Để Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh
TCCS - Phát triển nông nghiệp thông minh đang là xu hướng tất yếu đối với sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Một trong những giải pháp đang được thành phố tích cực triển khai là hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh.
Phát triển nông nghiệp thông minh ở Hà Nội thời gian qua
Nông nghiệp thông minh là thành tố quan trọng của nông nghiệp đô thị, đặc biệt đối với Hà Nội trong tương lai. Nông nghiệp đô thị là nông nghiệp đa chức năng, như cung ứng thực phẩm, cung cấp hoa cây cảnh tạo không gian xanh…
Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, song ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận có sản xuất nông nghiệp. Do đó, trong trung hạn cũng như dài hạn, phát triển ngành nông nghiệp vẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy sự gia tăng về số và chất lượng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kiểu mới, trên cơ sở liên kết, hợp tác giữa các hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, quy mô khác nhau; tạo cơ hội phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi về quyền sử dụng đất đai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm không những trên địa bàn Hà Nội mà còn mang tính liên tỉnh, liên vùng; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, tăng cường các sàn giao dịch nông sản trực tuyến...
Ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU, Về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định: Đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định cơ cấu lại nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể...
Đến nay, thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trọt và chăn nuôi). Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường sản xuất, như trồng hoa lan, trồng nấm trong phòng lạnh... giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được mức tăng trưởng rất đáng khích lệ. Hà Nội đã đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 67,7 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, khẳng định ngành nông nghiệp ở Hà Nội không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, ổn định an sinh xã hội mà thực sự là “trụ đỡ” cho nền kinh tế.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội đã ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ không sử dụng đất, công nghệ blockchain, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật, sử dụng máy bay không người lái trong bón phân và phòng, trừ dịch bệnh trên lúa.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát, giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi; xây dựng dây chuyền cho ăn, uống nước tự động; sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính, xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học,...).
Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc...
Hà Nội cũng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp; tập trung nhiều tại các huyện (Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng,...); đặc biệt là các trang trại, gia trại nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR...
Để đạt được kết quả như trên, thành phố đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao, như đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập trung đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung, từ đó, huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh.
Với hơn 10 triệu dân, hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội, đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết phải phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị vừa tiệm cận với những công nghệ thông minh và phải phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô. Tuy nhiên, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thành phố Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố, nhất là mô hình khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp thông minh. Các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, làng nghề “nông nghiệp số” quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị (từ khâu nghiên cứu chọn, tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ...) chưa nhiều; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh như đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chưa được thỏa đáng.
Theo GS,TS, KTS. Đỗ Hậu (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 4% đến 6% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó, số lượng các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp còn quá ít, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện quá nhỏ. Đây chính là nút thắt khiến cho nông nghiệp Thủ đô khó có thể bứt phá dù có tiềm năng khá lớn.
Để Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh trong thời gian tới
Một là, tích cực hơn nữa trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh; trong đó, cần chú trọng những giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản và các sản phẩm OCOP “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, hỗ trợ công nghệ canh tác thông minh để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hai là, tiếp tục có những chính sách phù hợp thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao; từ đó, huy động các nguồn lực thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Tăng cường nguồn lực cho việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trở thành mẫu hình điển hình về phát triển chuỗi liên kết của cả nước. Công tác khuyến nông nên tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung…
Ba là, tiếp tục xây dựng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây chính là tiền đề quan trọng để Hà Nội phát triển nông nghiệp thông minh. Cần có đề án riêng về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị để bảo đảm định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đa chức năng theo hướng thông minh; cũng có thể phát triển nông nghiệp thông minh trở thành môn học và là nội dung công tác giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng nên trở thành nội dung sinh hoạt của các tổ chức, như đoàn thanh niên, hội phụ nữ...
Bốn là, mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Cùng với đó, Hà Nội cần coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ công nghệ nhập từ bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử và trình độ sản xuất của người lao động.
Năm là, triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp đồng bộ; tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc cũng là lĩnh vực cần được ưu tiên để có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn. Ngành nông nghiệp Hà Nội cần chủ động, nắm bắt và kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tăng cường sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững.
Với những giải pháp trên, hy vọng trong một tương lai gần, thành phố Hà Nội sẽ sớm sở hữu nền nông nghiệp đô thị thông minh, hiện đại, từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu; đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.
Hiệu quả từ đồng vốn nhân văn trên quê hương Hà Tĩnh  (01/06/2021)
Hiệu quả từ đồng vốn nhân văn trên quê hương Hà Tĩnh  (01/06/2021)
Tập trung nguồn lực nhà nước thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (23/04/2021)
Huyện Thuận Thành duy trì và nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường  (17/03/2021)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm