Chiến lược “Ấn Độ tự cường” dưới thời kỳ Thủ tướng Narendra Modi
TCCS -Thuật ngữ “Ấn Độ tự cường” (Self-reliant India, theo tiếng Hin-đi là Atmanirbhar Bharat), là chiến lược của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi nhằm đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia tự lực, tự cường. Trong đó nhấn mạnh tầm nhìn về một Ấn Độ tự lực và kiên cường, hòa nhập với cộng đồng thế giới.
Những năm gần đây, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và khó lường. Toàn cầu hóa sau quá trình diễn ra mạnh mẽ đã dần chững lại, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, cùng với đó là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt, sự phụ thuộc quá lớn vào “công xưởng” thế giới là Trung Quốc đã khiến các nước phải nhìn nhận lại, nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bản thân Ấn Độ đã thể hiện là quốc gia có tính tự cường cao. Thế giới đã khá quen thuộc với các cụm từ “không liên kết”, “tự chủ chiến lược” của Ấn Độ từ trước đó. Gần đây, tinh thần tự cường của Ấn Độ càng trở nên rõ nét hơn, nhất là khi Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi có những định hướng cụ thể trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngày 12-5-2020, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã công bố gói hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có, trị giá 20 nghìn tỷ ru-pi (tương đương 265 tỷ USD, khoảng 10% GDP Ấn Độ trong năm tài chính 2019 - 2020) với tên gọi “Sứ mệnh Ấn Độ tự cường” (Self - Reliant India Mission). Gói tài chính này cũng như một số gói tài chính trước đó tập trung vào củng cố năng lực nội tại nhằm làm dịu tình hình sau nhiều thiệt hại từ việc phong tỏa toàn quốc do dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi nhấn mạnh, “đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế theo nó đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nền sản xuất nội địa, của thị trường địa phương và chuỗi cung ứng nội địa. Tất cả nhu cầu của chúng ta trong khủng hoảng đều được đáp ứng bởi các doanh nghiệp trong nước. Để bảo vệ chính mình và chủ động đối phó, cũng như thực hiện ước mơ xây dựng Ấn Độ trong thế kỷ XXI, con đường phía trước của chúng ta là bảo đảm rằng, đất nước trở nên tự chủ”(1).
Củng cố thực lực bên trong đất nước
Kế hoạch “Ấn Độ tự cường” của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi dựa trên năm trụ cột: 1- Phát triển nền kinh tế mới (trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD); 2- Tạo dựng cơ sở hạ tầng hiện đại; 3- Thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ; 4- Tận dụng dân số trẻ; 5- Khai thác hiệu quả nhu cầu trong nước. Theo đó, Ấn Độ sẽ tạo ra những sản phẩm tốt nhất, cải thiện chất lượng và cải thiện chuỗi cung ứng. Cụ thể, các gói cứu trợ được công bố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động, người bán hàng rong và kinh doanh nhỏ lẻ, và các nhóm khác trước đây ít nhận được sự quan tâm của chính phủ. Gói cứu trợ này bao gồm các biện pháp nới lỏng tiền tệ do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ công bố. Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi cho rằng, gói cứu trợ đóng góp cho sự tự cường của đất nước thông qua việc trao quyền và nâng cao năng lực cho người nghèo, người lao động, người di cư... từ các lĩnh vực chính thức cũng như không chính thức; và cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc sản xuất tại địa phương, thị trường địa phương và chuỗi cung ứng địa phương. Tất cả các nhu cầu của Ấn Độ trong thời điểm khủng hoảng COVID-19 đều được đáp ứng tại “địa phương”. Vì vậy, đã đến lúc cần chú trọng các sản phẩm địa phương và giúp cho những sản phẩm này trở thành những sản phẩm toàn cầu(2).
Về phát triển nền kinh tế mới.
Atmanirbhar Bharat đưa ra tầm nhìn nhằm đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD thông qua việc thúc đẩy chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ - Sản xuất cho Thế giới” (Make in India - Make for World) và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu(3). Theo đó, lực đẩy cho sự hội nhập toàn cầu sẽ đến từ các liên doanh về cơ sở hạ tầng và sản xuất, tích hợp vào chuỗi cung ứng và khai thác các quỹ tài sản độc lập(4). Cộng đồng doanh nghiệp được khuyến khích phát triển các mối liên kết sâu rộng với thế giới dựa trên các kế hoạch phát triển quốc gia. Ấn Độ ưu tiên các cải cách và chuyển đổi trong nền kinh tế. Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Ấn Độ với các đối tác sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quan hệ kinh tế, giúp thay đổi cấu trúc của nền kinh tế và nâng sự hội nhập kinh tế Ấn Độ lên tầm cao mới.
Về việc tạo dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.
“Ấn Độ tự cường” không phải là một sáng kiến riêng lẻ mà là một cách tiếp cận tổng thể nhằm biến nền kinh tế Ấn Độ trở nên tự cấp, tự túc và tự chủ. Bên cạnh sự tham gia của cộng đồng và sự điều chỉnh của chính sách, kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chiến lược này. Ấn Độ sẽ đầu tư mạnh vào kết cấu hạ tầng sản xuất. Năng lực sản xuất cao sẽ giúp đạt được mục tiêu gia tăng quy mô nền kinh tế và giảm giá thành sản phẩm, đồng thời giúp cung cấp nguồn nguyên liệu không bị đứt gãy. Kết cấu hạ tầng đường sắt và đường bộ sẽ có vai trò quan trọng để giúp cho các nhà máy hoạt động liên tục(5). Kết cấu hạ tầng vận chuyển có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến thị trường. Giao thông vận chuyển hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng lợi ích kinh tế của sản phẩm, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại cho các sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, khi năng lực sản xuất của Ấn Độ tăng lên, nước này cũng cần có cơ sở hạ tầng để xuất khẩu. Do đó, nhu cầu về đất đai và cảng biển tốt để hỗ trợ các yêu cầu xuất khẩu cũng tăng lên. Với chiến lược “Ấn Độ tự cường”, nước này mong muốn trở thành một quốc gia hiện đại với kết cấu hạ tầng đẳng cấp quốc tế.
Về thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ấn Độ ý thức được tầm quan trọng của khoa học - công nghệ, coi đây là “chìa khóa” cho việc hiện thực hóa chiến lược tự cường. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh vai trò của công nghệ trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử như, các nhà khoa học tại Học viện công nghệ hóa chất Ấn Độ đã đóng góp vào việc phát triển các bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân (Personal Protective Equipments - PPE), máy trợ thở, thuốc khử trùng, thuốc điều trị bệnh COVID-19 như Favipiravir, Remdesvir... Ấn Độ không chỉ là nơi “sử dụng tri thức”, áp dụng những ứng dụng tốt nhất được phát triển ở tất cả các quốc gia, mà Ấn Độ đang trở thành một “nhà sản xuất tri thức”(6).
Về tận dụng dân số trẻ.
Ấn Độ tự hào là nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Nền dân số trẻ năng động sẽ là nguồn năng lượng tích cực cho chiến lược “Ấn Độ tự cường”. Ấn Độ có nguồn lao động tiềm năng lớn nhất thế giới với hơn 850 triệu người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động hiện tại của Ấn Độ lớn hơn tổng số lực lượng lao động của ba trung tâm phát triển nhất thế giới là Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Mỹ gộp lại(7). Sự phân bố nhân khẩu học này có khả năng định hình lại vị thế của Ấn Độ trên bản đồ thế giới. Cho nên có thể coi dân số trẻ như là “chìa khóa” cho sự thành công của chiến lược(8).
Về khai thác nhu cầu trong nước.
Chu kỳ cung và cầu trong nền kinh tế Ấn Độ sẽ được khai thác tối đa. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố sức mạnh của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng để vừa tăng nhu cầu, vừa đáp ứng được nhu cầu.
Thông điệp của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu do Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt đã trở nên rối loạn sau khi nhiều thành phần kinh tế của Trung Quốc phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ liên tục phát đi tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng trở thành một mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu(9).
Chiến lược này nhằm xây dựng một Ấn Độ tự cường không mang tính chất “bảo hộ” (protectionist). Như Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, Xri Na-ra-ia-nan Si-tha-ra-man, đã chỉ rõ, “Ấn Độ tự cường không có nghĩa là cắt đứt với phần còn lại của thế giới”(10). Còn Bộ trưởng Luật và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ra-vi San-ca Pra-sát nhấn mạnh, “tự cường” (tự lực) không có nghĩa là cô lập với thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được chào đón(11). Khi Ấn Độ nói về tự lực, tự cường, điều đó không có nghĩa là Ấn Độ ủng hộ một hệ thống “lấy bản thân làm trung tâm”. Trong sự tự lực, tự cường của Ấn Độ vẫn luôn có sự quan tâm đến sự thịnh vượng, hợp tác và hòa bình của toàn thế giới.
Các quan điểm của phe đối lập cho rằng, Atmanirbhar Bharat là phiên bản khác của phong trào “Sản xuất tại Ấn Độ”, sử dụng các khẩu hiệu mới. Họ cũng cho rằng Ấn Độ đã từng ban hành các chính sách và phát triển các doanh nghiệp kể từ khi thành lập để giúp Ấn Độ tự chủ, như Công ty Thép Ấn Độ (SAIL) đối với ngành sản xuất thép, Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) cho việc đào tạo kỹ sư trong nước, Học viện Y khoa toàn Ấn (AIIMS) đối với ngành khoa học y tế, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) đối với lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng, Công ty Hàng không Hindustan (HAL) đối với ngành hàng không, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đối với lĩnh vực không gian, Tập đoàn Điện lực quốc gia Ấn Độ (NTPC) và Tập đoàn Khí đốt tự nhiên Ấn Độ (GAIL) trong lĩnh vực năng lượng(12). Họ tỏ ra hoài nghi vì chưa thấy được hiệu quả của sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”. Ấn Độ kỳ vọng có thể trở thành một “điểm đến sản xuất” thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, sáng kiến này trên thực tế lại bị đánh giá là “chung chung và thiếu trọng tâm chính sách”(13). Việc đầu tư vào một dự án diện rộng, gồm 25 lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đồ da cho tới các thiết bị không gian, đồng nghĩa với việc chỉ tập trung vào bức tranh kinh tế lớn mà hy sinh giá trị của những lĩnh vực cụ thể. Sau một thời gian, các nhà tư bản công nghiệp của nước này đã phải thừa nhận rằng, họ nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực(14).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhờ việc thúc đẩy tự cường, Ấn Độ đã thu được nhiều kết quả bước đầu. Năng lực sản xuất nhiều sản phẩm của Ấn Độ đã phát triển vượt bậc. Chẳng hạn, lĩnh vực sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), từ con số 0 trước tháng 3-2020, lên đến 150.000 chiếc/ngày vào đầu tháng 5-2020, được xem là một ví dụ điển hình về một Ấn Độ tự chủ. Ngành công nghiệp PPE ở Ấn Độ đã đạt 70 tỷ ru-pi (980 triệu USD) trong vòng hai tháng, lớn thứ hai sau Trung Quốc(15). Khi cuộc khủng khoảng COVID-19 bắt đầu, chưa có bộ PPE nào và rất ít khẩu trang N95 được sản xuất tại Ấn Độ.
Cuối năm 2020, hai vạn bộ PPE và hai vạn khẩu trang N95 được sản xuất ở Ấn Độ mỗi ngày. Điều này phản ánh khả năng tự lực, tự cường của Ấn Độ rất mạnh mẽ(16). Sáng kiến về Quỹ hỗ trợ lớn nhất trong nước trị giá 210 tỷ ru-pi (2,9 tỷ USD) cũng được thành lập bởi Hội đồng cựu sinh viên Học viện Công nghệ Ấn Độ với mục đích hỗ trợ cho sứ mệnh vì một Ấn Độ tự lực, tự cường. Ấn Độ đã tạo ra sản phẩm 5G, giúp nước này khởi động dịch vụ 5G đẳng cấp thế giới, sử dụng 100% công nghệ Ấn Độ.
Ấn Độ đang là nhà sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19 hàng đầu thế giới, hỗ trợ được nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ấn Độ cũng tự chủ được nhiều trong lĩnh vực sản xuất, giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và là nơi thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới trong hai năm qua.
Độc lập, tự chủ trong đối ngoại
Khái niệm “Ấn Độ tự cường” thường được gắn với lĩnh vực kinh tế và nền sản xuất hàng hóa và dịch vụ quan trọng trong nước do “cú sốc nguồn cung” toàn cầu gây ra bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, “Ấn Độ tự cường” cũng có hàm ý về mặt đối ngoại. Nếu mục tiêu trong chính sách đối nội là giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu, thì đối ngoại là tự chủ về chiến lược.
Từ trong lịch sử cho đến hiện tại, Ấn Độ luôn tự hào là một quốc gia đang phát triển nhưng vẫn duy trì sự độc lập, tự chủ, không chịu sự phục tùng hay khuất phục trước sức ép của các cường quốc. Cho dù trong thời kỳ trật tự thế giới lưỡng cực (1947 - 1991), đơn cực (1991 - 2008, khi Mỹ bước vào một chu kỳ dài của sự suy thoái kinh tế và Trung Quốc dần tiếp cận Mỹ về sức mạnh tổng lực), hay thế giới đa cực (hiện tại), nhu cầu tự chủ trong các lựa chọn chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn không thay đổi(17).
Tuy nhiên, sự “tự chủ chiến lược” của Ấn Độ thường được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh thay đổi. Trong những thời điểm khủng hoảng, Ấn Độ diễn giải lại khái niệm này và thể hiện sự linh hoạt chính sách vì sự tồn vong của đất nước. Cũng đã không ít lần đất nước xảy ra chiến tranh, Ấn Độ đã phải kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, cũng như ký kết Hiệp ước về hòa bình, hữu nghị và hợp tác với Liên Xô. Tuy nhiên trong những giai đoạn đó, Ấn Độ không hoàn toàn từ bỏ sự “tự chủ chiến lược” khi hoàn cảnh địa chính trị buộc nước này phải bước vào sự hợp tác “giống như liên minh” trên thực tế với các cường quốc. Một số học giả Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ vẫn giữ được sự tự do, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng cách xử lý khéo léo sự cân bằng giữa các nước lớn và tham gia “trò chơi” chính trị thực dụng.
Hiện nay, mặc dù khó có khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện với nước láng giềng Trung Quốc sau khi hai nước có những xung đột cục bộ, nhưng Ấn Độ vẫn có những điều chỉnh về sự tự chủ chiến lược của mình. Ấn Độ không liên kết với Trung Quốc hay Mỹ, khi hai nước này bước vào một cuộc chiến được cho là “Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0”. Có ý kiến lo ngại rằng, sự gần gũi với Mỹ sẽ làm cho Ấn Độ mất đi sự tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử Ấn Độ sau độc lập, có thể khẳng định, Ấn Độ sẽ không mất đi sự “tự chủ chiến lược” trong chính sách đối ngoại ngay cả khi nước này tiến gần đến Mỹ.
Theo Giáo sư Xri-ram Sô-li-a, Trường Các vấn đề quốc tế Jindan (Ấn Độ), đa dạng hóa các mối quan hệ là bản chất của chính sách “tự lực, tự cường” trong đối ngoại. Việc liên kết với một số các đối tác chiến lược, trong đó có Mỹ, với trọng tâm nhấn mạnh vào việc kiềm chế Trung Quốc, là con đường ngoại giao khả thi để tiến tới trật tự thế giới đa cực đang nổi lên hiện nay(18). Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ cần duy trì như một trung tâm quyền lực độc lập bằng cách tăng cường hợp tác với các cường quốc tầm trung ở châu Á và trên thế giới. Đối với Ấn Độ, đất nước vốn coi trọng sự “tự chủ chiến lược”, vấn đề hiện nay không còn là sự lựa chọn một trong hai người khổng lồ hay là trung lập, mà trong một thời đại của những mạng lưới kết nối dày đặc, Ấn Độ phải định hình lại sự “tự chủ chiến lược” như một dạng “quyền lực mềm” để hoàn thành các mục tiêu chung. Do vậy, cũng như ở khía cạnh kinh tế, “tự lực, tự cường” trong chính sách đối ngoại không có nghĩa là “cô lập” hay “liên minh” với một siêu cường, mà là sự kết hợp với một số đối tác “cùng chí hướng”. Ấn Độ đã quen thuộc với cụm từ chính sách đối ngoại “đa véc-tơ” và đã đến lúc cần phát huy tối đa những thế mạnh này.
Như vậy, “Ấn Độ tự cường” là một chiến lược, một tầm nhìn dài hạn nhằm xây dựng Ấn Độ trở thành một quốc gia “tự lực, tự cường” về kinh tế, chính trị và đối ngoại. Về khía cạnh kinh tế, Ấn Độ phải đứng vững bằng chính nội lực quốc gia và đóng vai trò lớn hơn trên thế giới. Điều này được khẳng định trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Ấn Độ và 75 năm thành lập Liên hợp quốc của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi (năm 2020)(19). Nền kinh tế Ấn Độ được đánh giá là giàu tiềm năng, có thể đạt được sự “tự cường” nếu các chính sách mà chính phủ đưa ra được thực thi hiệu quả và ngân sách được phân bổ hợp lý. Để thực hiện chiến lược này, cần có nỗ lực từ tất cả các ngành, các khu vực từ nông thôn đến thành thị. Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất để phát triển những ngành có khả năng tạo ra sự đột phá. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn là của người tiêu dùng, người dân đối với việc tiêu thụ sản phẩm được sản xuất trong nước bởi vì nhu cầu là yếu tố quyết định để phát triển bất kỳ lĩnh vực nào.
Về khía cạnh đối ngoại, chính sách “tự lực, tự cường” thể hiện ở sự vận dụng linh hoạt khái niệm “tự chủ chiến lược” nhằm bảo đảm sự độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Rõ ràng, “Ấn Độ tự cường” không chỉ liên quan đến hàng hóa và dịch vụ, mà đó còn là tinh thần, ý chí, động lực mạnh mẽ để Ấn Độ đạt được những mục tiêu tự lực, tự cường trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Khái niệm “Ấn Độ tự lực” đã không kết thúc khi Ấn Độ cải cách mở cửa vào năm 1991 mà vẫn tiếp tục là một phần quan trọng của chiến lược phát triển của Ấn Độ trong thế kỷ XXI.
----------------
(1) Xem: Quốc Đạt: “Vì một Ấn Độ tự lực”, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77& NewsId= 435924, ngày 15-5-2020
(2) Xem: Narendra Modi: “PM gives a clarion call for Atmanirbhar Bharat”, https://www.narendramodi.in/pm-modi-s-address-to-the-nation-on-covid-19-related-issues-549614, ngày 12-5-2020
(3) Xem: The Economic Times: “Atmanirbhar Bharat provides vision of India’s plans to become USD 5 trillion economy: MEA official”, https://economictimes.indiatimes.com/news/economy/finance/atmanirbhar-bharat-provides-vision-of-indias-plans-to-become-usd-5-trillion-economy-mea-official/articleshow/79342425.cms?from=mdr, ngày 21-11-2020
(4) Xem: The Economic Times: “Atmanirbhar Bharat provides vision of India’s plans to become USD 5 trillion economy: MEA official”, Tlđd
(5) Harish Sharma: “Infrastructure: Pivoting Atmanirbhar Bharat”, http://bwsmartcities.businessworld.in/article/Infrastructure-Pivoting-AtmaNirbhar-Bharat/18-03-2021-384202/, ngày 18-3-2021
(6) Chandrasekharam: “Science and tech key to self-reliance”, https://www.thehindu.com/news/cities/Hyderabad/science-and-tech-key-to-self-reliance/article33340142.ece, ngày 15-12-2020
(7) Xem: Greater Pacific: “Realising India’s demographic dividend: The People determine success”, https://www.greaterpacificcapital.com/thought-leadership/realising-indias-demographic-dividend-the-people-determine-success, tháng 2-2016
(8) Xem: Ansuya Harjani “India’s Secret Weapon: Its young population”, https://www.cnbc.com/id/49472962,
ngày 24-10-2012
(9) Xem: Quốc Đạt: “Vì một Ấn Độ tự lực”, Tlđd
(10) Xem: Hindustan Times, “To spur growth’: Nirmala Sitharaman on PM Modi’s Atmanirbhar Bharat Abhiyan”, https://www.hindustantimes.com/india-news/to-spur-growth-nirmala-on-pm-modi-s-atamanirbha-bharat-abhiyan/story-s71j5O0ZG21QY4qsTsUnTP.html, ngày 13-5-2020
(11) Xem: The Economic Times, “Bennett University webinar: Need to tap Artificial Intelligence to fight Covid, says IT Minister Ravi Shankar Prasad”, https://economictimes.indiatimes.com/tech/ites/prasad-need-to-tap-artificial-intelligence-to-fight-covid/articleshow/75984783.cms?from=mdr, ngày 26-3-2020
(12) Sahay, Anand K.: “Atma Nirbhar Bharat”: A mantra to mask failure?”, https://www.deccanchronicle.com/opinion/columnists/290520/anand-k-sahay-atma-nirbhar-bharat-a-mantra-to-mask-failure.html, ngày 29-5-2020
(13), (14) Xem: Quốc Đạt: “Vì một Ấn Độ tự lực”, Tlđd
(15) Ranjit Bhushan: “From PPE kits to sanitisers to ventilators, COVID-19 has sparked off an indigenous cottage industry boom”, https://www.moneycontrol.com/news/trends/from-ppe-kits-to-sanitisers-to-ventilators-covid-19-has-sparked-off-an-indigenous-cottage-industry-boom-5384981.html, ngày 10-6-2020
(16) Ranjit Bhushan: “From PPE kits to sanitisers to ventilators, COVID-19 has sparked off an indigenous cottage industry boom”, Tlđd
(17) Sreeram Chaulia: “A self-reliant foreign policy”, https://www.thehindu.com/opinion/op-ed/a-self-reliant-foreign-policy/article32339890.ece, ngày 13-8- 2020
(18) Sreeram Chaulia: “A self-reliant foreign policy”, Tlđd
(19) Xem: Hindustan Times: “Full text of PM Modi’s address at 75th UNGA session 2020”, https://www.hindustantimes.com/india-news/full-text-of-pm-modi-s-address-at-75th-unga-session-2020/story-8sOpyLIDesleUtIhRYdIWJ.html, ngày 26-9-2020
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ từ năm 2017 đến nay  (05/12/2021)
Vai trò của Ấn Độ đối với sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (05/06/2021)
Chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (15/03/2021)
Thu hút nhân tài ở Ấn Độ và hàm ý đối với Việt Nam  (20/02/2021)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển