TCCSĐT - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém kéo dài của công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng nêu một cách chung nhất nguyên nhân của tình trạng này.
           Một là, khách quan “do việc thực hiện đổi mới kinh tế phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, chưa có sự chuẩn bị thật kỹ về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa những vi phạm.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Hai là, chủ quan, do “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao”.

Bài viết này cụ thể hơn để làm rõ thực chất nguyên nhân của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

1. Về yếu tố khách quan, theo chúng tôi, có 4 tác động chính sau đây:

Một là, sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới và quá trình toàn cầu hóa tác động một cách dữ dội đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hơn 70 năm với sự hình thành, phát triển và những thành tựu của chủ nghĩa xã hội do Liên Xô mở đường, dẫn đầu đã tạo được nhận thức trong cán bộ, đảng viên rằng: “Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp triệu lần dân chủ tư sản”; “Chủ nghĩa xã hội quyết định chiều hướng phát triển của lịch sử xã hội loài người”; “Chủ nghĩa xã hội là đích đến của tất cả các quốc gia, dân tộc”; “Liên Xô là thành trì của chủ nghĩa xã hội”;... Nay  chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu tan rã, hệ thống xã hội hiện thực thế giới khủng hoảng. Trong khi đó, lợi dụng thành tựu khoa học, công nghệ, chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh ngay trong những thuộc tính vốn có của nó nên đã tạo được những thay đổi đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ. Sự cân bằng tương đối giữa hai hệ thống xã hội đối lập: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu, lâu nay vẫn gọi là thế giới hai cực, nay được thay thế bằng sự độc tôn lộng hành của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc mà ta gọi là thế giới một cực do Mỹ đứng đầu.

 Trong khi đó, các thế lực chính trị thù địch với chủ nghĩa xã hội coi đây là cơ hội để chúng tiếp tục tấn công mạnh mẽ hơn vào chủ nghĩa Mác-Lênin. Chiến dịch “diễn biến hòa bình” của chúng được tập trung vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại với nhiều thủ đoạn quỷ quyệt. Mặt khác, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại tiến hành cải cách, mở cửa phải đối mặt với quá nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp cả lý luận lẫn thực tiễn cần có lời giải, trong khi những vấp váp, sai lầm vẫn diễn ra...

Giữa lúc này, xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ tạo thời cơ và cả thách thức, nhất là sự cạnh tranh quyết liệt nhưng lợi thế so sánh không thuộc về chúng ta. Toàn cầu hóa cũng là cơ hội thuận lợi để các thế lực thù địch du nhập và áp đặt tất cả những gì có thể làm phân rã mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội từ sức mạnh kinh tế thông qua đầu tư, tự do chính trị, phản văn hóa thông qua công nghệ thông tin, học sinh du học, thăm quan, du lịch... Vì thế nhiều người có tâm lý sùng bái tư bản.

Thực tế này đã làm cho nhiều người hoang mang, dao động, mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin về tương lai và những giá trị của chủ nghĩa xã hội, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ” quay lại công kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội... Đó là tiền đề trước hết dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Hai là, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường như việc chạy theo lợi ích, lợi nhuận; sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng bất công xã hội, gian lận thương mại, chủ nghĩa cá nhân… chưa có giải pháp khắc phục tích cực, trong khi có những mặt trở nên nghiêm trọng. Tình trạng yếu kém trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội; tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ có chức, có quyền… chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Tất cả đã tác động tạo nên sự hoài nghi, dao động và cả tiêu cực trong tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên.

Ba là, tác động từ các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Lợi dụng những khó khăn, yếu kém, sự tha hóa của một số cán bộ ta trong cơ chế mới, các thế lực thù địch tìm mọi cách khoét sâu thêm mâu thuẫn, tìm cách làm suy yếu Đảng, tha hóa, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chia rẽ nội bộ… Mặt khác, chúng dùng tất cả các phương tiện truyền thông, trong đó đặc biệt là Internet xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ Đảng, các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo… Mục tiêu là chia rẽ nội bộ ta, giảm lòng tin của dân đối với Đảng, lôi kéo để chuyển hóa tư tưởng chính trị trong cán bộ, trong lớp trẻ, giữa lớp trẻ với thế hệ cha anh… hòng gây rối loạn về chính trị, hình thành những xu hướng chính trị, xã hội đối kháng, thực hiện âm mưu đa nguyên chính trị, gây hoang mang trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện “tự diễn biến” từ bên trong.

Bốn là, tác động từ cơ sở, tâm lý của xã hội tiểu nông truyền thống đã ăn sâu hàng ngàn đời nay trong cộng đồng cư dân Việt Nam. Đội ngũ cán bộ phần đông sinh ra, lớn lên trong di sản kinh tế, tâm lý, tinh thần truyền thống đó. Do vậy, không ít người nặng tính cục bộ địa phương; tự do, tùy tiện, không theo các quy định chung; chủ nghĩa cá nhân, tư lợi; tuyệt đối hóa kinh nghiệm, nặng thói gia trưởng, bảo thủ, hạn chế tính sáng tạo, thiên về cảm tính, tư duy lý luận chưa phát triển… nên dễ xem thường tri thức khoa học, lý luận… Vì vậy, khi gặp những vấn đề phức tạp dễ lúng túng, dễ hoang mang, dao động, dễ dịch chuyển từ cực nọ sang cực kia… Những người không chịu rèn luyện, tu dưỡng, không dám tự phê bình và phê bình… theo phẩm chất người đảng viên, người cán bộ của Đảng tất dễ bị ngả nghiêng, dao động, mất phương hướng, mất lòng tin, để cho chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy làm họ trượt dài trên con đường tha hóa, biến chất, thậm chí phản bội Đảng, phản bội dân tộc.

2. Về yếu tố chủ quan, đó là những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Yếu tố chủ quan ở đây bao gồm cả tổ chức đảng và bản thân cán bộ, đảng viên, với 5 nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất, do công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên trước hết phải được bắt nguồn từ sự giáo dục, tuyên truyền của Đảng. 26 năm đổi mới, công tác này còn nhiều bất cập, nhất là hàng thập niên đầu Đổi mới có nhiều lúng túng, xáo trộn. Trước hết, về hệ thống nhà trường đào tạo lý luận mở rộng ngày một nhiều; chương trình cũ, nhiều nội dung trùng lặp, chồng chéo, xa thực tế; đội ngũ giáo viên chưa kịp chuyển đổi để thống nhất, nên kiến thức cũ, phương pháp lạc hậu; việc thi cử thì dễ dãi “dong công, phóng điểm”, quản lý văn bằng lỏng lẻo, cộng với  yêu cầu thái quá về bằng cấp đối với các loại cán bộ, dẫn tới tình trạng “chạy bằng”. Vì thế,  nhiều người có thái độ sai lệch trong học lý luận chính trị. Kết quả là ai cũng có “bằng” nhưng cái cần đạt được trong nhận thức lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới thì lại rất thấp.

Việc tổ chức học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng chưa thật nghiêm túc, chưa truyền đạt được tính khoa học, tính cách mạng sáng tạo, tính thiết thực của nó tới cán bộ, đảng viên để tạo nên sự chuyển biến tích cực, niềm tin trong nhận thức làm cơ sở cho hành động đúng và thống nhất của họ. Trong khi những diễn biễn phức tạp của tình hình thế giới, trong nước đang tác động mạnh tới tư tưởng, tình cảm đạo đức cán bộ, đảng viên nhưng chưa được theo dõi chặt chẽ, dự báo đầy đủ và kịp thời đưa ra những giải pháp đấu tranh mạnh, xử lý đúng. Âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động thì độc ác, xảo quyệt, thô bạo, công khai nhưng chúng ta chưa tổ chức đấu tranh một cách mạnh mẽ, khoa học, có tổ chức để phản bác lại, giải tỏa kịp thời, đưa ngay cái đúng, khoa học, nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước vào trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, tạo nên thế giới quan, nhân sinh quan đúng trong họ. Chúng ta đều nhớ, có một quy luật là chỗ nào “ánh sáng” không tới thì “bóng tối” sẽ bao trùm. Nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa dựa trên cơ sở khoa học, cách mạng thì khó có niềm tin vững chắc. Cho nên khi đứng trước sự vật, hiện tượng, vấn đề họ khó thấy được bản chất của nó để có nhận thức đúng, dễ ngộ nhận, và tất yếu hệ lụy là dao động, dễ thoái hóa, biến chất. Đó là cội rễ dẫn tới tiêu cực, sai trái trong hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

  Thứ hai, do tình trạng lạc hậu của lĩnh vực lý luận chính trị hiện nay. Sự nghiệp đổi mới của Đảng phải bắt đầu tư sự thay đổi quan điểm lý luận đến thực tiễn đời sống. Đây là quá trình vừa tìm tòi, thử nghiệm, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa được nhận thức lý luận làm sáng tỏ. Trong khi thực tiễn đổi mới càng đi vào chiều sâu, nhiều vấn đề phức tạp đặt ra càng đòi hỏi lý luận giải đáp, cắt nghĩa, dẫn dắt song chưa được đáp ứng. Đảng ta đã nhận thức: “Công tác nghiên cứu lý luận của Đảng chưa ngang tầm với sự phát triển của thực tiễn; chưa giải đáp có căn cứ khoa học, thuyết phục nhiều vấn đề quan trọng do thực tiễn đặt ra”; “Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết còn chậm, tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương vẫn là khâu yếu…”(1). Sự lạc hậu của lý luận,  một mặt tạo nên băn khoăn, thắc mắc nhiều vấn đề, sự khác biệt, thiếu thống nhất trong nhận thức, trong hành động; mặt khác lúng túng, không rõ phương cách giải quyết nhiều vấn đề mà Nghị quyết nêu, thực tiễn đặt ra của thời kỳ quá độ, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi các thế lực thù địch ra rả phủ nhận nền tảng lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là những tác động ghê gớm đến tư tưởng chính trị, gây tâm trạng hoài nghi về mục tiêu chính trị của Đảng và dân tộc ta.

  Thứ ba, là do nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, quản lý đảng viên bị buông lỏng, chấp hành chưa nghiêm. Tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý cán bộ, đảng viên; việc kiểm tra, giám sát hoạt động của đảng viên chưa tốt; đấu tranh chống tiêu cực và xử lý vụ việc chưa nghiêm, chưa triệt để; nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên chậm, thiếu đầy đủ; việc bảo vệ tư tưởng và con người cụ thể trong chống tiêu cực chưa tốt… không phải là cá biệt.

Nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng nhiều nơi bị vi phạm; quy chế dân chủ còn nặng về hình thức, thiếu cơ chế thực tế để thực hiện, ở nhiều nơi, nhiều tổ chức nguyên tắc này bị một số người cơ hội lợi dụng để phục vụ mục đích cá nhân. Công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng còn nhiều hạn chế, thiếu khách quan, công tâm, thậm chí có tiêu cực. Dân gian đã có vè: “đi nặng thì về nặng, đi nhẹ thì về nhẹ, đi không thì về không”; “Thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”(2). Tình trạng này góp phần dẫn tới tệ bè phái, cục bộ, thiếu thống nhất trong từng tổ chức đảng; không chọn được đúng người để phân công đúng việc, bỏ sót nhiều người có phẩm chất, năng lực. Vì thế nảy sinh tư tưởng ý thức chấp hành nguyên tắc sinh hoạt đảng kém, thiếu tin tưởng ở công tác cán bộ, thiếu tôn trọng, thiếu niềm tin đối với không ít cán bộ lãnh đạo, kể cả cấp cao; thiếu nhiệt tình tu dưỡng, phấn đấu… Đó cũng là nguyên nhân căn bản tạo nên sự suy thoái tư tưởng chính trị, niềm tin, đạo đức… của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Thứ tư, là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối. Họ nặng tính thực dụng, thiếu tu dưỡng rèn luyện thường xuyên nên ý thức giác ngộ, lập trường giai cấp phai nhạt, tư tưởng hưởng thụ, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy chi phối suy nghĩ và hành vi. Do lười học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, do những yếu kém của công tác này dẫn tới nhận thức, giác ngộ về hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong không ít cán bộ, đảng viên yếu kém. Sự chênh lệch về mức sống giữa nhiều người có chức, có quyền, có tiền và gia đình họ với quảng đại quần chúng nhân dân đang dần trở thành mâu thuẫn đối kháng. Vì thế họ càng xa dân, không được nhân dân ủng hộ trong thực tế… Những biểu hiện, phẩm cách  trên của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết làm cho uy tín của họ giảm sút, nhân dân thiếu niềm tin vào họ… Và hơn hết, nếu sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… trong họ (lâu nay ta vẫn nói họ là tinh hoa của cộng đồng) không được ngăn chặn, nó sẽ nhanh chóng lây lan trở thành nếp suy nghĩ, phong cách sống thường nhật của cán bộ, đảng viên và rộng hơn là toàn xã hội. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Có thể thấy, việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao năng lực, phẩm chất cách mạng vừa là biểu hiện, vừa là nguyên nhân của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay.

 Thứ năm, là do những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Ai cũng thấy rõ tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay đều do năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ; do tình trạng pháp luật chưa đủ, chất lượng chưa cao, thi hành chưa nghiêm ở cả người duy trì và người chấp hành pháp luật. Sự yếu kém này làm cho phân hóa thu nhập trong xã hội ngày càng gia tăng; những tiêu cực xã hội không được kiểm soát và xử lý nghiêm minh đã tạo khoảng cách lớn giữa người làm ăn chân chính, lương thiện với những người suy thoái đạo đức làm ăn bất chính, kể cả tham nhũng quyền lực để có được của cải bất chính ngày càng gia tăng, còn là sự khuyến khích người khác không tôn trọng pháp luật, không cần chính trị cao cả, không cần đạo đức mà nghèo, đói… Tiền lương bất hợp lý, thu nhập chênh lệch quá xa giữa các thành phần trong xã hội; tình trạng bất hợp lý trong chế độ cấp đất, cấp nhà, cấp phương tiện làm việc… giữa các cấp cán bộ. Sự chênh lệch thu nhập dẫn tời tình trạng những người thu nhập cao chi phối lối sống trong xã hội làm cho người làm ăn chân chính có thu nhập thấp và những người thu nhập thấp nói chung thiệt thòi, cảm thấy tủi thân, thậm chí bức xúc. Đó cũng là yếu tố kích thích cho sự tha hóa, bất chấp pháp luât… Quản lý ngân sách, tài sản nhà nước yếu kém là môi trường thuận lợi để các tệ nạn xã hội phát triển. Rõ ràng, sự yếu kém trong quản lý nhà nước hiện nay vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong hai hệ thống nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay được trình bày trên đây thì hệ thống nguyên nhân chủ quan, mà trước hết là công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm và sự nỗ lực tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên là những vấn đề hàng đầu cần có giải pháp khắc phục./.

--------------------------------                           

(1) Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết và các văn bản kết luận của Hội nghị Trung ương 9 khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 57

(2) Phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngày 29-2-2012 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo  Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 20-3-2012