Một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc: Sáng bừng sức sống sự nghiệp xã hội chủ nghĩa
TCCS - Năm 2021 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một trăm năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt nhân dân Trung Quốc không ngừng phấn đấu, kết thúc lịch sử xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến của nước Trung Quốc cũ, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mở ra con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, để dân tộc Trung Hoa đón chào bước nhảy vọt vĩ đại từ đứng lên, giàu lên, đến mạnh lên.
Một trăm năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là hành trình vẻ vang kiên định giương cao ngọn cờ, không ngừng thúc đẩy Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, để chủ nghĩa xã hội khoa học không ngừng bừng lên sức sống mạnh mẽ. Chủ nghĩa Mác đã làm thay đổi sâu sắc Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác. Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì kết hợp giữa nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể của cách mạng Trung Quốc, không ngừng tiếp thêm nội hàm thời đại mới, hình thành tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học. Từ Đại hội XVIII đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình, nắm bắt chính xác vị trí lịch sử mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và yêu cầu mới của thực tiễn, sáng lập nên tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Một trăm năm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi qua, là tiến trình lịch sử vẻ vang với mục tiêu không lay chuyển và giành được thành tựu vĩ đại trong công cuộc tìm tòi xây dựng hiện đại hóa tại quốc gia từng có lực lượng sản xuất xã hội lạc hậu. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục tìm tòi con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình đất nước, lần lượt đưa ra các mục tiêu phấn đấu “bốn hiện đại hóa”, “lộ trình ba bước” và “hai 100 năm” (100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước). Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ XXI hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về quy luật hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc ngày càng sâu sắc hơn, từng bước hình thành con đường, lý luận và chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc và không ngừng làm phong phú, hoàn thiện trên các phương diện, như kiên trì và hoàn thiện thể chế lãnh đạo của Đảng, chế độ nhân dân làm chủ, hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, văn minh sinh thái..., tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Trong vòng mấy chục năm, Trung Quốc đã đi hết chặng đường công nghiệp hóa kéo dài hàng trăm năm của các nước phát triển, lập nên kỳ tích phát triển nhanh chóng về kinh tế và giữ vững ổn định lâu dài về xã hội. Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 vượt mốc 100 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm tỷ trọng 17% kinh tế toàn cầu, duy trì xã hội hài hòa, ổn định, nhân dân an cư lạc nghiệp.
Một trăm năm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi qua, là hành trình vẻ vang kiên định làm theo tôn chỉ đặt nhân dân lên vị trí cao nhất, được lòng dân, thuận theo ý dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc là nguyện ước ban đầu và sứ mệnh của những người cộng sản Trung Quốc. Trải qua 100 năm phấn đấu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện nền dân chủ nhân dân rộng rãi nhất tại quốc gia có lịch sử xã hội phong kiến hàng nghìn năm, nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước, xã hội và làm chủ số phận của mình, cuộc sống nhân dân từ thiếu thốn đến khá giả toàn diện, Trung Quốc trở thành nước có thu nhập trung bình với dân số đông nhất thế giới. Tháng 2-2021, Trung Quốc tuyên bố giành thắng lợi toàn diện trong cuộc chiến công kiên thoát nghèo, toàn bộ 98,99 triệu người dân nghèo ở nông thôn theo tiêu chuẩn hiện hành đã thoát nghèo, giải quyết vấn đề nghèo tuyệt đối đã đeo đẳng dân tộc Trung Hoa hàng nghìn năm qua, có ý nghĩa mang tính lịch sử. Từ khi thực hiện cải cách, mở cửa đến nay, theo chuẩn nghèo quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), số người thoát nghèo tại Trung Quốc chiếm hơn 70% số người thoát nghèo trên thế giới trong cùng giai đoạn, hoàn thành sớm hơn 10 năm mục tiêu giảm nghèo theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đối mặt với đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì nguyên tắc đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên hết và đã giành được thành quả chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Đây là sự minh họa sinh động nhất về quan điểm cầm quyền vì nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được nhân dân Trung Quốc hết lòng ủng hộ.
Một trăm năm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi qua, là hành trình vẻ vang sát cánh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam chống sự xâm lược của đế quốc, thực dân, tích cực tìm kiếm con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 2021 kỷ niệm 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và 80 năm Người trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1922, khi hoạt động cách mạng tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen biết đồng chí Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên Việt Nam yêu nước, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hơn 10 năm sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Công (Trung Quốc) vào năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cách mạng tại Trung Quốc. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trung Quốc là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và đã khắc phục muôn vàn khó khăn, ủng hộ và viện trợ cho Việt Nam trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Những người cộng sản Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc, sát cánh chiến đấu cùng những người cộng sản Trung Quốc.
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt phân tích nguyên nhân sâu xa bên trong dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu; kiên định tin tưởng sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là đúng; kiên định, tích cực tìm tòi con đường phát triển chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình của mỗi nước, thúc đẩy công cuộc cải cách, mở cửa và sự nghiệp đổi mới của hai nước có nhiều đột phá và phát triển to lớn. Đứng trước thời điểm chuyển giao thế kỷ, hai bên đã xác định phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Bước vào thời kỳ mới, dưới sự trù tính chiến lược và lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước luôn giữ được phương hướng đúng đắn, không ngừng giành được những thành quả mới. Hai bên tích cực trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước. Hai bên ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trên con đường kiên trì, tìm tòi và phát triển chủ nghĩa xã hội của mỗi nước trong các giai đoạn lịch sử, quan hệ giữa hai Đảng và hai nước Trung Quốc, Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ và thúc đẩy lẫn nhau. Con đường xã hội chủ nghĩa của hai nước Trung Quốc và Việt Nam ngày càng rộng mở, thành quả phát triển của hai nước ngày càng mang lại lợi ích nhiều hơn, công bằng hơn cho toàn thể nhân dân hai nước, khiến tiến trình phát triển của xã hội loài người ngày càng đi theo hướng có lợi cho chủ nghĩa Mác, tính khoa học của chủ nghĩa Mác và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không ngừng được kiểm chứng và phát huy ưu thế.
Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đã mở ra hành trình mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, hai bên cần kiên trì chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, định hướng đúng đắn phát triển quan hệ Trung Quốc và Việt Nam. Hai bên cần kiên định ủng hộ lẫn nhau trên con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước, đối với những vấn đề mới và thách thức mới trong thời kỳ mấu chốt của cải cách, đổi mới, tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý và điều hành đất nước, cùng làm sâu sắc hơn nhận thức về quy luật xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội. Hai bên cần kiên trì định hướng lấy nhân dân làm trung tâm, coi việc phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước làm điểm xuất phát và mục tiêu của phát triển quan hệ hai nước và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, tiếp thêm động lực mới nhằm thúc đẩy hợp tác trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Hai bên cần bồi dưỡng nhiều hơn nữa những người kế thừa sự nghiệp hữu nghị Trung Quốc và Việt Nam, tập trung củng cố nền tảng cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Hai bên cần tập trung vào đại cục phát triển của hai nước cũng như hòa bình và ổn định của khu vực, kiểm soát ổn thỏa bất đồng, bảo đảm quan hệ Trung Quốc và Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Hai bên cần cùng nhau bảo vệ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, kiên định giữ gìn trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hướng tới tương lai, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước chắc chắn sẽ không ngừng giành được những thành tựu vẻ vang hơn nữa, đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại, để chủ nghĩa xã hội khoa học tỏa sáng rực rỡ trong thế kỷ XXI./.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc  (26/04/2021)
Giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ của Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm  (14/03/2021)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc  (20/02/2021)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm