Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của Việt Nam
TCCS - Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) cùng với các cơ quan chuyên trách của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã tích cực đẩy mạnh toàn diện các hoạt động, góp phần làm nên những thành tựu đáng ghi nhận của nền ngoại giao nước nhà, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phát triển quan hệ và thúc đẩy các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân
Nhằm thực hiện nhiệm vụ đối ngoại được Đảng, Nhà nước giao phó, Liên hiệp Hữu nghị đã thiết lập và tăng cường quan hệ đối tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế, tổ chức hàng nghìn hoạt động và sự kiện quan trọng, ý nghĩa(1).
Quán triệt phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, bám sát các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, toàn diện. Thông qua các hoạt động đối ngoại, quan hệ của Việt Nam với các đối tác trên thế giới tiếp tục được đa dạng hóa và đa phương hóa. Quan hệ với các nước bạn đã ủng hộ nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc được duy trì và tăng cường. Quan hệ với các nước đối tác mới được xây dựng và mở rộng. Hoạt động đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hướng tập trung vào các nước láng giềng và các nước ASEAN, các nước có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống, kết hợp thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Liên hiệp Hữu nghị đã tham gia ngày càng chủ động hơn trong vận động, đấu tranh và triển khai các hoạt động góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước, vận động đấu tranh dư luận với những âm mưu chống phá Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương giữa nước ta với một số nước có liên quan. Với phương châm mềm dẻo, linh hoạt, thông qua tiếp xúc để vừa giải thích, vận động, vừa kiên quyết đấu tranh có lý, có tình tại các cuộc tiếp xúc song phương cũng như tại nhiều diễn đàn(2), hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo...
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã tích cực đóng góp vào việc mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, góp phần tạo môi trường hòa bình thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đẩy mạnh và chủ động vận động, nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ và tham gia quản lý tốt hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) tại Việt Nam
Mặc dù có nhiều yếu tố khách quan không thuận lợi cho công tác vận động viện trợ(3), với nỗ lực của Liên hiệp Hữu nghị và của các bộ, ngành, địa phương, số tổ chức mới có mặt ở Việt Nam và giá trị viện trợ NGO vẫn được duy trì. Trong nhiệm kỳ qua, tổng giá trị viện trợ NGO giải ngân đạt khoảng 1,434 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực, như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực cho các đối tác Việt Nam.
Liên hiệp Hữu nghị thường xuyên hỗ trợ, kết nối các tổ chức, đối tác với các địa phương và bộ, ngành. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Liên hiệp Hữu nghị đã phối hợp tổ chức khoảng 40 hội nghị xúc tiến vận động viện trợ và tạo điều kiện cho các địa phương tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các NGO để trao đổi, chia sẻ về nhu cầu và ưu tiên của địa phương. Đồng thời, thông qua cơ chế Trung tâm dữ liệu NGO, Liên hiệp Hữu nghị đã chủ động điều phối có hiệu quả viện trợ khẩn cấp của các tổ chức quốc tế, NGO cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu những nhu cầu trước mắt, hỗ trợ tái thiết và ứng phó với thiên tai(4).
Viện trợ trong thời gian qua được đánh giá là phù hợp với nhu cầu, đến tận cơ sở và trực tiếp đến người dân, được sử dụng có hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, hội thảo, các hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng,... Liên hiệp Hữu nghị đã cập nhật thông tin cho bạn bè quốc tế về tình hình Việt Nam, về công cuộc đổi mới, chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Qua đó, tạo điều kiện cho bạn bè thế giới, trong đó có nhiều nhân vật, tổ chức có ảnh hưởng, nhiều phóng viên, học giả, bạn bè quốc tế có tác động nhất định đến chính giới; công chúng ở các nước thấy tận mắt hình ảnh đổi mới của Việt Nam trên các lĩnh vực, cũng như những khó khăn, thách thức mà nhân dân Việt Nam đang phải đương đầu.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thông tin đối ngoại, Liên hiệp Hữu nghị đã tăng cường các công cụ thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các công cụ bằng tiếng nước ngoài. Báo Thời đại, Tạp chí Hữu nghị và trang thông tin điện tử tapchihuunghi.vn, trang thông tin điện tử vufo.org.vn, Bản tin và trang thông tin điện tử vpdf.org.vn của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, các tạp chí, bản tin, đặc san của các tổ chức thành viên, như Tạp chí Việt - Mỹ, Tạp chí Bạch Dương, Bản tin Việt - Pháp, Đặc san Việt - Nhật... và bản tin, trang thông tin điện tử của các liên hiệp hữu nghị tại địa phương đã góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin cập nhật về các vấn đề trong nước, quốc tế, đặc biệt là chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; về hoạt động đối ngoại nhân dân, phong trào nhân dân các nước, quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân ta với nhân dân thế giới cũng như những hoạt động vận động viện trợ NGO góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện tại, báo Thời đại điện tử của Liên hiệp Hữu nghị bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Lào và tiếng Khmer đã đi vào hoạt động ổn định với số lượng truy cập ngày càng tăng, góp phần tích cực trong việc thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về đất nước, con người Việt Nam và các hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên tới bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa ra những nhận định, phân tích tình hình và đề xuất giải pháp có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận và hoạch định chính sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như cho công tác đối ngoại nhân dân.
Với trách nhiệm tham gia Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại và Ban Chỉ đạo nhân quyền, Liên hiệp Hữu nghị đã từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề quốc tế và đối ngoại nhân dân. Nhiều báo cáo từ các hoạt động, tiếp xúc đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị được đánh giá cao, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động vận động, đấu tranh dư luận về những vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân chủ, biên giới, lãnh thổ, chất độc da cam và trách nhiệm đạo lý khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Để tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, Liên hiệp Hữu nghị đã thành lập Viện Nghiên cứu quốc tế và Đối ngoại nhân dân để thúc đẩy công tác nghiên cứu về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại phục vụ công tác đối ngoại nhân dân và là đầu mối về hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu quốc tế qua kênh của Liên hiệp Hữu nghị.
Việc phát triển mạng lưới các tổ chức thành viên được Liên hiệp Hữu nghị chú trọng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp Hữu nghị đã tham mưu thành lập 6 Hội Hữu nghị song phương và 8 Liên hiệp cấp tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương, nâng tổng số thành viên lên 116 tổ chức, gồm 64 tổ chức hữu nghị song phương và đa phương với các nước, 52 tổ chức thành viên ở địa phương. Hoạt động của các tổ chức liên hiệp hữu nghị ở địa phương đã và đang góp phần triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ở các tỉnh, thành.
Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân
Tiếp nối những kết quả đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và đẩy mạnh toàn diện các hoạt động của công tác đối ngoại nhân dân với các nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng.
Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục thực hiện các cơ chế phối hợp nhằm đẩy mạnh quan hệ nhân dân với các nước láng giềng, ASEAN, các nước đối tác, bạn bè truyền thống, các nước đối tác chiến lược, các nước lớn theo hướng hình thành các khuôn khổ hợp tác ổn định, thiết thực, đi vào chiều sâu; tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của Việt Nam với các nước, tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ, liên hoan nhân dân cả ở cấp trung ương và địa phương với nội dung thực chất hơn nhằm củng cố tình cảm hữu nghị, sự xây dựng, tin cậy, góp phần thúc đẩy có hiệu quả các quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực; tăng cường các cơ chế đối thoại, trao đổi thực chất, xây dựng; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ ASEAN, thiết thực góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020; phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước đối tác.
Thứ hai, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác NGO.
Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác NGO, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài; tập trung quán triệt, hướng dẫn và triển khai thực hiện các văn bản pháp quy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban công tác về các NGO liên quan đến hoạt động của các NGO. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực của Ủy ban, phối hợp với các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban đề xuất các biện pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Đặc biệt, Liên hiệp Hữu nghị tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác với các tổ chức NGO đến năm 2025. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân NGO đang thực hiện chương trình, dự án tại Việt Nam; đồng thời mở rộng quan hệ với các cá nhân, NGO có uy tín và tiềm năng để tăng cường hợp tác.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để đổi mới công tác quan hệ và vận động NGO theo hướng đa dạng hóa các đối tác, phương thức vận động. Chủ động thông tin, trao đổi với các nhà tài trợ và tổ chức NGO về nhu cầu và ưu tiên trong hợp tác NGO.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại.
Công tác thông tin đối ngoại cần phải được thường xuyên cập nhật, đổi mới để theo kịp yêu cầu ngày càng cao trong công tác đối ngoại nhân dân. Trước hết, cần cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng, tăng số lượng các sản phẩm tuyên truyền đối ngoại; hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến các đối tác, bạn bè quốc tế; vận động bạn bè quốc tế góp phần tuyên truyền về Việt Nam. Chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm thông tin theo nhóm nội dung và đối tượng hướng tới, bảo đảm về nội dung và tính thuyết phục phù hợp với từng nhóm đối tác. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền về biển, đảo thông qua các hoạt động hòa bình hữu nghị với việc cung cấp thông tin cho bạn bè, đối tác của Liên hiệp Hữu nghị về tình hình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những thông tin liên quan đến bảo đảm quyền con người, tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu về đối ngoại nhân dân theo hướng chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững nghiệp vụ đối ngoại, giỏi ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo cán bộ làm đối ngoại nhân dân thông qua các chương trình đào tạo tập trung và tại chỗ. Tổ chức để Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân nghiên cứu, tham mưu về những vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với đất nước để phục vụ trực tiếp cho công tác của Liên hiệp Hữu nghị và phục vụ công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan hoạch định chính sách.
Củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh
Với vai trò là cơ quan chuyên trách, là lực lượng nòng cốt của công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị cần được củng cố, phát triển, không ngừng đổi mới để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Việc quan tâm phát triển tổ chức, tăng cường năng lực, bảo đảm điều kiện hoạt động cho Liên hiệp Hữu nghị là nhiệm vụ trực tiếp của Liên hiệp, đồng thời là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương; huy động được các nguồn lực về trí tuệ và vật chất trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và đầu tư thỏa đáng cho công tác đối ngoại nhân dân.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, hoạt động và quan hệ đối ngoại nhân dân ngày càng mở rộng ở tất cả các cấp, các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với những ưu thế riêng có của đối ngoại nhân dân, như lực lượng sâu rộng, phương thức tiến hành linh hoạt, sáng tạo... cùng với những nhìn nhận đúng tầm, đối ngoại nhân dân ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần vào việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
--------------------------------------------
(1) Theo kênh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, Liên hiệp Hữu nghị đã cử trên 250 đoàn đi công tác tại các quốc gia và vùng lãnh thổ; đã đón 4.650 đoàn đến từ nhiều nước trên thế giới; tổ chức khoảng 3.000 hoạt động đối ngoại tại chỗ và các cuộc tiếp xúc, làm việc với các đối tác quốc tế
(2) Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn Nhân dân Á - Âu (AEPF), Diễn đàn Xã hội thế giới (WSF)
(3) Khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới kéo dài dẫn đến suy giảm các nguồn lực dành cho phát triển và việc Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình do đó không còn được ưu tiên nhận viện trợ của các NGO
(4) Chỉ tính riêng năm 2017, trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, Liên hiệp Hữu nghị đã chủ trì, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ gần 60 tỷ đồng người dân vùng bị ảnh hưởng
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 22 đến ngày 28-4-2019)  (04/05/2019)
Lễ viếng và mở Sổ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại một số nước  (03/05/2019)
Tình cảm của quốc tế với nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh  (03/05/2019)
Lãnh đạo các nước chia buồn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần  (03/05/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên