Truyền thông quốc tế đánh giá cao sự kiện Việt Nam được bầu chọn làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
TCCSĐT - Sự kiện Việt Nam được bầu chọn làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục tiếp tục được truyền thông quốc tế phản ánh đậm nét. Các bài báo đánh giá cao đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hướng tới phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt cơ cấu hệ thống chính trị; tham gia chủ động, tích cực vào chương trình nghị sự của khu vực và thế giới.
Báo Nga đánh giá Việt Nam sẽ là nước ủy viên xuất sắc
Trong một bài viết, báo Sputnik (Nga) nhận định chiến thắng của Việt Nam không phải là điều quá ngạc nhiên. Trong hơn một thập kỷ qua, ngay từ khi bắt đầu chính sách Đổi mới, Việt Nam đã nhất quán theo đuổi đường lối hướng tới phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt cơ cấu hệ thống chính trị, với đường lối ngoại giao Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Báo trên chỉ ra rằng trên thực tế Việt Nam đã ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác với 18 nước, trong đó có cả các "cựu thù" trong quá khứ. Phương thức ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt tạo điều kiện cho Việt Nam duy trì mối quan hệ thân thiện, ổn định với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Cùng với đó, Việt Nam không làm ngơ trước những thách thức và đe dọa với tình hình thế giới, luôn sẵn sàng nỗ lực tối đa để ngăn chặn xung đột, tăng cường an ninh và củng cố hòa bình trên thế giới. Sputnik dẫn chứng việc Việt Nam chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua như một ví dụ rõ nét về khả năng của Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh chung trên thế giới. Những năm qua, quân đội Việt Nam tham gia tích cực vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam luôn tích cực nêu cao quan điểm đấu tranh chống những mối đe dọa hiện nay như nạn khủng bố xuyên quốc gia và buôn bán ma túy. Việt Nam luôn xác định nạn nghèo đói toàn cầu, tình trạng bất bình đẳng giới, vị thế chưa xứng đáng của trẻ em ở nhiều nước là những thách thức lớn.
Báo Sputnik cũng cho rằng công việc của các nhà ngoại giao Việt Nam sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an và phải đóng vai trò hòa giải các bên vốn luôn có quan điểm rất khác biệt nhau. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh là kinh nghiệm phong phú và linh hoạt. Báo Nga cũng nhấn mạnh, ngay từ đầu, Nga đã bày tỏ ủng hộ ứng cử viên Việt Nam đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ tháng 02-2019, khi thăm Thành phố Hồ Chí Minh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng Việt Nam là “ứng viên sáng giá” cho cương vị này. Báo Nga tin chắc rằng Việt Nam sẽ là ủy viên xuất sắc của Hội đồng Bảo an.
Trên báo Độc lập của Nga số ra ngày 10-6, chuyên gia Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Grigory Lokshin có bài viết về sự kiện Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, đánh giá rằng kết quả này chứng tỏ đất nước có uy tín quốc tế rất cao.
Ông Lokshin chỉ ra rằng phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 07-6 đã gần như nhất trí 100% bầu Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan gồm 15 quốc gia, trong đó 5 quốc gia là Ủy viên thường trực và có quyền phủ quyết, 10 quốc gia còn lại được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm.
Theo bài báo, cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra trong bối cảnh bế tắc trong Hội đồng Bảo an, khi cơ quan này không có khả năng đạt nhất trí và tìm ra giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ vấn đề Syria tới Sudan. Trong bối cảnh không tích cực đó, sự kiện đất nước ứng cử viên duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được bầu không được chú ý nhiều bằng kết quả bỏ phiếu. 192 trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Đây là kết quả kỷ lục trong toàn bộ lịch sử Liên hợp quốc, một kết quả hoàn toàn bất ngờ.
Bài báo viết, năm 2008, Việt Nam đã lần đầu được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc làm Ủy viên không thường trực. Bằng hoạt động của mình khi đó, Việt Nam đã được công nhận là thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế. Kể từ đó đến nay, uy tín của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới ngày càng tăng cao, điều cho phép ngành ngoại giao Việt Nam hy vọng vào kết quả cao khi bỏ phiếu. Song việc một trong số ít quốc gia trên thế giới định vị mình là đất nước xã hội chủ nghĩa giành được gần tuyệt đối số phiếu vẫn là một sự bất ngờ.
Tác giả cho rằng quy chế ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giúp nâng cao vai trò của quốc gia được bầu trong giải quyết các vấn đề quốc tế và tăng thêm ý nghĩa cho lá phiếu của nước đó khi xem xét những tình huống khủng hoảng gay cấn nhất.
Tờ Mainichi của Nhật Bản viết rằng lâu nay công luận thế giới đã tin chắc rằng Việt Nam nhất quán và kiên trì thực hiện đường lối rộng mở và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững trên thế giới và ngăn chặn hậu quả nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Một ấn tượng mạnh nữa mà đất nước tạo dựng được trong năm qua là việc Hà Nội được chọn làm nơi gặp gỡ lần thứ hai của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Ông Lokshin nhận xét, tại chính Việt Nam, việc đất nước được bầu vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh, được đánh giá là thành công chính trị to lớn. Và Việt Nam cũng xứng đáng được quốc tế đánh giá cao về vai trò, vị thế, nguyên tắc của đất nước về các vấn đề thời sự toàn cầu và thành tích đáng nể trong phát triển đất nước đạt được trong những năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa.
Kết thúc bài viết, chuyên gia G.Lokshin dẫn Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân sự kiện Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững.
Báo Thái Lan nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của ASEAN tại Liên hợp quốc
Tờ Bangkok Post của Thái Lan số ra ngày 11-6 đã đăng bài viết nhận định rằng Việt Nam đang đóng vai trò là cường quốc tầm trung của châu Á. Với việc lần thứ hai được bầu chọn làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của ASEAN tại tổ chức đa phương lớn nhất giới này.
Theo bài viết, Việt Nam duy trì một nền chính trị ổn định và kinh tế ngày càng phát triển. Việc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6,8% trong năm nay là minh chứng cho thành công của Việt Nam.
Bangkok Post cũng cho rằng Việt Nam đã nhận thức được các “lỗ hổng” của đất nước khi tiếp tục công cuộc hiện đại hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã tự thích nghi và điều chỉnh để từng bước khẳng định mình trong khu vực. Với việc tiếp quản vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020 và được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đang chuẩn bị một danh sách dài những việc cần làm trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Theo bài báo, trong tuần trước, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản đã tham dự hội thảo về nhiều chủ đề trong quan hệ song phương nhân Ngày ASEAN - Nhật Bản. Hội nghị lớn với sự tham dự của gần 400 đại biểu cho thấy Nhật Bản đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam, cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Hai bên cũng tổ chức các cuộc đàm phán nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hai nước đang tìm kiếm các biện pháp phối hợp để phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, cho phép Việt Nam tăng tần suất và hiệu quả tuần tra ven biển.
Các quốc gia khác gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia cùng Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh trên biển.
Ngoài ra, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng cao sau khi làm tốt vai trò nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua. Mặc dù Washington và Bình Nhưỡng không đạt được đồng thuận về kế hoạch phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong những chất xúc tác cho sự phát triển của Bán đảo Triều Tiên trong tương lai, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kế hoạch kinh tế và quá độ.
Trước hội nghị thượng đỉnh, vai trò của Việt Nam trong việc hỗ trợ lộ trình kinh tế trong tương lai của Triều Tiên đã được thảo luận rộng rãi. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tỏ ra ấn tượng với những cải cách và thành tựu kinh tế của Việt Nam. Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar.
Theo bài viết, trong khi Thái Lan đi được nửa chặng đường với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã hoạch định xong kế hoạch cho năm chủ tịch sắp tới. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN để tăng cường gắn kết và tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên mới và cũ. Việt Nam dự kiến ASEAN sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt là theo các cơ chế do ASEAN chủ trì như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+). Mục tiêu là thúc đẩy hơn nữa tính trung tâm của ASEAN để đối phó với các thách thức khó lường trước và để điều phối mối quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc. Việt Nam muốn thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các vấn đề liên quan đến lao động nhập cư, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác sẽ là một ưu tiên.
Bangkok Post khẳng định với việc lần thứ hai trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của ASEAN tại Liên hợp quốc. Việt Nam cũng có kế hoạch phái thêm nhiều nữ sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi. Việt Nam cũng sẽ tăng cường sợi dây liên kết giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong các chương trình nghị sự khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển và kết nối bền vững.
Học giả Ấn Độ kỳ vọng Việt Nam nâng cao vai trò và uy tín
Việc được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (192/193), thể hiện sự tin cậy mà các nước khác dành cho Việt Nam và cũng sẽ giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là bình luận của Giáo sư Shankari Sundararaman, Giám đốc Trung tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học JNU, New Delhi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên tại Ấn Độ ngày 09-6, bà Sundararaman khẳng định, xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chuyển hướng về phía Đông, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào cuộc chiến tranh thương mại. Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 6,8% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh từ nay đến năm 2030. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN. Khi đó, với vai trò ở cả khu vực và toàn cầu, tiếng nói của Việt Nam sẽ càng có sức nặng.
Bình luận về vai trò của Việt Nam với tư cách ủy viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, bà Sundararaman cho rằng Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình để góp phần giải quyết cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực bị chia cắt với nhiều gia đình bị ly tán. Trong quan hệ lịch sử với Mỹ, Việt Nam đã có thể gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Hiện hai nước đang là Đối tác Toàn diện và mối quan hệ song phương không ngừng phát triển. Đây là một bài học có thể được vận dụng cho mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên hiện nay. Trên thực tế, hồi tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã đóng vai trò là nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, thể hiện được vai trò và uy tín của mình bằng việc tổ chức thành công sự kiện.
Ngoài ra, là một ủy viên của Hội đồng Bảo an, Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề duy trì an ninh hàng hải, khi nước này đang kiên trì thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc.
Cũng theo bà Sundararaman, một trong những vấn đề thách thức nhất mà Việt Nam và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an phải đối mặt trong những năm tới là việc cải tổ cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc này. Bà Sundararaman cho rằng Liên hợp quốc cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các thực tiễn của thế giới ngày nay, thông qua việc mở rộng số ghế của cả ủy viên thường trực lẫn ủy viên không thường trực để mang tính đại diện cao hơn./.
Vốn hóa trên 10 tỷ USD, Vietcombank bứt tốc mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên trường quốc tế  (13/06/2019)
Ngành điện Lào Cai thắp sáng vùng biên cương  (13/06/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp các vị khách quốc tế  (12/06/2019)
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn, lộ trình phù hợp  (12/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển