Huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Đông Anh phát triển thành đô thị thông minh
TCCS - Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, hướng tới mục tiêu đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, xây dựng Đông Anh trở thành đô thị văn hóa, hiện đại của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh sẽ đạt được thành tựu to lớn, mang tính lịch sử trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Là huyện ngoại thành Hà Nội và là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, Đông Anh, một vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, cũng là một trong những cái “nôi” của nền văn minh sông Hồng. Trải qua hơn một nửa thế kỷ để trở thành đơn vị hành chính và gắn bó máu thịt với sự phát triển của Thủ đô, Đông Anh luôn tự hào về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với cả nước, Đông Anh đang ra sức tập trung phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp tục vun đắp, chung tay xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh đã thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXVIII Đảng bộ huyện, tạo thế và lực bước vào một giai đoạn phát triển mới. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội nghị quyết đại hội đề ra. Nổi bật là giá trị sản xuất các ngành kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 156.075 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,2%/ năm, vượt 1,7% so với chỉ tiêu đề ra (8,5%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thành phố (7,37%). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 111.920 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10% năm (chỉ tiêu đề ra là 8,35%); giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ bình quân đạt 9.705 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,2% (tăng 2,2% so với chỉ tiêu đề ra).
Năm 2016, huyện Đông Anh được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội XXVIII đề ra. Tổng thu ngân sách huyện ước đạt 16.073 tỷ đồng, tăng bình quân 28%, trong đó thu đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ cho đầu tư phát triển đạt 6.123 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được ưu tiên đầu tư toàn diện và tập trung chỉ đạo, có bước chuyển rõ nét cả về chất và lượng. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, đạt kết quả toàn diện, đặc biệt công tác tổ chức cán bộ có nhiều bước đột phá.
Bên cạnh điều kiện có nhiều thuận lợi, huyện Đông Anh còn không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, kinh tế trên địa bàn phát triển nhưng chưa tương xứng với vị trí tiềm năng, thế mạnh. Chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư chưa tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp chậm hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao. Các cụm công nghiệp chưa hiện đại, hiệu quả chưa cao. Thu ngân sách chưa bền vững, tỷ trọng thu từ đất còn lớn (55%) và mới chỉ bảo đảm 75% chi ngân sách của huyện...
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đông Anh sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững với tốc độ bình quân đạt 10,2-10,5%/năm. Trong đó, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh trong quá trình đô thị hóa nhằm chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo đúng nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIX Đảng bộ huyện đề ra.
Đối với công nghiệp - xây dựng, Đông Anh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, các doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng chất xám cao. Cùng với đó, phát huy có hiệu quả các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp; phối hợp hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện và khai thác Khu công nghiệp Đông Anh với quy mô khoảng 600 ha theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; sớm hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các điểm dân cư phát triển đô thị trên địa bàn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ... Mặt khác, Đông Anh sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án thành phần thuộc đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 như: Đề án hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025; Đề án quản lý ao hồ; Đề án trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn huyện Đông Anh theo hướng đô thị... Huyện cũng sẽ triển khai kế hoạch đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng Đông Anh trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc Thủ đô.
Đảng bộ huyện sẽ tăng cường xây dựng Đảng từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trên các lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng ban hành văn bản; chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo hướng chuyên nghiệp.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Đông Anh xác định nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng, mang tính lịch sử, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo tập trung, toàn diện, sâu sát của toàn Đảng bộ huyện và Đảng bộ thành phố là thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025. Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhóm vấn đề, trước hết là 15 đề án thành phần, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt yêu cầu; tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, phát huy vai trò chủ lực của công nghiệp, xây dựng.
Huyện cũng khuyến khích đầu tư vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp đô thị, trong đó tập trung vào các loại hình: Cây cảnh, cây đô thị, hoa và các loại hình sản xuất theo mô hình công nghệ, tiết kiệm diện tích đất sử dụng; khai thác, phát huy có hiệu quả các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối với các địa điểm du lịch của Thủ đô và khu vực lân cận. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng, dịch vụ tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, di tích Đền Sái, Làng Múa rối nước Đào Thục, Địa đạo kháng chiến Nam Hồng...
Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa với thành Cổ Loa linh thiêng đã hai lần được chọn làm kinh đô nước Việt. Đây còn là mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, là quê hương sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nhân tài, danh nhân văn hóa nổi tiếng, nhiều người con ưu tú của cách mạng Việt Nam, góp phần làm rạng danh non sông, đất nước.
Trong nhiệm kỳ tới, phát huy truyền thống vẻ vang của huyện Đông Anh Anh hùng và những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện sẽ nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, dân chủ, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, sớm xây dựng huyện Đông Anh trở thành đô thị thông minh, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Bản lĩnh vượt qua thử thách  (30/07/2020)
Nỗ lực vượt khủng hoảng “kép”, đưa các dự án về đích đúng tiến độ  (30/07/2020)
Lô 114 - Điểm sáng trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam  (29/07/2020)
Hà Nội: Tái cơ cấu khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển bền vững  (29/07/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm