Đảng viên nam giới - vai trò tiên phong trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

ThS. Hoàng Đạt (Theo: Hồ sơ - Sự kiện)
12:11, ngày 05-03-2013
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011, Quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, quy định đảng viên không được: “... có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định”.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng gia đình không bạo lực

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Lời căn dặn đến nay vẫn có tính thời sự, khẳng định giá trị to lớn của gia đình, trách nhiệm của mỗi người trong xây dựng gia đình không bạo lực.

 

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật, chính sách bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em, như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,… Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011, Quy định về những điều đảng viên không được làm. Quy định vẫn giữ quan điểm nhất quán so với các quy định các khóa trước đã ban hành về những điều đảng viên không được làm là đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của người đảng viên. Trong đó, điểm mới được đề cập là đảng viên không được: “... có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định”. Đó là nội dung của Điều 17, Quy định số 47.

 

Sau đó, ngày 15-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục ban hành Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW, Hướng dẫn thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trong đó, hướng dẫn rõ đảng viên không được: “Có hành vi bạo lực trong gia đình gây xâm hại về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế: ngược đãi, hành hạ, đánh đập, lăng mạ, cô lập, xua đuổi, ngăn cản thực hiện nghĩa vụ hoặc cưỡng ép, chiếm đoạt, tạo tình trạng phụ thuộc đối với ông, bà, bố, mẹ, vợ (chồng), con, cháu, anh, chị, em và các thành viên khác trong gia đình (kể cả vợ, chồng và các thành viên khác của gia đình đã ly hôn). Có hành vi xúi giục, gây bạo lực, cản trở việc ngăn chặn bạo lực gia đình hoặc bao che không xử lý hành vi bạo lực gia đình. Chưa có vợ, có chồng, đang có vợ, có chồng mà sống chung hoặc quan hệ như vợ chồng với người khác”.

 

Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng để phát triển xã hội. Trân trọng, gìn giữ tình cảm gia đình, là một nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Phát huy truyền thống, Đảng quyết tâm xây dựng một môi trường gia đình văn hóa không bạo lực. Các quy định rất cụ thể trên cho thấy, chủ trương của Đảng là tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của gia đình. Quy định đảng viên đi đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình có tác dụng định hướng dư luận, giáo dục cộng đồng và là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của xã hội, góp phần ngăn chặn nạn bạo hành, thể hiện trách nhiệm xã hội lớn lao của mỗi người đảng viên, đặc biệt là đảng viên nam giới.

 

Đảng viên nam giới đi tiên phong

 

Trong mỗi gia đình, người phụ nữ đóng vai trò người mẹ một cách tự nhiên ngay khi vừa mang thai, nhưng người đàn ông, bên cạnh bản năng tự nhiên của người cha, còn phải gánh vác trách nhiệm làm cha dưới nhiều tác động cả về thực tế cuộc sống vật chất gia đình và những ảnh hưởng tâm lý (đặc biệt là khi không có con trai). Để tạo dựng một gia đình hòa thuận, mọi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm đóng góp công sức vun đắp, cùng chia sẻ, gánh vác các công việc của gia đình. Đối với xã hội mang đậm tính truyền thống như Việt Nam, hình ảnh người cha nói chung và người đảng viên nam giới nói riêng vừa là người đại diện cho quyền lực trong gia đình, là trụ cột gia đình, vừa là hình mẫu cho cách sống trong xã hội. Nói cách khác, đối với trẻ nhỏ, người cha, nhất là khi người cha ấy là đảng viên, không chỉ là người cung cấp đời sống vật chất, còn là chỗ dựa tinh thần, là mảnh đất bồi dưỡng hình thành nhân cách và bước đầu tiếp thu kiến thức xã hội của con trẻ.

 

Người cha sẽ tác động to lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ trong giai đoạn trưởng thành. Nếu hình mẫu này luôn có hành động bạo hành thì đứa trẻ sẽ dễ dàng có những phản ứng thái quá và nếu tích cực hơn, đứa trẻ sẽ đứng về phía người mẹ ngăn chặn hành động bạo lực bằng cách phản kháng lại người cha, hoặc tiêu cực hơn, đứa trẻ sẽ trở thành hình ảnh tương tự của hình mẫu khi thực sự làm cha.

 

Do đó, đảng viên nam giới là những người có trí tuệ, có nghề nghiệp ổn định, có cơ hội thăng tiến, nói cách khác là những người có vị trí và được tôn trọng trong xã hội... Do đó, đảng viên nam giới càng có ảnh hưởng lớn đến con trẻ trong gia đình. Vì vậy, mỗi đảng viên nam giới càng cần nêu gương tốt trong phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Tuy nhiên, để hạn chế được nạn bạo lực thì cả cộng động cần phải chung tay giải quyết. Do vậy, các cơ quan chức năng, các đoàn thể không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, để quy định số 47, đặc biệt là Điều 17 được thực hiện tốt thì phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng từ việc tuyên truyền cho đảng viên, nhân dân đến giám sát thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Từng cá nhân trong gia đình, đặc biệt là đảng viên, trong đó chú trọng đảng viên nam giới phải có trách nhiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình./.