất nước. Từ đó trở đi, qua mỗi kỳ đại hội của Đảng, mục đích và phương pháp cách mạng cũng như mối quan hệ giữa chúng lại được kế thừa, bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và nhu cầu thực tiễn của đất nước.
Mục đích và phương pháp cách mạng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Mục đích của đường lối cách mạng Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(6). Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua đã tạo cơ sở và điều kiện để Đảng ta tiếp tục xác định một cách đúng đắn mục tiêu cách mạng trong thời gian tới. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa… Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7).
Kết hợp sức mạnh thời đại với những thành tựu to lớn đã đạt được trong những năm qua, Đảng ta xác định trong thời gian tới là “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(8). Đây có thể coi là sự trình bày một cách đầy đủ nhất mục đích tổng thể của cách mạng Việt Nam, cũng như phương pháp thực hiện mục đích đó. Trong đó, mục đích là kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phương pháp tổng thể để thực hiện mục đích đó chính là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục đích, Đại hội XIII của Đảng đề ra chiến lược phát triển tổng thể là: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(9).
Trên cơ sở xác định mục đích của đường lối cách mạng, Đảng ta đã xác định các mục tiêu cụ thể để phát triển đất nước trong những thập niên sắp tới: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(10).
Những phương pháp cách mạng chủ yếu để thực hiện mục đích đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Để thực hiện mục đích và mục tiêu của đường lối cách mạng đã được xác định một cách khoa học, với phương pháp luận biện chứng, toàn diện và lịch sử - cụ thể, Đảng ta đã nêu ra các phương pháp phù hợp với các mục đích và mục tiêu nói trên; cụ thể như sau:
1- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2- Một trong những phương pháp xuyên suốt quá trình thực hiện đường lối cách mạng, đó là phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trên cơ sở phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, mọi việc phải dựa vào dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(11).
3- Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực.
4- Một trong những phương pháp, biện pháp then chốt là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
5- Phát triển con người toàn diện: Con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; đồng thời, “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa…; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”(12).
6- Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo và nâng cao hơn nữa vai trò của khoa học - công nghệ, vì đó là do nhu cầu của nguồn nhân lực có chất lượng cao, do nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với nền kinh tế tri thức, kinh tế số, việc xây dựng đô thị thông minh...
7- Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình. Đây là một trong những phương pháp được Đảng ta thường xuyên nhấn mạnh để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục đích trên.
Cùng với một số phương pháp cơ bản trên đây, tùy theo quá trình thực hiện mục đích và mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể, Đảng ta vận dụng linh hoạt, mềm dẻo cách tiếp cận và phương pháp cụ thể một cách thích hợp.
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về nhiều mặt trên toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta đã nhanh chóng ứng phó kịp thời, điều chỉnh mục tiêu, bổ sung phương pháp thích hợp. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tốt nhất sức khỏe và đời sống của nhân dân, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, chúng ta đã phòng, chống dịch có hiệu quả, tạo điều kiện để toàn xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển sản xuất. Thực tiễn phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua thể hiện rõ sự nhanh nhạy và quyết tâm cao trong quá trình vận dụng các phương pháp khoa học một cách sáng tạo của Đảng ta.
Thực tiễn phát triển của thế giới và của đất nước trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng càng ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, khó dự báo, đòi hỏi các chủ thể phải không ngừng chủ động, sáng tạo khi thực hiện mục đích, mục tiêu và phương pháp cách mạng. Tuy nhiên, việc sáng tạo trong xác định mục đích, mục tiêu và thực hiện các phương pháp khoa học phụ thuộc chủ yếu vào nhân tố con người.
Để biến mục đích thành hiện thực, đòi hỏi con người không chỉ có nhận thức đúng, mà còn phải có động cơ đúng và phương pháp thực hiện mục đích đúng trong hành động. Xét cho cùng, con người có thực hiện được mục đích hay không là còn tùy thuộc vào việc tổ chức thực hiện. Tổ chức thực hiện chính là việc xây dựng và sử dụng các công cụ, là cách thức để biến mục đích thành hiện thực. Tổ chức thực hiện có kết quả chính là quá trình chủ thể chuyển ý chí, nghị lực thành những tác động vật chất nhằm cải biến đối tượng, cải biến hoàn cảnh theo mục đích đã được xác định. Sự vật, hiện tượng nói chung, đời sống xã hội nói riêng, luôn luôn vận động, biến đổi, luôn luôn xuất hiện nhiều tình huống, nhiều khả năng khó lường. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ thể chủ động phát hiện tình huống, phát hiện các khả năng, dự báo cho đúng và tổ chức thực hiện thành công.
Trong thời đại ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố, nên có nhiều diễn biến phức tạp, do vậy, việc chủ thể chủ động biến tình huống nảy sinh thành thời cơ thuận lợi, nhận thức cho được khả năng cho phép hành động đúng đắn là một vấn đề khoa học. Tính năng động, sáng tạo của người cách mạng là ở chỗ, trước nhiều khả năng cùng xuất hiện trong thời gian, không gian nhất định, phải biết lựa chọn khả năng nào sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho việc thực hiện mục đích và chủ thể cần tạo điều kiện để biến khả năng đó thành hiện thực; với khả năng nào không có lợi cho việc thực hiện mục đích thì tìm giải pháp hạn chế sự phát triển của nó. Muốn biến khả năng thành hiện thực, chủ thể phải biết kết hợp, tổ chức các lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện mục đích của đường lối cách mạng.
Mục đích và phương pháp thực hiện mục đích nói chung luôn luôn thống nhất với nhau, không tách rời nhau. Mục đích và phương pháp thực hiện mục đích của đường lối cách mạng Việt Nam nói chung và đường lối cách mạng do Đại hội XIII của Đảng đề ra đã thể hiện sự thống nhất trong suốt quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Qua mỗi giai đoạn của cách mạng, qua mỗi kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta kiên trì và kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Bám sát hoàn cảnh lịch sử của phong trào cách mạng thế giới và sự diễn biến của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn sáng tạo, vận dụng các phương pháp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, để từng bước hiện thực hóa đường lối xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, bảo đảm độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.
---------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 29, tr. 235
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 29, tr. 203
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 30
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 563
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr. 379
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 26
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 33
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 33 - 34
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 36
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 27
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 47
Hoạt động của đồng chí Phan Đăng Lưu trong quá trình xây dựng, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ  (04/05/2022)
Những nhận thức mới về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (24/02/2022)
Lễ công bố, giới thiệu bộ sách “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII” xuất bản bằng 7 ngoại ngữ  (25/01/2022)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay