Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 30-01 đến ngày 05-02-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
16:45, ngày 06-02-2017
TCCSĐT - Các giải pháp của Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Kế hoạch hành động để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, Hà Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, Hà Nội sẽ chấm dứt sử dụng văn bản giấy từ ngày 01-4-2017 và Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc cũng như thái độ phục vụ dân,… là những tin nổi bật tuần qua.

Giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới năm 2016 về môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng được 09 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Kết quả nói trên cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức, nhiều tiêu chí xếp hạng còn thấp, như: Khởi sự kinh doanh (xếp thứ 121), Nộp thuế và BHXH (xếp thứ 167), Giải quyết phá sản doanh nghiệp (xếp thứ 125)…

Thời gian qua, thông qua việc trình Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; đồng thời, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều Nghị quyết quan trọng, Chính phủ đã tạo khung khổ pháp lý cơ bản đồng bộ cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện, đưa các chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo.

Tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai thực hiện có kết quả các chủ trương, nghị quyết đã đề ra, trong đó có một số giải pháp như:

Rà soát, ban hành đồng bộ các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… Đẩy mạnh cải cách quy định thủ tục hành chính, bảo đảm các quy định thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.

Hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, điều chỉnh, sửa đổi theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, không bỏ sót hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả; tiếp tục gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.

Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm cắt giảm thời gian, chi phí hành chính và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Công khai, minh bạch các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, thiết lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến để nắm bắt, tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương.

Cải cách hệ thống thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 03-02, Bộ Tài chính đã có buổi họp bàn về kế hoạch hành động để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì và chỉ đạo buổi họp.

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, trong năm vừa qua, ngành Thuế đã có kế hoạch hành động cụ thể với 19 nhiệm vụ và 34 giải pháp cụ thể.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến 31-12-2016, về cơ bản, Tổng cục Thuế đã hoàn thành 32 giải pháp. Trong đó có 6 giải pháp hoàn thành theo tiến độ và tiếp tục triển khai trong năm 2017. Đó là: Thực hiện mục tiêu năm 2016-2017 có 95% doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế đạt cấp độ 4; Thực hiện hoàn thuế điện tử; Giải quyết khiếu nại đúng hạn, kịp thời cho đối tượng nộp thuế; Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; Thực hiện quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế; Kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị Tổng cục Thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, trong năm 2017, ngành Thuế tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế để đạt được mục tiêu, yêu cầu.

Mục tiêu hướng đến là đạt trung bình nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 3 nhóm chỉ tiêu về hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm; tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.

Để đạt được các chỉ tiêu tại Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ, dự thảo kế hoạch hành động Tổng cục Thuế đưa ra tập trung vào 6 nhóm giải pháp quan trọng bao gồm: Thực hiện mục tiêu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Đạt mục tiêu trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 3 nhóm chỉ tiêu hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại; Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Giảm giờ và phát triển hệ thống đại lý thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong nộp thuế; kiện toàn bộ máy để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, chuyển đổi phương thức quản lý tại các đơn vị thuộc bộ.

Hà Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư

Thời gian qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, bài bản ở Hà Giang. Thủ tục hành chính được kiểm soát từ khâu ban hành thông qua việc đánh giá tác động trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trước khi ban hành đến khâu tổ chức thực hiện công bố, niêm yết công khai tổ chức thực hiện.

Thủ tục hành chính luôn được rà soát công bố sửa đổi bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế. Kết quả rõ nét nhất trong thời gian qua đó là việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đúng quy trình, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm soát chất lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý. Việc đưa Trung tâm hành chính công của tỉnh vào hoạt động đã thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đến nay 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố đã triển khai hệ thống một cửa điện tử và liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của tỉnh, tổng số thủ tục hành chính được tin học hóa đáp ứng cung cấp mức độ 3 là 1.281 (trong đó cấp tỉnh 1.106, cấp huyện 175), riêng thành phố Hà Giang và huyện Bắc Mê đã thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính công. Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy trình.

Tính đến ngày 30-11-2016 các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương tại địa phương và UBND cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận 496.092 hồ sơ, trả kết quả đúng hạn 494.156 hồ sơ (đạt 99,61%), đang trong hạn giải quyết 1.819 hồ sơ (chiếm 0,37%), trả lại 117 hồ sơ (chiếm 0,02%).

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã thay đổi căn bản phương thức quản lý, tiết kiệm và nâng cao chất lượng quản trị văn phòng, tỷ lệ xã, phường thị trấn có sóng 3G tại trung tâm đạt trên 85%, sóng điện thoại di động đạt 98%, tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt 92%, số máy tính kết nối internet đạt 95,8%.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư tại tỉnh Hà Giang. Hiện nay, nhà đầu tư đến với Hà Giang về các thủ tục pháp lý chỉ phải thực hiện tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, thời gian giải quyết nhanh, gọn, hỗ trợ pháp lý đầy đủ rõ ràng, chính sách của tỉnh công khai minh bạch giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai, thực hiện các dự án tại tỉnh do đó kết quả thu hút đầu tư luôn đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh có 1.425 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 28.680 tỷ đồng.

Hà Nội sẽ chấm dứt sử dụng văn bản giấy từ ngày 01-4-2017

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa được giao chủ trì chỉ đạo các quận/huyện/thị xã thực hiện ngay trong tháng 2 xử lý văn bản qua hệ thống mạng của Thành phố, với mục tiêu đến 01-4-2017 chấm dứt việc dùng văn bản, giấy mời bản giấy. Ý kiến chỉ đạo nêu trên vừa được ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo vào chiều ngày 03-02-2017.

Trong phát biểu kết luận tại hội nghị, đánh giá cao việc triển khai thực hiện các mặt công tác của Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT TP. Hà Nội trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, để đạt được 70% hồ sơ hành chính nhà nước sử dụng dịch vụ công mức 3 là sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và một lộ trình cụ thể của Thành phố Hà nội. Do đó, toàn Thành phố cần xác định việc triển khai các nội dung về CNTT theo lộ trình của Thành phố đã ban hành là nhiệm vụ hàng đầu trong cải cách hành chính.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quản lý cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực: đất đai, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, khám chữa bệnh; đồng thời tập trung xây dựng Trung tâm cơ sở hạ tầng với nhiều công năng: điều hành giao thông, giải quyết khúc mắc, phân tích dữ liệu, khắc phục sự cố, điều hành chống tội phạm, báo chí và truyền hình…

Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các sở, ngành như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng dữ liệu quản lý về khám chữa bệnh, BHYT; kiểm định ô tô, cấp giấy phép lái xe; tích hợp dữ liệu về người có công, người cao tuổi, hộ nghèo…; phối hợp với Văn phòng UBND, Thanh tra thành lập hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện dịch vụ công mức 3…

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố, trong năm 2016 vừa qua, bên cạnh việc hoàn thành triển khai kết nối mạng WAN đến 584 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo hạ tầng trang thiết bị để triển khai dịch vụ công tại khối xã/phường và triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội tại địa chỉ: http://egov.hanoi.gov.vn, Thành phố đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đến tất cả 584 xã/phường/thị trấn theo 3 giai đoạn.

Trong đó, ở giai đoạn 1, triển khai thí điểm tại 24 phường của 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm để đánh giá, hoàn thiện. Trên cơ sở đó triển khai tại 144 phường của 10 quận còn lại và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 10-8-2016; với giai đoạn 2, triển khai tại 139 xã thuộc 6 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, Hoài Đức và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 10-11-2016; còn ở giai đoạn 3, triển khai tại 277 xã thuộc 12 huyện còn lại và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 15-12-2016.
Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn Thành phố bao gồm cả hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND xã/phường/thị trấn đạt trên 70%.

Ngày 12-01-2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch 09 về triển khai vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã hoàn thành xây dựng.

Theo kế hoạch nêu trên, trong quý I-2017, Thành phố triển khai cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 vận hành chính thức từ ngày 19-01-2017, gồm 27 dịch vụ công; đợt 2 vận hành chính thức từ ngày 01-3-2017, gồm 20 dịch vụ công; và đợt 3 vận hành chính thức từ ngày 15-3-2017 gồm 73 dịch vụ công.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Công tác cải cách hành chính của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được hiệu quả tích cực, nhiều thủ tục được cắt giảm, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Có được như vậy là nhờ vào nhiều giải pháp được áp dụng, trong đó nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với quyết tâm không để các thủ tục hành chính rườm rà cản trở sự phát triển, TP. Hồ Chí Minh còn rất nhiều việc để làm.

Trong đó, giải pháp “mềm” được xác định không kém phần quan trọng như lề lối, tác phong làm việc cũng như thái độ phục vụ dân. Tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh với 322 bí thư xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng yêu cầu bí thư xã, phường, thị trấn phải trực tiếp xuống xử lý các vấn đề trên địa bàn, tìm đến cùng các địa chỉ mà nhân dân bức xúc để chỉ đạo, đấu tranh giải quyết.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Chỉ cần có chút tư tưởng tự mãn, xa rời nhân dân là chúng ta gánh hậu quả ngay lập tức...". Đây là mặt trái, mặt hạn chế còn tồn tại trong bộ máy công quyền khiến người dân bức xúc. “Khắc phục tư tưởng tự mãn, xa rời dân không chỉ là giải pháp để tiến tới một chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân, mà đó còn là nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức cán bộ, là danh dự để chúng ta củng cố niềm tin của xã hội và thoát khỏi sự trì trệ”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh./.