TCCS - Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến phức tạp, nhiều đợt mưa lớn xảy ra gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân, đặc biệt gây sạt lở đất trên nhiều tuyến giao thông. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đã và đang tích cực triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị, huy động vật tư, phương tiện và nhân lực ứng cứu, khắc phục nhanh nhất các sự cố cầu, đường do mưa bão gây ra, xử lý kịp thời các điểm sạt lở, ngập úng, tiềm ẩn tai nạn giao thông_Nguồn: vietnamnet.vn

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 9.480km đường giao thông đường bộ, gồm: 888km quốc lộ, 959km đường tỉnh, 2.057km đường huyện, 5.043km đường xã, 536km đường đô thị và đường chuyên dùng; trong đó, Sở Giao thông vận tải quản lý 9 tuyến quốc lộ dài trên 674km và 16 tuyến đường tỉnh dài 953km. Do đặc thù là tỉnh miền núi, các tuyến giao thông cơ bản là đường độc đạo đi qua khu vực núi cao, vực sâu, địa chất thủy văn phức tạp, thảm thực vật mỏng nên khi mưa lũ xảy ra nguy cơ sụt, trượt taluy nền đường, sa bồi và ngập úng lớn làm cho việc khắc phục thiệt hại, bảo đảm giao thông gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng; riêng ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 (từ ngày 1-8 đến ngày 5-8) đã gây ngập úng cục bộ, bồi lấp rãnh, lòng cống, sụt lở taluy, làm hư hỏng kết cấu công trình giao thông trên các quốc lộ: 37, 12, 43, 6B và các đường tỉnh: 102, 108, 110, 112, 114... với tổng chiều dài sạt lở và ngập trên 4.240m, sụt, sa bồi trên 212.630m³ đất đá... tổng thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Hợp Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La cho biết: Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị huy động vật tư, phương tiện và nhân lực ứng cứu, khắc phục nhanh nhất các sự cố cầu, đường do mưa bão gây ra, xử lý kịp thời các điểm sạt lở, ngập úng, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đối với vị trí thường xuyên bị ngập lụt và sạt lở, như quốc lộ 6B xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai; quốc lộ 37 (địa phận xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên và xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn); đường tỉnh 102 (địa phận xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ)..., Sở Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho các đơn vị quản lý kịp thời khắc phục, gia cố những vị trí công trình bị hư hỏng; tổ chức rào chắn, lắp đặt các biển cảnh báo, ứng trực cảnh báo từ xa, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến. Đến nay, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành dọn dẹp khối lượng đất đá sa sụt; khơi thông cống rãnh tạo lối thoát cho dòng chảy trên các tuyến; khối lượng sụt taluy âm và hư hỏng mặt đường, Sở đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục theo chủ trương xử lý của Tổng Cục đường bộ Việt Nam.

Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt, Sở Giao thông vận tải đã cụ thể hóa các nội dung, phương án khắc phục thiên tai của các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và của tỉnh sát với điều kiện thực tế, đặc thù về địa hình của từng tuyến đường trên địa bàn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin về các sự cố giao thông. Lập phương án phân luồng chi tiết trên từng tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, mở thêm đường để phá thế độc đạo, phòng khi xảy ra sạt lở, các địa phương không bị cô lập. Yêu cầu các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu; các hạt quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, nhận dạng các vị trí tiềm ẩn mất an toàn, nguy cơ xảy ra thiệt hại để giải tỏa, di dời; kiểm tra rà soát các vị trí xung yếu, dòng chảy thượng, hạ lưu cầu, cống để khơi thông, xử lý nhằm tránh thiệt hại. Trước những dự báo có thể mưa lớn kéo dài trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông; đề xuất cấp bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành ứng phó với mưa lũ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án sửa chữa định kỳ; tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông...

Với kế hoạch, phương án cụ thể của ngành giao thông vận tải, cùng sự vào cuộc tích cực từ các đơn vị, hy vọng trong mùa mưa lũ năm nay, giao thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo đảm thông suốt, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.