Giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên Thủ đô cần đồng bộ các giải pháp

ThS. Phạm Đình Khuê Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
16:58, ngày 07-08-2012
TCCSĐT - Hà Nội có khoảng 343.675 sinh viên, chiếm 5,3% dân số Thủ đô, là một bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền và các cấp bộ đoàn Thủ đô tích cực phối hợp với các trường đại học, cao đẳng quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp sinh viên có nhận thức, lý tưởng đúng đắn, hăng hái tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Thủ đô xứng đáng là  trung tâm đầu não chính trị của cả nước, “thành phố vì hoà bình”.

Là một sinh viên vừa là một công dân, sinh viên Hà Nội ý thức rất rõ vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc kiến thiết xây dựng Thủ đô. Họ là những người đi tiên phong trong việc chấp hành mọi nội quy, quy chế của nhà trường, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra sự đồng thuận và đoàn kết trong sinh viên. Nhiều sinh viên còn tham gia vào các đội tự quản, bảo đảm an ninh trật tự, kỷ cương nề nếp trong học đường, phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm trong nhà trường và ngoài xã hội.

Ngoài ra, sinh viên còn là những người tham gia tích cực vào sinh hoạt đoàn thể. Bắt đầu từ những hoạt động xã hội như hưởng ứng, tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn"; chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng... Đến nay, Hội sinh viên đã tích cực phối hợp với Đoàn thanh niên phát động và tổ chức sâu rộng phong trào "Tôi yêu Hà Nội”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, "Sinh viên tình nguyện"… Nổi rõ là các hoạt động xã hội nhân đạo, tình nguyện xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tiếp sức mùa thi; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông; xung kích phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, bảo tồn và phát triển truyền thống Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế…

Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị - kinh tế thế giới, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, âm mưu "diễn biến hoà bình", của các thế lực thù địch, một số sinh viên Thủ đô bị mất phương hướng, dao động... Bên cạnh đó còn một bộ phận sinh viên ngại học tập chính trị, xa rời lý tưởng của cộng đồng, có lối sống thực dụng, ích kỷ, mưu cầu danh lợi…. Đây thực sự là một thực trạng đáng báo động.

 Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ thành phố Hà Nội, xây dựng đội ngũ thanh niên sinh viên Thủ đô vững vàng về tư tưởng chính trị, nhãn quan chính trị nhạy bén, cách xử thế chính trị thông minh, hiệu quả… trở thành những người chủ chân chính của Thủ đô và đất nước, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Nhà trường, các cấp, các ngành, đoàn thể của Hà Nội cần chú ý chăm lo đời sống và điều kiện học tập cho sinh viên

Các cấp, các ngành của Hà Nội cần chăm lo đến đời sống vật chất, điều kiện học tập của sinh viên bởi điều này có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc hình thành tư tưởng chính trị đúng đắn trong các em. Bởi lẽ, khi điều kiện vật chất, đời sống được nâng cao, điều kiện học tập được cải thiện, các em sẽ an tâm hơn trong học tập, rèn luyện, xác định cho mình một mục tiêu học tập đúng đắn. Trước mắt, cần huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều khu ký túc xá cho sinh viên, đảm bảo cho các em có chỗ ăn, ở sinh hoạt, học tập rộng rãi. Tăng mức học bổng cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo vượt khó, đồng thời kêu gọi mọi nguồn lực từ xã hội tài trợ cho những sinh viên có thành tích cao trong học tập. Cải thiện điều kiện vật chất phục vụ cho hoạt động học tập, đồng thời nâng cao nhu cầu giải trí lành mạnh cho sinh viên ngay trong khu ký túc xá, đặc biệt là các loại sách báo, ti vi, loa đài, dịch vụ Internet.

Thứ hai, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể của Hà Nội cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên

Để có được một đội ngũ sinh viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về tư tưởng chính trị, là công dân kiểu mẫu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, giàu mạnh phải coi công tác tư tưởng chính trị là nhiệm vụ quan trọng, đó cũng là điểm cần quan tâm chú ý của các cấp, các ngành, và các trường đại học của Hà Nội so với các địa phương khác trong cả nước. Trong giai đoạn hiện nay, công tác giáo dục tư tưởng chính trị phải đi trước một bước để nắm bắt tâm tư, tình hình tư tưởng của sinh viên, kịp thời tuyên truyền định hướng về tư tưởng chính trị thông qua các hình thức chuyên môn khác. Bên cạnh đó, công tác chính trị cho sinh viên cũng cần phải nhận thức sâu sắc hơn, đó không chỉ là hoạt động giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà xem nhẹ hoạt động của Đoàn thanh niên, hội sinh viên và đặc biệt là phòng công tác chính trị của các trường đại học ở Hà Nội.

Thứ ba, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Đặc điểm và quy luật của giáo dục tư tưởng chính trị là tạo ra dư luận, bằng dư luận và thông qua dư luận xã hội lành mạnh có thể điều chỉnh được nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi con người. C.Mác nói: “Nếu như đặc tính của con người được tạo bởi hoàn cảnh, thì phải làm cho hoàn cảnh trở nên có tính người”. Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường lành mạnh để giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên Hà Nội là một trong những giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt nên tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân, đặc biệt là các em sinh viên thấy rõ sự cần thiết xây dựng môi trường lành mạnh từ gia đình, nhà trường và khu phố. Như vậy vấn đề cần giải quyết là củng cố, đổi mới sinh hoạt tư tưởng chính trị, thiết lập quan hệ bình đẳng, dân chủ kỷ cương trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, loại trừ các hiện tượng tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội, trước hết trong ngành giáo dục. Phối hợp sử dụng thống nhất, có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng nhằm điều chỉnh dư luận xã hội, điều chỉnh nhận thức, thái độ hành vi của mỗi con người trong đó có sinh viên. Phát động các phong trào người tốt việc tốt, xây dựng và giáo dục truyền thống nhà trường, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, các truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc và truyền thống văn hoá riêng của từng địa phương.

Thứ tư, quan tâm đến đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và đảm bảo các điều kiện vật chất cho công tác giáo dục tư tưởng chính trị

 Quan tâm hơn nữa cả về vật chất, tinh thần cho các thầy cô giảng dạy các môn khoa học này để họ yên tâm công tác, say mê với nghề nghiệp, đem tâm huyết và nhiệt tình của mình, nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng chính trị cho sinh viên, những chủ nhân tương lai của Hà Nội và đất nước. Có chính sách tuyển sinh kịp thời, và khuyến khích đối với việc đào tạo giảng viên Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để thu hút sinh viên thi vào ngành này. Khi tốt nghiệp, đối với các em đạt trình độ từ khá trở lên cho chuyển tiếp cao học. Bên cạnh đó, đối với những giảng viên không có đủ năng lực phẩm chất, không đảm bảo chất lượng giảng dạy, đặc biệt là không yên tâm với nghề nghiệp nên chuyển công tác khác. Cần nghiên cứu lại việc giảng dạy các môn lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường dân lập, tư thục hiện nay, vì ở các trường này không có khoa, hay bộ môn chuyên trách giảng dạy môn học này, dẫn tới tình trạng phải đi thuê ngoài. Hậu quả, nhiều giảng viên vì nâng cao thu nhập nên tình trạng công việc chính của trường mình thì làm qua loa, đại khái, nhưng công việc làm thêm thì dốc sức. Tình tạng “ chân ngoài chân trong” đang diễn ra phổ biến đối với giảng viên chính trị của nhiều trường hiện nay.

Thứ năm, tăng cường vai trò tổ chức đoàn, hội sinh viên và các ngành, các cấp trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên

Bài học rút ra trong hoạt động tuyên truyền giáo dục tưởng chính trị cho sinh viên là ở đâu hội sinh viên, Đoàn thanh niên quan tâm thì ở đó công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên có hiệu quả sâu rộng, bền vững. Ngược lại ở đâu công tác này bị xem thường, thậm chí bỏ lỏng thì phong trào đi xuống, tư tưởng chính trị của các em bị suy giảm. Do đó cần phải tập trung đổi mới các phương thức, hình thức, tăng cường các nội dung, biện pháp giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên bằng việc lồng ghép nội dung giáo dục trong tất cả các mặt công tác, các hoạt động khác của đoàn, như đoàn kết, tập hợp sinh viên, tổ chức các phong trào thi đua mà trước mắt là phong trào thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước.

Tiếp tục phát triển phong trào học tập, rèn luyện vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Khuyến khích hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứa khoa học, đồng thời tạo ra cơ chế và nguồn lực để giúp họ có điều kiện triển khai, ứng dụng những kết quả nghiên cứu đó vào thực tiễn. Tổ chức thường xuyên cho sinh viên tham gia vào các sinh hoạt lễ hội truyền thống, tổ chức du khảo về nguồn, tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tổ chức nhiều hơn nữa các phong trào và các sinh hoạt chính trị. Mục tiêu của những hoạt động này là nâng cao tư tưởng chính trị, bên cạnh một chuyên môn tri thức vững chắc giúp sinh viên có hành trang xây dựng Thủ đô và đất nước trong thế kỷ XXI.  Và chỉ khi nào huy động cả hệ thống chính trị, trường học vào cuộc thì công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên mới đạt hiệu quả thực sự, giúp sinh viên có tư tưởng vững vàng, lý tưởng trong sáng để phấn đấu thực hiện, hoàn thiện bản thân và góp phần xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh./.