Cấp ủy, chính quyền các cấp thị xã Đông Triều lãnh đạo, tổ chức việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tính giản biên chế
TCCSĐT - Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy Quảng Ninh, thị xã Đông Triều đã nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án cơ bản đạt được và vượt lộ trình đề ra, nhờ đó thị xã Đông Triều trở thành điểm sáng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Thị ủy Đông Triều lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao, làm đâu chắc đó, bám sát thực tiễn cơ sở
Đông Triều là thị xã miền núi nằm ở cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên khoảng 397km². Dân số toàn thị xã có trên 180 nghìn người với 15 dân tộc cùng sinh sống; có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6 phường, 15 xã với 173 thôn, khu phố. Đảng bộ thị xã hiện có 46 chi, đảng bộ trực thuộc, 407 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 9.126 đảng viên, trong đó có 21 đảng bộ xã, phường; 13 chi, đảng bộ các loại hình doanh nghiệp; 12 chi, đảng bộ khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và lực lượng vũ trang.
Thị xã Đông Triều có nhiều điều kiện và tiềm năng phát triển. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã đạt 14,7%; cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 92%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 8%. Năm 2018, thị xã thu hút được 1,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.100 USD, tăng 17% so với năm trước. Tổng thu ngân sách đạt khoảng 1.456 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn đạt 480,6 tỷ đồng.
Để phát huy hơn nữa những thế mạnh và tiềm năng sẵn có, thị xã Đông Triều đặt ra mục tiêu sớm xây dựng đội ngũ cán bộ gọn về số lượng, tinh về chất lượng. Bám sát tinh thần chỉ đạo theo Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 28-2-2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, về việc triển khai thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 5-12-2013, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế”, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã và cấp ủy cơ sở đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Đề án được phổ biến đến các chi, đảng bộ trực thuộc và các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước khi trình Hội đồng nhân dân thị xã. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân và ý kiến của Hội đồng nhân dân thị xã, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã hoàn thiện Đề án trình Hội đồng thẩm định của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án.
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1881-QĐ/TU, ngày 28-2-2015, về việc phê duyệt Đề án của Đảng bộ thị xã Đông Triều và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/HU, ngày 20-3-2015, và Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Kế hoạch số 116-KH/TU, ngày 15-4-2015, về việc triển khai thực hiện Đề án; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt, triển khai đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên trên địa bàn. Ủy ban nhân dân thị xã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND để triển khai thực hiện Đề án.
Có thể thấy, quán triệt chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều đã có sự vào cuộc quyết liệt, xây dựng nhiều kế hoạch triển khai cụ thể, có ý kiến đóng góp của các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân; tập trung rà soát, sửa đổi quy chế quản lý tổ chức cán bộ, quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm,... để đưa ra những thay đổi về bộ máy, nhân sự ngày càng hợp lý hơn đối với yêu cầu thực tiễn.
Những kết quả đạt được đáng ghi nhận
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, thị xã Đông Triều đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Thứ nhất, về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong các cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều chuyển biến rõ nét, cụ thể: 1- Đổi mới nhận thức, tư duy việc ban hành các văn bản trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; 2- Quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, tổ chức thành công đại hội đảng bộ từ thị xã đến cơ sở, nhiệm kỳ 2015 - 2020; thực hiện tốt chủ trương đại hội bầu trực tiếp Bí thư Thị ủy theo chỉ đạo của tỉnh; tại 17/21 xã, phường, đại hội bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân tại 16/21 xã, phường,... Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 28-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt kết quả tốt, 21/21 xã, phường tổ chức thành công bầu cử trưởng, phó trưởng thôn, khu phố; 173/173 chi bộ thôn, khu phố và 231/231 chi bộ các loại hình còn lại trực tiếp thuộc đảng ủy cơ sở đã hoàn thành việc tổ chức đại hội, 100% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, phó bí thư chi bộ kiêm phó trưởng thôn, khu phố; 3- Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của thị xã đạt kết quả, điển hình như trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển đô thị, việc huy động nguồn lực xã hội hóa, chủ yếu là từ sức dân và doanh nghiệp với gần 23 nghìn tỷ đồng, chiếm 70% tổng ngân sách, đã góp phần quan trọng để Đông Triều đạt huyện nông thôn mới từ năm 2014 và được công nhận chuẩn thị xã năm 2015.
Thứ hai, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Xác định yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, thời gian qua, thị xã Đông Triều đã nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thị xã Đông Triều đã thành lập và đưa Trung tâm phục vụ Hành chính công vào hoạt động từ tháng 4-2015 (kết quả thực hiện bảo đảm quy trình 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ”; đã cắt giảm khoảng 30% - 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; triển khai giải quyết thủ tục hành chính lưu động vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần tại các xã xa trung tâm, như An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương; công tác giải quyết thủ tục hành chính lưu động tại các xã, phường đã nhận được sự cổ vũ, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và đạt được những kết quả tích cực); thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã và 21/21 xã, phường trực thuộc.
Thị xã Đông Triều đã thực hiện giảm 3 đầu mối cơ quan cấp phòng thuộc thị xã, gồm: Thanh tra thị xã (do hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra Thị ủy), Phòng Nội vụ thị xã (do hợp nhất với Ban Tổ chức Thị ủy). Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (sáp nhập vào Trung tâm Y tế thị xã).
Trong khối giáo dục, thị xã đã bố trí, sắp xếp lại các điểm trường và đội ngũ nhân viên ngành giáo dục và đào tạo. Theo đó, toàn thị xã đã giảm 32 điểm trường (cấp tiểu học 9 điểm, cấp mầm non 23 điểm); giảm 97 nhóm lớp học (cấp trung học cơ sở 40 lớp, cấp tiểu học 34 lớp, cấp mầm non 15 lớp, giảm 8 nhóm trẻ). Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ nhân viên các trường học thuộc thị xã theo hướng thống nhất việc quản lý đội ngũ kế toán trong ngành giáo dục (đối với các trường mầm non bố trí sắp xếp mỗi trường 1 kế toán kiêm hành chính - văn thư; đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở bố trí 1 kế toán kiêm không quá 3 trường theo hướng dẫn của tỉnh). Bố trí 28 nhân viên y tế học đường tại 28 trường mầm non; thực hiện chuyển chức năng, nhiệm vụ y tế học đường ở các trường trung học cơ sở, tiểu học về trạm y tế cấp xã.
Trong khối y tế, thị xã tiến hành hợp nhất Trung tâm Y tế thị xã và Bệnh viện Đa khoa thị xã thành Trung tâm Y tế thị xã; thực hiện đa chức năng chuyển 21 trạm y tế xã, phường trực thuộc Sở Y tế về Ủy ban nhân dân thị xã quản lý. Thực hiện Quyết định số 1982-QĐ/UBND, ngày 1-6-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về việc sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Ủy ban nhân dân thị xã vào Trung tâm Y tế thị xã, chuyển 21 viên chức làm công tác truyền thông dân số về trạm y tế các xã, phường trực thuộc Phòng Y tế.
Đối với một số khối sự nghiệp khác, thị xã thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã (trên cơ sở hợp nhất bộ phận sự nghiệp văn hóa - thể thao của Phòng Văn hóa - Thông tin với Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã); thành lập Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường (trên cơ sở Đội kiểm tra xây dựng và trật tự đô thị trực thuộc Phòng Quản lý đô thị); thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (trên cơ sở tiếp nhận Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo với Trung tâm dạy nghề cho lao động nông thôn của thị xã); thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (trên cơ sở tiếp nhận Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hoạt động công tác khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư); thành lập Ban Quản lý khu di tích nhà Trần thị xã Đông Triều, trên cơ sở tăng đầu mối nhưng không tăng biên chế theo chỉ tiêu được giao.
Thị xã chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp sang loại hình doanh nghiệp, như chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới mô hình quản lý chợ Cột Đông Triều, chợ Mạo Khê theo nguyên tắc thành lập Hội đồng Quản lý chợ thực hiện theo cơ chế kiêm nhiệm (gồm các thành viên là đại diện Ủy ban nhân dân thị xã, Phòng Quản lý nhà nước, đại diện Ban Quản lý chợ...) hay giao tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư, từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Thứ ba, về nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo.
Đến nay, toàn thị xã có 19/21 xã, phường thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân; bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân ở 1 xã; phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân ở 20/21 xã, phường.
Có 173/173 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố; 163 phó bí thư chi bộ kiêm phó trưởng thôn, khu phố nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Thị xã đã hoàn thiện Đề án báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua về việc sắp xếp thôn, khu phố thị xã Đông Triều giai đoạn 2019 - 2021 đối với 8 thôn không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định.
Thứ tư, về thực hiện tinh giản biên chế.
Thực hiện Đề án 25, thị xã đã đạt được một số kết quả, như công chức cấp thị xã giảm 30/110 biên chế (đạt 27,27%); đơn vị sự nghiệp văn hóa - thông tin giảm 2/27 biên chế (đạt tỷ lệ 7,41%); đơn vị sự nghiệp y tế - dân số giảm 6/133 biên chế (đạt tỷ lệ 4,51%); một số đơn vị sự nghiệp khác giảm 1/29 biên chế (đạt 3,45%); sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiết kiệm được 225 biên chế, trong đó có 7 biên chế là cán bộ quản lý, 142 giáo viên và 76 nhân viên; giảm được 64 biên chế là cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường giảm 95 chỉ tiêu; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu vực đã thực hiện tinh giản 173 chỉ tiêu.
Những kết quả trên đã cho thấy sự chuyển biến khá tích cực, rõ nét về nhận thức của cán bộ, công chức trong việc xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và công tác cán bộ; tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, giảm được nhiều đầu mối, biên chế, bớt chồng chéo, hoạt động tích cực và hiệu quả hơn. Điểm nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thị xã là từ chủ trương lãnh đạo của cấp trên, Thị ủy đã nhạy bén nhận diện tình hình, nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tích cực, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những yêu cầu bức xúc đòi hỏi của thực tiễn để xây dựng những giải pháp chỉ đạo, điều hành sát đúng với điều kiện của địa phương và quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Nhờ đó, thị xã Đông Triều đã đạt kết quả rõ nét trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và công tác cán bộ, được Tỉnh ủy đánh giá cao, cũng như được nhân dân tin tưởng.
Một số kinh nghiệm bước đầu
Từ thực hiện đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại thị xã Đông Triều, Thị ủy rút ra một số kinh nghiệm sau: 1- Phải làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, chương trình, kế hoạch và Đề án 25 đến mọi cấp, mọi ngành, tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận; phải xuất phát trên cơ sở thực tiễn, quá trình thực hiện phải được triển khai từ dưới lên trên. 2- Cần có quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện phải quyết liệt, kiên trì và có lộ trình thực hiện cụ thể. 3- Gắn công tác củng cố, kiện toàn tổ chức trong hệ thống chính trị với việc thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác vận động nhân dân và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 4- Thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và bố trí, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ có hiệu quả; tích cực thực hiện công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo cán bộ qua thực tiễn; phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ, quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác; đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật. 5- Thường xuyên phát hiện những hạn chế, bất cập trong bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ để kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. 6- Đối với các cơ quan, đơn vị hợp nhất, thành lập mới chưa có tiền lệ cần quan tâm xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đối với các chức danh nhất thể hóa cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và phân cấp một số quyền, trách nhiệm rõ ràng cho cấp phó. 7- Tăng cường phân cấp cho cơ sở, gắn với việc kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ sở.
Đánh giá và kiến nghị
Trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thị xã Đông Triều cũng gặp một số khó khăn sau:
Một là, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ luôn là vấn đề khó, nhạy cảm, nhiều mô hình mới chưa có tiền lệ do Quảng Ninh nói chung và Đông Triều nói riêng là một trong những đơn vị thí điểm trước, trong khi đó các văn bản hướng dẫn thi hành của một số bộ, ngành, cơ quan trung ương còn chậm và thiếu đồng bộ.
Hai là, quy định về quản lý tổ chức bộ máy và biên chế còn bất cập, chưa có sự thống nhất chung về giao biên chế khối đảng, đoàn thể và khối chính quyền, nên khi điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ còn phải thực hiện qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, chưa tạo được tính tự chủ cho cấp huyện.
Ba là, khó khăn nhất của việc nhất thể hóa chức danh là công tác cán bộ, đó là phải tìm được cán bộ có năng lực và phẩm chất chính trị và phải thực hiện đồng bộ từ trên xuống.
Để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thị xã Đông Triều đưa ra một số kiến nghị, giải pháp sau:
Thứ nhất, xác định rõ lộ trình phù hợp và kiên trì thực hiện để bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu suất và chức năng; triển khai đồng bộ giữa việc giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng quản lý của đội ngũ cán bộ để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ hai, thực hiện giao biên chế công chức và cấp phó các phòng, ban cấp huyện theo loại đơn vị hành chính, quy mô dân số, diện tích; đồng thời, đề nghị Trung ương và Tỉnh ủy sớm ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp huyện và các cơ quan hợp nhất có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của Đảng và chính quyền.
Thứ ba, đề nghị Trung ương có quy định về cho phép liên thông cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện có cùng trình độ chuyên môn, cùng ngạch bậc và quy định về điều kiện để liên thông trong công tác điều động và luân chuyển cán bộ.
Thứ tư, đề nghị sớm xây dựng chính sách lương phù hợp đối với các cán bộ kiêm nhiệm các chức danh.
Tư tưởng “Dân là chủ và dân làm chủ” qua bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (24/11/2019)
Chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông  (09/11/2019)
Thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cán bộ lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp  (05/11/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên