TCCS - Văn hóa giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau. Văn hóa khi tham gia giao thông chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động, như vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.

Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội_Nguồn: cand.com.vn

Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng. Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.

Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Người dân phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông có nhận thức về văn hóa giao thông nhưng ý thức tự giác còn kém. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%... Có thể thấy, trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi có kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông thì hoạt động giao thông rất trật tự. Thế nhưng, khi vắng bóng lực lượng kiểm tra, tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, sử dụng còi tùy tiện, lưu thông không đúng làn đường… vẫn còn xảy ra. Cùng với sự xuất hiện của những cung đường chất lượng cao, thuận lợi cho việc thông thương thì tình trạng tai nạn giao thông lại có diễn biến phức tạp. Bên cạnh những yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan, như không chấp hành các tín hiệu, biển báo, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông… luôn chiếm số nhiều trong các vụ tai nạn giao thông.

Trước tình hình thực tế đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng loạt hoạt động, kế hoạch nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, như Chương trình đi bộ kêu gọi hành động: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”; toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy; triển khai các cuộc thi giao thông học đường, an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai… Những chương trình này đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho từng đối tượng cụ thể.

Trong thời gian tới, để lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất, bên cạnh thái độ ứng xử chuẩn mực, văn minh, lịch sự của người tham gia giao thông, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 02-4-2010, của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tập trung xử lý các lỗi như vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường; phát hiện, xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... Các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông cần duy tu, bảo dưỡng công trình cầu, đường, tiếp tục rà soát, loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ, đường thuỷ nội địa bất hợp lý, bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết, nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen” đã được xác định. Các trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sẽ bị xử lý nghiêm. Thực hiện nghiêm túc việc thi và sát hạch cấp giấy phép lái xe; quan tâm tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe.

Bên cạnh đó, gắn với đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị, của từng nhóm đối tượng là thanh niên, công nhân, người lao động, công chức tổ chức phổ biến, xây dựng văn hóa giao thông… Từ đó, có cách thức xây dựng chương trình, tuyên truyền phổ biến văn hóa giao thông phù hợp với điều kiện cụ thể về nhận thức, công việc, thời gian của từng đối tượng, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất. Công tác tuyên truyền đến đối tượng là học sinh, thanh, thiếu niên cũng được chú trọng, tập trung thông qua các hoạt động, như thanh niên với văn hóa giao thông; thanh niên, học sinh, sinh viên với vấn đề đội mũ bảo hiểm… Nhiều mô hình thanh niên tự quản bảo đảm an toàn giao thông ở các tuyến phố, ngõ, hẻm… và tham gia ở các chốt cấp cứu trên các tuyến quốc lộ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong nhân dân.

Để xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, tại một số địa bàn, các cơ quan chức năng tiến hành phát tờ rơi, phát thanh tuyên truyền về luật giao thông trong khu dân cư để người dân nắm được, nhằm xây dựng văn hóa giao thông cho mỗi người. Cùng với đó, ban an toàn giao thông các địa phương cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông; triển khai hiệu quả các mô hình “Đội tuyên truyền an toàn giao thông trong các lớp học” và mô hình “Cổng trường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”./.