Đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn, tắc giao thông
TCCS - Sau 11 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 và 8 năm thực hiện Nghị quyết số 88, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả quan trọng. Tai nạn giao thông liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính cũng như tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước được kiềm chế trong điều kiện nhu cầu giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 16 và Nghị quyết số 88 cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn, tắc giao thông. Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng số người thương vong do tai nạn giao thông gây ra còn ở mức cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên phức tạp, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian. Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai, du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị; quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng giao thông
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; ban hành quy định bắt buộc chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình xây dựng lớn phải thiết kế phương án kết nối giao thông vào đường quốc lộ, đường chính trong đô thị, tính toán nhu cầu giao thông phát sinh của công trình, bảo đảm an toàn giao thông, không gây ùn tắc giao thông; khẩn trương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch toàn ngành và các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; cập nhật, tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đã được phê duyệt; khẩn trương đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại và chuyển giao để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, vận hành; tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; nghiên cứu báo cáo Chính phủ về việc tăng tỷ trọng vốn cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Đồng thời, trao đổi, chia sẻ thông tin với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; ban hành quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, tổ chức giao thông.
Lập và triển khai thực hiện các đề án, dự án bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho tất cả các lĩnh vực, tập trung vào nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện, người điều khiển phương tiện; xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên quốc lộ vào năm 2020; đưa ra lộ trình cụ thể để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt vào năm 2025, giảm tối thiểu 30% lối đi tự mở vào năm 2021; khẩn trương sửa chữa, bảo đảm an toàn đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; lồng ghép vào các quy định pháp luật, chiến lược, quy hoạch của ngành giao thông vận tải; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các Đề án đã được phê duyệt của hai thành phố về hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân nhằm bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cải tiến giấy phép điều khiển phương tiện giao thông được tích hợp các thông tin cần thiết cho công tác quản lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đồng thời bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác cấp giấy phép lái xe, phục vụ công tác quản lý lái xe và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động
Bộ Công an hoàn thiện, trình ban hành quy định về thống kê và chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông; rà soát, hệ thống hóa, sửa đổi, bổ sung để trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải để trao đổi các thông tin phục vụ quản lý nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước; xây dựng, vận hành Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông bảo đảm kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với an ninh trật tự; trước mắt đến năm 2020 triển khai thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và tiến tới triển khai trên toàn quốc từ năm 2022.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tai nạn giao thông, vi phạm trật tự an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và chia sẻ thông tin với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoàn thành trong năm 2020.
Tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cũng như phương án sử dụng thiết bị ghi hình của các tổ chức được giao quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông, trong đó ưu tiên xử lý hành vi điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vi phạm quy định tốc độ, sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, vi phạm quy định về an toàn, kỹ thuật, tải trọng của xe ô tô chở khách từ 9 chỗ trở lên, xe ô tô tải có trọng tải từ 10 tấn trở lên.
Bộ Y tế xây dựng, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ngay sau khi Quốc hội thông qua; sửa đổi, bổ sung và ban hành quy định bắt buộc về kiểm tra nồng độ cồn, các chất kích thích thần kinh trong máu đối với tất cả người bị tai nạn giao thông vào cấp cứu, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cung cấp thông tin cho ngành công an, các cơ quan tư pháp.
Bên cạnh đó, lập đề án tăng cường năng lực hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông cho hệ thống cấp cứu 115 và bệnh viện đa khoa cấp huyện trên toàn quốc, bảo đảm khả năng tiếp cận nạn nhân trong thời gian dưới 30 phút sau khi nhận thông tin yêu cầu cấp cứu, bắt đầu đưa vào triển khai từ năm 2020, hoàn thành vào năm 2025; lập đề án nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ y tế cấp xã, thôn, bản, bắt đầu đưa vào triển khai từ năm 2020; xây dựng tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu tại hiện trường tai nạn cho người tham gia giao thông; ban hành hướng dẫn trang bị dụng bộ cụ cứu thương trên các phương tiện giao thông.
Siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021 và kế hoạch triển khai, dự toán ngân sách thực hiện hàng năm trình Hội đồng nhân dân thông qua để thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Xác định mục tiêu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải. Giám sát, tổng hợp tình hình vi phạm quy định trong quản lý quy hoạch, xây dựng có liên quan đến trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trên địa bàn trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường công tác phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tổ chức giao thông; đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và tổ chức giao thông trên địa bàn, kết nối, tích hợp với hệ thống điều hành chung của bộ, ngành ở trung ương để triển khai đồng bộ kể từ năm 2022.
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại để tạo chuyển biến trong hành vi của người tham gia giao thông.
Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ; đường thủy nội địa; tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Ủy ban nhân dân các cấp vận động các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tham gia cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; sử dụng quỹ bảo trì đường bộ và huy động nhân dân tham gia làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính, lối đi tự mở qua đường sắt; gắn trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt hoặc đấu nối công trình vào đường bộ trái phép.
Không xem xét các hình thức thi đua, khen thưởng Nhà nước đối với tập thể Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, huyện nếu trong năm để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn mà nguyên nhân đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhưng chưa khắc phục (điểm đen về tai nạn giao thông, đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt...).
Khẩn trương hoàn thiện, cụ thể hóa đồ án Quy hoạch giao thông vận tải
Ủy ban nhân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện, cụ thể hóa đồ án Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng phương án quy hoạch không gian ngầm, mặt đất và không gian trên cao, trình Chính phủ phê duyệt; tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch sử dụng các quỹ đất sau khi di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện… khỏi khu vực nội thành, gắn với bố trí quỹ đất và hạ tầng phục vụ các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành.
Chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị; ưu tiên ngân sách và huy động các nguồn xã hội quá để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các trục hướng tâm, khép kín các đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, bến, bãi đỗ xe, cảng thủy nội địa; các công trình hạ tầng giao thông kết nối cảng hàng không, cảng biển trọng điểm trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra duy tu, duy trì, bảo đảm cầu, đường êm thuận phục giao thông thông suốt, an toàn.
Khẩn trương xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị gắn với cơ sở dữ liệu kết nối toàn bộ hệ thống giám sát hành trình xe ô tô, camera giao thông, đèn tín hiệu giao thông trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý điều hành giao thông, xử lý vi phạm; cung cấp thông tin trực tuyến và hướng dẫn tham gia giao thông; kết hợp bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao thông, các tuyến đường theo thẩm quyền; cấm, hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới cá nhân để ưu tiên hoạt động của phương tiện cứu hộ và phương tiện giao thông công cộng khi cần thiết; điều chỉnh, đồng bộ bề rộng lòng đường, vỉa hè nhằm tối ưu hóa khả năng thông qua, tránh ùn tắc; tăng cường bảo đảm trật tự giao thông đô thị, quản lý sử dụng vỉa hè bảo đảm quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; sắp xếp hợp lý các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để ưu tiên làm điểm trông giữ xe, hoặc kinh doanh, buôn bán... bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hạn chế làm ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân nghèo sống phụ thuộc kinh doanh, buôn bán nhỏ; rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe.
Nâng cao năng lực phản ứng với sự cố giao thông, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (mưa lớn, ngập lụt, triều cường và các hiện tượng biến đổi khí hậu khác) của hệ thống kế cấu hạ tầng nói chung và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng; nghiên cứu các phương án tổ chức giao thông ứng phó tình trạng úng ngập cục bộ, đặc biệt là đối với địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Tiếp tục xã hội hóa phát triển vận tải hành khách công cộng và dịch vụ hỗ trợ vận tải; mở các tuyến buýt kế cận từ trung tâm đô thị kết nối với địa phương xung quanh; lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại; tổ chức xe buýt kết nối với các nhà ga đường sắt quốc gia, bến xe khách, ga đường sắt đô thị; sắp xếp hợp lý luồng tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vào các bến xe khách; tiếp tục bố trí kinh phí để trợ giá cho hành khách và hỗ trợ phát triển xe buýt thân thiện với môi trường theo quy định hiện hành. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện và nhiên liệu khác thân thiện với môi trường.
Khuyến khích các bến xe xã hội hóa đầu tư (bến xe hiện hữu và các bến xe mới) nâng cấp xây dựng thành bến xe cao tầng, gắn với tổ hợp thương mại, đồng thời tổ chức các loại hình vận tải hành khách khác, như xe buýt, taxi, xe du lịch, xe bốn bánh có gắn động cơ (chạy điện hoặc xăng sinh học) để kết nối với điểm đầu, cuối xe buýt khối lượng lớn, ga đường sắt đô thị, ga đường sắt chở khách, cảng hàng không./.
Phát triển giao thông công cộng - con đường để Thủ đô Hà Nội vươn tầm  (28/12/2019)
Tuyên truyền phòng, tránh tai nạn giao thông: Cần có những đổi mới căn cơ, bài bản  (28/12/2019)
Tăng cường các giải pháp phòng, ngừa tai nạn giao thông đường sắt  (27/12/2019)
Báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại Thủ đô  (27/12/2019)
Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa  (27/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm