Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-9-2018)
TCCSĐT - Trong ba ngày từ 11 đến 13-9-2018, Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 với chủ đề “Viễn Đông - mở rộng biên giới của các cơ hội” đã diễn ra tại thành phố Vladivostok (Nga) với sự tham dự của hơn 6.000 đại biểu đến từ 60 quốc gia. Với sự mở rộng đáng kể về quy mô, diễn đàn đã thu hút sự chú ý của dư luận xung quanh những cuộc gặp cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn.
EEF thúc đẩy chính sách hướng Đông của Nga
Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 tổ chức tại tại thành phố Vladivostok (Nga) . Ảnh: russophile.org
Diễn đàn năm nay tập trung vào 4 nhóm chủ đề chính: “Các công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư”, “Những ưu tiên ngành của vùng Viễn Đông”, “Viễn Đông toàn cầu: các dự án hợp tác quốc tế”, “Tạo điều kiện cho đời sống con người”. Song song với đó, lãnh đạo các nước tham dự EEF-2018 thảo luận trực tiếp những vấn đề thời sự khu vực, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, an ninh và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Cũng tại Diễn đàn, 175 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá 2,9 nghìn tỷ ruble (tương đương 41,7 tỷ USD). Trong số các thỏa thuận có trị giá lớn có dự án xây dựng cơ sở công nghiệp khai khoáng tại Chukotka, thỏa thuận về đầu tư của Quỹ đầu tư châu Á Generations Fund vào các dự án khu vực Viễn Đông của tập đoàn nông nghiệp Rusagro và nhà máy phân khoáng Nokhodkinsky của Nga, thỏa thuận cung cấp 100 máy bay SSJ-100 cho hãng hàng không Aeroflot của Nga.
Được thành lập năm 2015, EEF có vai trò như một “sân chơi” để Nga thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên thiên nhiên song chưa được khai thác, tìm kiếm các đối tác mới nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông, góp phần thoát sự cô lập của phương Tây. Ưu tiên trong chính sách của Nga hiện nay là đưa vùng Viễn Đông trở thành trung tâm kinh tế - xã hội, bởi đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như có vị thế về địa lý kinh tế với diện tích chiếm 36% nước Nga, 27% dự trữ khí đốt, 17% trữ lượng dầu mỏ ở châu Á - Thái Bình Dương. Hoạt động thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông được xem như cơ hội để Nga mở rộng quan hệ với các nước, khai thác những tiềm năng hợp tác.
Trải qua 4 kỳ EEF, các hợp đồng được ký kết cũng như giá trị các hợp đồng đều tăng lên mỗi năm. Trong khi đó, quy mô và tầm ảnh hưởng của EEF cũng không ngừng gia tăng khi EEF không chỉ tập trung vào thương mại và đầu tư mà còn trở thành diễn đàn quốc tế quan trọng để đối thoại và hợp tác giữa các nước trong khu vực. Diễn đàn này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho Tổng thống V. Putin lần lượt gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao các nước để thảo luận các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm. Với nội dung bao trùm qua các kỳ diễn đàn thường niên, EEF ngày càng thể hiện ý nghĩa chính trị rõ rệt và trở thành công cụ bổ trợ đắc lực cho chính sách hướng Đông được Nga công bố năm 2010.
Trong bối cảnh chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã đẩy mạnh xoay trục sang châu Á nhằm phá thế cô lập cũng như nâng cao vị thế chính trị ở khu vực. EEF đang được xem là cầu nối gắn kết Nga với các quốc gia, đặc biệt là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ các thỏa thuận hợp tác và đầu tư đạt được qua các kỳ EEF, mối quan hệ giữa Nga với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng được củng cố, đưa EEF trở thành lực đẩy cho chính sách hướng Đông của Nga. Thông qua diễn đàn mang tính quốc tế này, uy tín của Nga cũng được nâng lên, đồng thời vai trò cường quốc của Nga cũng được khẳng định.
Liên minh châu Âu khẳng định quyết tâm vượt qua mọi thách thức
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.Ảnh: politico.eu
Ngày 12-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đọc bản thông điệp liên minh thường niên trước Nghị viện châu Âu (EP) tại thành phố Strasbourg (Pháp). Nội dung trọng tâm của bản thông điệp là tăng cường chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) tương xứng với sức mạnh kinh tế của liên minh, đồng thời hối thúc Lục địa già gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế với một lập trường thống nhất.
Về hợp tác giữa châu Âu và châu Phi, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đề xuất xây dựng một “liên minh mới”, một “đối tác mới” giữa EU và châu Phi, với tên gọi “Liên minh Âu - Phi vì việc làm và đầu tư bền vững”, nhằm tạo ra 10 triệu việc làm trong 5 năm tới và thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại liên lục địa. Chủ tịch EC đã kêu gọi xây dựng quan hệ đầu tư và đối tác bình đẳng hơn, không chỉ đơn thuần là viện trợ, bởi châu Âu đang tìm kiếm các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vốn là nguyên nhân chính khiến dòng người ở châu Phi đang di cư lên phía Bắc để nhập cư vào châu Âu. Liên quan đến vấn đề Brexit, Chủ tịch EC C. Juncker đưa ra quan điểm cứng rắn về những ưu tiên của châu Âu trong các cuộc đàm phán với Anh về việc rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit. Chủ tịch C. Juncker cho biết, Anh không thể hy vọng mình vẫn là một phần của thị trường chung EU.
Đối với vị thế của đồng euro trong thương mại toàn cầu, Chủ tịch EC C. Juncker đã kêu gọi EU có các biện pháp mạnh mẽ để biến đồng euro trở thành một đồng tiền toàn cầu, có khả năng đối phó với những thách thức từ đồng USD. Theo đó, EC chủ trương giảm thiểu việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực năng lượng, giảm bớt ảnh hưởng tài chính của Washington. Người đứng đầu cơ quan hành pháp của EU khẳng định: “Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để đồng tiền chung của chúng ta đóng vai trò đầy đủ trên trường quốc tế”.
Yêu cầu bảo đảm an ninh mạng, trong bản thông điệp, Chủ tịch EC cho biết, các cơ quan chức năng của EU sẽ phạt nặng các công ty internet như Google và Facebook nếu không gỡ bỏ các nội dung cực đoan trên mạng. Theo Chủ tịch EC Juncker, EC sẽ đề xuất các quy định mới, như một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh của khối. Ông khẳng định yêu cầu trên của EU là quan trọng vì “đó chính là cánh cửa chủ chốt gây ra những thiệt hại lớn nhất”.
Trong bối cảnh EU chịu nhiều sức ép chính trị nhằm ngăn chặn triệt để hơn nữa dòng người di cư từ châu Phi đổ sang, EC đã đề xuất tăng cường nhân sự cho Lực lượng Tuần tra bờ biển và biên giới nhằm bảo vệ tốt hơn các đường biên giới bên ngoài EU. Cụ thể EC đề xuất tăng cường lực lượng tuần tra biên giới của EU với việc bổ sung 10.000 người trong hai năm tới, coi đây như nỗ lực của liên minh nhằm hạn chế dòng người nhập cư từ các nước có xung đột vũ trang và nghèo đói ở châu Phi. Ngoài ra, EC cũng đề xuất chi 2,2 tỷ euro cho ngân sách EU trong 7 năm tới, phục vụ các chương trình thay mới và bảo trì các máy bay, tàu thuyền và xe đặc chủng phục vụ công tác tuần tra tại các điểm nóng “đầu vào” từ châu Phi và Trung Đông.
Trước những thách thức mà EU sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ chủ tịch mới của EC, bản thông điệp liên minh thường niên cuối cùng của Chủ tịch EC C. Juncker đã khẳng định quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của liên minh.
Xung lực mới cho quan hệ song phương Nga - Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: mainichi.jp
Nhân dịp tham dự Diễn đàn EEF-2018, ngày 10-9, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã có chuyến thăm Nga. Chuyến thăm nhằm tạo ra xung lực mới cho quan hệ song phương và tiếp tục phát triển trên tinh thần đối tác và hợp tác.
Trong cuộc hội đàm trực tiếp, Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã tập trung vào các hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp và một hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, việc hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản đã phê chuẩn chi tiết lộ trình thực hiện các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc.
Phát biểu tại cuộc hội đàm, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố, mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển đều đặn. Lần đầu tiên, mối quan hệ này bao gồm hợp tác giữa bộ quốc phòng hai nước. Quan hệ trong lĩnh vực nhân đạo cũng đang phát triển. Tổng thống V. Putin cam kết Moscow sẵn sàng phát triển hợp tác với Tokyo dựa trên cơ sở láng giềng thân thiện và tôn trọng lợi ích lẫn nhau.
Về phần mình, Thủ tướng S. Abe nhấn mạnh hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp để thực hiện những hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp. Bên cạnh đó, Thủ tướng S. Abe cũng nhắc lại cam kết sẽ nỗ lực hết sức để có thể ký kết với Tổng thống V. Putin Hiệp ước hòa bình giữa hai nước hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2. Do tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Nam Kuril hay Vùng lãnh thổ phương Bắc nên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nên Moscow và Tokyo chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình.
Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản vẫn luôn “lạnh nhạt” và có lúc trở nên căng thẳng. Nga và Nhật Bản vẫn chưa thể ký kết được một Hiệp ước hòa bình toàn diện kể từ khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Một trong những tồn tại chính là vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo (Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai) do Nga kiểm soát từ tháng 8-1945 (mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).
Năm 2010, Tổng thống Nga D. Medvedev đã thực hiện chuyến thăm lần đầu tiên tới quần đảo Kuril và tuyên bố Nga sẽ tăng cường sự hiện diện quân đội tại đây, đẩy quan hệ Nga - Nhật Bản lên một mức căng thẳng mới. Năm 2013, quan hệ hai nước lại tiếp tục “nổi sóng” quanh sự kiện 2 máy bay chiến đấu của Nga xuất hiện tại khu vực tranh chấp và phía Nhật Bản cũng điều máy bay đến ngăn chặn. Sau đó, tháng 11-2013, đối thoại “2+2” giữa Nga và Nhật Bản lần đầu tiên đã được tổ chức tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, sự kiện này đã bị đình chỉ từ tháng 3-2014 do căng thẳng giữa hai nước liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại cũng như các cuộc đàm phán giữa hai nước, tháng 5-2016, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã thực hiện chuyến thăm Nga, một động thái cho thấy chuyển biến tích cực trong quan hệ hai nước.
Bất chấp những tranh chấp về lãnh thổ, Nga và Nhật Bản đang tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga V. Putin vào tháng 12-2016, hai bên đã đạt được thỏa thuận về tiến hành thảo luận các hoạt động hợp tác kinh tế chung trên Quần đảo Kuril. Tháng 3-2017, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản và Nga đã nhóm họp tại Tokyo trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh “2+2” đầu tiên sau ba năm gián đoạn, với nội dung chính là thảo luận về an ninh khu vực và tìm kiếm đột phá trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản tiếp tục chuyển biến tích cực khi tháng 4-2017, Thủ tướng S. Abe đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Nga. Tháng 3-2018, cuộc đối thoại mang tính xây dựng “2+2” cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng giữa Nga và Nhật Bản lần thứ ba cũng đã diễn ra tại thủ đô Moscow (Nga). Và việc Nga và Nhật Bản phê chuẩn chi tiết lộ trình thực hiện các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp cũng như ký một loạt thỏa thuận hợp tác quan trọng trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng S. Abe tiếp tục là một nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Còn nhiều rào cản trong căng thẳng thương mại Mỹ - EU
Đại diện cấp cao về thương mại Mỹ R. Lighthizer và người đồng cấp của EU C. Malmstrom. Ảnh: omgnews.today
Hơn 1 tháng sau khi ký kết thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ, ngày 10-9, đại diện cấp cao về thương mại Mỹ R. Lighthizer đã đến Brussels (Bỉ) và có cuộc gặp với người đồng cấp của EU C. Malmstrom nhằm mục đích khởi động các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại cụ thể trong dài hạn giữa Mỹ và EU. Đây được xem là cơ hội để hai bên hiện thực hóa những cam kết giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hồi tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hai bên sẽ còn phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ tháng 01-2017, Tổng thống Mỹ D. Trump đã có những bước đi khiến các đồng minh mất lòng, đặc biệt là mối quan hệ EU - Mỹ vốn tồn tại suốt 70 năm đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Quan điểm “Nước Mỹ trước tiên" của ông chủ Nhà Trắng chi phối hầu hết các quyết sách quan trọng của Mỹ cũng như quan hệ của Washington với các đồng minh, khiến tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị lung lay.
Đỉnh điểm của những căng thẳng giữa Mỹ và EU thời gian qua chính là trong lĩnh vực thương mại. Một cuộc tranh chấp thương mại đã nổ ra kể từ sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm, và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU vào tháng 6-2018 vừa qua. Chưa hết, trong khi quyết định áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn còn đang khiến EU tức giận và tìm cách đáp trả tương xứng, thì Tổng thống D. Trump lại tiếp tục đe dọa áp mức thuế 20% đối với mọi xe ô tô lắp ráp tại EU. Đây được xem là “cú đánh hiểm” của Mỹ đối với EU, khi mà năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ô tô của Mỹ từ EU lên tới 43,6 tỷ USD. Những hành động này của chính quyền Mỹ khiến nhiều quốc gia châu Âu không ngần ngại phản ứng, thậm chí chỉ trích thẳng thừng Washington.
Trong bối cảnh đó, kết quả cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude-Juncker có thể xem là bước đột phá ngoạn mục. Dẫu chưa thể giải quyết triệt để bất đồng, song chỉ riêng việc Mỹ và EU đồng ý giảm rào cản thương mại đã làm dịu “cơn sóng dữ”, vốn chực chờ đẩy quan hệ hai bên xuống vực thẳm.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc đạt được thỏa thuận “ngừng chiến” trên phần nào giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai bên trong những tuần gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến này đã hoàn toàn kết thúc. Thực tế là những tuyên bố chung giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch EC Junker nêu trên chỉ mang tính biểu tượng, vẫn rất mơ hồ và thiếu các điều khoản cụ thể mặc dù nó cũng tạo ra tác động ngắn hạn. Chính bởi vậy, cuộc gặp giữa đại diện cấp cao về thương mại Mỹ R. Lighthizer với người đồng cấp của EU C. Malmstrom được cho là cơ hội để hai bên hiện thực hóa cam kết trên. Tại cuộc gặp, bà C. Malmstrom cho rằng đây là cơ hội đầu tiên để hai bên hoàn tất thỏa thuận thương mại đã đạt được cách đây hai tháng. Về phía Mỹ, đại diện thương mại Mỹ R. Lighthizer thì gọi cuộc gặp lần này là cuộc gặp mang tính xây dựng. Theo đó, các chuyên gia của Mỹ và EU sẽ có cuộc gặp vào tháng 10 tới nhằm xác định các rào cản thuế quan và phi thuế quan có thể được dỡ bỏ, sau đó các quan chức thương mại cấp cao hai bên sẽ gặp vào tháng 11 để hoàn tất các kết quả./.
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn  (18/09/2018)
Thủ tướng Anh tin tưởng đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu  (17/09/2018)
Kiến nghị thu hồi hơn 75% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn  (17/09/2018)
Tiếp tục Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (17/09/2018)
Họp báo Khai trương Trung tâm báo chí và thông tin về Đại hội ASOSAI 14  (17/09/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên