Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước
TCCS - Công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng; góp phần ổn định an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, việc tăng cường xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước là một định hướng phát triển quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Chủ trương đúng đắn, hiệu quả thiết thực
Kiên định đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua, nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển nhanh, đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với doanh nghiệp nhà nước, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển cả về lượng và chất. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân hơn 20.000 doanh nghiệp mỗi năm, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài(1). Thực tiễn cho thấy, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có vai trò tích cực trong việc huy động lực lượng vật chất nhằm duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người lao động ở Thành phố nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của Thành phố.
Cùng với sự phát triển về số lượng, công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đảng viên, đoàn viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có chuyển biến rõ nét, đạt kết quả khá tích cực. Giai đoạn 2016 - 2021, Đảng bộ Thành phố có 479 tổ chức đảng được thành lập trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (bình quân mỗi năm thành lập mới gần 80 tổ chức đảng), kết nạp 6.714 đảng viên (bình quân mỗi năm kết nạp 1.119 đảng viên)(2). Đảng viên mới kết nạp bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, là quần chúng ưu tú tại nơi làm việc và nơi cư trú, được quần chúng tín nhiệm, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện và vận động người lao động tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển Thành phố. Do đó, việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đảng viên, đoàn viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng.
Có được kết quả trên là do mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng và công tác phát triển đảng viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được các cấp ủy từng bước hoàn thiện, đổi mới. Các tổ chức chính trị - xã hội trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt kỷ luật lao động, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 6-2022, Đảng bộ Thành phố có 1.719 tổ chức đảng với 27.724 đảng viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, gồm: 130 đảng bộ cơ sở, 236 chi bộ cơ sở, 6 đảng bộ bộ phận và 1.347 chi bộ trực thuộc; có 265 tổ chức đảng/327 doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên, đạt tỷ lệ 81,04%. Hoạt động của tổ chức đảng trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước duy trì khá nền nếp, đã xây dựng được quy chế làm việc, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tỷ lệ đảng viên tham dự sinh hoạt đạt trên 80%. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2021 đối với tổ chức đảng, đảng viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước khá tốt: có 86,69% số đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở và 95,04% số đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 94,97% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Thành phố, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở đối với các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, thực hiện chủ đề “Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở”, giới thiệu đoàn viên ưu tú, đẩy mạnh phát triển đảng viên trong công nhân lao động, tập trung hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện việc đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh, như: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chuyên đề cho cán bộ công đoàn từ công đoàn cơ sở đến tổ công đoàn... Tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt kỷ luật lao động, nội quy của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Đến cuối tháng 6-2022, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã có 16.990 công đoàn cơ sở/17.877 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, đạt tỷ lệ 95,04% và 1.065.396 đoàn viên công đoàn/1.245.448 công nhân lao động, đạt tỷ lệ 85,54%; ngoài ra, giai đoạn năm 2020 - 2022, thực hiện công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức tham gia nghiệp đoàn (giáo viên mầm non, xe công nghệ, thẩm mỹ…), Liên đoàn Lao động Thành phố đã thành lập 119/70 nghiệp đoàn, đạt tỷ lệ 170%; kết nạp đoàn viên nghiệp đoàn/7.000 người lao động, đạt tỷ lệ 84,17%. Năm 2021, giới thiệu 11.350 đoàn viên ưu tú (trên tổng số 23.170 đoàn viên công đoàn ưu tú của thành phố), có 545 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng; 120/327 chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên là đảng viên, tỷ lệ 36,7%.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành Đoàn luôn quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ và hoạt động tổ chức đoàn thanh niên phù hợp, hài hòa với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, vận động thanh niên công nhân tham gia tổ chức đoàn; thành lập và duy trì các câu lạc bộ, đội nhóm thanh niên tại các khu lưu trú văn hóa, xây dựng lực lượng thanh niên nòng cốt tại các khu lưu trú, khu nhà trọ công nhân, tăng cường công tác tuyên truyền đến chủ doanh nghiệp về tổ chức đoàn; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn cho cán bộ đoàn, thanh niên các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Các cơ sở đoàn tiếp tục tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại đơn vị rà soát, xây dựng phương án tiếp cận doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để thành lập tổ chức đoàn. Tổ chức đoàn thanh niên đã duy trì một số mô hình tập hợp thanh niên công nhân trong doanh nghiệp và khu lưu trú trên địa bàn, thu hút nhiều công nhân, người lao động trẻ tham gia hoạt động phong trào. Đến cuối tháng 6-2022, số tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 6.364 tổ chức với 78.831 đoàn viên, trong đó, có 270 tổ chức đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có từ 500 lao động trở lên, đạt tỷ lệ 82,57%; có 204 cán bộ đoàn là đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có từ 500 lao động trở lên có tổ chức đoàn, tỷ lệ 75,56%.
Những hạn chế cần khắc phục
Thứ nhất, kết quả thành lập tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa tương xứng quy mô và tốc độ phát triển doanh nghiệp, số lượng năm sau giảm hơn năm trước(3).
Thứ hai, vai trò của tổ chức đảng trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa rõ nét, hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng còn phụ thuộc nhiều vào chủ doanh nghiệp và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong nhiều doanh nghiệp còn rất mỏng, chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi do nhu cầu công việc của doanh nghiệp nên còn thiếu kinh nghiệm.
Thứ ba, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng cảm tình đảng, phát triển đảng viên mới trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa thực sự được coi trọng. Công tác quản lý đảng viên ở doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng còn lỏng lẻo; phân công nhiệm vụ cho đảng viên còn hình thức, đối phó, thiếu hiệu quả thiết thực. Công tác kết nạp đảng viên hiệu quả thấp, nhiều lao động chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng.
Thứ tư, mô hình tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên tại một số nơi chưa kịp thời tổ chức lại để đồng bộ, phù hợp với tổ chức đảng theo nguyên tắc tổ chức đảng trực thuộc ở đâu, tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc ở đó, do đó chưa bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp hay trong cùng doanh nghiệp.
Thứ năm, chất lượng hoạt động của một số tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa cao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, nhất là ở các tổ chức đảng có bí thư, phó bí thư cấp ủy không là lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp.
Thứ sáu, một số tổ chức đoàn, hội chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chưa xây dựng được nhiều phong trào phù hợp với đặc điểm, điều kiện của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Một số tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên còn chậm, lúng túng trong công tác đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên, phát triển tổ chức đoàn, hội trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước; nội dung hoạt động đơn điệu, kém hấp dẫn, tỷ lệ đơn vị kinh tế tư nhân có tổ chức đoàn, hội chưa cao. Cán bộ đoàn, hội hoạt động kiêm nhiệm, số đông chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; trình độ chuyên môn, tay nghề chưa cao, một bộ phận không nhỏ chưa qua đào tạo; đóng góp của đoàn, hội trong việc giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để kết nạp vào Đảng chưa đáp ứng so với đòi hỏi của thực tiễn.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước
Xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước sẽ góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, vai trò, vị trí của tổ chức chính trị - xã hội trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng trong khu vực ngoài nhà nước, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”(4), thời gian tới, Thành phố chú trọng tiếp tục tăng số lượng, nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên; đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp những đoàn viên, hội viên ưu tú, những công nhân, người lao động, cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Bên cạnh đó, Thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy các cấp. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, làm tốt chức năng quản lý của cơ quan nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, người lao động, chủ doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền việc kết nạp chủ doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vào Đảng và thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ngay từ khâu lập hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường xây dựng và củng cố tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với đặc thù từng thành phần kinh tế ngoài nhà nước(5). Làm tốt công tác phát triển đảng viên, quan tâm kết nạp chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp vào Đảng. Quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng cảm tình đảng. Cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, quy trình kết nạp đảng viên, phù hợp từng loại hình thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Nghiên cứu các chế độ, chính sách, tạo cơ hội cống hiến, thăng tiến, cơ hội học tập, đề bạt vào nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp, đơn vị đối với những đảng viên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tạo động lực để người lao động trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước rèn luyện, phấn đấu vào Đảng…
Ba là, đổi mới phương thức hoạt động tổ chức đảng trong doanh nghiệp, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo và định hướng để các tổ chức chính trị - xã hội của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc thành lập các tổ chức bất hợp pháp tại doanh nghiệp nhằm xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp cũng như gây mất an ninh, trật tự.
Bốn là, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 22-KH/TU, ngày 27-02-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp tổ chức đảng, đảng viên và đội ngũ cán bộ chuyên trách giai đoạn 2020 - 2024 bảo đảm quy trình, tiến độ đề ra. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên tại các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên. Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, phát huy vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, đẩy mạnh xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Sáu là, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân theo tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10-10-2023, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận xã hội về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, tôn vinh sự cống hiến, bảo vệ thu nhập hợp pháp của doanh nhân..../.
---------------------
(1) Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh 2020, tháng 10-2021
(2) Xem: Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 24-4-2023, của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo”
(3) Số tổ chức đảng được thành lập trong các đơn vị kinh tế tư nhân năm 2016 là 96, năm 2017 là 87, năm 2018 là 90, năm 2019 là 93, năm 2020 là 66, năm 2021 là 47; số đảng viên được kết nạp lần lượt qua các năm tương ứng là 1.462, 1.355, 1.248, 1.023, 869, 757 đảng viên
(4) Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Về về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”
(5) Bao gồm: doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng; doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài (gồm doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân liên doanh với nước ngoài); doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; những địa bàn, địa phương có đảng viên trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa có tổ chức đảng
Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (11/10/2023)
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay  (15/09/2023)
Phát huy giá trị di sản văn hóa trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên thành phố mang tên Bác  (31/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển