Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến 27-01-2019
Quyết định về nhân sự Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về nhân sự Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay thế ông Phạm Mạnh Hùng nghỉ hưu theo chế độ.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành. Ban giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Dự thảo sửa đổi quy định tại Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng theo hướng Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho bộ, ngành địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 về phân loại công chức, theo đó đề xuất Luật Cán bộ, công chức sẽ không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có 4 loại (A,B,C,D) như trước đây mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 44, Điều 45 và Điều 46 về ngạch và nâng ngạch công chức theo hướng quy định 2 phương thức thi hoặc xét nâng ngạch; bổ sung quy định công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn, đồng thời được bố trí vào vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức mới được bổ nhiệm để gắn công tác thi hoặc xét nâng ngạch công chức với công tác bố trí sử dụng.
Bổ sung khoản 5 vào Điều 78 và sửa đổi Điều 79 quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm…
Đối với Luật Viên chức, Dự thảo sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 7 về vị trí việc làm, theo đó xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với viên chức.
Sửa đổi, bổ sung các điều 25, 28, 29 về các loại hợp đồng làm việc để thể chế hóa chủ trương thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới và để giải quyết vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 41 về nội dung đánh giá viên chức bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, khách quan, phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực.
Đồng thời bổ sung khoản 5 vào Điều 52 quy định kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm tương thích với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm.
Cần sắp xếp hợp lý số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập huyện, xã
Ngày 24-01, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Đại diện lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự Hội thảo.
Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 37-NQ/TW, Bộ đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch để hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn, 3 trường hợp không bắt buộc phải thực hiện việc sắp xếp. Theo đó, phải đảm bảo lộ trình tổng thể chung trong từng giai đoạn; thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, dân chủ. Ưu tiên sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng một hoặc một số huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề đã từng chia tách trước đây hoặc những nơi tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, phong tục tập quán.
Tại hội thảo, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất là thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức và thực hiện chế độ chính sách dôi dư.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu quan điểm, khi sắp xếp các đơn vị hành chính, số lượng cấp trưởng, cấp phó nên đảm bảo đúng quy định. Tổng số cán bộ, công chức của đơn vị mới không vượt quá tổng số cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị tiến hành sắp xếp, sáp nhập và trong thời hạn 5 năm phải đảm bảo sắp xếp lại. Cũng có thể liên thông theo hướng dành tỷ lệ thích hợp để xét tuyển số cán bộ, công chức dôi dư có đủ năng lực vào các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh. Số không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì giải quyết chế độ chính sách, tinh giản biên chế.
Đồng Nai còn nhiều sai phạm trong quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ ngày 01-01-2016 đến ngày 30-6-2018. Theo kết luận này, tỉnh Đồng Nai còn nhiều sai phạm trong quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức.
Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra rằng mặc dù chưa sử dụng hết số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao nhưng trong các năm 2016, 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đều giao biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức hành chính vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao. Đầu năm 2018 giao vượt 114 biên chế so với chỉ tiêu được Bộ Nội vụ giao. Đến ngày 09-10-2018 UBND tỉnh Đồng Nai ban hành cắt giảm 72 biên chế công chức, như vậy còn giao vượt 42 biên chế công chức so với chỉ tiêu.
Tỉnh tiếp nhận 80 công chức không qua thi theo thẩm quyền, tuy nhiên, quá trình thực hiện còn những thiếu sót như: quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để tổ chức sát hạch đối với nhiều đợt tiếp nhận công chức không qua thi; một số Hội đồng kiểm tra, sát hạch không có thành viên là người đứng đầu cơ quan, tổ chức dự kiến bố trí công chức sau khi tiếp nhận; Hội đồng kiểm tra, sát hạch chỉ sát hạch về hiểu biết chung và kiến thức nhà nước, không có nội dung sát hạch về kiến thức chuyên ngành theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn tiếp nhận vào công chức không qua thi đối với hai trường hợp thuộc đối tượng người có kinh nghiệm công tác và bốn trường hợp người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài nhưng không có văn bản thống nhất ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi quyết định tiếp nhận (đến ngày 19-11-2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi quyết định tiếp nhận đối với sáu trường hợp này). Một số trường hợp cán bộ, công chức cấp xã được xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên nhưng đến thời điểm thanh tra còn thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước tương ứng với ngạch công chức được bổ nhiệm.
Kết luận thanh tra nêu rõ, một số cơ quan, tổ chức chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, 7 công chức khi được bổ nhiệm còn thiếu một trong các tiêu chuẩn: Trình độ lý luận chính trị, các chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; một số trường hợp thời điểm thực hiện quy trình bổ nhiệm lại còn chậm.
Bên cạnh đó, hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh chưa được triển khai và lưu giữ tại Sở Nội vụ; hồ sơ công chức của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu một số thành phần hồ sơ; một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện việc mở sổ giao nhận; sổ theo dõi, khai thác, sử dụng hồ sơ cán bộ, công chức…
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý; số lượng cấp phó và quản lý hồ sơ công chức. Thực hiện việc giao chỉ tiêu biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức và tổ chức tuyển dụng công chức để chấm dứt việc hợp đồng lao động đảm bảo trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được Bộ Nội vụ giao và đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế công chức theo quy định; chỉ đạo quản lý, bảo quản, lưu giữ hồ sơ công chức thuộc thẩm quyên quản lý.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng vào công chức, viên chức, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo từ tháng 6-2012 đến nay, kịp thời phát hiện các trường hợp chưa đáp ứng để có kế hoạch cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng; quy định thời hạn bắt buộc để công chức hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu; không bổ nhiệm lại đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm; thu hồi quyết định đối với những trường hợp được tuyển dụng không đúng quy định. Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị tỉnh Đồng Nai chấm dứt việc sử dụng 144 lao động hợp đồng hỗ trợ công chức làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính; không thực hiện việc ký và sử dụng lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước. Tỉnh Đồng Nai cũng phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, tồn tại trên để có hình thức xử lý phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Khánh Hòa cần thu hồi quyết định bổ nhiệm với những trường hợp không đáp ứng về ngạch công chức
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ về việc quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn từ 01-01-2016 đến 30-6-2018, việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của địa phương này còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Tại thời điểm thanh tra, còn 3 công chức thiếu lý luận chính trị, 9 công chức thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước, 5 công chức thiếu chứng chỉ tin học, 28 công chức thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, 4 công chức thiếu chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành; 12 công chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo nhưng giữ ngạch công chức thấp hơn so với tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; 2 công chức chưa đủ thời gian công tác trong ngành. Ngoài ra, một số công chức còn thiếu chứng chỉ nghiệp vụ lãnh đạo cấp sở, phòng theo quy định của UBND tỉnh.
Về tiêu chuẩn ngạch, tại thời điểm thanh tra còn 17 công chức thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước; 50 công chức thiếu chứng chỉ ngoại ngữ; 14 công chức thiếu chứng chỉ tin học; 12 công chức thiếu chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành; 2 công chức lãnh đạo, quản lý giữ ngạch chưa phù hợp với vị trí việc làm.
Qua kiểm tra 37 hồ sơ cho thấy việc tuyển dụng công chức không qua thi được UBND tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng có 1 công chức tại thời điểm thanh tra chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên. UBND tỉnh đã ban hành quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi đối với 9 trường hợp theo Đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ, công chức không qua thi tuyển đối với người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ loại khá, đại học loại giỏi vào công tác tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh. Tuy nhiên, ngày 14-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định hủy bỏ kết quả tuyển chọn công chức không qua thi đối với 9 trường hợp này, đồng thời Giám đốc Sở Nội vụ đã ban hành quyết định thu hồi quyết định tuyển dụng công chức của 8/9 trường hợp (1 trường hợp đã nghỉ việc).
Tại thời điểm thanh tra, các cơ quan, tổ chức thuộc UBND tỉnh còn sử dụng 436 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tỉnh cũng thực hiện không đúng quy định khi giao 33 biên chế sự nghiệp (viên chức) làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố; 1 cơ quan trưng tập 1 viên chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ quan hành chính; 3 cơ quan, tổ chức còn sử dụng 6 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước; việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 không đạt tỷ lệ theo kế hoạch.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng, UBND tỉnh đã ban hành một số đề án, văn bản có nội dung không phù hợp quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành,…
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm; tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó. Rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do địa phương ban hành, báo cáo cấp có thẩm quyền để cập nhật, sửa đổi và ban hành các văn bản mới để thay thế, bổ sung cho phù hợp với quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị lãnh đạo Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tiến hành rà soát điều kiện, tiêu chuẩn chức danh, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tháng 6-2012 đến nay; không bổ nhiệm lại đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức danh; thu hồi quyết định đối với những trường hợp được tuyển dụng không đúng quy định. Xem xét thu hồi và chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức thu hồi các quyết định bổ nhiệm đối với những trường hợp không đáp ứng về ngạch công chức; xếp lại ngạch của 2 công chức lãnh đạo, quản lý để phù hợp với vị trí việc làm. Lập kế hoạch cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định trước khi tiến hành bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.
“Sau khi có kết quả tuyển dụng công chức năm 2018, chấm dứt việc sử dụng 436 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính; không thực hiện việc ký và sử dụng lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước”, Thanh tra Bộ Nội vụ yêu cầu./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến 27-01-2019)  (28/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng niệm nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh  (27/01/2019)
Mang không khí Tết cổ truyền ấm áp đến với mọi người, mọi nhà  (27/01/2019)
Luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc  (27/01/2019)
Mãi mãi niềm tin theo Đảng  (27/01/2019)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm