Khai giảng năm học mới trên cả nước vào sáng 05-9
Khai giảng năm học mới sáng 05-9
Lễ khai giảng năm học 2018-2019 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào sáng 05-9, với chương trình ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Đó là một trong những nội dung trong công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2018-2019.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, ưu tiên các hạng mục như phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; phấn đấu bước vào năm học mới, các trường học có nhà vệ sinh và công trình nước sạch đảm bảo yêu cầu. Đồng thời, tham mưu rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên/lớp đối với các cấp học; đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng giáo viên theo môn học.
Các Sở tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó chú trọng hoạt động thu, chi đầu năm học, bảo đảm các khoản thu đúng quy định hiện hành; khắc phục triệt để tình trạng lạm thu; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra vi phạm.
Các cơ sở giáo dục nhanh chóng ổn định kế hoạch năm học, đảm bảo nội dung chương trình giáo dục theo quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ cũng yêu cầu tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đầu cấp nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và rèn luyện mới. Các trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống của nhà trường; phổ biến nội quy; bộ quy tắc ứng xử; quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học lực, hạnh kiểm và các quy định khác của nhà trường. Tổ chức cho học sinh trực tiếp tham gia lao động, vệ sinh trường, lớp học, công trình vệ sinh trong trường học…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.
Không để học sinh thiếu sách giáo khoa
Trước hiện tượng thiếu sách giáo khoa cục bộ ở một vài nơi, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa khi bước vào năm học mới. Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần bình ổn giá sách giáo khoa trong cả nước trước thềm năm học mới.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: Hiện tượng thiếu sách giáo khoa mà dư luận phản ánh trong mấy ngày gần đây chỉ là hiện tượng thiếu cục bộ và tạm thời. Nguyên nhân chủ yếu là do năm nay số lượng học sinh tăng đột biến ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là ở lớp 1 (lớp 6 và lớp 10 cũng có tăng nhưng ít hơn), tập trung ở một số thành phố lớn nên dẫn đến tình trạng thiếu sách cục bộ. Việc thiếu sách cũng chỉ ở một vài đầu sách trong bộ sách. Những cửa hàng, nhà sách có hiện tượng thiếu sách phần lớn là những cửa hàng, nhà sách nhỏ lẻ chứ không thuộc hệ thống phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, có hiện tượng một vài Công ty Sách và Thiết bị trường học ở địa phương trước thông tin năm học tới sẽ thay sách giáo khoa mới nên nhập số lượng ít để tránh sách tồn kho.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, cũng không loại trừ nguyên nhân những nhà sách nằm ngoài hệ thống cửa hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam những ngày qua đã nhằm vào tâm lý của phụ huynh học sinh gấp gáp chuẩn bị sách cho con trong thời gian cao điểm để “găm” hàng, “thổi” giá, gây bất ổn tình hình cung ứng sách giáo khoa. Tình trạng này tuy không xảy ra ở nhiều nơi nhưng đã có tác động xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý phụ huynh học sinh có con bước vào các lớp học đầu cấp.
Theo kế hoạch thường niên, để phục vụ năm học mới 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch in ấn và phát hành sách giáo khoa dựa trên kế hoạch đặt hàng của Công ty Sách - Thiết bị trường học các tỉnh thành và dựa trên thực tiễn phát hành các năm học trước.
Tính đến ngày 20-8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành được 108,8 triệu bản sách giáo khoa, đạt 105% kế hoạch năm nay và vượt 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm: Từ nay đến ngày khai giảng năm học mới vẫn trong khoảng thời gian phát hành, cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới, tuy thời gian không còn nhiều nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu sách cục bộ; trước hết là nhanh chóng, chủ động cung ứng bổ sung các đầu sách còn thiếu trong các bộ sách đầu cấp.
Cụ thể, các đầu sách giáo khoa lớp 1 của các cửa hàng thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội đã ổn định tình hình cung ứng. Sách lớp 6, lớp 10 đã và đang được vận chuyển, phân phối đến hệ thống để đáp ứng tốt nhu cầu mua sách của khách hàng.
Tiếp đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho dự trữ một số lượng đáng kể sách giáo khoa đủ bộ của các lớp tại các công ty thành viên và các đối tác phát hành để sẵn nguồn phục vụ nhanh chóng, kịp thời những nhu cầu phát sinh.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin thị trường để kịp thời cung ứng đủ sách giáo khoa cho những địa bàn thiếu, đồng thời lập chế độ báo cáo thường nhật. Giám đốc các đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại các miền, các công ty trực thuộc có báo cáo nhanh về tình hình cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn để Nhà xuất bản nắm được và có kế hoạch điều phối, ổn định thị trường cả nước.
Các địa phương tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp
Quảng Trị tập trung xóa phòng học tạm
Hiện nay tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút chuẩn bị những khâu như đảm bảo cơ sở vật chất, sáp nhập trường học... để bước vào năm học mới. Nhiều phòng học mới đã được xây dựng, nhiều trang thiết bị mới được mua sắm, nhiều chính sách mới ưu tiên đã được áp dụng…đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong thời kỳ mới.
Ngay trong những tháng hè, các trường học ở tỉnh Quảng Trị đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện có, trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất trường học. Đặc biệt, Quảng Trị tập trung ưu tiên các hạng mục xóa phòng học tạm, phòng học mượn, bổ sung nâng cấp các công trình vệ sinh, nước sạch, nhà ăn, phòng ở nội trú, bán trú ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới… Trong dịp hè 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xóa 18 phòng học tạm; hoàn thành việc sửa chữa trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi với tổng số hơn 1.300 công trình, thiết bị có tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị hiện có 5.555 phòng học, hiện nay Quảng Trị vẫn còn thiếu hơn 560 phòng học, 733 phòng bộ môn, 252 phòng ở công vụ cho giáo viên, 253 nhà vệ sinh cho giáo viên và 236 nhà vệ sinh cho học sinh...
Công tác tuyên truyền vận động học sinh đến trường cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền, ban ngành địa phương chung tay thực hiện. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Để chuẩn bị năm học mới 2018-2019, huyện đã chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác vận động các cháu trong độ tuổi đến trường nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Người dân trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Pakô, Vân Kiều. Được sự tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, đồng bào đã hiểu và tích cực hưởng ứng tham gia Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Về cơ sở vật chất trường lớp, huyện miền núi Đakrông là huyện nghèo, tuy nhiên bằng nhiều hình thức khác nhau huyện đã đầu tư, xây dựng thêm được các lớp học tại thôn bản, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong năm học 2018-2019, toàn ngành có gần 165.000 học sinh, trong đó tuyển mới hơn 48.000 học sinh, tăng so với năm học trước hơn 2.300 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học được diễn ra đúng, đảm bảo được các yêu cầu chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cũng như tâm thế cho giáo viên, học sinh thì Sở Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị khá chu đáo về công tác cán bộ, sở đã điều chuyển giáo viên từ vùng thừa sang vùng thiếu để đảm bảo cân đối lại cơ cấu đội ngũ giáo viên ở các trường tương đối phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho giáo viên để bồi dưỡng thêm về trình độ, nghiệp vụ cũng như các chủ trương lớn của ngành về công tác giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp với các huyện, thị thực hiện công tác sáp nhập trường học, đảm bảo thực hiện xong, ổn định trước ngày khai giảng năm học mới…
Đến thời điểm này, các trường trong tỉnh Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành việc đáp ứng cơ sở vật chất, sẵn sàng đón năm học mới với tinh thần tự tin, kỷ cương và chất lượng.
Hà Nam chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng cho năm học mới
Tỉnh Hà Nam đang tập trung chỉ đạo các địa phương, trường học trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học... để kịp thời phục vụ cho năm học mới 2018 - 2019.
Theo thống kê, đến hết năm học 2017- 2018, trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn gần 500 phòng học thuộc loại bán kiên cố và phòng học tạm (trên tổng số 10.217 phòng học các loại), chiếm tỷ lệ 10,7%; chủ yếu ở cấp học Mầm non và Tiểu học. Có những trường học trong nhiều năm qua phải dạy và học trong điều kiện rất khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học hoặc phòng học xuống cấp trầm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục. Trong khi đó, năm học 2018-2019, số học sinh khối lớp 1 tăng đột biến.
Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương, trường học rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, xây dựng kế hoạch tu sửa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho năm học mới. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng cơ sở vật chất của các nhà trường, tỉnh Hà Nam đã dành sự quan tâm ưu tiên về cơ chế, kêu gọi các nguồn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng một số trường học.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam, để chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng mới trường học, lớp học từ nguồn vốn Chương trình kiên cố hóa trường lớp học sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ kinh phí để đầu tư mở rộng, nâng cấp đầu tư xây dựng nhà đa năng, nhà hiệu bộ để đạt tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia năm 2018. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng sữa chữa phòng học là 315 tỷ đồng; đóng mới, sữa chữa bàn ghế và trang thiết bị là 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn một số hạn chế cần được quan tâm giải quyết. Đó là tiến độ đầu tư mua sắm tập trung theo quy định được triển khai thực hiện quá chậm khiến cho các trường dù đã có đầy đủ phòng học, phòng chức năng nhưng lại chưa được trang bị hệ thống bàn ghế và các thiết bị dạy học cần thiết. Một số nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa, cơ sở có điều kiện ngân sách bảo đảm đầu tư mua sắm nhưng không thể thực hiện được vì sẽ sai quy định.
Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu về cơ sở phục vụ giáo dục đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có để có kế hoạch xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo./.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mở ra triển vọng mới cho hợp tác giữa Ai Cập và Việt Nam  (26/08/2018)
Các chính trị gia chia buồn trước sự ra đi của ông John McCain  (26/08/2018)
Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (26/08/2018)
Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (26/08/2018)
Thắt chặt tình đoàn kết đại gia đình ASEAN  (26/08/2018)
Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3, năm 2018  (26/08/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên