Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nhu cầu tất yếu
TCCS - Thành phố Hồ Chí Minh với dân số trên 10 triệu dân, nhưng đất nông nghiệp không nhiều mà lại đang có xu hướng ngày càng giảm do quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chính vì vậy, từ năm 2005, Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương và thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC); và bước đầu đã xây dựng một số mô hình hiệu quả, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa NNƯDCNC.
Những kết quả bước đầu đáng ghi nhận
Trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm nông nghiệp ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như chất lượng. Thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và ngày 30-5-2005, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định số 89/2005/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý khu NNCNC. Để nông nghiệp phát triển một cách hiệu quả, tăng năng suất cây trồng, trong thời gian qua Thành phố Hồ Chí Minh đã NNƯDCNC, bước đầu đã đạt được các kết quả khả quan trên các mặt:
Thứ nhất, Thành phố là đơn vị đi đầu trong cả nước về NNƯDCNC, điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Kết quả điều tra sơ bộ về tình hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: hầu hết các hộ nông dân và doanh nghiệp trong phạm vi điều tra đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật công nghệ cao (trồng cây trong nhà lưới, hệ thống tưới tự động phun sương, nhỏ giọt,... máy vắt sữa bò,...).
Thứ hai, trên địa bàn thành phố đã hình thành những đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Công ty cổ phần phát triển và Đầu tư Nhiệt đới, Tập đoàn Vingroup.
Thứ ba, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chú trọng đầu tư xây dựng và nhân ra diện rộng, như mô hình chăn nuôi trang trại áp dụng công nghệ chuồng kín; mô hình sản xuất rau an toàn, hoa lan trong nhà lưới; mô hình nuôi cá cảnh... góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, đô thị ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị sản xuất cao như mô hình trồng hoa lan cắt cành, mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô lớn (quy mô >100 con bò sữa).
Thứ tư, công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ chính, chú trọng nhiều đến việc chuyển giao, quản lý kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; công tác ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ đạt kế hoạch và tiến độ đề ra;
Thứ năm, công tác đào tạo nhân lực đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc cử cán bộ tham gia các khóa học nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý do Sở Nội vụ tổ chức, các khóa đào tạo chuyên môn ở nước ngoài, như I-xra-en, In-đô-nê-xi-a; tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn học đại học và sau đại học; chủ động phối hợp với Hội Nông dân Thành phố và Hội nông dân các quận/huyện triển khai các lớp tập huấn các kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho bà con nông dân.
Thứ sáu, công tác đầu tư và xúc tiến đầu tư đã phối hợp tốt với các sở ngành, các huyện liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các Khu Nông nghiệp công nghệ cao; các dự án đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ bảo đảm tiến độ; việc xây dựng thương hiệu Khu Nông nghiệp công nghệ đã cơ bản hoàn thành giai đoạn chuẩn bị.
Thứ bảy, công tác duy tu bảo dưỡng, khai thác hạ tầng được hoàn thiện từ khâu tổ chức, phối hợp, đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư trong Khu tốt hơn; hoạt động tổ chức tham quan, hướng nghiệp và du lịch trong Khu ngày càng chuyên nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng quan tâm.
Thứ tám, hoạt động hợp tác trong và ngoài nước đa dạng, thực chất và có chiều sâu, được nhiều đối tác trong và ngoài nước tin cậy. Hoạt động hợp tác đã mở ra nhiều cơ hội liên kết phát triển NNƯDCNC, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố trong việc lan tỏa cách thức quản lý, vận hành Khu Nông nghiệp công nghệ cao đối với các địa phương và tiếp nhận, phổ biến các kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ các tổ chức quốc tế.
Vẫn còn đó một số hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình phát triển NNƯCNC vẫn còn một số hạn chế tồn tại như sau:
- Việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao trong nông nghiệp Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và cũng như thực tế yêu cầu của sản xuất (ứng dụng công nghệ cao mới chỉ tập trung ở mô hình với quy mô nông hộ, chưa nhân ra diện rộng, chưa ứng dụng rộng rãi do việc ứng dụng thiếu sự đồng bộ).
- Thiếu nhân lực chất lượng cao cũng là một trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù Khu Nông nghiệp công nghệ cao nằm ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nơi có nhiều trường đại học lớn, viện nghiên cứu, nhưng Ban quản lý cho biết, những năm qua khu nông nghiệp này rất vất vả trong việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ. Một trong những nguyên nhân chính là do việc đi lại làm việc hàng ngày của cán bộ kỹ thuật, nhân viên của khu này chưa được thuận lợi.
- Công tác triển khai dự án đầu tư mở rộng Khu NNCNC lĩnh vực trồng trọt tại huyện Củ Chi và dự án xây dựng mới Khu NNCNC lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Bình Chánh còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do các sở ngành có liên quan chưa thống nhất được địa điểm để bố trí đất xây dựng các Khu NNƯDCNC.
Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp kéo dài quá lâu hoặc triển khai các công nghệ không đúng như đã cam kết chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề trên là sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong việc quản lý các hoạt động nhà đầu tư trong Khu chưa thật chặt chẽ.
- Thu hút đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao đã khó nhưng việc tìm kiếm đầu ra thông qua con đường chuyển giao công nghệ, các mô hình canh tác cho nông dân cũng không khá hơn. Nguyên nhân là do chi phí làm nông nghiệp công nghệ cao, trình độ tiếp cận của nông dân còn hạn chế.
- Việc liên kết giữa Khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn do mức độ sẵn sàng đầu tư ứng dụng các kỹ thuật, mô hình canh tác công nghệ cao trong nông nghiệp của hợp tác xã, doanh nghiệp chưa cao; trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp còn khiêm tốn.
- Sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao, nên thường chỉ có những tổ chức, cá nhân có điều kiện về năng lực, về vốn mới sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được.
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, cũng như xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn có hàm lượng công nghệ cao.
Nguyên nhân của các hạn chế
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Tình trạng đất đai manh mún, quá trình đô thị hóa cũng như tính không ổn định lâu dài của đất sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến việc đầu tư, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (ii) Thiếu vốn đầu tư trong nông nghiệp cũng là một hạn chế cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn. (iii) Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu. (iv) Số doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao tại Thành phố không nhiều. Bước đầu có một số doanh nghiệp có khả năng nhưng còn hạn chế cả về quy mô và số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. (v) Các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư, trình độ tiếp nhận ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Cần có những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh NNƯDCNC trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới
Nhằm nâng tỷ trọng giá trị sản xuất NNƯDCNC đến năm 2020 chiếm từ 60% - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả Thành phố, cần có những giải pháp phù hợp, kịp thời hơn trong thời gian tới:
Một là, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 27-10-2016, của Thành ủy về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và đáp ứng vệ sinh an toàn của mặt hàng nông sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai là, giải pháp về cơ chế chính sách: Áp dụng các cơ chế chính sách quy định trong Luật Công nghệ cao, Quyết định số 1895/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, và các quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đồng thời, trình các cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Quản lý Khu NNCNC nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với chiến lược phát triển của Khu NNCNC đến năm 2020.
Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch: Triển khai quy hoạch vùng sản xuất NNƯDCNC và công bố công khai quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất rau, hoa, cây kiểng, chăn nuôi, thủy sản tập trung để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành các dự án xây mới Khu NNCNC tại Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai đề án đầu tư, bổ sung cho Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển thành Trung tâm Công nghệ sinh học miền Nam theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg, ngày 28-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, triển khai dự án xây dựng Khu NNCNC lĩnh vực trồng trọt - sau thu hoạch tại xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi) và Khu NNCNC lĩnh vực thủy sản tại huyện Cần Giờ. Tiếp tục phối hợp với các sở ngành và các huyện liên quan lựa chọn địa điểm phù hợp để thực hiện các dự án mở rộng Khu NNCNC lĩnh vực trồng trọt tại huyện Củ Chi và lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Bình Chánh.
Năm là, giải pháp về khoa học - công nghệ: Khuyến khích các đề tài nghiên cứu về NNƯDCNC; Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao kết quả và triển khai vào thực tiễn sản xuất, dự kiến chuyển giao ít nhất 3 quy trình kỹ thuật, mô hình NNƯDCNC cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh lân cận.
Sáu là, giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện chương trình hợp tác đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên trong lĩnh vực NNCNC có sự ưu đãi của Nhà nước. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho doanh nghiệp, nông dân về bảo hộ giống cây trồng, bảo hộ sáng chế, bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng hệ thống quản lý và bảo hộ các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực thi hiệu quả chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học theo Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, ngày 12-5-2014, của chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Quyết định số 5715/QĐ-UBND, ngày 21-11-2014, của Ủy ban nhân dân Thành phố về thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ.
Bảy là, giải pháp về vốn: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất NNƯDCNC. Cần có chính sách lãi suất ưu đãi, chính sách miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư, khi đầu tư vào sản xuất NNƯDCNC.
Tám là, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong Khu NNCNC đăng ký hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ; đẩy mạnh việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Khu NNCNC cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu của Thành phố đã được phê duyệt, gồm: Chương trình giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, Chương trình hỗ trợ, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội - nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.
Chín là, Sở Công Thương nghiên cứu và dự báo thị trường đầu ra; Đồng thời, dự báo tình hình giá cả thị trường cho hàng nông sản khi sản xuất NNƯDCNC nhằm giúp cho nông dân và các nhà đầu tư yên tâm.
Mười là, giải pháp về thông tin, tuyên truyền:
1- Đối với cơ quan quản lý:
- Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp xây dựng chương trình phối hợp với đài truyền hình thành phố, VTV, VOH thực hiện chương trình truyền hình, phát thanh về các nghiên cứu, chuyển giao, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Phối hợp với các địa phương (cấp quận, huyện, xã, phường) phát hành các tài liệu về các nghiên cứu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đến với doanh nghiệp, nông dân.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các sản phẩm và công nghệ cao cần chuyển giao cũng như từ nhu cầu đặt hàng thực tế, chuyển tải trên các trang mạng liên quan.
2- Đối với doanh nghiệp, nông dân:
- Các doanh nghiệp được hỗ trợ, tạo điều kiện để đăng ký thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
- Các doanh nghiệp được tạo điều kiện tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ nước ngoài (thông qua hội nghị, hội chợ, triển lãm,... tại nước ngoài).
- Nông dân được tập huấn về chuyển giao công nghệ cao, tham quan, hội thảo các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.
Nhận rõ tình hình mới và các dạng quan điểm sai trái, thù địch  (25/07/2018)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến 22-7-2018)  (24/07/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 16 đến ngày 22-7-2018)  (24/07/2018)
Công bố tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập các cuốn 2,4 và 6 tiếng Lào  (24/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay