Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang vững tin bước vào năm học mới
TCCSĐT - Sau ba năm ngành giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, bằng nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và sự phối hợp trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, ngành đã gặt hái nhiều thành công ở các cấp học, nhất là năm học 2016 - 2017. Bước vào năm học mới 2017 - 2018, ngành thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu cao hơn, kỳ vọng đạt thành tích nhiều hơn.
Thành tựu đáng tự hào
Phát huy mọi nguồn lực của xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo địa phương, năm học 2016 – 2017, tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực cho giáo dục nhằm thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó tập trung kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hệ thống trường, lớp các cấp, ngành học từ mầm non đến phổ thông đã phủ khắp 156 xã, phường, thị trấn bước đầu đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Đến nay, toàn tỉnh có 744 cơ sở giáo dục và đào tạo: 202 trường mầm non, 334 trường tiểu học, 157 trường trung học cơ sở, 51 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường đại học. Trong số đó, có 110 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 14,78% (22 trường mầm mon, 51 trường tiểu học, 23 trường trung học cơ sở và 12 trường trung học phổ thông).
Các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, phát triển toàn diện năng lực người học. Phương châm giáo dục toàn diện cho học sinh là “Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”; điều quan trọng là đội ngũ thầy, cô giáo quan tâm dạy học sinh sống thật thà, tử tế và vị tha; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học… Nhờ vậy, đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục của các ngành học, cấp học. Năm 2017, có 21.809 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt 99,63 %, phân luồng vào cấp trung học phổ thông khoảng 76%. Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, có 13.253 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 98,66%; trong đó, hệ phổ thông đạt 99,53%, hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do đạt 77,12%.
Hưởng ứng các cuộc vận động, hội thi, phong trào thi đua trong ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã huy động các em học sinh, thầy, cô giáo tham gia tích cực các phong trào mang về kết quả khá khả quan. Cụ thể, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 2 giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích; ngành giáo dục tỉnh tổ chức thi học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh có 333 thí sinh đạt giải (10 giải nhất, 210 giải nhì, 213 giải ba); tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia tại thành phố Vũng Tàu đạt 2 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích; hội thi tài năng tiếng Anh có 9 cá nhân đạt giải nhất, 13 giải nhì, 18 giải ba, 39 giải khuyến khích; tham gia Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn có 34/50 sản phẩm đạt giải và 30/47 sản phẩm đạt giải cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức…
Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức các cấp khá chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, có tác dụng tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục. Kết quả, có 876 học sinh được đỡ đầu dưới hình thức hỗ trợ thêm sinh hoạt, học tập hàng tháng, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế với tổng số tiền hỗ trợ gần nửa tỷ đồng cùng với nhiều hiện vật. Các chi hội trong trường học phối hợp tham gia xét chọn 47.268 học sinh nhận học bổng khuyến học, khuyến tài có giá trị 23,628 tỷ đồng; trao quà “Tiếp bước đến trường” cho 52.025 học sinh với số tiền 12,8 tỷ đồng, góp phần giúp cho nhiều học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Bên cạnh những thành tích đạt được, trong năm học qua ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức cần khắc phục trong thời gian tới, như: Chất lượng giáo dục của các ngành học, cấp học tuy có chuyển biến theo chiều hướng tích cực nhưng vẫn còn chậm; công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở tuy duy trì đạt chuẩn nhưng chưa thật sự vững chắc, do tỷ lệ bỏ học còn cao; triển khai mô hình trường học mới còn gặp khó khăn, đặc biệt là chưa được sự đồng tình cao của dư luận xã hội; công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả cao; đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiến độ triển khai chậm so lộ trình đề ra…
Những kinh nghiệm quý
Thứ nhất, các cấp quản lý giáo dục, tùy theo nhiệm vụ của mình đã thực hiện tốt vai trò tham mưu đối với cấp ủy ngành, chính quyền địa phương nên đã góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục.
Thứ hai, ngành giáo dục của tỉnh đã tranh thủ tốt sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, cùng với phối hợp các ngành chức năng trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý tài chính và xây dựng cơ bản nâng cấp cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục. Kịp thời đề xuất chủ trương giải quyết khó khăn, không để kéo dài.
Thứ ba, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo của ngành trong tình hình mới.
Thứ tư, trong từng nhiệm vụ công tác, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện. Thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại hạn chế.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Những đóng góp công sức của tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp giáo dục đã được ghi nhận công khai, minh bạch, vinh danh kịp thời, qua đó tạo niềm phấn khích, tin tưởng của xã hội đối với ngành giáo dục.
Vững tin bước vào năm học mới, kỳ vọng đạt nhiều thành công mới
Bước vào năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục và đào tạo An Giang tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành giáo dục và đào tạo theo nội dung Chương trình hành động số 05-CTr-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, phát triển quy mô hợp lý; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong nhà trường; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục; tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân của học sinh đối với cộng đồng xã hội; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập nhằm đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục phát triển.
Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đề ra mục tiêu cụ thể, huy động 4.400 cháu vào cấp học mầm non (chiếm 6,14% so dân số trong độ tuổi dưới 2 tuổi), 58.800 cháu vào học mẫu giáo (chiếm 55,57% so dân số trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi), cấp tiểu học 190.000 học sinh (100% dân số trong độ tuổi 6 đến 10 tuổi), cấp trung học cơ sở 124.500 học sinh (chiếm 93,4% dân số độ tuổi 11 đến 14 tuổi), cấp trung học phổ thông có 49.500 học sinh (chiếm 57,59% dân số độ tuổi 15 đến 17 tuổi). Riêng hệ giáo dục thường xuyên thu hút 1.850 học viên ra lớp bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đồng thời, nhanh chóng triển khai biện pháp phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở với tỷ lệ 76% vào trung học phổ thông, ít nhất 10% học hệ giáo dục thường xuyên, còn lại học nghề. Phấn đấu công nhận thêm 109 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 219 trường (chiếm 29,43% tổng số trường).
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” năm 2017, nhằm huy động sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều gia đình chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho khai giảng, đưa con em đến trường đầu năm học; triển khai, hướng dẫn nhiệm vụ của toàn ngành. Đến nay, các đơn vị cơ sở đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho năm học mới, chủ động tham mưu chính quyền, phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức huy động học sinh ra lớp và vận động học sinh bỏ học trở lại trường.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã hướng dẫn các đơn vị trong ngành tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả cao hơn các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, “dạy chữ” gắn với “dạy người”, “dạy nghề”, rèn luyện phẩm chất, đạo đức để học sinh phát triển trí tuệ lẫn nhân cách. Mở rộng quy mô hợp lý, phát triển mạng lưới trường, lớp theo quy hoạch, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; tăng tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi. Các đơn vị trong ngành cần chủ động phối hợp thực hiện tốt các giải pháp hạn chế học sinh bỏ học và đẩy mạnh hoạt động “Khuyến học, khuyến tài”.
Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục và đào tạo trên cơ sở hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục kết hợp cải thiện đồng bộ chất lượng các mặt công tác như: Truyền thông, pháp chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, cải cách hành chính, bồi dưỡng đội ngũ, thi đua khen thưởng… Tỉnh và các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục một cách thống nhất, hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, hoạt động chuyên môn (ra đề kiểm tra học kỳ, tổ chức thi nghề phổ thông, thực hiện nội dung chương trình…) có kết hợp đồng bộ với đổi mới, tăng cường công tác thanh, kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm tra nội bộ của các cơ sở giáo dục.
Ba là, thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học, nhất là cấp trung học cơ sở, củng cố công tác phổ cập; nâng chất lượng giáo dục thông qua phong trào thi đua “Hai tốt” và cuộc vận động “Đổi mới phương pháp dạy và học”, góp phần vào kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, đặc biệt phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Bốn là, đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt, như: Kế hoạch thực hiện công tác phổ cập giáo dục - chống mù chữ tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020; Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2020, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 - 2020; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất giáo dục cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ở các trường; chấn chỉnh việc lạm thu và dạy thêm, học thêm sai quy định.
Năm là, thông qua việc đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng..., các cơ sở giáo dục lồng ghép với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, phấn đấu đạt nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh được tích hợp vào các môn học và triển khai đa dạng trong các hoạt động ngoài giờ, tạo sân chơi hấp dẫn, hứng thú cho học sinh, giúp các em không chỉ lĩnh hội kiến thức mà có được những phẩm chất cần thiết, hình thành nhân cách tốt./.
Agribank đi cùng những mùa thu lịch sử  (14/09/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-9-2017)  (14/09/2017)
VCCI: Nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp  (14/09/2017)
Tỉnh Thái Nguyên chú trọng triển khai các công trình, dự án trọng điểm  (14/09/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên