Học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”
TCCSĐT - Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình dân vận phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Trong đó, nổi bật là các mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”.
Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự Thật ngày 15-10-1949 hàm chứa nhiều nội dung thiết thực, những chỉ dẫn quý báu về công tác dân vận. Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ của công tác dân vận là: “… vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Để vận động nhân dân, theo Người, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng; muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Người còn căn dặn: “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Về lực lượng phụ trách công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”. Người đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ làm công tác dân vận, đội ngũ này phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. 12 từ này vừa là tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác dân vận vừa là phương pháp để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thời gian qua, nhiều mô hình dân vận hiệu quả đã xuất hiện ở các địa phương, đơn vị, đặc biệt là các mô hình trong phong trào”Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền.
Phát huy sức mạnh của Nhân dân từ “Dân vận khéo”
Trong những năm qua, mô hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đến nay, mô hình này ngày càng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước.
Trên lĩnh vực kinh tế, nổi bật là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển các làng nghề, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Các mô hình này thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, qua đó giúp nhiều hộ giảm nghèo, vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng. Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cũng phát triển mạnh mẽ, điển hình như các phong trào “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”, “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Đường có hoa, nhà có sổ”, “Thắp sáng làng quê”, “Quỹ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới”. Các mô hình này đã giúp trên 790.000 hộ nghèo về vật tư, ngày công, tiêu thụ sản phẩm,… trị giá trên 15.000 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả. Hội Cựu Chiến binh có các mô hình: tổ hợp tác, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xóa nghèo cho hội viên”,… giúp các cấp hội trong cả nước giảm được 14.840 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,23%, tăng tỷ lệ hộ khá và giàu lên 56,2% (tính đến hết năm 2017). Mô hình “Dân vận khéo” của các cấp bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng phát triển mạnh mẽ với trên 14.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế giỏi, 356 hợp tác xã thanh niên, gần 1.200 tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế. Các mô hình “Dân vận khéo” của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ giúp khoảng 100.000 hộ thoát nghèo mỗi năm. Các mô hình “Dân vận khéo” trong đoàn viên công đoàn giúp trên 20.000 gia đình đoàn viên, người lao động nghèo được xây nhà mới, sửa chữa nhà ở trị giá trên 500 tỷ đồng...
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, điển hình là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Vì người nghèo”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp”, “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Bên cạnh đó còn có nhiều mô hình tiêu biểu khác như: “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hoà giải”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an ninh nhân dân”, Đội dân phòng, “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải”... Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo có các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu như: mô hình “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo” ở tỉnh Đắk Lắk; mô hình chuyển đổi từ cây ngô, cây sắn cho thu nhập thấp sang trồng cây chè ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; mô hình “Hũ gạo vì người nghèo” của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam...
Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, có nhiều mô hình hay như: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, “Tiếng kẻng phòng gian”, “Điểm sáng vùng biên”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Xây dựng khu, cụm công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ an ninh tự quản ngõ xóm”, “Xây dựng xã không có tội phạm và tệ nạn ma túy”, “Mô hình 3+1” (3 phụ nữ giúp đỡ 1 phụ nữ đã từng vi phạm pháp luật),... Với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, nổi bật ở nhiều địa phương là mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý đối với các chủ trương, chính sách có liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ. Ở các cơ quan hành chính nhà nước, nhiều mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đáng kể là các mô hình kết hợp giữa bộ phận tiếp nhận với bưu điện văn hóa xã trong nhận và chuyển trả hồ sơ hành chính đã hoàn tất cho người dân, giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới”, tổ chức đội tình nguyện viên hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp quận, phường, xã; kê khai thuế điện tử... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều địa phương tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua yêu nước.
Thực tiễn các mô hình “Dân vận khéo” thời gian qua cho thấy, ở nhiều nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị ngày càng nhận thức sâu sắc hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, ngày càng hướng về cơ sở, quan tâm lắng nghe, chăm lo, giải quyết có hiệu quả hơn những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân. Các mô hình “Dân vận khéo” cũng góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu.
“Dân vận chính quyền” - đưa chính quyền đến gần dân hơn
Thực hiện “Năm Dân vận chính quyền”, trong năm 2018, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến người dân. Các cơ quan nhà nước đã tập trung nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhiều địa phương đã tập trung các nguồn lực để tăng cường cải cách hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người dân của cán bộ, công chức, viên chức. Song song với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ở nhiều địa phương, cán bộ lãnh đạo đã tăng cường các buổi tiếp dân, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề mà người dân đang bức xúc. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được triển khai thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tốt; chính quyền các cấp luôn tôn trọng và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác “Dân vận chính quyền”, nhiều đơn vị, địa phương đã tăng cường đầu tư hiện đại hóa nền hành chính. Đến cuối năm 2018, có 18 bộ, ngành và 54 địa phương đã xây dựng trung tâm dữ liệu; 100% số sở, cơ quan thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, quận, thành phố sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở thành thị và nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018 vượt mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Đến cuối năm 2018, cả nước có 61 đơn vị cấp huyện (11,2%) và 3.838 xã (43,02%) được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc chú trọng và tăng cường công tác dân vận chính quyền đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận. Trước đây, nhiều cán bộ, đảng viên còn có quan niệm công tác dân vận thuộc trách nhiệm của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Nhưng hiện nay, ở nhiều nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thật sự quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu chính đáng của người dân để phục vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền có thái độ phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ.
Đưa “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” đi vào chiều sâu, thiết thực
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng các mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Hiện tại, mô hình “Dân vận khéo” chủ yếu vẫn tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chưa triển khai mạnh ở nhiều lĩnh vực khác. Điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã còn ít; ở nhiều nơi việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác phối, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi trong thực hiện công tác dân vận chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức…
Công tác “Dân vận chính quyền” ở một số nơi chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả thấp do một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng cũng như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân vận. Sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; thậm chí vẫn còn tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ở một số đơn vị chưa thường xuyên; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt chưa gương mẫu, đi đầu trong thực hiện công tác dân vận...
Trong những năm tới, để mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” ở nước ta thật sự hiệu quả, thiết thực, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, đặc biệt là nhận thức về mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, chủ động ứng phó, hóa giải kịp thời với những vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng để tiếp tục thực hiện tốt và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”.
Thứ hai, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo. Trong công tác “Dân vận chính quyền” cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần chú trọng định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” có hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, nhất là trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác dân vận trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
Thứ tư, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả “Năm dân vận chính quyền” 2019, gắn với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Trong đó chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường đạo đức công vụ, cải cách hành chính; cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với chính quyền; xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả nội dung “Công tác dân vận trong tham gia giải quyết khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài”.
Thứ năm, đổi mới nội dung và phương thức thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”. Các cấp ủy, chính quyền nên sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, ngoài tuyên truyền miệng nên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là mạng in-tơ-nét (thông qua các trang mạng xã hội) để vận động người dân, cán bộ thực hiện tốt các mô hình này.
Thứ sáu, các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tốt công tác tiếp dân; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các địa phương, cơ quan chức năng tập trung giải quyết hiệu quả, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công tác nắm tình hình nhân dân ở những địa bàn dễ nảy sinh phức tạp./.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 6
2. Trương Thị Mai (2019), Xây dựng mô hình “dân vận khéo” gắn với lợi ích người dân, bài học từ thực tiễn, Tạp chí Cộng sản, số 916.
3. Vương Đình Huệ (2019), Xây dựng nông thôn mới năm 2019 - Giữ vững chất lượng, bức phá về đích, Tạp chí Cộng sản, số 917.
4. Hà Ngọc Anh (2019), Những kết quả quan trọng qua thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018, Tạp chí Dân vận, số 1+2.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 22 đến ngày 28-4-2019)  (04/05/2019)
Lễ viếng và mở Sổ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại một số nước  (03/05/2019)
Tình cảm của quốc tế với nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh  (03/05/2019)
Lãnh đạo các nước chia buồn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần  (03/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm