TCCS - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đón nhận và thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Các chương trình, kế hoạch, đề án đề ra thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thái Bình được kiện toàn, sắp xếp hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng_Nguồn: thaibinh.gov.vn

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự ngiệp công lập” ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương của Thái Bình bước đầu được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được phân định rõ ràng, không hình thành khâu trung gian, tách bạch chức năng quản lý nhà nước của tổ chức hành chính với nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được kiện toàn, sắp xếp hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng. Việc xây dựng vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công tác cải cách chế độ công vụ được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu. Tiến hành thận trọng, từng bước việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị, cơ bản ổn định, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 261 đơn vị sự nghiệp công lập (khối các cơ quan của Đảng và đoàn thể là 2 đơn vị, khối các cơ quan chính quyền là 259 đơn vị); thực hiện không giao biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ; chuyển đổi 3 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh thành công ty cổ phần; các đơn vị sự nghiệp ngành y tế chuyển từ nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước sang nguồn trả lương từ khoản thu sự nghiệp

Những con số đáng khích lệ

Sau hai năm thực hiện, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị ở Thái Bình đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận.

Thứ nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Đề án và ban hành Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 28-9-2018, về việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, đồng thời ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, theo đó, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy đã giảm 2 phó trưởng ban, 7 phòng, 7 trưởng phòng. Thống nhất thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ. Liên đoàn Lao động tỉnh sắp xếp lại các công đoàn ngành trực thuộc, giảm 2 công đoàn ngành (giao thông vận tải và văn hóa, thể thao và du lịch); 8 công đoàn ngành giáo dục trực thuộc công đoàn huyện, thành phố. Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14, ngày 4-10-2018, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó giảm được 2 cấp trưởng ngành, 4 phòng và 4 trưởng phòng.

Thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh trưởng ban tổ chức đồng thời là trưởng phòng nội vụ huyện tại 2 huyện: Đông Hưng và Hưng Hà. Thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra huyện tại 2 huyện: Quỳnh Phụ và Tiền Hải. Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy. Các địa phương được chọn thực hiện thí điểm các mô hình đang xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện.

Thứ hai, Thái Bình hiện có 37 ban chỉ huy, ban chỉ đạo, tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm không giao biên chế. Qua rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động đã hợp nhất 2 tổ chức và giải thể 4 tổ chức, theo đó tổng số các tổ chức còn lại là 32, giảm 5 ban chỉ đạo. Tổ chức lại và sáp nhập 6 ban quản lý dự án các công trình xây dựng trực thuộc 4 sở (Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Y tế) thành 3 ban quản lý dự án các công trình xây dựng chuyên ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; giảm 3 ban quản lý dự án. Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và ở 8/8 huyện, thành phố được thành lập; 286/286 số xã, phường, thị trấn có bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện ở 4 huyện (Đông Hưng, Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư). Đồng thời thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 8/8 (đạt 100%) huyện, thành phố.

Thứ ba, Thái Bình đi đầu thực hiện mô hình Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương ở cấp huyện. Hiện nay, Thái Bình đã bố trí 8/8 bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; có 1/8 bí thư cấp ủy cấp huyện đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (thành phố Thái Bình); 7/8 huyện bố trí đồng chí phó bí thư thường trực huyện ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân huyện. Ở cấp xã, toàn tỉnh hiện có 253/286 số xã, phường, thị trấn bố trí đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (chiếm 88,5%); có 31/286 số xã, phường, thị trấn bố trí đồng chí phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (chiếm 10,8%). Tuy nhiên, đến nay, Thái Bình chưa có mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với cấp xã, Ban Thường vụ Thành ủy Thái Bình xây dựng Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 6-4-2018, thực hiện thí điểm mô hình bí thư đảng uỷ đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân phường, xã tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình.

Thứ tư, theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018, của Bộ Chính trị, hiện nay, Thái Bình có 100% số huyện, thành phố (7 huyện, 1 thành phố) có số dân lớn hơn so với tiêu chuẩn dân số quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mật độ dân số đông, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc nhiều (bình quân 36 đơn vị hành chính cấp xã/1 đơn vị hành chính cấp huyện); 8/8 huyện, thành phố đạt đơn vị hành chính cấp huyện loại 1; vì vậy, 8 huyện, thành phố của tỉnh giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính, thực trạng quản lý như hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thẩm định. Theo phương án trên, có 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 6 huyện có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% quy định thuộc diện phải sắp xếp; dự kiến sáp nhập với 16 đơn vị hành chính cấp xã để tăng quy mô. Như vậy, dự kiến sắp xếp 53 đơn vị hành chính cấp xã thành 24 đơn vị, giảm 29 đơn vị; giảm 609 cán bộ, công chức cấp xã, 522 người hoạt động không chuyên trách sau khi thực hiện sắp xếp; ước giảm kinh phí chi thường xuyên hằng năm là 60 tỷ đồng.

Kế hoạch hợp nhất các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chí theo quy định được triển khai ở các huyện, thành phố. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã xây dựng xong phương án sáp nhập 401 thôn, tổ dân phố (57 thôn, 344 tổ dân phố) và tiến hành thực hiện bảo đảm thời gian theo đúng kế hoạch. Dự kiến sau khi sáp nhập giảm được 292 thôn, tổ dân phố (52 thôn/1.608 thôn, 240/468 tổ dân phố); kinh phí dự kiến giảm gần 21 tỷ đồng/tháng.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện nay có 2.076 thôn, tổ dân phố thuộc các huyện, thành phố; có 1.542  mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, tăng 83 thôn, tổ dân phố so với năm 2017 (năm 2017 có 1.459 thôn, tổ dân phố). Nhìn chung, các thôn, tổ dân phố có mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư đều hoạt động tốt; điển hình như Thái Thụy đã xây dựng và duy trì hoạt động gần 146 mô hình (mô hình địa bàn, dòng họ, họ giáo không có ma túy; mô hình thôn, làng tự quản về an ninh, trật tự; mô hình tự quản tàu thuyền an toàn tại xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Đô, Thái Thượng, khu 9 của (thị trấn Diêm Điền). Nhiều mô hình được nhân rộng không chỉ ở trong tỉnh, mà còn trong toàn quốc, như mô hình "Họ giáo không ma túy và tệ nạn xã hội" ở xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy; mô hình 11 đội tự quản ở cộng đồng dân cư tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư đã hoạt động nhiều năm đạt kết quả tốt.

Thứ năm, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã giảm được 261 đơn vị (khối các cơ quan của Đảng và đoàn thể là 2 đơn vị; khối cơ quan nhà nước là 259 đơn vị). Thực hiện việc không giao biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Các đơn vị sự nghiệp ngành y tế chuyển nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước sang nguồn trả lương từ khoản thu sự nghiệp đối với 3.514 viên chức. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các vị trí công chức khuyết thiếu, toàn tỉnh giảm được 640 cán bộ, công chức cấp xã (giảm 11% so với tổng số biên chế cán bộ, công chức cấp xã và giảm 19% so với tổng số biên chế công chức cấp xã). Tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 36 tỷ đồng/năm do không phải thực hiện chi trả lương, phụ cấp công vụ, chi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 640 biên chế. Công an tỉnh triển khai thực hiện Đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện bố trí ở 53 xã với tổng số 75 công an chính quy, trong đó trưởng công an xã là 52 người, phó trưởng công an xã là 22 người, công an viên là 1 người.

Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đón nhận và thực hiện với quyết tâm chính trị cao_Nguồn: thaibinh.gov.vn

Một số hạn chế, yếu kém

Trong quá trình thực hiện, Thái Bình còn gặp một số hạn chế, yếu kém nhất định, do một số văn bản của Trung ương ban hành chậm, chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định, một số nội dung chưa cụ thể dẫn đến khó thực hiện, ảnh hưởng đến việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng cơ chế, chính sách còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, kinh tế còn nhiều khó khăn nên phần chủ động kinh phí của tỉnh dành cho việc xây dựng chính sách đối với cán bộ, nhất là phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, cải cách hành chính,... còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức tự nguyện, tự giác thực hiện tinh giản biên chế.

 Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa có quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, còn tư tưởng trông chờ, giữ ổn định tổ chức, biên chế của đơn vị mình. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện có lúc chưa chặt chẽ. Nhiều nội dung của Nghị quyết là vấn đề mới, khó nên một số cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện còn chậm, còn có biểu hiện trông chờ sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của cấp trên; trong triển khai thực hiện còn lúng túng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn đối với cấp dưới chưa sát sao nên việc thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý cán bộ, công chức còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan thuộc khối Nhà nước.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập ở Thái Bình cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cụ thể:

Một là, một số quy định của luật, nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan đến thực hiện Nghị quyết chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung dẫn đến chưa phù hợp với Nghị quyết và quy định của Đảng. Chính phủ chưa ban hành nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, ngày 4-4-2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, ngày 5-5-2014, vì vậy, chưa có căn cứ sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Chưa có quy định khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa để thành lập các tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, do đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy còn chậm, lúng túng.

Hai là, việc thực hiện sáp nhập một số cơ quan hiện nay chưa có quy định của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tên gọi, sử dụng con dấu cũng như về số lượng, chế độ phụ cấp các chức danh lãnh đạo, quản lý sau sáp nhập. Việc sắp xếp bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu của cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập còn khó khăn (nhất là khối trường học). Việc sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố còn gặp khó khăn do khi triển khai thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị của địa phương đang thực hiện dang dở.

Ba là, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã phải đồng thời với việc sắp xếp lại tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, hiện nay, các địa phương đang triển khai chuẩn bị công tác nhân sự đại hội đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025; tuy nhiên, đến nay, Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp các chức danh lãnh đạo cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã, chưa có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư, do đó, gặp khó khăn trong việc xây dựng đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phương án chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bốn là, các đơn vị hành chính cấp xã của Thái Bình được hình thành và hoạt động ổn định trong thời gian dài, mỗi đơn vị hành chính cấp xã đều có truyền thống, phong tục, tập quán, nét đặc trưng riêng. Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã với nhau sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp kết cấu hạ tầng (trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền, trường học, trạm y tế....); đồng thời làm thay đổi thông tin về hồ sơ cá nhân của công dân, tổ chức (chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ giao dịch ngân hàng…); ảnh hưởng ít, nhiều đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến truyền thống, phong tục, tập quán, đặc trưng riêng của mỗi đơn vị hành chính cấp xã và khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

Năm là, việc bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ dân phố hiện gặp khó khăn về nhân sự. Sau khi sáp nhập các tổ dân phố, đồng thời phải sáp nhập chi bộ, sẽ có địa bàn rộng, số hộ và số đảng viên tăng lên, trong khi đồng chí bí thư, tổ trưởng hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức khoẻ hạn chế...

Sáu là, chưa có quy định cụ thể về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội, nên phải vận dụng nhiều nghị định khác nhau của Chính phủ, dẫn tới khi thực hiện lúng túng, khó khăn. Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố hiện nay do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp kinh phí và quản lý dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp các đơn vị này và ở cấp huyện. Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối với số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, khi các đơn vị này chuyển hoạt động sang cơ chế tự chủ. Thiếu hướng dẫn cụ thể việc thực hiện tinh giản 10% đối với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ nên các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai.

Bảy là, chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung lấy ý kiến của cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình các thôn, tổ dân phố liên quan đến việc sáp nhập thôn, tổ dân phố. Vì khi lấy ý kiến, nếu có trên 50% cử tri không đồng ý sáp nhập thì việc sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa có hướng giải quyết.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong thời gian tới.

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền nội dung các nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện các nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW. Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ, nhất là trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận. Thực hiện có hiệu quả nguyên tắc: một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tăng cường quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng chi cục, phòng, ban; không thành lập tổ chức mới. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế. Thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị và quy định của Đảng, Chính phủ.

Thứ hai, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới, giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Hoàn thiện, ban hành quyết định danh mục vị trí, việc làm, bản mô tả vị trí, việc làm trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm cơ sở cho việc phân bổ biên chế và quản lý, sử dụng biên chế. Đổi mới nội dung và cách thức thi tuyển công chức theo vị trí việc làm.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên lợi dụng chức, quyền làm những việc trái với chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, kế hoạch của Đảng và Chính phủ, của cấp trên về tinh gọn bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế. Kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên dương những cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có cách làm sáng tạo, làm tốt, hiệu quả, đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tế đơn vị, địa phương, đồng thời, nhân rộng mô hình điển hình đạt được những kết quả tốt.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm nguyên tắc đúng người, đúng việc. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để huy động doanh nghiệp, nhân dân tham gia cung cấp dịch vụ công, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện tinh giản biên chế, thu hút và trọng dụng người có tài năng vào công tác trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh…/.