An Giang: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả
Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, năm 2015, thông qua Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, mục tiêu phát triển của tỉnh là khai thác mạnh mẽ lợi thế trong liên kết vùng và lợi thế so sánh của địa phương; huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến sâu; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; củng cố đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Tỉnh chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, coi đó là nhiệm vụ chủ yếu để hoàn thiện và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Trong công tác chính trị, tư tưởng, cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, trọng tâm trong năm 2017 là các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng và có nhiều đổi mới theo hướng đa dạng, phù hợp với từng đối tượng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Nhiều vấn đề thời sự chính trị quan trọng được quan tâm tuyên truyền kịp thời. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị thông tin thời sự cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh về “Tình hình Biển Đông hiện nay và các giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”; Hội nghị trực tuyến thông tin chuyên đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và khảo sát thực tế tại An Giang cho 250 đại biểu của 5 tỉnh có đường biên giới với Campuchia và 3 tỉnh lân cận tham dự. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, An Giang đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp tỉnh: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở An Giang hiện nay - Thực trạng và giải pháp”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch, chủ trương của Trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, tăng cường đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 và số 05 của Bộ Chính trị.
Công tác tổ chức cán bộ được quan tâm thường xuyên. Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị thực hiện quy trình giới thiệu bổ sung nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; Hội nghị cán bộ chủ chốt thực hiện quy trình giới thiệu quy hoạch cán bộ Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ tiếp theo; Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng góp ý dự thảo Đề án Trung ương 6 khóa XII “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án tổng hợp vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kế hoạch tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị các cấp
Xác định việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, Tỉnh ủy An Giang và các cấp ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Trung ương, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Từ mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã…
Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang là nơi tiên phong trong thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã. Từ một xã thực hiện thí điểm năm 2010, đến nay, 13/13 xã, thị trấn của huyện đều thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, qua đó phát huy tốt vai trò, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Để quản lý, điều hành tốt các nhiệm vụ trong xã, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND mạnh dạn giao việc gắn với trách nhiệm cụ thể cho cấp dưới (là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND), tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị một cách chủ động, kịp thời, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm; phát huy được năng lực của cán bộ. Thực tế cho thấy, mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã có cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy và UBND xã nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời tinh thần chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu xã, thị trấn.
Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã tránh được hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, giảm được khâu báo cáo, xin ý kiến. Vì Bí thư Đảng ủy cũng là Chủ tịch UBND xã nên nắm rõ tình hình địa phương, từ đó chỉ đạo xây dựng nghị quyết, đề ra chủ trương sát với thực tiễn; công tác phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Những thiếu sót, tồn tại, vấn đề phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đúng với chủ trương chung của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, cán bộ phải thực hiện cả "hai vai", công việc nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn nên nếu không bố trí sắp xếp thời gian hợp lý thì sẽ rất lúng túng trong chỉ đạo, điều hành. Từ thực tiễn Châu Phú, An Giang cho thấy, điều quan trọng là cán bộ phải bố trí thời gian hợp lý, phân vai, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho bản thân cũng như các đồng chí trong Ban Thường vụ và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND. Phân công công việc, trách nhiệm rõ ràng sẽ làm cho bộ máy cấp ủy, chính quyền cơ sở hoạt động nhịp nhàng, thông suốt. Về cơ bản, mô hình kiêm nhiệm rất thuận lợi cho công tác điều hành, chỉ đạo nhưng cũng đòi hỏi người cán bộ phải có trình độ, kinh nghiệm, uy tín, năng nổ, hoạt bát, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Đóng “hai vai”, vừa là Bí thư Đảng ủy nắm vững các chủ trương của Đảng, vừa là Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành bộ máy chính quyền tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân một cách kịp thời, nhanh chóng vì không phải mất thêm thời gian xin ý kiến, phối hợp giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; từ đó, tạo được niềm tin, được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương do cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra.
Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã giúp nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đây cũng là môi trường để thử thách, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác; đồng thời, củng cố tinh thần đoàn kết nhất trí trong nội bộ, việc tổ chức và huy động nguồn lực được thuận lợi, sự phối hợp và gắn kết các thành viên của hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ hơn. Điểm mấu chốt trong mô hình này là vấn đề nhân sự, nếu chọn được nhân sự tốt, cán bộ giúp việc có năng lực thì thực hiện kiêm nhiệm mang lại hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh những mặt tích cực, mô hình cũng còn nhiều điểm bất cập cần khắc phục như một số nơi chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai" Bí thư với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai" Chủ tịch UBND với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Trong mô hình kiêm nhiệm, quyền lực tập trung vào một người, dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất đoàn kết nội bộ… Do đó, cốt lõi là vấn đề cán bộ, phải chọn được cán bộ có tâm, có tầm, có năng lực, trình độ, uy tín và kinh nghiệm, đồng thời, phải xác định rõ quyền hạn và nghĩa vụ trong từng công việc cụ thể, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cấp phó; đề cao vai trò giám sát của nhân dân cũng như các đoàn thể, qua đó giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Người đảm nhiệm chức danh này phải có năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, có khả năng bao quát công việc; phải quy tụ được cán bộ và quần chúng nhân dân, thể hiện được vai trò trung tâm đoàn kết. Vì vậy, cán bộ chủ chốt phải là người có đủ đức, đủ tài, không sa vào tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ.
Cùng với việc thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, Châu Phú còn tiến hành sắp xếp, kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ xã, thị trấn đối với các chức danh có nhiệm vụ tương đồng như: 13/13 xã, thị trấn có Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND, phụ trách công tác Đảng; 4/13 xã, thị trấn có Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, phụ trách Khối vận; 6/13 xã, thị trấn, Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; 10/13 xã, thị trấn, cán bộ Tổ chức kiêm công tác Nội vụ; 3/13 xã, thị trấn, cán bộ Tuyên giáo kiêm Văn phòng Đảng ủy; 1/13 xã, cán bộ văn hóa phụ trách Đài Truyền thanh, quản lý Nhà Văn hóa; 8/13 xã, thị trấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm công tác dân vận; 6/13 xã, thị trấn, cán bộ địa chính - xây dựng kiêm cán bộ giao thông - thủy lợi; 1/13 xã, thị trấn, Chủ tịch Công đoàn kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ và 1/13 xã Chủ tịch Công đoàn kiêm cán bộ xóa đói giảm nghèo - gia đình trẻ em.
Ngoài bố trí sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh cấp xã, thị trấn, huyện Châu Phú còn thực hiện Đề án sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Sau khi sáp nhập, giảm còn 16/38 biên chế được giao trước đây.
… đến mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Long Xuyên là địa phương “cấp huyện” đầu tiên của An Giang thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố; thành lập Văn phòng chung của Thành ủy, HĐND, UBND và Văn phòng Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. Thành phố đã thành lập Văn phòng chung và tiến hành nhất thể hóa đối với các chức danh lãnh đạo của Văn phòng Thành ủy với Văn phòng HĐND và UBND thành phố. Cụ thể, Chánh Văn phòng Thành ủy, Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố chỉ 1 biên chế, thay vì trước đây là 2 biên chế; 5 Phó Chánh Văn phòng (3 biên chế của Văn phòng Thành ủy, 2 biên chế của Văn phòng HĐND và UBND thành phố), mỗi Phó Chánh Văn phòng sẽ phụ trách 1 tổ chuyên môn. Việc nhất thể hóa chức danh giúp biên chế của UBND thành phố cũng giảm theo.
Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, như còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp đồng bộ từ khâu triển khai, thực hiện; bộ máy hoạt động có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán, chưa tạo thành sức mạnh thật sự trong thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, trong khi đó, về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị này có những nội dung mang tính tương đồng, ngày 08-6-2017, Thành ủy Long Xuyên đã ban hành Đề án 05 về việc xây dựng Văn phòng Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội TP. Long Xuyên (gọi tắt là Văn phòng Khối). Qua thực hiện Đề án 05, tổng số biên chế của Ban Dân vận Thành ủy, cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố từ 37 biên chế giảm còn 33 biên chế. Việc thành lập Văn phòng Khối đã giúp công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố được chủ động, tập trung; huy động tốt các nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chất lượng công tác, chương trình phối hợp chặt chẽ hơn; phát huy được trí tuệ của tập thể lãnh đạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện…
Cùng với việc sáp nhập một số cơ quan tham mưu, chuyên môn, TP. Long Xuyên cũng sáp nhập Trung tâm Y tế thành phố với Bệnh viện Đa khoa Long Xuyên, Trung tâm Thể dục - Thể thao với Trung tâm Văn hóa thành phố, qua đó đã giảm được 6 biên chế.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Long Xuyên đã góp phần từng bước đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để nhân rộng các mô hình ra phạm vi toàn tỉnh
Bên cạnh 2 mô hình nêu trên, An Giang còn thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã, được triển khai ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, An Giang có 90/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này, gồm: TP. Long Xuyên 11/13, TP. Châu Đốc 3/7, Thị xã Tân Châu 6/14, huyện Châu Thành 8/13, Tri Tôn 13/15, Tịnh Biên 9/14, An Phú 7/14, Phú Tân 11/18, Thoại Sơn 16/17 và Chợ Mới 6/18. Mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã đã tạo điều kiện cho cấp ủy chỉ đạo hoạt động HĐND, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Tạo sự thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; HĐND ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa, quyết định biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.
Nhìn chung, các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều được Đảng bộ An Giang chấp hành nghiêm túc, thực hiện sáng tạo. Cùng với sắp xếp tổ chức, tỉnh cũng tăng cường bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm hướng đến một nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Coi trọng việc đổi mới lề lối làm việc, nói đi đôi với làm và làm phải có trách nhiệm. Cấp ủy và người đứng đầu phải gương mẫu; tạo mối đoàn kết, gắn bó trong nội bộ và với nhân dân. Thật sự phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm tập thể và vai trò cá nhân trong lãnh đạo, điều hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, việc đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định do những nguyên nhân cả khách quan, chủ quan như việc quy định tổ chức bộ máy thực hiện theo một khuôn mẫu, chưa chú ý đầy đủ đến các yếu tố tác động đến cơ quan, tổ chức và yếu tố đặc thù về kinh tế, xã hội, dân cư, địa lý của các địa phương. Một số mô hình tổ chức có từ lâu nhưng vẫn chưa sửa đổi hay bổ sung. Tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn, vị trí, chức danh các cơ quan đảng, đoàn thể độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước là một trong những yếu tố dẫn đến bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hiệu lực không cao. Các mô hình tổ chức mới thí điểm áp dụng tại địa phương thời gian qua cũng cần có thời gian để sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai và nhân rộng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết để hoàn thiện và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu, sáp nhập một số cơ quan của Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Về lâu dài, để phát triển và triển khai diện rộng các mô hình thí điểm, Trung ương cần có hướng dẫn về Quy chế làm việc của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND nhằm định hướng cho cơ sở; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tạo nguồn, nhất là các vị trí chủ chốt; quan tâm đến chế độ phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm tương xứng để khuyến khích cán bộ cống hiến. Có như vậy, mô hình kiêm nhiệm chức danh chủ chốt ở các cấp mới thực sự đi vào chiều sâu, có thể triển khai ra diện rộng./.
-------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017 ngày 19-10-2017 của Tỉnh ủy An Giang.
2. Thu Thảo, An Giang đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Phong-su-Ky-su/An-Giang-oi-moi-phuong-thuc-lanh-ao-tinh-gon-bo-may.html
Thông qua chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của APPF-26  (18/01/2018)
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện mừng 68 năm quan hệ ngoại giao Việt - Trung  (18/01/2018)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hầm đường bộ Đèo Cả  (18/01/2018)
Cần cơ chế cạnh tranh công khai, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ  (18/01/2018)
Thủ tướng thăm, tặng quà người dân bị thiệt hại do thiên tai ở Tuy Hòa  (18/01/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Indonesia  (18/01/2018)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên