Một số giải pháp xây dựng chi bộ tốt hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Người chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”(1), cho nên, phải quyết tâm xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “Bốn tốt”.
Về chi bộ “Bốn tốt”, Hồ Chí Minh nêu rõ: là đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt. Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, không gương mẫu, thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh. Do đó, phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, không để những phần tử xấu lợi dụng phá hoại nội bộ. Và mỗi đồng chí, nếu sai phạm mất hết tư cách đảng viên thì cần đuổi ra khỏi Đảng, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục. Về giải pháp xây dựng chi bộ tốt hiện nay, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, cần quan tâm những vấn đề sau:
Một là, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, có chất lượng cao, số lượng phù hợp
Đảng viên là thành viên của chi bộ, sự vững mạnh của đội ngũ đảng viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch, vững mạnh của chi bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(2) và “muốn có Đảng bộ tốt, chi bộ tốt, phải có đảng viên tốt”(3). Ngược lại: Chi bộ kém là vì đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ phục vụ nhân dân; không lãnh đạo nhân dân lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm. Một số đảng viên và cán bộ còn mang nặng những thói xấu như tham ô, ích kỷ... họ đã không làm kiểu mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu. Do vậy, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chi bộ.
Xây dựng đội ngũ đảng viên ở chi bộ cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính. Đảng viên là lực lượng góp ý, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; là lực lượng trực tiếp động viên, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương đó; là tấm gương để quần chúng noi theo. Cho nên, nâng cao chất lượng đảng viên là một nội dung cơ bản của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nâng cao chất lượng đảng viên còn là yêu cầu của việc xây dựng chi bộ Đảng. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới, tăng cường công tác phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng, chính trị, trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”(4).
Thực tế cho thấy chi bộ, tổ chức cơ sở đảng nào chất lượng đảng viên thấp thì cơ sở đảng ở đó yếu kém, không phát huy được dân chủ trong Đảng và trong quần chúng, phong trào mọi mặt sút kém. Muốn nâng cao chất lượng đảng viên, ngoài việc quản lý, giáo dục của tổ chức đảng, còn phải có sự tự phấn đấu, rèn luyện của đảng viên. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đảng viên là phải không ngừng kiện toàn đội ngũ cấp ủy, chi bộ, để không ngừng xây dựng, củng cố chi bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, phải triệt để thực hành dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh
Theo Hồ Chí Minh: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”, phát huy tự phê bình và phê bình, bởi vì: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”(5).
Dân chủ trong chuẩn bị nghị quyết, ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết; giữ vững nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự lãnh đạo, được sự bảo đảm của tập trung. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ gồm nhiều khâu, nhiều mặt, mỗi chi bộ cần nắm chắc đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị mình để có nội dung, biện pháp cụ thể, gắn liền với đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức cũng như mọi biểu hiện phân tán cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật.
Chi bộ là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trong quá trình hoạt động và phát triển, nội bộ chi bộ và đơn vị không tránh khỏi những mâu thuẫn; những khuyết điểm, nhận thức lệch lạc và hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để xây dựng chi bộ tốt phải thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Người: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm” (6). Thực hành tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ sẽ không ngừng xây dựng, củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cần tuân thủ và thực hiện tốt các nguyên tắc: trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Đảng, tiến hành có tổ chức và trong tổ chức, chấp hành đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; tránh lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, gây rối nội bộ.
Trên thực tế để thực hiện tốt giải pháp này, mỗi cấp ủy, chi bộ cần phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp cơ bản như: xác định rõ chức năng, tình hình, nhiệm vụ của chi bộ; thực hiện các tiêu chuẩn chi bộ trong sạch, vững mạnh; kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trong việc xây dựng chi bộ.
Ba là, giữ vững chế độ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Sinh hoạt chi bộ có vị trí quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ được duy trì đều đặn, thường xuyên có chất lượng sẽ làm cho đường lối, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được quán triệt, thực hiện nghiêm túc; trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên được nâng cao, kỷ luật của Đảng được tăng cường, quan hệ giữa Đảng với quần chúng được củng cố, phát triển; nội bộ chi bộ đoàn kết, thống nhất cao.
Thực tiễn cho thấy: “Hễ nơi nào, lúc nào mà sinh hoạt chi bộ bị buông lỏng, rời rạc hoặc không có nội dung chính trị, tư tưởng cụ thể, thiết thực thì nơi đó, lúc đó nguy cơ đi chệch đường lối, chính sách của Đảng, hạ thấp vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên. Làm cho kỷ luật của Đảng bị lỏng lẻo, các biểu hiện tiêu cực nảy sinh và phát triển, sự gắn bó giữa Đảng và quần chúng bị suy yếu”(7).
Muốn nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ, cần đặc biệt coi trọng ba tính chất sinh hoạt Đảng trong các chi bộ: tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục. Ba tính chất trên có mối quan hệ mật thiết và có sự tác động qua lại, biện chứng thống nhất; cho nên, phải thực hiện đồng bộ mới có kết quả. Trách nhiệm đó thuộc về đại hội chi bộ, đảng bộ, cấp ủy và mỗi đảng viên.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt. Có thể phân loại hình thức sinh hoạt chi bộ thành ba vấn đề: sinh hoạt chính trị: bàn và ra các nghị quyết, quyết định lãnh đạo; sinh hoạt học tập: nghiên cứu, quán triệt, thảo luận các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghe thông tin, thời sự trong nước và quốc tế; sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Tùy nội dung sinh hoạt mà lựa chọn hình thức sinh hoạt cho phù hợp. Đảng ta thống nhất một quan điểm là lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng làm then chốt, vì vậy, mỗi chi bộ, đảng bộ cơ sở cần phải ra sức tìm tòi, đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng, cho phù hợp với thực tiễn của chi bộ mình, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Bốn là, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng chi bộ
Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường…”, bởi vì, “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”(8). Xa dân, không gắn bó với dân chúng trở thành nguy cơ lớn đối với bất kỳ một đảng cầm quyền nào.
Gắn bó mật thiết và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng chi bộ thể hiện bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc của Đảng; là nguồn sức mạnh, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, là tiêu chuẩn của một Đảng mác-xít, đồng thời là vấn đề cơ bản, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Thường xuyên chăm lo vận động và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với mọi hoạt động của chi bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong mối quan hệ Đảng - Dân, quần chúng là người giám sát rất chặt chẽ, công tâm mọi hoạt động của chi bộ, hành vi, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực của cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, nhân dân kịp thời góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ; bổ sung nguồn lực ưu tú nhất trong quần chúng nhân dân vào Đảng; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân trong xây dựng địa phương, đất nước.
Do vậy, các cấp ủy, chi bộ cần phải xây dựng cơ chế, quy định cụ thể để nhân dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng nói chung và chi bộ nói riêng; tăng cường giáo dục nhân dân, nâng cao dân trí, tạo điều kiện thuận lợi và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, của công luận đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chi bộ. Đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của công tác xây dựng chi bộ.
Năm là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng chi bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực
Hồ Chí Minh dạy rằng, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra; muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra.
Theo Người, kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó, góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức. “Muốn chống bệnh quan liêu, bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(9). Vì vậy, cấp ủy cấp trên, cũng như cấp ủy chi bộ cần có nghị quyết lãnh đạo sát đúng và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua kiểm tra, giám sát, sẽ quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú và khi công tác xa đơn vị; đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.
Mọi đảng viên phải được đặt trong phạm vi kiểm tra, giám sát của chi bộ. kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích. Kiểm tra phải có hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát. Chỉ có như vậy, công tác xây dựng chi bộ mới có hiệu quả, các cấp ủy, chi bộ mới bảo đảm được vai trò lãnh đạo của mình, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách mà nhân dân giao phó.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đứng trước những vận hội mới và thách thức mới, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức chi bộ vững mạnh, rèn luyện tư cách đảng viên với phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong xây dựng chi bộ nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng./.
----------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 11, tr. 161
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 12, tr. 92
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 617
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 260
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, 2011, t. 9, tr. 521
6. X.Y.Z: Sửa đổi lối làm việc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 54
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, Đại hội IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 131
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 242
9. X.Y.Z: Sửa đổi lối làm việc, sđd, tr. 78-79
Tinh giản biên chế, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp  (20/03/2014)
Muốn phát triển kinh tế, phải lấy nông nghiệp làm gốc  (20/03/2014)
Vai trò của Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung và tổ chức thi hành Hiến pháp  (19/03/2014)
Lan tỏa sức trẻ ở Lai Châu  (19/03/2014)
Đánh giá tổng quan dự án Luật Hộ tịch  (19/03/2014)
Nhìn lại toàn cảnh bất ổn Ukraine và điểm nóng Crimea  (19/03/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên